GIA

PHẢ

TỘC

họ
Mai
La
sơn

Tĩnh
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
LỜI GIỚI THIỆU

Lịch sử hình thành và phát triển vẻ vang đã từng là niềm tự hào của các đời con cháu, cộng với một nền học vấn tương đối phong phú và ý thức cộng đồng Gia tộc tốt đã tạo nên một phong trào viết phả rộng rãi trong các chi của Gia tộc ta từ xưa. Mặc dù trải qua nhiều biến cố làm mất đi khá nhiều bản phả, nhưng chúng ta vẫn còn đủ tư liệu để có thể làm một cuốn Gia phả tổng hợp của toàn Gia tộc. Nhằm bảo tồn và phát huy các di sản quý báu của các đời Tổ tiên và gắn kết con cháu trăm nhà cùng nhau xây dựng gia tộc, trong dịp tế Tổ ngày 6 tháng 2 năm Nhâm Ngọ-2002, toàn họ đã nhất trí khởi xướng công trình làm Gia phả của cả đại tộc và ngày 20 tháng 7 năm 2002 đã ra thông báo thành lập ban biên tập, cử ông Mai trọng Nhân làm chủ biên. Qua hơn 3 năm tận tuỵ, khẩn trương và chu đáo chúng ta mới hoàn thành được cuốn phả như mong muốn của toàn gia tộc đề ra lúc đầu.
Cuốn phả này không những thành công về biên niên sử, về phương pháp viết khoa học, mà lần đầu tiên đã tổng kết được những vấn đề lý luận cơ bản về cơ sở văn hoá gia tộc, góp phần định hướng phát triển ổn định bền vững của gia tộc ta. Cuốn phả này còn góp phần đoàn kết gia tộc trong con cháu cùng nhau hướng tới cội nguồn vẻ vang, xây dựng gia tộc ngày càng vững mạnh. Tôi chúc mừng sự thành công của ban biên tập và trân trọng giới thiệu “La Sơn Mai Tộc Thế Phả” cùng toàn thể gia tộc.
Chủ tịch Hội đồng Gia tộc

Tiến sĩ Mai Anh



CẢM TƯỞNG SAU KHI ĐỌC LA SƠN MAI TỘC THẾ PHẢ

Đã ở tuổi bảy mươi sáu nhưng khi đọc xong bản thảo tôi mới có được sự hiểu biết cơ bản và đầy đủ từ nguồn gốc, quy mô, tinh thần, tài năng và trí tuệ của giòng họ chúng ta, đưa lại cho bản thân một sự động viên lớn, một điểm tựa tinh thần quý báu. Rất hoan nghênh và cảm ơn ban Biên tập.

Ks. Mai văn Trường





LỜI NÓI ĐẦU


* Gia tộc ta đã có dư sáu thế kỷ hình thành và phát triển, thế thứ tử tôn còn lưu lại được; ấy là nhờ Tổ tiên và con cháu các đời đã coi trọng và không để gián đoạn việc biên chép gia phả.
* Gia tộc ta còn gìn giữ được nhà thờ Tổ có lịch sử hơn bốn thế kỷ để làm nơi tụ họp con cháu thập phương đi về thờ phụng Tổ tiên, tăng tình thân tộc; ấy là nhờ Tổ tiên và con cháu các đời đã có công xây dựng, bảo tồn và tu sửa.
* Gia tộc ta trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử vẫn không làm mờ đi “ Mai cốt cách, tuyết tinh thần”; ấy là nhờ Tổ tiên và con cháu các đời đã biết trân trọng gìn giữ bản sắc văn hoá gia tộc.
* Gia tộc ta đã đóng góp cho đất nước nhiều người con ưu tú trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc qua mọi thời đại, phát triển kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật của đất nước; ấy là nhờ Tổ tiên và con cháu các đời biết coi trọng và nỗ lực tu dưỡng học tập theo Gia Giáo.
* Tự hào với cội nguồn, biết gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá của Gia tộc, mỗi Gia đình sẽ là một pháo đài văn hoá, che chắn an toàn cho ta trước sóng gió cuộc đời, là điểm tựa cho ta Tu thân và vươn ra Lập thân ngoài xã hội.
* Được sự giúp đỡ tận tình của toàn thể Gia tộc, thừa kế kho tư liệu Gia phả của Tổ tiên các đời để lại, đối chiếu với các sự kiện lịch sử đương đại của đất nước..., ban biên tập tiến hành phân tích, tổng hợp và giới thiệu “ La Sơn Mai Tộc thế phả” giai đoạn 1474 đến 2004, chào mừng 530 năm khai sinh họ Mai La sơn Hà Tĩnh.
Do năng lực và các điều kiện khác có hạn nên không tránh khỏi các sai sót. Kính mong các bậc Tổ tiên và toàn thể Gia tộc đại xá !

Xuân Giáp Thân 2004
T.M. BAN BIÊN TẬP
Chủ biên: Mai Trọng Nhân

NHẬP PHẢ 1:
Mai gia sự nghiệp đặng hoàn thành,
Sử sách lưu truyền tính đấu tranh.
Yêu nước thương nòi là nghĩa lớn,
Phò vua dẹp giặc rõ trung thần.
Ngàn năm ghi nhớ công đức nặng,
Vạn kiếp không phai đạo đức lành.
Hậu thế noi gương tiền bối trước,
Phát huy truyền thống đẹp thanh danh.
Sách có câu “Nhân sinh do Tổ, Tổ sinh Tử Tôn”, con cháu có nghĩa vụ thờ phụng và ghi nhớ công đức Tổ tiên, đó là đạo lý và cũng là quy luật tất yếu của xã hội...
Ngày nay, nhờ phúc Tổ, con cháu ngày càng đông, phân bố trên địa bàn ngày càng rộng, các chi tộc ngày càng nhiều trên mọi miền đất nước... Vì vậy Gia phả họ Mai ghi bằng chữ Hán cần phải được dịch ra Quốc ngữ, biên soạn lại cho rõ ràng để lưu hành rộng rãi đến con cháu khắp nơi nhằm duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Gia tộc.
Ngày 20 tháng 01 năm Tân Mùi (1991)
Chi họ Mai Văn An Nội
Mai Lương

NHẬP PHẢ 2:
Như đã từng nghe, cây có muôn lá ngàn cành vẫn do một gốc sinh ra, sông có ngàn sa muôn lạch cũng từ nguồn chảy về. Cây có cội, nước có nguồn, vật thể có gốc có ngọn, sự việc có trước có sau, có biết cái trước mới được cái sau. Vậy tại sao không ghi chép thành sử sách truyền lại lâu dài cho đời sau, đó là việc làm Gia phả....
Nay ta nhớ lại công đức trăm năm ,..., kế thừa truyền thống muôn đời ngay thảo,...cố gắng ghi chép, không bỏ quên ai, sẽ truyền lại cho đời sau kế tục,... , làm cho giống nòi các đời rõ ràng, người sau dễ thấy,..., phải làm cho con cháu đời sau kế thừa phúc ấm tốt đẹp của ông bà. Tất cả ghi chép sau đây lấy đó soi sáng.
Duy Tân thứ năm (1911) ngày 15 tháng 06
Chi phái Mai Thúc ứng
Chi họ Mai Phúc Ấm
Cháu nhỏ Mai Văn Cân vâng lệnh ghi chép

NHẬP PHẢ 3:
Quốc gia phải có Quốc sử ghi chép quá trình dựng nước, các thời đại thịnh suy của dân tộc, nhằm rút ra các bài học chính trị cho xây dựng đất nước mai sau.
Gia tộc phải có gia phả ghi chép lịch sử hình thành và phát triển, nguồn gốc Tổ tiên, liên hệ tông chi để đời đời con cháu theo gương sáng Tổ tiên, biết quan hệ họ hàng thân sơ, trên dưới mà cư xử cho phải đạo.
Trung hiếu là cái gốc căn bản của nhân cách để trong nhà thì kính trên nhường dưới, ra họ hàng thì bách nhẫn thái hòa, ra quốc gia thì lấy đoàn kết xây dựng làm trọng.
Có điểm tựa tâm linh, có ý thức về cội nguồn, biết kế thừa những truyền thống tốt đẹp của người xưa chúng ta sẽ thành đạt trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
Tô Tử đã nói : "Kẻ nào biết xem Gia phả họ mình, kẻ đó tự nhiên sinh lòng hiếu đệ".
Vì lẽ đó, Hội đồng Gia tộc hết sức coi trọng việc tìm hiểu gia phả họ Mai La Sơn do các tiền nhân để lại, đối chiếu với các sự kiện lịch sử, làm sáng rõ nguồn gốc hình thành, công đức Tổ tiên, nhằm làm cho con cháu hiểu biết sâu sắc về Gia tộc, tự hào với cội nguồn, tiếp nối truyền thống và quyết tâm phấn đấu làm cho mọi gia đình trong gia tộc đều hưng thịnh, làm cho"Đức Tổ tiên muôn thuở sáng ngời".

Kính bút
Trung thu Kỷ Mão -1999
Chi họ Mai Trọng Đông Thái
Mai Trọng Đạn

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VIẾT PHẢ

Lịch sử Quốc gia cũng như lịch sử của các Gia tộc không bao giờ viết được ngay từ khi mới thành lập. Đối với các Quốc gia, việc chậm trễ đó từ 500 đến1000 năm, đối với các Gia tộc việc chậm trễ đó cũng hơn 200 năm . Vì vậy phần nguồn gốc của Quốc sử cũng như Gia sử đều theo truyền miệng qua nhiều đời và mang nhiều nét huyền thoại, các huyền thoại đó là lớp “son phấn” tô đẹp thêm cho các thần tượng tinh thần của người xưa .
Gia tộc ta buổi sơ khai còn phải lo lắng giải quyết nhiều nhu cầu của cuộc sống trên mảnh đất mới, lúc số lượng con cháu ngày càng đông, nhu cầu giáo dục truyền thống vượt ra ngoài khuôn khổ của các gia đình mới nghĩ tới việc làm nhà thờ và viết gia phả. Việc viết gia phả của gia tộc ta được bắt đầu từ thời Đoan Khánh (1506 -1508), tức là đời thứ 5 tính từ cao cao thuỷ tổ Mai Vinh Quý, đời thứ 2 La Sơn Mai Tộc, đó là cuốn “Mai gia Phả hệ” lần thứ nhất.
Đến năm Bính Ngọ - Bảo Thái-1726 - đời thứ 8 tục biên “Mai gia Phả hệ” lần thứ hai .
Đến năm Đinh Mùi Thiệu Trị -1847, “Mai gia Phả hệ” tục biên lần 3 được viết và lưu tại nhà ông Mai Châu.
Đến năm Canh Tí - Thành Thái - 1900 “Mai gia phả hệ” tục biên lần 4 được viết và lưu tại nhà ông Mai Báu.
Đến năm Tân Hợi- Duy Tân -1911- đời thứ 14, ông Mai Văn Cân, chi phái Mai Thúc ứng tục biên “Mai gia Phả hệ” lần thứ 5, bản này lưu tại nhà thờ họ Mai Phúc ấm.
Năm Khải Định thứ 9 - Giáp Tý-1924, Gia Phả Mai đình đệ nhất được viết, ông Thái kim Đỉnh dịch.
Năm Khải Định thứ 10-1925 , ông Mai văn Hoằng bắt đầu làm Gia phả của họ Mai Khâm Thiên -“ Mai môn Gia phả ”.
Đến năm Kỷ Tị - Bảo Đại -1929, ông Mai Lạc tục biên “ Mai gia Phả hệ” lần thứ 6 cho nhà thờ cố Bính.
Năm Canh Ngọ - Bảo Đại -1930 - đời 15, ông Mai Nhận tục biên “Mai gia Phả hệ”lần 7 cho tiểu chi cố Đùng.
Năm Bính Tý- Bảo Đại-1936 - đời 15, Mai Tộc Đại Tôn An Nội tục biên “Mai gia Phả hệ”lần 8.
Ngoài Gia phả của các chi trưởng, các chi thứ đều có ghi chép Gia phả riêng của chi mình. Đó là các bản Gia phả ghi bằng chữ Hán được lưu giữ cho đến ngày nay. Các bản này có chung một phương pháp biên chép là dàn hàng ngang hết đời này sang đời khác, chủ yếu chép cho chi trưởng và cho nam .
Sau năm 1945 là 30 năm gián đoạn sinh hoạt do thay đổi quan điểm đối với các Họ của xã hội, do chiến tranh và các biến động khác...Song “chữ Trung, chữ Hiếu làm đầu, ai không tâm niệm vì đâu có mình? ”, các hoạt động của Gia tộc được phục hồi từ sau năm 1975.
Giai đoạn phục hồi thứ nhất từ 1975 đến 1990 là thời kỳ dịch gia phả từ chữ Hán sang chữ Việt với sự tham gia của rất nhiều các bậc cao lão như Mai trọng Vững, Mai văn Điều, Mai văn Hồ, Mai Lương, Mai Trọng Tín, Mai trọng Quế, Mai xuân Cúc, Mai xuân Thế, Mai đình Liễn, Mai đình Lạc, Mai đình Phương, Mai xuân Khôi, Mai Củng, Mai Chúc...với sự cộng tác dịch thuật của cháu ngoại- ông Trần Ngọc Uyển.
Giai đoạn phục hồi thứ hai là kế tục biên chép từ năm 1994 đến nay:
- Gia phả họ Mai Văn - Mai Huy Chiếu do ông Mai Lương chủ biên cùng với sự tham gia của các ông Mai Hồ, Mai văn Châu, Mai Anh, in năm 1994.
- Gia phả họ Mai trọng Đông Thái do ông Mai trọng Nhân chủ biên cùng với sự tham gia của các ông Mai trọng Tín, Mai trọng Thường, Mai trọng Uông, Mai trọng Đông...in năm 2000.
- Tộc phả họ Mai Phúc ấm do ông Mai Lộ chủ biên, cùng tham gia có các ông Mai Tri, Mai Bình, Mai Thiệu, Mai Tuyên, Mai Châu, in năm 2000.
- Gia phả họ Mai xuân do ông Mai văn An biên chép trên cơ sở các tư liệu của các ông Triêm, Thế, Điều và Cúc.
- Gia phả Mai Đìmh do các ông Lạc và Phương biên chép.
- Gia phả họ Mai Doãn do ông Doãn ... biên chép.
Các cuốn phả viết sau này nhờ áp dụng phương pháp mới, gắn mã số và phả đồ nên ghi đầy đủ tất cả các tộc viên trưởng và thứ, nam và nữ mà vẫn rõ ràng dễ hiểu.
“La Sơn Mai Tộc Thế Phả” là cuốn phả mang tính tổng hợp cao, khái quát được các vấn đề chủ yếu của gia tộc, chứa được một lượng thông tin rất lớn của cả đại tộc mà vẫn rõ ràng, dễ tra cứu và xác định vị trí của mỗi tộc viên và mỗi phái họ trong toàn đại tộc.
Ngoài chủ biên có vai trò chính trong việc hoàn thành các cuốn phả, còn phải kể đến sự tham gia tích cực của các ông Mai văn Tri, Mai Đình Lạc, Mai văn Lộ, Mai xuân Kỳ, các bậc cao lão, các chi trưởng, các trưởng ban trị sự, các vị trong hội đồng gia tộc của các họ ...
Do ý thức được tầm quan trọng của gia phả trong việc duy trì mạch nối giữa quá khứ và hiện tai, trong việc giáo dục truyền thống của gia tộc...các bậc tổ tiên xưa cũng như con cháu ngày nay đã không để gián đoạn việc biên chép gia phả, đó cũng là nét văn hoá riêng đáng tự hào của Gia tộc chúng ta.


13.6. LỜI KẾT
*Gia phả là Gia Bảo, vì đó là Lịch sử của Gia tộc nhiều đời để lại, thể hiện nét Văn hoá của gia tộc trong việc biên chép gia phả. Các đời tổ tiên xưa dù khó khăn về kinh tế nhưng không vì thế mà quên việc biên chép Gia phả . Đời nào họ ta cũng có những người tâm huyết với gia tộc, hy sinh lợi ích riêng để giành thời gian làm công việc chung cho họ, trưởng có gia phả của trưởng, thứ có gia phả của thứ, nhờ thế mà hôm nay sau hơn 610 năm ta vẫn đủ tư liệu để chắp nối thành La Sơn Mai Tộc Thế Phả có độ dày hơn 500 trang, xuyên suốt 6 tông, 12 phái họ và hơn 50 nhánh.
Để có được La Sơn Mai Tộc Thế Phả, những người nhiệt tâm của 12 họ đã bỏ ra nhiều công sức từ hơn 10 năm nay để sưu tầm (mặc dù có những bản rách nát, mất trang , nhoè chữ ...), dịch ra tiếng Việt, chép tư liệu mới, và cuối cùng là làm Hợp Phả Đại tộc chào mừng 530 năm khai sinh họ Mai La Sơn.
Lần đầu tiên, và theo chúng tôi có lẽ là lần cuối cùng Gia tộc chúng ta có 1 cuốn Phả tổng hợp, với phương pháp viết Phả rất khoa học và chứa nhiều thông tin bổ ích. Do đó, "Gia Phả lưu truyền đức tiên Tổ, giữ gìn là nghĩa vụ cháu con" . Một gia đình đông vui, hạnh phúc, nội thất không thiếu gì nhưng không có sách Gia phả thì chưa đủ điều sang trọng

*Từ nay về sau , để tránh khó khăn cho việc tiếp nối Gia phả, các họ cần phải thường niên ghi lại các thông tin Gia phả của họ mình, trên cơ sở thống nhất với cách ghi mã số của cuốn phả này sao cho các họ in riêng thì họ khác vẫn đối chiếu được.

13.7. VÀI CON SỐ

* Khởi xướng chủ trương làm Gia Phả: ngày 6 tháng 2 năm Nhâm Ngọ-2002.
*Thành lập Ban Biên tập: 20 tháng 7 năm 2002.
* Ban biên tập ra thông báo nhận nhiệm vụ ngày 6 tháng 8 năm 2002.
* Hội đồng Gia Tộc ra thông báo toàn họ đóng góp nghĩa vụ:16/11/2002. * Từ 1 tháng 1 năm 2003 đến tháng 10 năm 2003 là thời gian nghiên cứu tài liệu thu thập được và hoàn thành đề cương và 2 chương đầu.
* Ngày 30 tháng 11 họp Ban Biên tập Gia Phả mở rộng tại 170 Lạc Trung-Hà Nội.
* ngày 6 tháng 2 năm Giáp Thân tổ chức Kỷ niệm 530 năm lập họ và ra mắt tập 1 La Sơn Mai Tộc Thế Phả.
* Ngày 1 Tháng 12 năm 2004 hoàn thành toàn tập bản thảo.
* Suốt năm 2005 tiếp tục hoàn thiện, hiệu chỉnh và chắp nối thêm 5 trường hợp.
* Ngày 2 tháng 2 năm 2006 hoàn thành cơ bản chế bản Vi tính.
* Từ lúc Khởi xướng đến lúc hoàn thành là 3 năm 7 tháng.
* Chủ biên đã đọc 4500 trang tài liệu Gia Phả, Lịch sử, Văn hoá để có gần 530 trang La Sơn Mai tộc Thế phả.

MỘC XUẤT THIÊN CHI DO HỮU BẢN
THUỶ LƯU VẠN PHÁI TỐ TÒNG NGUYÊN

(Cây chung nghìn nhánh sinh từ gốc
Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn)

1. NGUỒN GỐC LA SƠN MAI TỘC
Cao cao thủy tổ họ Mai La Sơn là Mai quý công tự Vinh Quý, sinh năm Xương Phù thứ bảy vương triều Trần Phế Đế. Năm Mậu Tuất 1418, ông theo cờ khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi, tham gia cảnh giới vòng ngoài và sản xuất quân lương cho nghĩa quân tại Mai thôn, Động Bàng Hương, An Định, Thanh Hóa. Năm Mậu Thân (1428), sau khi quét sạch giặc Minh ra khỏi đất nước, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua Lê Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên, đồng thời ban khen các khai Quốc Công thần và Công thần, ông Vinh Quý được ban Quốc tính đổi thành họ Lê.
Con của Cao cao Thủy tổ là Cao thủy tổ Lê Bình, sinh năm Tân Mão - Trùng Quang, ông lấy vợ là bà Đinh thị Thiện ở Thụy Nguyên, Thanh Hóa, bà là cháu họ quan Thái phó Đinh Liệt, sinh được ba nam là Lê Mạc, Lê Điên và Lê Đá.
Do ông nội có công với nước và cùng thôn với bà Tiệp dư Ngô thị Ngọc Giao nên hai anh em Điên và Đá được sung Chưởng binh Thăng long, ông Lê Điên là Quản lãnh Chưởng binh. Năm 1460, do sơ suất trong vụ Nghi Dân, hai anh em Điên và Đá bị chuyển vào Thuận Hoá. ở đây ngoài trấn giữ biên ải, nắm rõ tình hình địch, hai ông còn có công khai phá đất đai vùng Lệ thuỷ.
Năm Quang Thuận-1464, thượng thư lễ bộ Phạm công Nghị tâu rằng: “…Ban họ là phương sách chế ngự Hào kiệt mà thôi. Nhưng nguồn vừa khơi mà dòng đã thành vẫn đục. Người làm tôi thì cũng cho thế là vinh hạnh mà không hiểu rằng họ hàng phải có phả hệ, tuyệt đối không thể lẫn lộn được…người làm tôi mà cùng họ với vua là bất kính, người làm con mà quên mất họ gốc của mình là bất hiếu. Làm sao có kẻ bất kính bất hiếu mà làm nên việc được? Nên sửa bỏ lệ ấy đi để cho tông phái của nhà vua được phân minh, cội nguồn các họ được rõ ràng”. Vua y theo và ra sắc dụ rằng:
"Xưa Thái Tổ ta giãi gió dầm mưa để bình định thiên hạ, bấy giờ các bề tôi có công ra sức giúp dân, cùng chịu gian lao khổ ải, tình nghĩa vẹn toàn, vì vậy ban Quốc tính đặc ân để tỏ lòng yêu quý khác thường. Nhưng con cháu các người truyền nối lâu dài e rằng quên mất họ cũ của Tổ tiên, trái với đạo dạy người ta hiếu thảo. Từ nay về sau Công thần được đặc ân ban Quốc tính thì chỉ một người ấy thôi, còn con cháu vẫn theo họ cũ" (Đại Việt sử ký Toàn thư, quyển XII, tờ 17a). Do đó con cháu ông Vinh Quý trở về họ Mai của Tổ tiên. Năm 1467 nhắc lại lệnh cho con cháu các công thần trở về họ cũ một lần nữa.
Hồng Đức nguyên niên-Canh Dần-1470, ngày 16/6 vua Lê Thánh Tông đốc xuất 15 vạn thuỷ quân đánh giặc Chiêm Thành, ngày 3/12 xuất phát từ Hưng Nguyên - Nghệ An. Hồng Đức năm thứ 2-Tân Mão -1471, ngày 2/1 Vua xuống chiếu cho quân Thuận Hoá ra biển tập thuỷ chiến, lấy thóc kho Thuận Hoá làm quân lương, lấy Mai Điên, Mai Đá am hiểu hình thế hiểm dị của Chiêm Thành làm hướng đạo. Ngày 7/2 đánh bại giặc ở núi Mộ Nô (phía Tây cửa biển Sa Kỳ), ngày 27/2 đánh bại giặc ở thành Thị Nại (cảng Quy Nhơn), ngày 28/2 vây thành Chà Bàn, ngày 1/3 hạ thành Chà Bàn, bắt sống Trà Toàn, Mai Đá tử trận và táng tại Lợi Sơn, ngày 2/3 hạ chiếu thu quân, cắt cử quan cai trị, lập Thừa Tuyên Quảng Nam, ngày 12/3 vua về đến Thuận Hóa, trả lại quân và lương cho Thuận Hóa, ngày 13/3 phong Mai Đá là "Mai quý công địch nghị phúc đức chi thần", thờ tại đình làng Lam Thượng, về sau làng đó được gọi là Mai Xá.
Năm Giáp Ngọ, Hồng Đức thứ năm -1474, ông Mai Điên được phong Quản Lĩnh Hầu tước và được cấp đất tại An Nội, An Đồng, La Sơn; họ Mai La Sơn được hình thành từ đó.
Sau khi được phong chức tước, ông Mai Điên lấy vợ là bà Phan thị Lương, con quan tổng quản Phan Tôn Lô, cháu Dực Vệ tướng quân Phan Đán (nhất thế Tổ họ Phan Yên Mỹ, cùng thời với ông Mai vinh Quý) và sinh hai con trai là Nhân Ninh và Bá Tuyên. Ông bà là Thủy Tổ của họ Mai La Sơn Hà Tĩnh.
Ông Mai Nhân Ninh, sinh năm 1476 được hưởng phúc ấm của cha, thi Hương trúng Tam trường, sung nho sinh và lập nghiệp trên đất phong của cha tại An Nội, An Đồng. Ông lấy vợ là bà Phan Thị Toản, tằng tôn của ông Phan Đán. Ông bà trở thành tiên Tổ của họ Mai La Sơn và sinh được bốn nam là Chiến, Thường, Huyên, Chiêu và hai nữ là Trác và Bội.
Người em là ông Bá Tuyên cũng đậu Tam trường, vợ không rõ họ tên, sinh được hai nam là Bá Đạt, Nghĩa Tuân và bốn nữ là Nồng, Cẩm, Liên, Huệ, nhánh này có thể sinh sống ở vùng đất phong khác, về sau không rõ ...
Đến đời thứ ba, ông Mai Đôn là trưởng nam nhường gia sản cho em và di cư sang An Hội, rồi đến đời thứ sáu lại lên Phúc ấm - Hương Khê và hình thành 4 họ Mai Phúc ấm ngày nay; Đời thứ mười, ông Mai Kiều Thiên là tiên tổ họ Mai Trọng Đông Thái; Đơì thứ 11, Hương cống- Giám sinh Mai thời Trạc để con trưởng của mình là Mai văn Hoằng ở lại nam hiên thành Thăng Long lập ra họ Mai văn Khâm Thiên ngày nay...
Tổ tiên ta sống theo khuôn khổ của các triều đại phong kiến "Trọng nông, ức thương", lấy nông nghiệp làm gốc để chăm lo cho con cháu học hành trở thành kẻ sĩ, đỗ đạt thì ra làm quan, không thì cũng có vốn văn hóa để duy trì và phát triển gia phong của Gia tộc. Con cháu họ Mai kế thừa và phát huy truyền thống Gia tộc, trung hiếu tu thân, nhân hòa xử thế và đã đạt được nhiều thành tích trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, phát triển văn hóa khoa học kỹ thuật của đất nước.
Từ năm 1474 đến năm 2004, họ Mai La Sơn đã phát triển được 18-20 đời, cành nhánh phát triển tốt tươi tỏa đi khắp nơi, đóng góp cho đất nước nhiều văn nhân, võ tướng. Năm Nhâm Ngọ Tự Đức thứ 15 (1862) được vua ban phước :
Ninh - Khang - Phú - Thọ
(An bình - Khỏe mạnh - Giàu có - Sống lâu)

KHẢO DỊ

Theo Gia phả còn lưu: họ Mai nguyên là họ Lê ở làng Động Bàng, An Định, Thanh Hóa, tên là Vinh Quý. Con ông Vinh Quý là Lê Bình lấy vợ họ Đinh sinh được 3 trai là Lê Mạc, Lê Điên và Lê Đá. Năm Canh Dần – Hồng Đức nguyên niên hai anh em Điên, Đá theo Thánh Tông Thuần Hoàng đế làm hướng đạo lãnh binh đánh giặc Chiêm Thành. Mai Đá xông vào thành luỹ giặc và hy sinh tại đó. Khi đã thành công vua thu quân trở về đến Mai Trang, Lam Thượng, Lệ Thuỷ thì nghỉ đêm. Trong đêm trú giá vua thấy hai người đến oán trách: “Phùng sơn kỳ lộ, ngộ thuỷ trí kiều, Chiêm Thành chi thắng, thị thần huynh đệ chi công”- Gặp núi mở đường, gặp sông bắc cầu... đánh thắng Chiêm Thành, anh em hạ thần đều góp công sức.
Hôm sau, đương lúc họp bá quan thì thấy một con chim lớn bay lượn trên hành tại rồi nhả một mảnh xương khô rơi xuống trước mặt. Vua thấy lạ, liên tưởng đến giấc mộng hôm qua bèn hạ chiếu sắc cho Điên và Đá đổi thành họ Mai. Do truyền thuyết đó mà trong nhà thờ An Nội, để chỉ cho con cháu biết nguồn gốc Gia tộc, có treo đôi câu đối:
"Chinh tước Chiêm Thành quy Đế mộng
Tứ dĩ tính Hồng Đức Thánh quân."
Dịch nghĩa là: Sau khi đánh giặc Chiêm Thành về, vua nằm mộng và ban họ cho Điên, Đá. Thực tế, sau khi trả quân cho Thuận Hoá, nghe kể về các thành tích của Mai Đá nên vua đã phong thần, ghi nhận công trạng của Mai Đá ở 2 mặt: đánh giặc (địch nghị) và khai phá ruộng đất (phúc đức); còn các trường hợp khác đều được xét thưởng công trạng sau đó vài năm; ở đây có sự nhầm lẫn giữa phong thần và ban họ(phong thần năm 1471 cho Đá, ban họ Mai La Sơn năm 1474 thông qua phong tước và đất cho thuỷ tổ Mai Điên.
Lại nói cho rõ, Hồng Đức Thánh Quân là một liên danh từ, vì thời Hồng Đức do Lê Thánh Tông trị vì kéo dài 28 năm có nhiều thành tích sáng chói, do đó không thể hiểu là cho đổi họ đời Hồng Đức, mà là về họ cũ năm 1467 theo lời tâu của Lễ Bộ Thượng Thư Phạm công Nghị và sắc dụ của Vua như đã nói ở trên.(Trong ĐVSKTT viết sắc dụ của vua ở năm 1464, lời tâu của Phạm công Nghị ở năm 1467, người viết sắp xếp không lô gích)

Một ngàn ngày bơi ngược dòng sông,
Qua ghềnh qua thác tới thượng nguồn,
Một nhát khơi thông nguồn trong vắt,
Mai giang cuồn cuộn chảy về đông.
***
Ta lau đi lớp bụi thời gian,
Hiện rõ bao gương mặt anh hùng,
Giúp vua đánh dẹp giặc nam bắc,
Kiếm trận vung lên tỏ nghĩa trung.
***
Ta mãi mê đi ngược thời gian,
Lần theo dấu vết sáu trăm năm,
Ghi vào gia phả lưu thiên cổ,
Con cháu đời đời biết Tổ tông.
***
Sự đời hay chuyển đổi thăng trầm,
Lẽ thịnh suy hẵn có nguyên nhân ?
Đã qua thời nhân tâm ly tán,
Nước có bay đi, mưa xuống lại về nguồn.
***
Khép sách lại, thanh thản cõi lòng,
Dù còn nghe tiếng Ve tiếng Ong,
Trả món nợ Tổ tiên đời trước,
Mặc đời sau thiên hạ luận bàn.

Thượng nguyên Bính Tuất.
Thế Phả Công
Gia Phả họ Mai La sơn Hà Tĩnh
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc họ Mai La sơn Hà Tĩnh.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc họ Mai La sơn Hà Tĩnh
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.