GIA

PHẢ

TỘC

họ
Mai
La
sơn

Tĩnh
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TÀI SẢN, HƯƠNG HỎA, GHI CHÚ

1.VĂN HÓA THỜ CÚNG

Thờ cúng là hoạt động tập thể của một Gia đình hay Gia tộc, thực hành một số nội dung của Gia giáo trong đó chú trọng trau dồi chữ Lễ, phát dương Trung-Hiếu- Nhân- Nghĩa. Về mặt tín ngưỡng người ta tin rằng chết là về với Tổ tiên nơi chín suối, nhưng vẫn đi về thăm nom phù hộ con cháu, vì thế con cháu rất chú trọng thờ cúng Tổ tiên tỏ lòng báo Hiếu.
Thờ là cách bố trí sắp đặt các đồ thờ, thiên về vật thể. Cúng là nghi thức thực hiện buổi lễ, thiên về phi vật thể.
Muốn tổ chức thờ phải chọn:
= Thần chủ là thần tượng tinh thần mà mọi người trong Gia tộc thừa nhận và tôn thờ. Thần chủ là người có công sáng lập Họ, đồng thời là người có công với Dân với Nước, vì thế Thần chủ là nhân vật lịch sử tồn tại khách quan. Họ Mai La Sơn có thần chủ là Quản Lĩnh Hầu Mai Điên. Nhà thờ Công Giáo có Thần chủ là Giesu, Nhà chùa Phật giáo có Thần chủ là Phật Tổ Thichca, Nho giáo chọn thần chủ là Khổng tử.
= Tả hữu phụ vị là các Tổ từ các nơi hợp tự về chầu 2 bên phía trước, giống như các đại thần trong Triều Đình, các đại thần thường đứng chầu, ở đây có đặt Ngai tỏ ý tôn trọng và thân tình. Qua bố trí như vậy thể hiện tính Tôn ti trật tự và thuyết “Chính danh định phận” rất khắt khe; sai vị trí của Danh nếu phụ vị biến thành chính vị là thất lễ, trái vơí Trung. Người ta ví đức Tổ tiên sáng như vầng Nhật Nguyệt, Tổ ông là Nhật, Tổ bà là Nguyệt nên hình tượng hoá của Tổ là vầng nhật nguyệt và chầu Tổ thường chọn lưỡng Hạc chầu. Thượng Điện có treo Hoành phi : “MAI THẾ TỪ”-Nhà thờ Tổ các đời họ Mai.
= Các đồ thờ cứ theo nguyên tắc 1 chính 2 phụ, 1 cao 2 thấp, 1 to 2 nhỏ mà sắp đặt, đồ tế thường sắm 5-7-9 bộ; xếp đặt như vậy vừa theo Tôn ti vừa theo tư duy “Thái cực sinh lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”.
= Tế chủ là con, cháu trai trưởng của thần chủ, nếu nhánh trưởng khuyết thì nhánh thứ nhưng phải là con trai trưởng giòng chánh thất, bởi vì Dâu chánh thất được cha mẹ hai bên tổ chức cưới hỏi chu đáo và giao trách nhiệm gìn giữ Gia phong của Gia tộc. Vì thế các cụ xưa rất quý cháu Đích tôn, có trường hợp chánh thất sinh con gái phải tìm con trai nơi “trắc thất”(ngày nay gọi là Bồ).
= Ngày tế: vì đã hợp tự nên ngày tế không chọn trùng với ngày giỗ của ai cả, như thế là công bằng; thường mỗi họ Xuân-Thu nhị kỳ có 2 ngày tế vào tháng trọng(tháng thứ hai của mỗi mùa), mùa xuân là tế chính, thu là tế phụ. Ngày xưa theo quy định, ngày Đinh thượng tuần là ngày tế của các phủ, họ ta chọn ngày Bính sau đó, và chọn 6/2 và 6/8. Những họ không hợp tự mà tế riêng thì thường theo “luật bất thành văn” làm vào các ngày lễ chung trong năm của nhà Phật như Rằm tháng Giêng là ngày Cầu Sao Giải Hạn và Rằm tháng bảy là ngày Xá tội Vong linh!
Trước thượng Điện là Bái đường, ở đây con cháu tiến hành các nghi thức tế Tổ cực kỳ trang nghiêm, mọi cử chỉ hành động ở đây phải cung kính như đứng trước Tổ tiên- tế như tại. Ví như trước lúc vào làm lễ phải rửa tay, cởi bỏ dày dép, mặc áo lễ riêng, phải có người kiểm tra lễ vật dâng lên có đầy đủ và sạch sẽ không, đi lại tiến lui phải rất nhẹ nhàng, không bước cao chân, không quay lưng vào Bàn thờ Tổ... Nơi đây cũng đặt các nhạc cụ như Trống, Chuông hòa cùng với lễ có tác dụng mạnh đến phát huy những đức tính Đôn Hậu của con người. Tế có mức độ trang nghiêm hơn hẳn: có văn tế biên soạn công phu nêu lên được công đức, truyền thống của tổ tiên, ước nguyện của con cháu và được đọc với một chất giọng riêng; có bài xướng lễ thực hiện các động tác hết sức cung kính và có nhạc họa theo, tất cả hợp thành một nghi thức long trọng tác động rất mạnh đến giáo dục lòng Trung Hiếu Nhân Lễ và tình cảm tâm linh của mỗi người. Nơi hành lễ như vậy Tổ tiên ta gọi là “Phục Chiêu Đường” tức là Gian Lễ Phục Sáng, làm cho tâm hồn trong sáng, tránh điều mờ tối, hướng thiện tránh tà, phát huy những đức tính tốt đẹp Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín của con cháu. Trong nhà thờ Thiên chúa Giáo có gian Sám Hối, tức là nơi ăn năn về những điều mờ tối của con Chiên.
Còn các Bàn thờ gia tiên thì con cháu ở đâu thờ cha mẹ, ông bà ở đó, chỉ cần đặt bàn thờ ở gian giữa trang trọng nhất trong nhà ở của con cháu, không cần phải xây cất riêng. Thần chủ ở bàn thờ gia tiên là người cao nhất còn thời hạn cúng giỗ(cao Tổ). Sắp đặt ở bàn thờ gia tiên cũng theo nguyên tắc như trên nhưng có đơn giản hơn. Một số gia đình do không nắm được nguyên tắc nên nhờ thầy cúng lập bàn thờ. Thầy cúng là những người theo Thần giáo, dĩ nhiên không thể xếp đặt bàn thờ theo Gia giáo được và làm sai lệch ý nghĩa của một bàn thờ Gia tiên, lúc đó Thần chủ trên bàn thờ Gia tiên không phải là gia tiên nữa. Làm lễ ở bàn thờ Gia tiên gọi là cúng, cúng về nghi thức đơn giản, có thể không nhạc(chuông, trống..), có thể khấn nôm vì con cháu ít nên không thể tổ chức chu đáo được. Khi có người mới mất thì lập bàn thờ Tang, hết tang thì chuyển lên bàn thờ Gia tiên, hết 5 đời cúng giỗ tại bàn thờ Gia tiên lại chuyển lên nhà thờ Tổ để tế chung với các Tổ, không bỏ giỗ của bất kỳ ai mà cũng không bắt con cháu chịu đựng quá nhiều lớp thờ. “Tống Giỗ” không có nghĩa là bỏ giỗ mà là tiễn các cụ về với Tổ, nâng các cụ lên mức thờ cao hơn tức là Tế. Khi cúng hay tế là làm lễ, lễ gồm có Lễ vật và Nghi thức, hai thứ đều quan trọng như nhau và bổ trợ lẫn nhau, cả hai đều biểu lộ lòng thành kính đối với Tổ tiên.
Nhà thờ Tổ là vĩnh cửu, bàn thờ Gia tiên là biến động theo sự phát triển của các gia đình. Thờ như vậy là rất giản dị và thuận tiện, lại giống như Gia tiên luôn hiện diện nhắc nhỡ dìu dắt con cháu, giảm nhẹ các chi phí, đồng thời tạo điều kiện tập trung xây dựng nhà thờ Đại tôn thành nhà thờ “Cả” của con cháu mọi nhà, thực hiện sự hội tụ cõi âm:“Lá rơi về cội, người về Tổ tông”, tạo điều kiện để con cháu đoàn kết hướng tới cội nguồn, rất phù hợp với xu thế mọi thời đại..
Trong trường hợp xa xứ, con cháu có thể xây nhà thờ Vọng, nhưng Thần chủ không thay đổi.

2. VĂN KHẤN TRƯỚC MỘ TỔ NGÀY 5/2 âl.

(phó chủ tịch HĐGT ... đọc)

Hôm nay ngày 5 tháng 2 năm ....
Tại thượng tầng Nê Lĩnh, trước Âm phần Long mạch, Sơn thần, Địa phủ,
Trước mộ thuỷ tổ cùng các liệt tổ liệt tông Mai tộc Đại tôn.
-Hội đồng Gia tộc họ Mai La Sơn Hà Tĩnh, chủ tịch ..., phó chủ tịch ....
-Tộc trưởng ...cùng con cháu toàn họ thành tâm kính bái!
Nay nhân xuân tế và kỷ niệm ... năm lập họ, xin kính cẩn dâng lễ trước Âm phần long mạch, Sơn thần Địa phủ và thưa rằng:
Họ chúng tôi có ngài Thuỷ tổ Lê triều công thần quản lĩnh hầu Mai tướng công huý Điên, cùng các liệt Tổ liệt tông táng tại đây. Nay nhân ngày xuân tế, xin bái tạ Long mạch cầu yên.
Cúi nghĩ Tôn thần!
Núi cao tụ hồi tú khí, đất lành hun đúc tinh anh,
Đất trời tạo dựng, sông núi hữu tình.
Nhớ xưa, cụ tổ anh linh, hài cốt thơm, an táng đất lành,
Trải qua bao nhiêu thế đại, mồ mả còn đảm bảo an ninh.
Ý hẳn:
Thần hội rồng nuôi dưỡng phần âm, bảo toàn khô cốt,
Trời giành đất đãi người có phúc, bồi dưỡng hậu sinh.
Nay nhân tiết xuân phân, con cháu kính cẩn nghiêng mình,
Mặc niệm thuỷ tổ, bái tạ thần linh,
Cúi mong chứng giám, được hưởng yên lành
Cầu tiên tổ, Phách thể bình yên, mộ vững bền như núi non hùng vĩ,
Nhờ Long thần, hồng ân gìn để, phúc di lưu cho con cháu khang ninh.

Kính xin cho các vong linh, ngày mai về Tổ Đường dự lễ.
Cẩn cáo!

3. TẾ TỔ VĂN
Duy!
Cộng hoà / xã hội / chủ nghĩa/ Việt nam //
La Sơn Mai Tộc /, đệ ngũ bách/ tam thập .... niên/ tuế thứ//, .... niên/, Nhị nguyệt/, sơ lục nhật//.
Hà Tĩnh tỉnh/, Đức Thọ huyện/,Tùng ảnh xã/, Châu Nội thôn//.
Mai đường Đại Tôn/:
• chủ tịch hội đồng Gia tộc/ ......//,
• tế chủ ........./
• hiệp dữ chư vị / thúc phụ /, kỳ lão /, cập nội ngoại / tử tôn / hôn tế / đồng tộc đẳng / cảm kiền cáo vu //:
Tư nhân / Tân niên / bản đường / xuân tế //, Cẩn dị /: hương đăng /, phù tửu /, quả phẩm /, hàn âm /, tư thành /, trư nhục.../ đẳng vật chi nghi /, cung trần bạc tế //.
( chỉ đọc các thứ có dâng lên bàn thờ )

Hiển:
*Thuỷ Tổ khảo/
Cố Lê triều công thần / Hướng đạo lãnh binh/
Chinh tước Chiêm Thành/ sắc phong Hầu tước/
Mai tướng công húy Điên //
cùng Tổ bà / Phan thị Phu nhân//.
*Tiên tổ khảo/ Nho sinh/ Mai công/ huý Nhân Ninh//
* Cùng tả hữu phụ vị các tiên linh //
Kính nghĩ:/
Mai hồ xanh trong,cảnh xuân rạng rỡ,
Nê lĩnh tháng hai man mác khí thiêng,
Quê hương giàu đẹp, biết ơn tiên tổ xây nền,
Đất nước thanh bình, nhớ ơn ông cha đánh giặc.
Nhớ Tổ xưa /
Trung Quân Ái quốc //
Giúp Vua đánh giặc/
hết Bắc / lại Nam //
Cho Giang Sơn / vững bền Xã Tắc //
Cho La Sơn / nở rộ Mai vàng //.
**
Buổi chiến trận / cành Mai hoá kiếm //
Đuổi quân thù / cho tỏ nghĩa trung //
Khi Thái Bình / chắt chiu nhựa sống //
Để cành Văn / khoe thắm Mai trang /.
**
Ơn dưỡng dục / : áo dày cơm nặng // ,
Công thành do / lao động siêng năng // .
Đức Cù lao / : Đạo cả cương thường /,
Danh toại bởi / chăm lo đèn sách //.
**
Đức sáng lưu truyền / mở mang lớp trước //
Phúc cao kế thừa / tiếp bước đời sau //
Trải qua / bao cuộc / biển dâu /,
Cành xanh / hoa thắm /, gốc sâu vững bền //.
**
Nay nhân :

Đầu Xuân năm mới /Ngưỡng mộ Tôn linh //
Dâng bày lễ mọn / Giải tỏ tâm thành://
Muôn thuở nhớ /:Tu thân trung hiếu //
Trăm năm lo/: Xử thế nhân hoà //
**
Ngưỡng vọng/:
Tổ tiên / ban phúc ấm //
Mai vàng / muôn thuở / thắm tươi hoa //
Cho no ấm mọi nhà /,Cho nhân tài nảy nở /,
Cho gia phong muôn thuở,/Được xây đắp vững bền //.
**
Kính mời/ các vị tiên linh phối tế/ con cháu thương vong, theo gót Tổ Tông , cùng về hâm hưởng//

Kính cáo/ ngũ tự Gia thần chiếu giám //


4. XƯỚNG TẾ VĂN

1/ Khởi chinh cổ các tam nghiêm// (nổi chiêng trống 3 hồi)
2/ Nhạc sinh tựu vị// (đội nhạc vào vị trí)
3/ Củ soát tế vật// (kiểm soát lễ vật-2 chấp sự dẫn chủ tế vào nội điện cầm hương soi xem xét)
4/ Chấp sự giả, các tư kỳ sự// (các chấp sự sẵn sàng hành lễ)
5/ tế chủ cập chấp sự giả nghệ quán tẩy sở//
(chủ tế, bồi tế và các chấp sự rửa tay rửa mặt), thuế cân//9lau khô)
6/ Bồi tế tựu vị// (bồi tế vào chiếu trước)
7/ Tế chủ tựu vị// (tế chủ vào chiếu sau)
8/ Thượng hương// (2 chấp sự bưng lư hương và hộp trầm chuyển qua bồi tế trao cho chủ tế quỳ vái xong lại chuyển trả lại để chấp sự đặt lên hương án như cũ)
9/ Nghênh thần cúc cúng bái// (tế chủ và bồi tế lạy 4 lạy theo nhịp xướng) bái//hưng//
10/ Bình thân// (đứng nghiêm)
**
11/ Hành sơ hiến lễ// (lễ hiến rượu tuần đầu):
12/ Nghệ tửu tương sở, tửu tương giả cử mịch (một nội tán mở đài rượu)
13/ Chước tửu// (rót rượu)
14/ nghệ hương án tiền// (tế chủ và 2 bồi tế lên chiếu 1)
15/ quỳ//
16/ Tiến tước// (chấp sự chuyển đài rượu qua bồi tế đến chủ tế)
17/ Hiến tước// (chủ tế nâng đài rượu vái xong trao cho 2 bồi tế cùng đưa vào nội điện)
18/ Phủ phục// (cúi lạy) Hưng// (đứng lên)
19/ Bình thân phục vị// (đứng nghiêm, xuống chiếu 2)
**
20/ Độc chúc// (chuẩn bị đọc văn)
21/ Nghệ đọc chúc vị//(tế chủ và bồi tế lên chiếu 1, chấp sự lấy văn tế đã để sẵn trên Hương án )
22/ Giai quỳ// (chủ tế, bồi tế, chấp sự chuyển văn và người đọc văn đều quỳ)
23/ Chuyển chúc// (chấp sự chuyển văn qua bồi tế đến chủ tế, chủ tế hai tay nâng bài văn vái một vái rồi chuyển qua bồi tế đến người đọc)
24/ Tuyên đọc// (người đọc văn 2 tay nâng bài văn lên vái một vái rồi bắt đầu đọc, ....sau khi đọc xong lại chuyển văn cho bồi tế tới tế chủ, tế chủ nâng bài văn vái một vái rồi trao cho chấp sự chuyển văn qua bồi tế, bồi tế nhận văn đưa vào nội điện)
25/ Phủ phục// (bái// hưng//) (bái//hưng//)(2 lần)
26/ Bình thân phục vị// (đứng nghiêm, về chiếu 2)
**
27/ Hành á hiến lễ// nghệ hương án tiền// (lễ hiến rượu lần 2)
28/ Nghệ tửu tương sở/, tửu tương giả cử mịch//
(một nội tán mở đài rượu)
29/ Chước tửu// (rót rượu)
30/ nghệ hương án tiền// (tế chủ và 2 bồi tế lên chiếu 1)
31/ quỳ//
32/ Tiến tước// (chấp sự chuyển đài rượu qua bồi tế đến chủ tế)
33/ Hiến tước// (chủ tế nâng đài rượu vái xong trao cho 2 bồi tế cùng đưa vào nội điện)
34/ Phủ phục// (cúi lạy) Hưng// (đứng lên)
35/ Bình thân phục vị// (đứng nghiêm, xuống chiếu 2)
**
36/ Hành chung hiến lễ// (lễ dâng rượu lần 3 cũng như cũng như 2 lần trên)
37/ Nghệ tửu tương sở/, tửu tương giả cử mịch//
(một nội tán mở đài rượu)
38/ Chước tửu// (rót rượu)
39/ nghệ hương án tiền// (tế chủ và 2 bồi tế lên chiếu 1)
40/ quỳ//
41/ Tiến tước// (chấp sự chuyển đài rượu qua bồi tế đến chủ tế)
42/ Hiến tước// (chủ tế nâng đài rượu vái xong trao cho 2 bồi tế cùng đưa vào nội điện)
43/ Phủ phục// (cúi lạy) Hưng// (đứng lên)
44/ Bình thân phục vị// (đứng nghiêm, xuống chiếu 2)
**
45/ Quân hiến ẩm phước// (chủ tế thay mặt toàn tộc nhận lộc)
46/ Nghệ ẩm phước vị// (chủ tế tiến 1)
47/ Ẩm phước// (uống rượu lộc do chấp sự lấy trên bàn thờ chuyển cho)
48/ Thụ tộ// (nhận lộc, ăn miếng trầu thay miếng thịt ngay trong lễ)
49/ Phủ phục//(Bái//Hưng//) (Bái//Hưng//) (2 lần)
50/ Bình thân phục vị//
**
51/Tạ lễ/ cúc cúng bái// (cả chủ tế và bồi tế lạy theo nhịp chiêng trống và người xướng lễ) (Bái//Hưng//) (bái//hưng//) (bái//hưng//) (bái//hưng//)
52/ Bình thân//
53/ Hóa chúc// (đốt văn)
**
54/ Lễ tất///



Gia Phả họ Mai La sơn Hà Tĩnh
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc họ Mai La sơn Hà Tĩnh.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc họ Mai La sơn Hà Tĩnh
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.