GIA

PHẢ

TỘC

HỌ
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
Dòng tộc Lê nhà ta hiện còn lưu giữ được hai quyển gia phả viết bằng chữ Hán Nôm: Quyển thứ nhất vị trưởng họ đời thứ 6 Lê Thụy lập tháng Giêng năm Tự Đức thứ 7 Giáp Dần (1854); Ông Lê Văn Phong đời thứ 9 chi 2 ( ở viện Hán Nôm )cho dịch ra chữ quốc ngữ; Trưởng họ đời thứ 11 Lê Mạnh Hùng cất giữ. Quyển gia phả này ghi rõ “Tổ Tiên có nguồn gốc từ làng Tòng Lệnh, từ Cao Tằng Tổ công đức vang lừng khắp nơi, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê nhiều chi họ đã được hình thành phát triển.” và chép được thế thứ liên tục 6 đời. Tổ đời 1: Lê Văn Cẩn,giỗ ngày 23 / 9 / âm lịch, mộ táng tại làng Thừa Lệnh. Tổ đời 2: Lê Đình Sắt, giỗ ngày 10 /5 / âm lịch, mộ táng tại Nhà Dần (TX Phú Thọ). Cụ bà là Trần Thị Vinh, giỗ ngày 26 / 11 / âm lịch, mộ táng tại Gò Sỏi (TX Phú Thọ). Hai cụ sinh được bốn người con trai: Trưởng nam: Lê Luận; Thứ 2 Lê Đào; Thứ 3 Lê Đình Huân; Thứ 4 Lê Trực, là đời thứ 3 và là Tổ chi 1,2,3,4. Các đời 4,5,6 của cả bốn chi,chỉ thấy ghi có trưởng chi.Quyển thứ hai là gia phả của chi 3, vị trưởng chi đời thứ 7 Lê Văn Thiện (1853- 1917) lập năm Thành Thái thứ 17 Ất Tỵ (1905), ông nội ta đời thứ 8 Lê Văn Lễ (1895 – 1943) dịch ra chữ quốc ngữ, cha ta Lê Văn Tuân (1916 – 2001) viết tiếp để lại cho ta. Quyển gia phả này ghi “Tổ tiên ta đến ở Phú Thọ cũng đã lâu đời, có 4 chi, chi nhà ta là chi thứ 3…Cụ dặn rằng:Đã sinh con giai thì phải cho đi học để đọc quyển gia phả này…Một năm có ba ngày giỗ tổ: 23/ 9; 10 / 5; 26 / 11 ” và chép được đầy đủ thế thứ 7 đời từ vị Tổ chi đời thứ 3 Lê Đình Huân đến đời thứ 9, trong đó các đời 3, 4, 5, 6 đều là Lê Đình như cụ Tổ đời thứ 2(Lê Đình Sắt); các đời 7, 8, 9 đều là Lê Văn như cụ Tổ đời thứ nhất (Lê Văn Cẩn)
.Cha ta là người tiếp nối nghề truyền thống của ông cha, một người thợ khéo, có đôi bàn tay vàng,thời trẻ đã cùng cha anh và dân làng làm phúc thiện đúc quả chuông đền mẫu Chùa Mật, có ghi vào gia phả như sau: “Nghề đúc lưỡi cầy rất gian nan, sau cha và anh mất đi, nhờ có bà mẹ già phúc hậu, khuyến khích làm, rù hỏng, rù được, miễn thành nghề. sau hai anh em ông Lễ, ông Hàm rủ nhau đi chơi nào Hương Canh, Thừa Lệnh để xem xét cái hay của họ và đem về sửa đổi lại nghề nhà thêm tinh vi và dễ làm hơn trước, nay ta thừa hưởng nghề nhà làm ăn được dễ dãi phát đạt cũng là nhờ trước là Tiên Tổ sau là ở cha ta vậy”
.Chú ta- Lê Văn Ký- viết trong hồi ký của mình là: “Năm 1947 ta cùng với chú là Lê Văn Hàm, các anh Lê Văn Giới, Lê Văn Tuệ và em là Lê Văn Đang dùng chiếc bễ lò đúc thủ công của gia đình lập một xưởng đúc ở xã Thái Ninh, Thanh Ba, Phú Thọ; đúc thành công hàng loạt lựu đạn, mìn đĩa, mìn muỗi đầu tiên cung cấp cho bộ đội ở chiến trường liên khu 10, cũng trong dịp này ta được kết nạp vào ĐCSVN và đã được thưởng một bằng khen do chính Bác Hồ tự tay ký tên và uỷ cho cục quân giới trao tặng”.
Theo dấu chân của các tiền nhân, những năm đầu thế kỷ 21 các ông Lê Mạnh Hùng ( trưởng họ đời 11); Lê Văn Huy, Lê Anh Tuấn (đời 9, chi 2), Lê Văn Uyên (đời 10,chi 2), Lê Học Thức, Lê Văn Cường (đời10, chi 3);Lê Văn Tiến ( đời 10, trưởng chi 4) đã nhiều lần về Tòng Lệnh và Thừa Lệnh để truy tìm nguồn gốc dòng họ và nghề đúc lưỡi cày. Tới Tòng lệnh, chúng tôi gặp cụ Lê Văn Bi (SN 1921) là hậu duệ của Tổ Lê Văn Liên ( giỗ 04/11/âm lịch ); Cụ cho biết Tổ của cụ là một trong sáu người cùng phát tích từ vùng đất Thanh Hoá, Ninh Bình tới đây lập nghiệp đã hàng trăm năm nay, có người chuyển cư sang vùng Lâm Thao Phú Thọ, nhưng tên là gì? thì cụ không rõ.Tới Thừa Lệnh,chúng tôi không tìm thấy những người đồng tông với họ nhà ta, nhưng lại gặp được những người họ Phùng có nghề đúc lưỡi cày cha truyền con nối đến nay đã 13 đời. Tra cứu tộc phả họ Phùng thấy có ghi: “Cụ tổ đời thứ nhất họ Phùng là Mạc Canh - con cụ Mạc Thao và là cháu vua Mạc Mậu Hợp- năm 1686 đem nghề đúc lưỡi cày từ Cao Bằng lánh về Thừa Lệnh lập nghiệp,rồi đổi họ tên thành Phùng Quang Huy để tránh sự truy lùng của chúa Trịnh Tạc”. Nhân đó chúng tôi còn được ông Phùng Văn Đệ (đời 11, SN 1937) kể cho nghe câu chuyện có liên quan đến họ nhà ta, đó là: “Năm 1947, cha ông là cụ cố Phùng Văn Tĩnh được mời lên xưởng đúc ở xã Thái Ninh,Thanh Ba, Phú Thọ đúc lựu đạn cho bộ đội Cụ Hồ, sau hoà bình ông Cả Giới (Lê Văn Giới) về đây thăm bạn đồng nghiệp,còn phổ biến cho chúng tôi dùng than kíp lê thay than củi, đồng thời đem chiếc bễ lò đúc thủ công năm xưa giao cho cục quân giới làm hiện vật lịch sử trưng bày ở bảo tàng cách mạng Việt Nam”. Trong các chuyến đi này,chúng tôi không tìm thấy ngôi mộ của vị Tổ họ đời thứ nhất táng ở làng Thừa Lệnh, nên có xin phần đất thiêng ở đình Thừa Lệnh, thờ Tản Viên Sơn, “Đền linh thiêng tây lĩnh; Đất cổ tích trời Nam " Đem về ngôi mộ tưởng niệm Tiên Tổ được xây dựng năm 2004 tại nghĩa trang Bãi Bát, khu 3, phường Trường Thịnh, Thị Xã Phú Thọ.
Tổ đời 1: Lê Văn Cẩn (SK 1660), đến làng Tòng Lệnh vào cuối thế kỷ 17 cùng với Tiên Tổ Lê Văn Liên của tộc Lê đang sống tại thôn Tòng Lệnh, xã Tòng Bạt,huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Có lẽ Ngài lập gia thất với một người con gái họ Phùng ở làng Thừa Lệnh, đất lành chim đậu, Ngài ở lại quê vợ sinh sống nên đã nắm được quy trình công nghệ đúc lưỡi cầy bằng gang của người họ Phùng. Ngài mất, mộ táng tại Làng Thừa Lệnh. Tổ đời 2: Cụ ông Lê Đình Sắt (SK1690). Cụ bà Trần Thị Vinh (Nguyên quán? Không rõ).Đầu thế kỷ 18,sau khi cha đẻ qua đời,Ngài chuyển cư đến làng Phú Thọ (tục gọi là làng Mè xã Phú Yên, tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây; nay là các phường Phong Châu, Âu Cơ, Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Ngài học được nghề đúc lưỡi cày từ cha mình, đem tới nơi ở mới lập nghiệp,rồi truyền lại cho người con trai thứ 3 là Tổ chi 3 Lê Đình Huân ,vì thế nghề đúc lưỡi cầy chi thứ 3 gọi là nghề nhà , được duy trì phát triển mãi cho tới đời thứ 9 sau này. Hai cụ sinh được 4 người con trai, hình thành 4 đại chi .Tổ chi 1: Lê Luận (SK1720).Tổ chi 2: Lê Đào( SK1723). Tổ chi 3: Lê Đình Huân (SK1727).Tổ chi 4: Lê Trực (SK1730) .Từ một Ông Tổ, họ Lê sinh sôi nẩy nở trở thành một họ lớn ở làng Phú Thọ, đã 12 đời,trên 600 gia đình với gần 900 nhân khẩu .Hiện nay cả 4 đại chi vẫn còn đại diện của mình sống trên mảnh đất mà Tiên Tổ để lại ;Từ sau 30/4/1975 đất nước thống nhất,giang sơn thu về một mối,mở cửa, đổi mới ,hội nhập,số đông người tộc Lê nhà ta đã chuyển đi nơi khác trên khắp miền đất nước từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, có một số ít người sinh sống ở hải ngoại. Cho dù đi đâu, ở đâu, cứ đến ngày 23/09/âm lịch hàng năm,con chắu lại hành hương về nhà thờ Tổ ở khu ba,Phường Trường Thịnh, Thị Xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ để làm giỗ Tổ
Việt Trì, ngày23 tháng 3 năm 2012 Lê Học Thức, đời thứ 10, chi 3.
ĐT (0210)3848729 & 0979848729. Email:le.hocthuc@yahoo.com.vn
410, Đ Châu Phong,P Gia Cẩm, TP Việt Trì, T Phú Thọ
Gia Phả HỌ LÊ
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HỌ LÊ .
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HỌ LÊ
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.