GIA

PHẢ

TỘC

HỌ
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
Trích tham luận của Nhà Biên khảo Vũ Hiệp,bản tin số 01 ngày 26 tháng 6 năm 1999 Trung tâm UNESCO Phát triển Nhân Văn TP. Hồ Chí Minh : “...Dòng họ Lê có nhân số đông thứ nhì trong tổng nhân số Việt Nam. Họ Lê chỉ đặc biệt có ở người Việt nước ta mà thôi. Trong lịch sử Trung Quốc rất hiếm có người họ Lê, hơn một ngàn năm Bắc Thuộc không có một viên quan cai trị nào mang họ Lê. Bởi vậy nhiều nhà ngiên cứu cho rằng: Họ Lê là một trong những họ đặc trưng của dân tộc Lạc Việt đã định cư ở đất Thanh Hoá - Ninh Bình từ rất lâu đời đến nay .Ngày nay họ Lê có thể chiếm đến 15% dân số nước ta, là một dòng họ đã có đến hai lần lập ra triều đại Vương quyền: Tiền Lê và Hậu Lê, tổng cộng 399 năm. Trong danh sách khoa bảng triều Nguyễn trong 115 năm có đến 650 vị Hương Cống, Cử Nhân, Tiến Sĩ, Phó Bảng là con cháu họ Lê trong 5.230 vị đăng khoa.Nghiên cứu về dòng họ Lê vô cùng thú vị, vì có nhiều Danh nhân lịch sử, văn hóa nước ta mang dòng họ này. Đặt biệt những vị Thủy Tổ của nhiều chi phái họ Lê ở nước ta đều xuất xứ trên đất Đại Việt, không hề có ai gốc tích từ Trung Quốc sang mang dòng họ Lê.”
Theo Sách Lễ hội và Danh nhân Lịch sử Việt Nam của tác giả Hà Tùng Tiến (nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Hà Nội 1997): Thục Phán An Dương Vương là người dòng họ Lê ở Mỹ Đức, con cháu dòng Lê đại tộc bắt nguồn từ đây, trải qua 2.230 năm hình thành và phát triển đất nước dòng họ Lê đã cống hiến không biết bao nhiêu xương máu cho Tổ quốc, nổi bật là hai Triều đại Tiền Lê và Hậu Lê. Đó là niềm tự hào cho tất cả những ai được mang dòng máu họ Lê, để nhớ mãi: Cội nguồn của chúng ta Thục Phán An Dương Vương là ông tổ của dòng Lê Đại Tộc…” Trong sách thế thứ các triều vua Việt Nam của Nhà xuất bản Giáo Dục tái bản lần thứ 9 năm 2003-nhà biên soạn Nguyễn Khắc Thuần viết ”. Kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy :Thục Phán - An Dương Vương là người có nguồn gốc bản địa . Tuy nhiên , bản quán cụ thể của An Dương Vương hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác . Nhiều người đoán định rằng, rất có thể Thục Phán sinh trưởng ở vùng Việt Bắc ngày nay. An Dương Vương sinh năm nào không rõ , chỉ biết ông mất vào năm 179 trước công nguyên . Truyền thuyết nói ông mất tại Nghệ An , tục truyền đền con Công ở Mộ Dạ ( Nghệ An ) chính là đền thờ An Dương Vương “.
Theo Lê Tượng-nguyên trưởng ban quản lý khu di tích Đền Hùng tỉnh Phú Thọ: “Vào nửa sau thế kỷ thứ lll trước công nguyên, nhân sự suy yếu của triều đại Hùng Vương cuối cùng . Thục Phán một thủ lĩnh người Âu Việt ở miền núi đã phái nhiều đạo quân tiến đánh kinh đô Văn Lang(miền Lâm Thao Phú Thọ ngày nay)Cuộc chiến Hùng -Thục kéo dài chưa phân thắng bại ,thì các cuộc xâm lăng từ bên ngoài lại ồ ạt vào chiếm đất Văn Lang. Trước tình hình đó,hai bên chấm dứt xung đột cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm . Kháng chiến thắng lợi,Thục Phán với tư cách người chỉ huy chung đã được thay thế Hùng Vương làm vua , đặt tên nước mới là Âu Lạc .Người xưa truyền lại rằng , khi được vua Hùng nhường ngôi ,Thục Phán vô cùng cảm kích cho dựng cột đá thề bên Điện kính Thiên (Đền thượng) trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề nguyện muôn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương tạo lập và đời đời hương khói tại lăng mộ vua Hùng..”.
Viết về gia sử của dòng tộc Lê nhà ta, các bậc tiền nhân đã ghi rất rõ trong hai quyển Gia phả viết bằng chữ Hán Nôm. Quyển thứ nhất vị trưởng họ đời thứ 6 Lê Thuỵ lập năm Tự Đức thứ 7 Giáp Dần(1854) ghi: ”Tổ Tiên có nguồn gốc từ Làng Tòng Lệnh;Thái Thuỷ Tổ khảo: Lê Quý Công huý Văn Cẩn; giỗ ngày 23 tháng 9 âm lịch, mộ táng tại làng Thừa Lệnh. Thuỷ Tổ khảo: Lê Quý Công huý Đình Sắt; giỗ ngày 10 tháng 5 âm lịch, mộ táng tại Nhà Dần Phú Thọ. Thuỷ Tổ Tỷ: Trần Thị Vinh, giỗ ngày 26 tháng 11 âm lịch, mộ táng tại Gò Sỏi Phú Thọ”. Theo sách :”Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XlX thuộc các tỉnh từ Nghệ An trở ra NXBKHXH của viện nghiên cứu Hán Nôm “: Làng Tòng Lệnh xưa thuộc xã Khê Thượng , Tổng Phú Kỳ, Huyện Minh Nghĩa, Phủ Quảng Oai, Trấn Sơn Tây; Nay là Thôn Tòng Lệnh, xã Tòng Bạt, Huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Làng Thừa Lệnh xưa là xã Thừa Lệnh,tổng Phú Kỳ; Nay là thôn Cộng Hoà ,xã Thái Hoà ,huyện Ba Vì. Nhà Dần và Gò Sỏi là hai đĩa danh thuộc xã Phú Yên (Phú Thọ),tổng Yên Phú,huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao,trấn Sơn Tây xưa; Nay thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.Về danh xưng theo nghĩa cửu tộc (9 đời); “Thái Thuỷ Tổ “của người lập phả, nay Ta gọi là “Tổ đời 1”; Thuỷ Tổ là “ Tổ đời 2” thì người lập phả ở đời thứ 6. Ngày 23/9/Âm lịch là ngày giỗ tổ. Quyển thứ hai là Gia Phả của chi thứ ba,Vị trưởng chi đời 7 Lê Văn Thiện (1853-1917) lập năm Thành Thái thứ 17 Ất Tỵ (1905) ghI:“ Tổ Tiên ta đến ở Phú Thọ cũng đã lâu đời, có bốn chi, chi nhà ta là chi thứ ba, một năm có ba ngày giỗ Tổ: ngày 23/ 9, ngày 10/5 và ngày 26/11”. Hai quyển Gia Phả cũ không ghi được năm sinh cũng như năm mất của các bậc Tiên Tổ từ đời 1 đến đời 5. Gia Phả chi thứ ba ghi được năm sinh cũng như năm mất của các vị từ đời thứ sáu trở đi; Từ vị trưởng chi đời 6 Lê Đình Khuông sinh năm Mậu Dần (1818); Đến chắu đầu tiên đời 12 sinh năm Đinh Sửu (1997) cách 6 đời phải mất 180 năm,30 năm một đời; Vì vậy từ Tổ đời 1 đến trưởng chi 3 đời 6 cách 5 đời phải mất trên dưới 150 năm .Ta luận ra :Tổ đời 1 sinh khoảng (SK 1660),Tổ đời 2 sinh khoảng (SK1690),Tổ chi 1,2,3,4 đời 3 sinh khoảng (từ 1720 đến 1730)…,; Kết quả thu được tuy có thiếu chính xác, nhưng cho chúng ta lượng định được một khoảng thời gian tương đối hợp lý về thời điểm xuất hiện của các bậc Tiên Tổ. Gia Phả cũ còn chỉ ra rằng:” Từ Cao tằng tổ công đức vang lừng khắp nơi, qua các triều đại: Đinh- Lê- Lý- Trần- Lê nhiều chi họ đã được hình thành phát triển”. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Vậy “Cao tằng tổ” là ai? Bản quán ở đâu?. Để giải mã những câu hỏi này; Tôi tìm được một tài liệu quý giúp cho việc chấp nối tộc phả trong bản tin viêc họ số 03 ra tháng 9 năm 2007 của Hội đồng họ Lê Việt Nam; Đó là hệ thống sơ đồ cụ Quận Công Lê Trình đời thứ 7 của cụ Lê Trừ và đời thứ 10 của cụ Lê Hữu Hối, đã hệ thống từ tập gia phả “ Lê tộc sinh hạ “ do đích thân Lê Trừ, Lê Lợi cùng các con biên soạn năm Thuận Thiên thứ 3 (1430); Bản chú thích ghi rõ danh sách 402 trên tổng số 720 vị Tiên Tổ bị thất lạc nơi cư trú của các chi phái. Tại sơ đồ số 7 trang 107 cụ Lê Văn Cẩn ( đời 27) là người bị thất lạc có tên trùng khớp với Thái Thuỷ Tổ Lê Quý Công huý Văn Cẩn ( Tổ đời 1) của tộc Lê ở Thị Xã Phú Thọ; Nối ngược lên trên thì Ngài là hậu duệ của cụ Lê Trừ ( anh trai thứ hai vua Lê Lợi) quê xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hoá. Cụ Lê Trừ là đời thứ 5 của Thuỷ Tổ Lê Mối thời hậu Lê và là đời thứ 13 của Thuỳ Tổ Lê Đột thời tiền lê. Thuỷ Tổ Lê Đột đến định cư ở thôn Phong Mỹ-Xuân Tân- Thọ Xuân- Thanh Hoá vào khoảng thế kỷ thứ 9 cách ngày nay trên ngàn năm. Theo quốc sử: Thời đại nhà Đinh (968-980); Tiền Lê (980-1009); Lý (1010-1225); Trần (1225-1400) và Hậu Lê khởi đầu từ năm 1428; Đó là các triều đại nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Cho nên Cụ “ Cao tằng tổ”chúng ta đang tìm, chính là cụ Lê Đột thuỷ tổ thời tiền Lê. Tóm lại: Dòng tộc Lê nhà ta đến định cư ở Thị Xã Phú Thọ trên 300 năm nay là một chi phái thuộc dòng Lê Đại Tộc phát tích từ vùng đất Thanh Hoá, Ninh Bình. Cụ Lê Văn Cẩn (Tổ đời 1) đến làng Tồng Lệnh vào khoảng cuối thế kỷ thứ 17 vì lý do gì? Thì không rõ; ChỈ biết Cụ mất và mộ táng tại làng Thừa Lệnh. Cụ Lê Đình Sắt (Tổ đời 2) là con trai của tổ đời một, đã chuyển cư đến lập ngiệp ở làng Phú Thọ vào khoảng đầu thế kỷ 18. Uống nước nhớ nguồn, thành kính với Tổ Tiên, nhớ về cội nguồn; Tôi xin mạo muội ghi lại những dòng trên đây để các thế hệ mai sau truy tìm tưởng nhớ./. Việt Trì ;ngày 18/2/2012. Lê Học Thức (Đời thứ 10,chi thứ 3.
ĐT:((0210)3848729 & 0979848729. Email:le.hocthuc@yahoo.com.vn
.Đc: 410 đường Châu Phong,Phường Gia Cẩm,TP Việt Trì,Tỉnh Phú Thọ.

Gia Phả HỌ LÊ
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HỌ LÊ .
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HỌ LÊ
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.