GIA

PHẢ

TỘC

Lương
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
Phả ký : Tông phả ghi chép được 11 Cao Tổ họ Lương: 8 trai 3 gái . Tông phả ghi tương đối rõ 2 chi là chi cả (chi Khà Tàu) thuộc Cao tổ Lương Đặng Vân (Nho Vân) và Chi 6 thuộc Cao tổ thứ 6 Lương Đặng Ninh (Nho Khởi).

Trong thực tại nói chi 2 là phía Cốc La, rõ các hậu duệ gần hai thế kỷ nay-200 năm; xưng hô bậc anh em như: phía Hồng, Lương Gia Khát, Ban, Soan..., Hà Nam)... nhưng chưa rõ thuộc ông Cao tổ thứ mấy? Cụ thể thêm là các ông Cao tổ 2,3,4,5,7,8 mới biêt cụ ông, cụ bà và sinh bao con trai gái (cách trên hai thế kỷ) không được ghi tiếp vào Tông Phả. Đó là sự tồn tại chính về Gia phả họ ta:
1) Mả Tổ không đủ dữ liệu về tên. Mộ 11, chỉ có một số mộ có tạo độ.
2) Con cháu các thế hệ cần sưu tầm, đặ biệt là phần các ông Cao tổ thứ 2.3.4.5.7.8.

* Bàn luận về việc di chuyển dòng họ Lương Pò Bó:
Khi bàn về việc di chuyển các dòng họ, các nhà nghiên cứu thường đưa ra 4 nguyên nhân:
- Do chinh chiến, đi phu, đi lính, hay chạy trốn khi đất nước lâm nguy;
- Do thiên nhiên biến động, như: bão lụt, động đất...;
- Do phân công, điều động quan lại của triều đình, nhà nước trước kia, khi đi được đưa bố mẹ, anh em, vợ con đi theo;
- Do di cư, di thực: Qúa trình sinh sống, con người tìm nơi đất mới, khai phá, lập cư và dần dần đất lành chim đậu, an cơ lạc nghiệp.
Như vây, họ Lương di chuyển đến An Hùng, Văn Lãng được di chuyển đến làng Pò Bó, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn tới nay; có mồ mả Tổ Tông tại đây (Khu đồi cao Bó Slượi thoáng mát). Rất tiếc, trong Tông phả đến nay chưa biết được thời gian và nguyên nhân di chuyển. Như vậy, sự tìm vấn cội nguồn dòng họ Lương cần được sưu tra, hoàn thiện tiếp.
Chúng ta khẳng định rằng, dù có cội nguồn từ đâu đến, chúng ta là con lạc, cháu rồng của dân tộc Việt Nam, sống tại quần cư làng Pò Bó, xã Đại Đồng. Đại gia đình họ Lương - Pò Bó vốn giàu lòng yêu quê hương, đất nước; con người có đức tính cần cù lao động, thương yêu, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới.

II – Các bậc Thuỷ và Cao tổ họ Lương – Pò Bó:
Mở đầu Quyển Tông phả chép tay (trang 4) của cụ Lương Đình Cảnh (hậu duệ là ông Lương Tuấn Khanh) có ghi bằng chữ Hán nôm:
“Long đức nhị niên tuế, thứ Quí Sửu thất nguyệt, thập ngũ nhật ti thì sinh Dương Thị Mao;
Phu thân Dương Thiện Lộc, mậu thân Lương Thị Chu, Thoát Lãng châu, An Hoá xã nhân;
Quí Sửu niên canh thân nguyệt giáp ngọ nhật kỷ tị thì, tân hợi nguyệt thai lập mệnh Mậu Thìn, trường sinh tại Hợi;
Hướng dương thất thập tam tuế vu Giáp Tý niên bát nguyệt thập ngũ nhật Tân Mùi;
Thập nguyệt thập bát nhật Quí Dậu mùi thì an táng toạ nhâm hướng Bính Tân canh phân kim”.
Dịch nghĩa là:
Long Đức thứ hai, năm Quí Sửu tháng 7 ngày 15 giờ Tị, sinh Dương Thị Mao;
Cha là Dương Thiện Lộc, mẹ là Lương Thị Chu, người xã An Hoá, châu Thoát Lãng.
Dòng bát tự bà Mao là:
Năm Quí Sửu, tháng Canh Thân, ngày Giáp Ngọ, giờ Kỷ Tị.
Tháng Tân Hợi đầu thai lập mệnh tại Thìn, trường sinh tại Hợi.
Thọ 73 tuổi, mất năm Giáp Tý, tháng 8 ngày 15 Tân Mùi.
Tháng 10 ngày 18 Quí Dậu, giờ Mùi an táng toạ Nhâm, hướng Bính tân canh phân kim.
(theo bản viết về “Tông phả họ Lương- Pò Bó do ông Lương Vĩnh Can sưu tra”)
Theo quyển ghi chép “Tông phả họ Lương - Pò Bó” do ông Lương Tuấn Khanh biên chép và ông Lương Văn Hinh sao lại, năm 2001 – Tân Tỵ:
Về Cao Cao Thuỷ tổ thấy ghi rõ về 4 đời phía họ Đặng, còn họ Lương không thấy ghi ! Ghi bà Lương Thị Chu và cụ Dương Thiện Lộc là tổ ngoại; Cụ Lộc được cải táng vào ngày 18 tháng 10 năm Quí Dậu, ngày mất của con rể Đặng Nhân tại khu chính (tầng I) mả Tổ ở Bó Slượi, toạ Nhâm, hướng Bính.

Bố mẹ bà Dương Thị Mao là:
Cụ ông Dương Thiện Lộc và cụ bà Lương Thị Chu. Trong Quyển Tông phả không ghi ngày sinh, ngày mất, chỉ ghi bà Chu là người xã An Hoá, châu Thoát Lãng. Hai ông bà chắc chỉ sinh được một người con gái, nên mới gả chồng cho họ Đặng, tên là Đặng Nhân.
Như vây, chúng ta tính bậc Thuỷ Tổ họ Lương từ ai ?
Từ ông Lương Đặng Nhân (Khảo) và tỷ là Dương Thị Mao, như vậy là hợp lý nhất !
II-1 Ngày sinh, ngày mất các bậc Thuỷ cao tổ
1- Bậc Thuỷ Cao Tổ:
Tổ ngoại là (Khảo) – Dương Thiện Lộc – Pháp sư … Quí công….? (không rõ sinh ngày, tháng , năm nào và từ đâu di đến Văn Lãng ?), ngày mất 15 tháng 8, tho 73 tuổi. Được cải táng vào ngày con rể mất, tức Đặng Nhân mất ngày 10 tháng 8 tại mả Tổ họ Lương (Bó Slượi, toạ Nhâm, hướng Bính phân kim).
Bà (Tỷ) Lương Thị Chu … (chỉ ghi có thế).
2 - Bậc Thuỷ Tổ:
Bậc Thuỷ Tổ - (Khảo) Lương Đặng Nhân 1…. , 1….
Ngày mất 18 tháng 10, mả tại mả Tổ, toạ Nhâm, hướng Bính.
Bà Dương Thị Mao, sinh năm Long Đức 2- 1733, mất ngày …. Năm 17…
Ông ngoại cũng được cải táng ở mả Tổ Bó Slượi – ngày 18 tháng 10, (không rõ ghi chuyển năm nào, chuyển từ đâu đến mả Tổ Bó Slượi).
Ngày 18 tháng 10 từ truyền tụng là ngày thờ cúng (Khẩu Thản) của họ Lương – Pò Bó. Hiện nay, ngày này hàng năm vẫn được con cháu cúng lễ nghiêm túc. Như vậy, ngày 18 tháng 10 (âm lịch) là ngày giỗ Tổ họ Lương và được các gia đình con cháu từ trước đến nay đặt là ngày giỗ Tổ họ Lương.
Vào ngày giỗ tổ 18 tháng 10, các con cháu họ Lương làm bánh dày ngon để thờ cúng tổ tiên. Người cúng lễ, được ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, miệng cầu khấn các Cụ, kỵ, ông bà tổ tiên phù hộ độ tì những điều tốt lành cho hậu duệ con cháu. Cúng với 3 tuần rượu, chè…đốt hương vàng (Kiểu cúng lễ này giống kiểu thờ bánh dầy …(trì trà) cho người đứng đầu “Mo, Thào” – tín ngưỡng.
Gia đình ông Nhân bà Mao rất hạnh phúc, đề huề. Ông bà có được 11 người con (8 trai và 3 gái); có 13 con dâu: trai cả lấy 3 vợ, trai thứ đến trai thứ 4 lấy 2 vợ, trai thứ 5 đến trai thứ 8 lấy 1 vợ.
Với 13 con dâu, ông bà có 49 cháu (24 nam, 25 nữ), đây là bậc Cao Tổ.
Bậc Cao Tổ có 8 con trai (gọi theo tiếng Nôm là Bát nho, tiếng Tày là pét Pú và slam nhình).
Từ 8 người con trai của ông bà Lương Đặng Nhân, Lương Thị Mao, về sau này hình thành 8 chi. Song, do không được ghi tiếp vào Quyển Tông Phả, nên chỉ thấy ghi tương đối rõ về chi cả (Khà tầu) và chi thứ sáu; và gần hơn một thế kỷ nay chỉ được truyền tụng 3 chi:
+ Chi I (chi cả - chi trưởng): gồm các hậu duệ - Thọ, Lim (Bản Pò); Lợi, Dương, Hoan… (làng Pò Bó) thuộc Cao tổ Nho Vân.
+ Chi II - truyền tụng là chi Cốc La. Con cháu hậu duệ là Hồng, Phặt, Khát, Soan, Hà Nam…(nhưng chưa rõ thuộc các ông Cao Tổ nào).
+ Chi III - gồm các con cháu hậu duệ là Nhuận (Tuấn Khanh), Chẩn, Lem, Chung, Ngự, Trường, Mùi…(làng Pò Bó), Cường (Nà Lình)…
Các chi khác không ghi, có thể do di chuyển nơi khác hoặc vô hậu (ngài xiệt)…
Do họ Lương - Pò Bó có nhiều hộ, con cháu ngày một đông, nên trong Họ qui định những ngày hiếu, hỷ thì 3 chi này có mặt cha mẹ, các cháu đến tương trợ nhân lực, tài lực từ rất sớm và đầy đủ theo nghi lễ phong tục qui định và chia sẻ, động viên nhau những lúc có niềm vui, nỗi buồn.
* Chữ đệm của họ Lương (chữ lót)
Họ Lương - Pò Bó sử dụng nhiều chữ đệm khác nhau : lót khởi đầu là Đặng, tức Lương Đặng … ; vì bậc Thuỷ Tổ không có con trai, lấy người họ Đặng làm con trai cả (Đại lang) - tức con nuôi và tiếp chữ Đặng có 5 chữ. Như vậy, tới 2 thế kỷ (tới năm 2000), có 7 chữ đệm (chữ lót được sử dụng), như :
Lương Đặng ….
Lương Nho ….
Lương Tống …
Lương Đình …
Lương Thiệu …
Lương Quế …
Lương Chi …
Như vậy, chữ lót : Đặng, Nho, Tống, Đình, Thiệu, Quế, Chi, mỗi chữ đệm (lót) có thể cho biết được thứ bậc trong dòng họ Lương - Pò Bó. Lâu nay, vẫn gọi họ hàng là như vậy.
Tất nhiên, bậc ngôi thứ có anh, có chị, có em… Ví dụ : Bậc thứ ông Tuấn Khanh (Quế Nhuận) ngang với cố thân phụ các ông Hùng Sơn, Kiên, Mùi, Cường, Lợi… là Lương Quế Chất, Lương Quế Khoan, Lương Quế Quyền, Lương Quế Lập, Lương Quế Thanh… Từ sau chữ chi không được đặt tiếp nữa ! Mỗi chi đặt chữ đệm (lót) tuỳ ý ; phổ biến là Lương Văn…, Lương Thanh…, Lương Quốc…, Lương Vĩnh… Trong Họ cần bàn thêm thấy cách đặt lót nào cho hay thì bàn thống nhất, sao cho hợp lý và biết được sự tôn ty trật tự.
Khi bàn về chữ đệm và nguồn gốc họ Lương - Pò Bó , ông Lương Vĩnh Can có viết:
“Xét về dòng họ Lương Pò Bó có đặc điểm quan trọng để khẳng định ta là người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bởi chữ đệm (lót) đã rất Việt Nam, đó là chữ Nho. Nguyên nghĩa chữ Nho là nghĩa sâu sắc lắm (1 bên chữ nhân, 1 bên chữ nhu là nhu cầu - nghĩa là con người trong đời cần phải có sách. Pháp ngôn có câu (Thông thiên nhân viết nho).
Tống – đi theo Quế - cấy Quế thơm, quí hiếm
Đình – Triều đình Chi – Cành cuối cùng
Thiệu – tốt đẹp.
Và như vậy, không có một dòng họ nào dùng chữ đệm độc đáo như vậy. Phần này mong các thế hệ sau tìm hiểu để diễn giải về cội nguồn thêm”.
* Diện mạo mả Tổ
Mả Tổ họ Lương – Bó Slượi được bố trí, sắp xếp thành 3 tầng
- Tầng I: có 11 mộ, trong đó có 4 mộ có 2 mộ chỉ vợ chồng hợp tảng cùng nhau, là mộ bậc Thuỷ Cao Tổ.
- Tầng II : có 6 mộ
- Tầng III : gần chục mộ, là mộ con cháu của Thuỷ và Cao Tổ.
Mỗi Mộ đều có mộ chỉ, nhưng không có tên. Một số mộ Thuỷ và Cao Tổ có ghi trong Tông Phả về toạ độ, hướng, phân kim - số mộ này đặt la bàn có thể biết tên !
Trước kia, đã 2 lần an long (tiếng Tày gọi là "An lùng") và vào các ngày Thanh minh, tảo mộ hàng năm có được các bậc ông cha chỉ dẫn qua về các mộ Thuỷ và Cao Tổ là Chung, là các ông Cao Tổ chi I, II và III…
Tầng I có một mộ - hai mộ Chi, có một mộ đất ngăn … ? có thể là mộ Ông và Bà ngoại, vì Tông Phả ghi là ông Dương Thiện Lộc mất ngày 15 tháng 8 và mang về cải táng với mả Tổ vào ngày 18 tháng 10 của ông Đặng Nhân.
Số mộ con cháu của Thuỷ Cao Tổ ở tầng II, III có được các bậc hậu duệ trông nom, tảo mộ.
Mả Tổ họ Lương được truyền tụng thêm là : Mả Tổ họ Lương xa xưa… lúc đầu hướng nhìn qua Bản Pò (hướng Tây – Nam), về sau xoay hướng qua Khòn Pùa (không rõ năm xoay hướng này), hướng này rộng thoáng hơn ! Từ Khòn Pùa nhìn về mả Tổ nhận thấy toàn cảnh rất tốt đẹp - tựa như mả Tổ họ Lương ta cưỡi trên mình Phượng đang giang cánh bay. Người ta đồn rằng : Làng Pò Bó có 4 con vật quí tử : Tứ linh – Long, Ly, Qui, Phượng.
Mả Tổ họ Lương đứng trên mình con Phượng đó. Xưa tới nay, vận mệnh họ Lương ta vẫn có nhiều mặt cao quí, kính trọng ! Con cháu về sau có điều hay, lẽ phải cần giữ gìn phát huy.
Về mộ, chỉ như đặt la bàn, để con cháu tôn thờ Tổ tiên, ghi nhớ công lao các bậc Cao Thuỷ Tổ, Cao Tổ, các cụ, kỵ, ông, bà đã sinh ra chúng ta và dựng xây làng quê, non nước này cho chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay.
Tông Phả có ghi bài nói về diện mạo hay mả Tổ họ Lương ta như sau :
Phúc tạo dinh hoả sản ; Ưu hạ niên chi tiết,
Dương lệnh vương tương ; Cánh khiên kỷ kiện.
Điệp trùng phùng thân chi ly ; Bính đinh đương đầu,
Lý tường thái quá ; Hướng đắc nhâm thuỷ ;
Phục hiệu viết hoả ; Tiêm hữu thuỷ danh ;
Vi ty lễ chi văn ; Khiên sinh mãi thị ;
Tài vương chi tướng ; Tứ trụ quí nhân ;
Trọng kiến nhất sinh y lộc ; Phong long đặc cấn ;
Quí nhân chi ly ; Nạo ấn thông quan ;
Chân thị đại lão ; Lai vận chi bất miễn ;
Danh trâm ưu niên hạ giá.

II - 2 - CÁC CHI CỦA HỌ LƯƠNG PÒ BÓ
II- 2 -1 Cao Qúi Tổ - Lương Đặng Vân (Nho Vân)
xin xem chi tiết trong phả hệ

Lời kết về phần Cao Quí Tổ Lương Đặng Nhân (Nho Vân) như sau :
“Không thấy về chức tước, là con trưởng, chắc phải đảm quyền huynh thế phụ, trông nom tốt gia đình, chu đáo với các em…nên ghi về lục, mệnh ông Nho Vân có các điểm tốt như sau :
Bảo mệnh sinh vào tiết đầu mùa đông,
Thổ vương sinh hỏa, sinh mệnh lý ; vốn có cương có nhu ; bát tự được giáp mộc, gặp có mưa phùn càng thêm tươi tốt. Coi là mộc sinh hỏa, thông minh, có tứ trụ tài thần qui mộ ; nhất đài ngọc đường quí nhân làm người đứng đầu vậy. Lúc trưởng thành là có lòng biến hóa : Mật dầy, gan to hơn người, tài hùng, giàu sang – khá giả, là người quyền quí vẻ vang ở đời, có chức tước cao sang, có ấn ngọc chỉ dài lâu, là điểm sáng tốt như cây cối nhờ gốc rễ được vun đắp cho lá cành thêm tươi tốt dài lâu rất đáng mừng vậy !

Và kết luận với 9 chữ :
Thực thà, thế trực, mưu trí, mềm dẻo tốt”.






Gia Phả Lương
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Lương.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Lương
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.