GIA

PHẢ

TỘC

HỌ
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP
TRÍCH HỒI KÝ NĂM 1992 CỦA ÔNG LÊ VĂN KÝ, ĐỜI THỨ CHÍN, CHI THỨ BA VỀ NHỮNG KỶ VẬT LIÊN QUAN ĐẾN DÒNG HỌ -LÒ ĐÚC GANG THỦ CÔNG.
“...Nghề đúc lưỡi cày với lò đúc gang thủ công là nghề truyền thống của chi thứ ba họ Lê ta từ hơn ba trăm năm, trải qua hơn mười thế hệ liên tục hành nghề, kể từ khi tổ tiên ta còn sinh sống ở Thừa Lệnh đến cuối cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp (1954) mới chấm dứt. Đó là một nét đặc sắc của lịch sử dòng họ Lê ta. Vì vậy ta muốn ghi lại đây một số nét về cái lò đúc lưỡi cày thủ công ấy đã gắn bó với cha ông ta như thế nào. Một hiện vật tượng trưng cho cái lò đúc ấy, một cái “bễ” khá lớn được trưng bày ở bảo tàng quốc gia Việt Nam (Hà Nội) (sau được chuyển đến Bảo tàng quân đội), hiện vật minh hoạ cho thành tích của ngành quân giới Việt Nam trong những năm đầu của cuộc chiến tranh toàn dân toàn diện chống xâm lược Pháp. Các con cháu họ Lê ta có thể tự hào rất chính đáng vì một kỷ vật của dòng họ được lưu giữ bảo tồn trong Bảo tàng quốc gia và tất nhiên là muốn hiểu rõ thêm về những con người đã gắn bó với hiện vật ấy.
Thiết bị chủ yếu của lò đúc thủ công là cái “bễ”. Đó là một cái ống hình trụ, bằng gỗ, làm từ nguyên một thân cây lớn, dài chừng 2,5m, đường kính 0,4m, hoạt động như một cái bơm, dùng để thổi gió vào lò, gia nhiệt cho nguyên liệu gang, biến thành gang lỏng để gia công đúc. Thường phải dùng sức của năm sáu người mới vận hành được bễ với động tác vừa đi lại vừa kéo và đẩy, nhịp nhàng đồng bộ, nhưng rất nặng nhọc.
Nguyên liệu cho vào lò đúc là gang phế thải như lưỡi cày cũ, mảnh chảo gang vỡ,... nhiên liệu là than gỗ. Khuôn đúc là khuôn đất sét (chưa biết dùng khuôn cát, khuôn kim loại). Mỗi lò sử dụng chừng 10 - 12 người; ngày làm việc không ít hơn 10 giờ, điều kiện bảo hộ lao động rất kém. Sản phẩm chủ yếu là lưỡi cày, kiểu dáng khác nhau tuỳ theo thói quen canh tác của từng địa phương; các sản phẩm đúc gang khác nhau như: kiềng, mõ kéo mật, cối gang, đầm đất, ổ trục xe bò,... chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng. Công nghệ đúc gang như trên hầu như không có sự thay đổi gì cơ bản trong vòng hơn 300 năm (thời Lê mạt và nhà Nguyễn) chỉ có quy mô sản xuấtcó tăng lên và năng xuất cũng tăng chút đỉnh.
Mãi tới gần giữa thế kỷ XX mà vẫn tồn tại loại lò đúc thủ công lạc hậu như vậy thực đáng buồn. Năm 1936 cha, anh ta đã có bắt đàu những bước cơ khí hoá lò đúc, nhưng bị thực dân Pháp cản trở chèn ép nên việc cơ khí hoá không thành. Các lò đúc của họ Lê tàn lụi dần cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1930 - 1933. Nhưng hơn mười năm sau, cái lò đúc thủ công tưởng như đã mai một hẳn ấy, lại được huy động vào công việc chế tạo vũ khí thô sơ phục vụ cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp.
Đầu năm 1947, quân Pháp nhảy dù chiếm thị xã Phú Thọ. Lúc đó ta đang công tác trong trung đội hậu cần thuộc tỉnh đội dân quân Phú Thọ. Khi quân Pháp rút khỏi thị xã Phú Thọ, trong một đợt chỉnh đốn đội ngũ ta được điều về công binh xưởng kiến thiết (đầm Ao Châu, Hạ Hoà). Được giao nhiệm vụ lập xưởng đúc để chế tạo “lựu đạn” và “mìn muỗi”, ta đã tập hợp được chừng hơn mười người, trong đó có chú ta là Lê Văn Hàm, có các ông anh họ ta là Lê Văn Giới và Lê Văn Tuệ, mở một xưởng đúc, đặt ở xóm Bọ Rọm xã Thái Ninh, Thanh Ba, Phú Thọ. Một cái bễ của họ Lê, may mắn thoát khỏi bị hư hại trong dịp “tiêu thổ kháng chiến”, nay được lôi ra từ nơi cất giấu: một lò đúc thủ công được xây dựng nên từ những đôi bàn tay trắng với tấm lòng nhiệt tình yêu nước, cộng với tinh thần ủng hộ kháng chiến rất cao của đồng bào hậu phương. Chỉ sau 3 tháng những loạt lựu đạn đầu tiên đã được ra lò, tiếp đó là việc sản xuất hàng loạt vỏ lựu đạn, vỏ mìn muỗi, vỏ mìn dưa. Cái phân xưởng nhỏ này lại nhận thêm nhiệm vụ đào tạo thợ chuyên môn và làm điển hình để phát triển loại lò đúc lựu đạn thủ công “bỏ túi” này trong toàn chiến khu liên khu X (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), và đã góp phần vào sự phát triển của quân giới trong cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân ta. Chính từ cái lò đúc thủ công này tà đến được với Đảng (06/01/1948). Đầu năm 1948, ta được điều đi làm quản đốc công binh xưởng KT20, làm thuốc nổ và kíp nổ, nhưng xưởng đúc Thái Ninh này vẫn hoạt động mãi đến năm 1951 mới ngừng.
Ngược dòng lịch sử, năm 1929 - 1930, cái lò đúc thủ công của họ Lê cũng đã có dịp tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái do các lãnh tụ Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học, Ký Con, Xử Nhu,... lãnh đạo. Hồi đó những người thợ đúc Thừa Lệnh hưởng ứng sự nghiệp chống pháp của Quốc dân Đảng bằng cách đúc những quả mìn đĩa và địa lôi bằng gang (nhồi bằng thuốc súng). Một thủ lĩnh Quốc dân Đảng là Xử Nhu đã dùng những vũ khí đó trong cuộc khởi nghĩa ở Lâm Thao (Phú Thọ). Do vụ đó, có 6 người thợ đúc bị Pháp bắt đầy đi Côn Đảo; mãi đến năm 1940 chỉ còn 2 ông được tha về, còn 4 ông nằm lại ở nghĩa địa Hàng Dương, Côn Đảo. Như vậy là cái lò đúc thủ công của họ Lê đã hai lần có thành tích trong Cách mạng Việt Nam. Năm 1967, viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chọn “cái bễ” làm hiện vật trưng bầy, tượng trưng cho cái lò đúc thủ công gia truyền và những người thợ đúc họ Lê đã có công làm nên các thành tích đó. Ông Phạm Như Vưu, lúc đó là Cục trưởng cục Quân giới, giới thiệu nó với Viện Bảo tàng vì hồi đó 1947 - 1948 ông làm Giám đốc Công binh xưởng Kiến thiết trong đó có cái lò đúc thủ công của anh em họ Lê nói trên. Ông anh họ ta là Lê Văn Tuệ đã bỏ khá nhiều công sức để sưu tầm “cái bễ” đó và vận động người chủ sở hữu nó lúc đó, cung tiến hiện vật này cho Viện Bảo tàng. Nay nó nằm đó, ở một góc trong phòng trưng bày, trông vẻ khiêm tốn, hiền lành, sù sì, đen đủi, bên cạnh những cỗ súng ngựa trời, súng SK3, bom ba càng, kềnh càng kiêu hãnh, bên cạnh nó là những quả lựu đạn, mìn muỗi, mìn quả dưa lăn lóc trên sàn, cũng ít thu hút được sự chú ý của khách tham quan
.Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, các đại diện phong trào yêu nước của các nước thuộc địa ùa đến Việt Nam học hỏi kinh nghiệm mọi mặt nhưng thường chú ý nhất đến kinh nghiệm phát động chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Việt Nam đã chỉ cho họ cách sử dụng các phương tiện thủ công thô sơ để tạo ra vũ khí, trao vào tay đông đảo nhân dân tạo ra thế trận thiên la địa võng đập nát những đoàn quân tinh nhuệ của đế quốc. Được nghe những kinh nghiệm đó, lại được sờ tận tay nhìn tận mắt những hiện vật minh họa (lúc đó còn nằm tại chỗ trong rừng sâu), những đại diện ấy thật sự tin tưởng. Tư tưởng “dám đánh”, “biết đánh” và “quyết tâm đánh thắng” đế quốc Pháp, theo các người đại diện đó, thâm nhập vào hàng triệu dân nô lệ ở các nước thuộc địa và biến thành sức mạnh lật đổ toàn bộ hệ thống thực dân đế quốc cũ, chỉ trong vòng hơn mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ.Ta hy vọng rằng, con cháu ta, trong họ Lê hoặc ngoài họ Lê, khi đọc xong đoạn hồi ký này sẽ nảy ra nguyện vọng được xem tận mắt, sờ tận tay cái “BỄ” kỷ vật thiêng liêng này. Nếu có dịp vào Bảo tàng, các con hãy đến nghiêng mình trước cái thân đen đủi, sù sì của nó mà nhớ đến cha ông tổ tiên, những “người trong cõi nhớ ấy” sẽ sống lại trong con, sẽ vui, buồn cùng con trong suốt cuộc đời.
Quê hương:Từ đầu thế kỷ thứ XVIII đến nay, làng Phú Thọ là nơi cư trú liên tục của dòng họ Lê. Lúc đó, làng Phú Thọ thuộc xã Phú Yên, tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây xưa. (Theo Tuyển tập các công trình địa chí Việt Nam của Ngô Vi Liễn (1894-1945): Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ; Tổng Yên Phú có 6 xã là: Phú Yên, Hà Thạch, Ngọc Tháp, Yên Ninh Hạ (Thượng),Trù Mật, Cao Du). Năm 1903, tuyến đường sắt Việt Điền (Hải Phòng - Vân Nam) được xây dựng xong và quốc lộ số 2 được mở rộng, vị trí làng Phú Thọ nằm trên tuyến đường xe lửa, gần quốc lộ 2, vì vậy địa điểm này trở thành thuận lợi về mặt giao thông thuỷ bộ, có nhiều triển vọng về phát triển kinh tế. Ngày 5/5/1903 chính quyền bảo hộ và triều đình Huế đã chuyển tỉnh lỵ Hưng Hoá từ làng Trúc Phê xã Thượng Nông huyện Tam Nông về làng Phú Thọ, đổi tên tỉnh Hưng Hoá thành tỉnh Phú Thọ (trấn Hưng Hoá thành đạo quan binh), thành lập thị xã Phú Thọ bao gồm đất đai làng Phú Thọ , làng Cao Du và làng Tân Hưng thuộc xã Phú Thọ cũ. Sau cách mạng tháng 8 thị xã Phú Thọ chuyển thuộc huyện Thanh Ba. Từ năm 1955, thị xã Phú Thọ là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Phú Thọ.
Làng Phú Thọ xưa- thị xã Phú Thọ nay nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía thượng lưu cách ngã ba sông Hồng và sông Lô ở Việt Tri khoảng 30 km, cách núi Nghĩa Lĩnh trên đó có đền thờ các Vua Hùng khoảng 10km. Như vậy làng Phú Thọ nằm trong khu đất tổ với các địa danh quen thuộc từ thời các Vua Hùng dựng nước, khúc sông Hồng chảy qua Phú Thọ có tên gọi là sông Thao (xuất xứ từ địa danh phủ Lâm Thao).
Làng Phú Thọ là một làng điển hình của xã hội phong kiến phương Đông, với đầy đủ các đặc điểm của khái niệm làng xã, mỗi làng là một xã hội Việt Nam thu hẹp, một tiểu giang sơn, một triều đình nhỏ với ông vua tinh thần là ông “Thành hoàng làng” với cung điện là các “Đình”, với triều đình quan văn võ là các chức sắc trong làng. Thời nay người ta chỉ còn thấy một vài hình ảnh sơ sài trên phim ảnh, trên sân khấu hoặc trong các lễ hội.
Làng Phú Thọ tên nôm là làng Mè, hiện nay vẫn cỏn đó một chợ Mè Phú Thọ là nơi giao lưu hàng hoá của cư dân trong vùng. Đình Mè nay không còn nữa (ngày trước Đình nằm ngay sau trụ sở Công an thị xã Phú Thọ), vẫn còn đó một Đình Sóm Sở và một hai dòng họ mang tên họ Ma, họ Mè là người dân bản địa xa xưa nhất là con cháu của bộ lạc, thị tộc họ Ma cư trú tại “Ma động” con cháu của ma tộc thần tướng.
Trước cách mạng tháng 8, đại bộ phận người họ Lê vẫn quần tụ ở thị xã Phú Thọ. Sau cách mạng tháng 8 và nhất là khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), con cháu họ Lê ta đã có mặt ở khắp các miền đất nước, từ mục Nam quan đến mũi Cà Mau,có một số ít người sinh sống ở hải ngoại. Cư dân thị xã Phú Thọ trước cách mạng chỉ còn một số ít, thay vào đó là những người ở nơi khác đến lập nghiệp.
Thị Xã Phú Thọ nay đã sống lại, cơ sở hạ tầng và các điểm dân cư đã phục hồi, đổi mới để hội nhập, phát triển, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng với quy mô một thị xã yên tĩnh vì tỉnh lỵ đã chuyển về thành phố Việt Trì.Làng Phú Thọ là quê hương bản quán nơi chôn nhau cắt rốn của người họ Lê ta. Làng Mè với xóm Đông, xóm Mặn, xóm Giếng Thánh, thôn Liêm, xóm Gò Phú Lợi; Nay là các phường: Phong Châu, Âu Cơ, Trường Thịnh vẫn khắc sâu trong tâm khảm, ký ức của mỗi người với biết bao kỷ niệm sâu sắc. Đất lành chim đậu, tổ tiên ta đã chọn mảnh đất này làm nơi gia cư của dòng họ đã trên 300 năm nay.
Quê hương là một mảng quan trọng trong tâm hồn mỗi người. Từ thế hệ thứ mười có nhiều cháu sinh ra ở các địa phương khác, chưa một lần được về quê gốc. Ta viết những dòng nay là để dành cho các cháu, để giới thiệu với các cháu tâm tình yêu quê hương, kiêu hãnh vì quê hương. Ta mượn câu ca dao cổ nói về hội Đền Hùng để thay đoạn kết của phần này“Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”Hỡi thế hệ hậu sinh họ Lê, hãy về với quê hương, tìm hiểu thêm về quê hương để yêu mến quê hương hơn nữa….”./.( Người hiệu đính:Lê Học Thức, đời thứ 10 chi thứ ba.)
Gia Phả HỌ LÊ
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HỌ LÊ .
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HỌ LÊ
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.