GIA

PHẢ

TỘC

họ
Mai
La
sơn

Tĩnh
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP
LA SƠN MAI TỘC GIA ƯỚC - 2005

NHẬP ƯỚC

Những người trực hệ huyết thống gắn bó mật thiết với nhau thành một tế bào xã hội gọi là gia đình.
Nhiều gia đình cùng gốc huyết thống tạo thành một gia tộc, gia tộc là cầu nối giữ gia đình và dân tộc, có vai trò rất lớn trong ý thức tư tưởng của mọi người.
Quốc gia có Pháp luật, làng xã có Hương ước, Gia tộc có gia ước, gia đình có Gia quy. Gia ước thống nhất ý chí và hành động của con cháu trong gia tộc nhằm mục đích thờ phụng tổ tiên, duy trì gia phong, phát huy những tinh hoa của gia tộc để xây dựng gia tộc ngày càng vững mạnh.
Gia tộc ta coi trọng ý nghĩa của Gia phả và Gia ước trong chiến lược phát triển của gia tộc.
Sau khi thảo luận trong toàn họ, hội đồng gia tộc họ Mai La Sơn ban hành "La Sơn Mai Tộc Gia ước -2005".
Con cháu họ Mai La Sơn, tự hào với cội nguồn 530 năm và bản sắc văn hoá gia tộc, trên nối nghiệp tổ tiên truyền lại, dưới nêu gương con cháu noi theo, một lòng thực hiện Gia ước nhằm phụng sự tổ tiên, duy trì đạo lý gia phong, làm cho gia tộc ta được trường tồn trường thịnh.
Tùng Ảnh ngày 1 tháng 1 năm 2005.
Ký thay hội đồng gia tộc, Tiến sĩ chủ tịch hội đồng Mai Anh đã ký.

CHƯƠNG 1; GIA LỄ

Điều1. Nhà thờ là nơi để con cháu hành lễ thờ cúng tổ tiên. Có lễ thì mới duy trì được trật tự gia tộc và trật tự xã hội; tiên học lễ hậu học văn, văn cao mà không lễ thì sinh kiêu căng, dũng mà không lễ thì sinh loạn động, trực mà không lễ thì mất lòng người, lễ mà không nhân thì chỉ là hình thức.
Điều 2. Ban lễ nghi có nhiệm vụ giúp toàn gia tộc thực hiện các nghi thức cúng tế cổ truyền của tổ tiên sao cho "tế như tại", trang nghiêm, cảm hoá. Ban lễ nghi do ban trị sự thành lập, thành phần theo bài xướng tế ở chương 7.
Diều 3. họ Mai La Sơn có các ngày lễ sau đây:
1. Lễ Nguyên đán nhằm các ngày 1, 2 âm lịch.
2. Xuân tế - đại lễ nhằm ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch.
3. Thu tế nhằm ngày mồng 6 tháng 8 âm lịch.
4. Thượng nguyên nhằm ngày 15 tháng 1 âm lịch.
5. Trung nguyên nhằm ngày 15 tháng 7 âm lịch.
Trong đó Xuân tế là ngày đại lễ, con cháu ở xa cần tổ chức về dự, tất cả phải mặc lễ phục; về vật chất do ban trị sự quyết định theo khả năng tài chính con cháu đóng góp. Ngày thu tế là ngày tế phụ kèm tổ chức khen thưởng các cháu có thành tích học tập xuất sắc.
Điều 4. Hội đồng gia tộc sẽ tổ chức lớn vào các năm chẵn như 530, 535, 540, 545...
Điều 5. Ban trị sự nhà thờ cần nghiên cứu tổ chức các trò vui chơi giải trí cho con cháu trong ngày lễ nhằm làm cho ngày tế tổ là ngày hội lớn của gia tộc để hoà hợp và đoàn kết con cháu.
Điều 6. Bài trí trong nhà thờ cần trang nghiêm, đơn giản và hợp lý theo tổ tiên để lại.
Điều 7. Nhập tổ chỉ thực hiện sau 5 đời thờ cúng tại tiểu chi và được HĐGT xem xét.
Điều 8. Do diện tích nhà thờ có hạn, nhâp tổ chỉ tổ chức tượng trưng: rước chân nhang và bài vị cao tổ ở bàn thờ tiểu chi về bát nhang tại nhà thờ tổ, sau 1 năm đến kỳ xuân tế sẽ làm lễ hoá thần chủ.

CHƯƠNG 2 GIA PHONG

Điều 9. Gia tộc ta trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử vẫn không mờ đi "Mai cốt cách, tuyết tinh thần", ấy là nhờ tổ tiên và con cháu các đời đã biết trân trọng gìn giữ Gia phong(bản sắc văn hoá) của Gia tộc.
Điều 10. các chủ gia đình, các chi trưởng, các trưởng ban trị sự có nhiệm vụ nắm vững nguồn gốc và truyền thống gia tộc để truyền đạt lại cho con cháu trong các ngày giỗ nhằm khơi dậy lòng tự hào với cội nguồn và truyền thống, nỗ lực phấn đấu và xây dựng cuộc sống gia đình và gia tộc văn hoá ấm no hạnh phúc, chăm lo cho con cháu học hành thành đạt.
Điều 11. Các tiểu chi ở xa, cần tổ chức cho con cháu hành hương về cội nguồn tham dự các lế tế, như là giải pháp duy trì và phát triển gia phong.
Điều 12. Các gia đình cần xây dựng gia đình văn hoá theo tiêu chuẩn phường xã, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của nhà nước, làm tốt các công việc của gia tộc quy định trong gia ước.
Điều 13. Trong gia tộc không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội, cần xưng hô theo ngôi thứ trong gia phả.
Điều 14. Việc đặt tên là tự do cá nhân, nhưng với con trai trưởng nên giữ tên lót của chi họ mình để nhắc nhỡ con cháu nhớ tới côi nguồn bản thân.
Điều 15. Gia tộc ta coi trọng "Đoàn kết" là lẽ sinh tồn, thân tộc mà không kết đảng, hoà hợp mà không kéo bè, chỉ có một mục tiêu chung là làm cho gia tộc ngày càng hưng thịnh.
Điều 16. Các cá nhân cần có ý thức trách nhiệm trong việc làm cũng như lời nói nhằm giữ gìn sự đoàn kết gia tộc mà cả họ đã dày công vun đắp.
Điều 17. Mọi người hày sống và làm việc theo tinh thần đôi câu đối tro trong nhà thờ tổ:
Nhà hưng thịnh nhờ có nhiều con hiếu
Nước hùng cường do có lắm thần trung,
Tổ tông đã dựng gia phong
Cháu con phải biết ra công giữ gìn.
Điều 18. Mọi người hãy sống và làm việc theo tinh thần câu đối trong nhà thờ tổ:
Ta hãy làm một cây Mai đẹp
Để cành xanh hoa thắm trổ muôn đời
Dù hoàng hôn đời ta rồi sẽ tới,
Hãy lo cho con cháu sáng tương lai.
Điều 19. Các tộc viên theo khả năng cho phép, phát huy tinh thần tương ái trong họ giúp đỡ nhau trong hoạn nạn hoặc ốm đau cơ nhỡ, cũng như cùng nhau làm kinh tế tạo dựng cơ sở kinh doanh hay nghành nghề truyền thống, góp phần làm giàu cho bản thân và gia tộc.
Điều 20. La Sơn mai tộc coi các cháu thanh thiếu nhi là tương lai của gia tộc và khuyến khích các cháu phát huy truyền thống hiếu học, chăm ngoan học giỏi.
Gia tộc khen thưởng các cháu học sinh phổ thông đạt danh hiệu học sinh giỏi, đỗ đại học và đoạt các giải cao khác của quốc gia và quốc tế.
Các học sinh giỏi cấp trường do các chi khen, các học sinh giỏi cấp quận, huyện và quốc gia do HĐGTHMLS khen.
Đối tượng khen thưởng bao gồm cả các cháu ngoại trực hệ.
Mức độ khen thưởng do ban trị sự quyết định tuỳ theo ngân sách cho phép.
Điều 21. Gia tộc ta coi các Tiến sĩ là sao khuê trên bầu trời văn hoá của họ và tổ chức "Vinh quy bái tổ" cho các tiến sĩ vào các dịp kỷ niệm lớn của gia tộc bao gồm dựng bia, làm khoa trượng dâng tổ, tổ chức đón rước và yết cáo tổ tiên nhằm khích lệ phong trào học tập ở thế hệ trẻ,
Điều 22. La Sơn mai tộc coi tuổi già là vốn quý, kêu gọi các con trai gái dâu rể thực thi đạo Hiếu, chăm sóc chu đáo cha mẹ già yếu, giúp các cụ sống lâu với con cháu. Gia tộc sẽ tổ chức mừng thọ các cụ đạt tuổi 70-75-80-85-...và do ban trị sự các chi thực hiện, Mai tộc đại tôn sẽ tổ chức mừng thọ các cụ từ 90 tuổi trở lên.
Điều 23. Khi có người ốm đau hoặc qua đời, gia chủ qua chi trưởng báo cho ban trị sự, ban trị sự tổ chức thăm viếng tiễn đưa, con cháu trong toàn họ cần có ý thức tham gia đầy đủ và chu tất; trong trường hợp xa cách HĐGT sẽ gửi thư chia buồn.
Điều 24. La sơn mai tộc coi trọng sự đóng góp tích cực mọi mặt của con dâu đối với gia tộc; cha mẹ chồng cần trao gia ước cho con dâu mới sau khi làm lễ bái gia tiên tại nhà như là việc ký thác trách nhiệm to lớn của gia tộc cho con dâu.
Điều 25. La sơn Mai tộc biểu dương khen thưởng các con dâu, cháu dâu, con rể, cháu rể có thành tích cao trong việc gìn giữ gia phong, nuôi dạy con trẻ, chăm sóc tuổi già, hoạt động xã hội và công tác họ tốt.
Điều 26. Hội đồng gia tộc biểu dương khen thưởng các UV, ban trị sự, các tộc viên đã tận tâm, tận trí với công việc làm cho gia tộc ngày càng gắn bó thân tình, mọi bề thành đạt.

CHƯƠNG 3: GIA PHẢ

Điều 27. Gia tộc ta đã có dư 6 thế kỷ hình thành và phát triển, thế thứ tử tôn còn lưu lại được, ấy là nhờ tổ tiên và con cháu các đời đã coi trọng và không để gián đoạn việc biên chép gia phả. Con cháu cần giữ gìn truyền thống văn hoá tốt đẹp đó.
Điều 28. Phương pháp biên soạn Gia phả của gia tộc đã thể hiện đầy đủ trong "La Sơn Mai tộc Thế phả - 2004" trên cơ sở không phân biệt trưởng và thứ, nam và nữ, mọi người đều được ghi chép trong gia phả.
Điều 29. Việc tục biên gia phả được tiến hành tại các chi họ nhưng cần thống nhất phương pháp ghi mã số trong LSMTTP để dễ so sánh đối chiếu. Các chi họ sau khi in gia phả tục biên cần nộp lưu chiểu về nhà thờ Đại tôn.
Điều 30. Từ nay La Sơn Mai tộc không tổ chức viết và in gia phả của cả đại tộc nữa, HĐGT sẽ hoàn thiện và xuất bản đĩa VCD hoặc lưu trên Việt nam gia phả.

CHƯƠNG 4: GIA NGÂN (QUỸ HỌ)

Bất kỳ hoạt động chung nào của gia tộc đều cần phải có ngân sách, ngày xưa ngân quỹ này được tạo nên nhờ ruộng hương hoả, ngày nay ruộng hương hoả đã sung công, vì vậy ngân quỹ họ để duy trì các hoạt động do toàn thể con cháu đóng góp theo nghĩa vụ, công đức và tài trợ.
Điều 31. Đóng góp quỹ họ là nghĩa vụ của toàn thể con cháu(không phân biệt nam nữ) trong việc báo hiếu tổ tiên, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và trách nhiệm đối với đại tộc.

Điều 33. Các chi họ có nhà thờ riêng và tổ chức hoạt động độc lập không được quên nghĩa vụ đối với tổ tiên, hằng năm có nghĩa vụ "góp giỗ" theo lệ cũ về nhà thờ tổ.
Điều34. Mức đóng góp quỹ họ của các tộc viên do HĐGT quyết định phù hợp với tình hình cụ thể của thời cuộc, nam đóng 100% thì nữ đóng 60%. ở nông thôn đóng 50% so với thành phố. các thành viên ban trị sự được miễn do đã góp công.
các chi trưởng có nhiệm vụ lập danh sách các tộc viên thuộc diện đóng góp trong chi mình và đôn đốc thực hiện.
Con cháu dâu rể không thuộc diện đóng góp quỹ họ, tuy nhiên gia tộc hoan nghênh mọi sự đóng góp công đức ngoài quy định.
Điều 35. Các ban trị sự các chi họ đã sinh hoạt riêng có nghĩa vụ trích quỹ hương hoả hàng năm "góp giỗ" về nhà thờ Tổ.
Điều 36. Gia tộc biểu dương các tộc viên đã phát tâm công đức nhân dịp lâu ngày về bái tổ.
Điều 37. Các chi phí bất thường về xây dựng cơ bản sẽ do HĐGT quyết định và vận động riêng, lập dự toán và quyết toán theo công trình.
Điều 38. Quỹ họ được sử dụng cho các hoạt động của gia tộc như thờ cúng tổ tiên, khuyến học, hiếu hỷ, công tác phí. Mức chi cho các hoạt động đó do ban trị sự quyết định tuỳ theo khả năng quỹ họ thu được. Ban trị sự lập sổ sách thu chi và quyết toán hàng năm báo cáo trước toàn gia tộc.

CHƯƠNG 5: TỔ CHỨC

1. Hội đồng gia tộc

Điều 39. Hội đồng gia tộc gồm đại diện các chi họ, có uy tín và năng lực, là ngọn cờ tập hợp con cháu trong các chi nhánh của toàn gia tộc.
Điều 40. Hội đồng gia tộc có nhiệm vụ chỉ đạo phương hướng hoạt động, lập gia ước, lập ban trị sự, cố vấn và giám sát các hoạt động của ban trị sự.

2. Ban Trị sự

Điều 41. ban trị sự nhà thờ tổ là tổ chức điều hành các hoạt động của gia tộc tại nhà thờ, gồm đại diện các họ cư trú tại quê do HĐGT chỉ định.
Điều 42. ban trị sự có nhiệm vụ cụ thể như sau;
1. Tổ chức tế tổ hàng năm theo nghi thức trang trọng có tác dụng giáo dục truyền thống.
2. bảo quản, duy tu, xây dựng các cơ sở vật chất của gia tộc bao gồm nhà thờ, mộ tổ, nhà ngang, nhà bia và các đồ tế tự.
3. Giải quyết kịp thời việc thăm hỏi, phúng viếng, mừng thọ và khuyến học trong họ.
4. Quản lý và chi tiêu hiệu quả và hợp lý quỹ họ, quyết toán tài chính công khai hàng năm.
Điều 43. Các ban liên lạc vùng có nhiệm vụ tổ chức họp mặt đầu xuân tại nơi cư trú nhằm gắn kết tình thân tộc hướng về cội nguồn, thu tiền nghĩa vụ hàng năm gửi về nhà thờ và tổ chức cho con cháu về dự lễ tế tổ.
Điều 44. Việc họ là việc báo hiếu tổ tiên, mọi người xa cũng như gần cùng gắng sức chăm lo, không chờ có chức vụ mới làm, người góp tiền, người góp công, vì thế việc họ không có lương.

CHƯƠNG 6. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 45. Các ban trị sự và toàn thể con cháu dâu rể La Sơn mai tộc có trách nhiệm thực hiện gia ước này kể từ ngày 1/1/2005.
Điều 46. Hội đồng gia tộc quyết định việc điều chỉnh, bổ sung khi thấy cần thiết nhằm phù hợp với tình hình phát triển của gia tộc và xã hội.
Điều 47. Hằng năm các ban trị sự cần kiểm điểm tình hình thực hiện gia ước của toàn thể các tộc viên báo cáo trước toàn họ và với HĐGT.

CHƯƠNG 7. NGHI THỨC

1. Chương trình tổ chức tế lễ :
Để tương xứng với bề dày lịch sử vinh quang của gia tộc, tương xứng với nhà thờ tổ Đại tôn, chương trình tổ chức lễ cần phải được ban tổ chức nghiên cứu chu đáo để khơi dậy được lòng tự hào với cội nguồn của con cháu, tham khảo lễ kỷ niệm 530, 535..(nội dung: chiều 5/2 HĐGT tổ chức đoàn lên làm lễ cáo yết tại mộ tổ-tối 5/2 mạn đàm giao lưu thân tộc-sáng6/2 vào chính lễ gồm tuyên bố lý do, giới thiệu chương trình và giới thiệu đại biểu,- HĐGT dọc lễ văn, -đại biểu phát biểu ý kiến-lễ tế tổ.
2. Ban Nghi thức
ban trị sự nhà thờ cần thành lập ban nghi thức gồm những người có năng khiếu và hiểu biết về lễ nghi xưa, số lượng theo bài xướng tế (7-9 người)

HỘI ĐỒNG GIA TỘC HỌ MAI LA SƠN

Thành lập ngày 1 tháng 1 năm 2005 theo quy định của gia ước
1. Chủ tịch: tiến sĩ Mai Anh
2. Phó chủ tịch: Mai văn Tri
3. Phó chủ tịch: Mai Đình Lạc
4. Uỷ viên: Mai văn Tuyên, chi họ Mai Phúc Ấm
5. Uỷ viên: Mai văn Khôi, chi họ Mai Phúc Ấm
6. Uỷ viên: Mai văn Quảng, tộc trưởng chi họ mai Khâm Thiên.
7. Uỷ viên: Mai văn Năng, quyền tộc trưởng, chi họ Mai văn An Nội
8. Uỷ viên: Mai xuân Kỳ, chi họ Mai xuân.
9. Uỷ viên: Mai trọng Đông, trưởng ban TS nhà thờ Mai trọng.
10. Uỷ viên: Mai trọng Nhân, chi họ Mai trọng.
11. Uỷ viên: Mai lê Thống.
12. Uỷ viên: Mai đình Hồng, chi họ Mai Đình 1.
13. Uỷ viên: Mai Doãn Quý, chi họ Mai Doãn.

*

Hội đồng Gia tộc
họ Mai La Sơn Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam
Độc lập tự do Hạnh phúc
Tùng Ảnh ngày 10 tháng 6 năm 2009

NỘI QUY QUẢN LÝ QUỸ HỌ
***
Căn cứ điều 37, 38 và 42 chương 5 Gia ước họ Mai La Sơn ban hành ngày 1 tháng 1 năm 2005 và nhu cầu thực tế hiện nay của Gia tộc.
Nhằm tăng cường quản lý-sử dụng hiệu quả quỹ họ theo hướng minh bạch, đặng tăng cường sự đoàn kết tin tưởng trong toàn họ.
Nay HĐGT ra "Nội quy quản lý quỹ họ" nhằm cụ thể hoá các điều của Gia ước để Ban trị sự và con cháu trong toàn họ thực hiện.
Điều 1. Trưởng-phó ban Trị sự chịu trách nhiệm trước HĐGT tổ chức tiếp nhận, quản lý tập thể quỹ họ theo điều 42 Gia ước; Lập sổ công đức có đánh số trang và dấu giáp lai tại nhà thờ; thay mặt họ tiếp nhận, cảm ơn và trao phiếu công đức; chịu trách nhiệm trước HĐGT quyết định chi tiêu theo nhiệm vụ đã ghi tại điều 38; lập dự toán và quyết toán các khoản chi lớn cho tổ chức các ngày tế, xây dựng cơ bản tại điều 37 và trình HĐGT xét duyệt; tổ chức định kỳ kiểm quỹ, 6 tháng sơ toán một lần, hàng năm quyết toán và báo cáo HĐGT cùng toàn họ.
Điều 2. Kế toán: lập sổ ghi chép thu chi, theo dõi tài sản, sổ vàng công đức, cùng ban định kỳ kiểm quỹ, tổng hợp thu chi và báo cáo quyết toán.(phiếu thu - chi theo mẫu của bộ Tài chính, không thu chi ngoài sổ sách và không chứng từ).
Điều 3. Thủ quỹ: giữ chìa khoá hòm công đức và cùng ban định kỳ kiểm quỹ, giữ gìn tốt quỹ họ, tiền nhàn rỗi phải gửi Ngân hàng, mất mát phải bồi thường, cập nhật thu chi và định kỳ báo cáo với ban.
Điều 4. Thủ từ: quét dọn, bảo vệ tài sản, hương khói định kỳ tại nhà thờ, đón tiếp con cháu trong họ và nhắc nhỡ mọi người liên quan thực hiện quy định tiếp nhận tiền công đức.
Điều 5. Con cháu toàn họ khi góp tiền công đức: không đặt tiền trên bàn thờ hoặc trao tay không ghi sổ trước khi bỏ tiền vào hòm công đức.
Điều 6. ban Kiểm tra: thay mặt con cháu toàn họ giám sát thu chi của ban trị sự theo nguyên tắc quản lý tài chính quy định, xác nhận quyết toán của ban trị sự trước khi báo cáo hội đồng gia tộc. HĐGT cử ông Mai đình Lạc làm trưởng ban, các ông Mai trọng Đông làm ban viên ban Kiểm tra.
Điều 7. Hội đồng gia tộc có trách nhiệm duyệt dự toán, vận động tài chính toàn họ và giám sát kiểm tra thu chi của ban trị sự.
TM. HĐGT họ Mai La Sơn Hà Tĩnh
Chủ tịch: ts. Mai Anh



Nơi gửi:
-các uv.hđgt. -ban trị sự
- con cháu toàn họ
- công yết trong nhà thờ tổ


Hội đồng Gia tộc
họ Mai La Sơn Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc
Tùng Ảnh ngày 10 tháng 6 năm 2009

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN TRỊ SỰ
NHÀ THỜ MAI TỘC ĐẠI TÔN

Căn cứ theo chương 5 quy định về tổ chức của Gia ước La Sơn Mai Tộc năm 2004, theo nguyện vọng của toàn thể con cháu trong họ, nay chủ tịch Hội đồng Gia tộc thành lập Ban Trị sự nhà thờ Đại tôn họ Mai La Sơn Hà Tĩnh theo danh sách sau đây:
1/ Trưởng ban: tộc phó tiếp tự Mai văn Năng, đt: 0393.545561
2/ Phó ban: Mai xuân Lân, đt: 0393.831255
3/ Kế toán: Nguyễn thị Hương, đt: 039.214707
4/ Thủ quỹ: Nguyễn thị Xuân, đt: 039.3545325
5/ Thủ từ- Mai xuân Quỳnh, đt: 039.3829242.
6/ bv. Mai đình Thành
7/ bv. Mai đình Lan
8/ bv. Mai bá Quý
9/ bv. Mai trọng Đông.

Nhiệm vụ của ban trị sự theo điều 42:
1. Thay mặt con cháu tưởng niệm Tổ tiên theo các ngày lễ ghi trong điều 3; tổ chức chu đáo các lễ tế tổ hàng năm theo nghi thức trang trọng có tác dụng giáo dục truyền thống; tổ chức khen thưởng các cháu học sinh giỏi theo điều 20 vào ngày Thu tế hàng năm.
2. Bảo quản duy tu và xây dựng các cơ sở vật chất tại nhà thờ và mộ tổ.
3. Giải quyết kịp thời việc thăm hỏi, phúng viếng, mừng thọ.
4. Thực hiện Nội quy quản lý quỹ họ do HĐGT ban hành.

TM. HĐGT họ Mai La Sơn Hà Tĩnh
Chủ tịch: Ts. Mai Anh

Nơi gửi: -các uvhđgt.
- các thành viên ban Trị sự.
- công báo toàn họ.






Gia Phả họ Mai La sơn Hà Tĩnh
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc họ Mai La sơn Hà Tĩnh.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc họ Mai La sơn Hà Tĩnh
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.