GIA

PHẢ

TỘC

Họ
Tạ
-
Làng
Sêu
(làng
Bối
Lang)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
Thủy tổ
TẠ VĨNH GIA

Làng Nại Châu, nay thuộc xã Chu Phan là nơi thờ chính công chúa Vĩnh Gia. Thần tích kể rằng: Tại bãi Quân Thần, thuộc huyện Từ Liêm (Nay là làng Đại Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có nhà họ Tạ sinh hạ một gái, đặt tên là Vĩnh Gia. Năm cô 20 tuổi, được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, cô đứng ra chiêu mộ được hai nghìn nam binh nữ tốt rồi kéo lên Hát Môn tụ nghĩa. Cô được cắt cử đi trấn “Tây Bắc nhị lộ chư biên giang bạn”. Nhân một lần trẩy quân qua trại Cống Áng (sau đổi là Nại Tử Châu) ở sát cạnh sông Cái thấy có địa thế đồn binh liền đứng lại lập trại quân.

Và sau, trong một trận chống quân Mã Viện, cô phải rút chạy, tới Bạch Hạc giang tân (bến sông Bạch Hạc, tên gọi khúc sông Hồng từ ngã ba Hạc đến hết địa phận huyện Bạch Hạc) thì có “thần ngưu” nổi lên đón qua sông. Khi đi tới đầu trang Mạnh Lân (sau đổi là Mạnh Trữ, làng láng giềng của Nại Tử Châu) có “rồng vàng hạ xuống đón cô lên trời”. Đó là ngày 10 tháng Mười Một.

Thủa trước, tới ngày kỵ này, dân làng sửa tiệc cúng gồm bánh dày và bánh cuốn, nửa nhuộm đỏ, nửa để trắng.
Làng Yên Châu huyện Đan Phượng cũng có lập đền thờ Vĩnh Gia.

Đình Ứng Thiên có tên theo địa danh là đình Láng Hạ. Ngoài ra còn có tên cổ là đình Hậu Thổ và đình Nhà Bà.

Đình Ứng Thiên hiện nay thuộc phường Láng Hạ ,quận Đống Đa, thành phố Hà nội. Đầu thời Nguyễn trở về trước, đình thuộc trại An Lãng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Đầu đời vua Thành Thái (cuối TK XIX) trại An Lãng thuộc tổng An Hạ, huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông. Sau này Láng Hạ thuộc khu Đống Đa rồi quận Đống Đa như hiện nay.

Từ Trung tâm Hà Nội theo đường Tràng Thi, Nguyễn Thái Học , tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rẽ phải theo đường Tôn Đức Thắng (Hàng Bột cũ), đến Ngã Tư Sở rẽ phải theo đường Láng độ 1,5 km là tới.

Sử sách xưa đã ghi chép đầy đủ về thời điểm ra đời của di tích đình Ứng Thiên dưới thời vua Lý Thánh Tông (1504- 1072). Sang thời Trần, sách Đại Việt Sử Lược" - (cuốn sử xưa nhất của nước Việt ta viết năm 1377) cho biết: Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171) vua Lý Anh Tông sai sửa sang đền Hậu Thổ. Đến đời Lê Trung Hưng, (TK XVII, XVIII) để đáp ứng chức năng sử dụng của ngôi đình làng, đền Ứng Thiên đã được quy hoạch và mở rộng thêm. Tiếp đó đình còn trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Niên đại tu sửa cuối cùng của triều Nguyễn hiện được ghi trên thượng lương của nhà hậu cung là năm Thành Thái thứ hai ( 1890).

Thần tích lưu giữ tại đình kể rằng: Đình Láng Hạ có nguồn gốc từ ngôi đền cổ được vua Lý Thánh Tông xây dựng sau cuộc nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1069. Đền thờ nữ thần nguyên Quân Hậu Thổ, có công giúp vua đánh thắng quân giặc trong cuộc chinh phạt này. Sang thời Lê Trung Hưng do sự phát triển của tín ngưỡng thờ thần hoàng làng, đền Ứng Thiên được mang chức năng sử dụng của kiến trúc đình làng. Ngoài ra đình còn thờ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như: Linh Lang, Hoàng tử - con vua Lý được tôn là người bảo vệ phía tây của "Thăng Long tứ Trấn"; Cao Sơn Đại Vương, vị sơn thần trên núi Tản lập nhiều kỳ tích trong cuộc đấu tranh chống thiên tai và quân xâm lược phương Bắc; Công chúa Vĩnh Gia, một vị tướng xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Sách "Việt điện u linh" do Lý Tế Xuyên viết năm Kỷ Tỵ (1329) đời vua Trần Minh Tông có chép: Nguyên quân tức là thần cõi đất nước Nam. Khi xưa vua Lý Thánh Tông vào Chiêm Thành đến Cửa Hoàn bỗng bị mưa to gió lớn, sóng nổi dữ dội khiến thuyền bị tròng trành rất nguy hiểm. Vua đang bàng hoàng, lo lắng, chợt thấy một người con gái tuổi độ đôi mươi, mặt tươi như hoa đào, mày xanh như lá liễu, áo trắng quần hồng bước đến tâu với vua rằng:

Tôi vốn là tinh khí của nước Nam, thác đậu vào cây ở chốn mây nước đã lâu, nay gặp minh quân đi chinh phạt lũ giặc nhiễu phương Nam, thật là thỏa nguyện. Bệ hạ đi chuyến này xin cố cho được toàn thắng. Tôi tuy là thân bồ liễu cũng xin theo để giúp sức. Đến ngày khải hoàn, tôi lại xin đợi ở đây để bái yết. Nói rồi thần biến mất.

Vua tỉnh ra nói với quần thần, có vị tăng quan là Huệ Lâm tâu rằng: Thần nói thác đậu vào cây ở chốn mây nước, nay xin cho tìm ở cây, chắc có linh nghiệm. Vua bèn sai sứ giả tìm khắp trên bờ dưới bãi được một khúc gỗ rất giống hình người trong mộng, vua liền đặt tên là "Hậu Thổ Phu nhân" và sai đặt trên bàn để trong thuyền ngự. Bấy giờ gió lặng, sóng yên, thuyền đi nhẹ nhàng. Đến Chiêm Thành, trận đánh như có thần giúp, quân ta thắng to. Đến hôm khải hoàn, thuyền của vua qua bến cũ đậu lại. Vua sai lập miếu thờ tại đấy, liền thấy mưa gió lại nổi lên. Sư Huệ Lâm tâu rằng : "Thần không vừa ý, xin nhà vua cho rước về kinh đô". Vua bằng lòng , cơn mưa gió liền tan.

Về tới kinh đô vua sai lập đền thờ ở thôn Yên Lãng, phía tây nam thành Thăng Long. Đền rất linh thiêng. Đến đời vua Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán vua bèn dựng đàn để cầu đảo thần linh, thần bèn tác mộng với vua rằng: Bản đền có Câu mang thần quân có thể làm mưa được. Nhà vua tỉnh dậy sai quan hữu ty đến làm lễ. Quả nhiên mưa lớn tràn lan. Nhà vua bèn ban sắc phong cho thần: "Ứng Thiên Hậu thổ phu nhân". Dưới Hậu Thổ phu nhân có Câu mang thần quân, coi về mưa xuân, nên từ nay phải làm lễ mùa xuân, rồi đem trâu đất để dưới đền thờ.

Trải qua các đời, thần đều được gia phong và được công nhận là vị thần có công với dân.

Một đôi câu đối còn lưu ở đình đã nói lên điều này:

Trợ Lý bình Chiêm, thiên cổ tích

Phù Trần bái vũ vạn dân an

Nghĩa là:

Giúp vua lý đánh giặc Chiêm nên thiên cổ tích

Giúp vua Trần làm mưa để dân yên

Và đôi câu đối cổ ghi lại công đức của thần:

Sơn mộc thê thần, y phục đạm trang kinh đế mộng

Hải môn hiển ứng, phong đào tinh thiếp hộ vương sư

Nghĩa là:

Gỗ rừn , tạc tượng thần trang điểm áo quần như trong mộng

Cửa biển hiển thánh, dẹp yên sóng gió giúp thuận vua

Đình cổ Láng Hạ là di tích thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo, được xếp là một di tích kiến trúc nghệ thuật quý của Thủ đô và cả nước .

Đình Láng Hạ được xây dựng theo hướng tây nam trông ra sông Tô. Đình có quy hoạch theo chiều sâu, phía trước là đường gạch dài xuyên qua khu vườn cây, dẫn từ đường Láng vào tới sân gạch vuông.

Phần kiến trúc chính của đình theo hình chữ công. Do có khởi nguồn từ ngôi đền cổ chuyển thành đình nên mỗi nếp nhà được gọi theo nhiều cách khác nhau.

Tiền tế là nhà 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Phía trước hai bức tường hồi được xây vượt khỏi hàng hiên rộng khoảng 1m2. Ngoài cùng có một trụ biểu cao ngang với nóc mái, trụ có mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh cột đặt tượng nghê, quay mặt vào phía trong. Bộ khung nhà tiền tế kết cấu đơn giản kiểu "Giá chiêng kẻ truyền". Các quá giang, hoành, xà được bào trơn, bào soi, thân rường trạm các văn thực vật, văn mây. Thân kẻ, đầu kẻ trang trí đề tài rồng lá, rồng mây. Kiểu kết cấu này mang lại cảm giác nhẹ nhàng cho kiến trúc đình.

Phương đình còn gọi là nhà thiêu hương, được đặt ở giữa tiền tế và hậu cung.

Hai bên nhà phương đình có hai dãy dải vũ nhỏ nằm song song và hướng mặt vào trong.

Phần thờ tự chính của đình được xây dựng sát nhà phương đình. Cung cấm là ngôi nhà ngang 3 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Bốn bộ vì được làm giống nhau kiểu "thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ".

Trải qua gần nghìn năm thăng trầm của lịch sử, đình vẫn bảo tồn được nhiều hiện vật quý của thế kỷ XIX: Tượng đức thánh Mẫu có quy mô tương ứng với người thực và được đặt trong khám lớn chạm khắc cầu kỳ. Tượng được thể hiện trong tư thế ngồi, khôn mặt tròn gần gũi với các pho tượng mẫu của thế kỷ XIX.

Một khám lớn trang trí rồng chầu, môt sập chân quỳ, hai hạc thờ, một bộ bát bửu, ba pho tượng thờ, năm lọ độc bình sứ, một tấm bia hậu đều thuộc thế kỷ XIX.

Một chuông đồng đúc thời vua Thành Thái, một cuốn thần phả và 15 đạo sắc phong của ba triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Sắc phong sớm nhất là thời Vĩnh Khánh nhị niên (1730), sắc phong sau cùng vào thời Khải Định.

Hội đình Ứng Thiên từ ngày 6 - 8 tháng 3 và hội mùa thu vào ngày 26 tháng 9.

Mồng 6 tháng 3 là chính hội nhưng từ trước đó các cụ và nhân dân trong làng đã chuẩn bị cờ quạt, đồ tế khí. Các cụ bô lão đi gom hoa bưởi đun nước thơm làm lễ mộc dục.

Mồng 8 tháng 3: kết thúc hội rước ban Mẫu. Từ sáng sớm các cụ bà tụng kinh, lễ tế tạ rất trọng thể.

Lễ hội đình Ứng Thiên là hội xuân đồng thời diễn ra trên cả 3 làng Láng: Láng Thượng, Láng Trung , Láng Hạ.

Ngoài những giá trị tiêu biểu trong những di tích truyền thống, đình Ứng Thiên còn là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu về lịch sử văn hóa cổ xưa của dân tộc ta và bản sắc văn hóa Thăng Long thời Lý Trần.

Đình Ứng Thiên được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tich năm 1984. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Giao, Trưởng Ban Di tích đình Ứng Thiên tâm sự: Hiện nay chỉ giới đỏ của đình đã được xác định rõ ràng nhưng một số hộ vẫn chưa trao trả lại đất đang chiếm dụng cho đình. UBND Quận Đống Đa và UBND Phường Láng Hạ đều nắm được cụ thể nhưng không muốn gây căng thẳng, mà chú trọng vận động với mong muốn bà con tự nguyện trả lại để chốn tâm linh này thêm được tôn nghiêm.

Họ Tạ
Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Tạ là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Viêm Đế. Tạ là tên nước. Thân Bá là anh em rể của Chu Tuyên Vương được ban cho đất Tạ nên con cháu Thân Bá đã nhận tên Tạ làm tên họ.

Chu Tuyên Vương (trị vì: 827 TCN-782 TCN), tên thật là Cơ Tĩnh, là vị vua thứ 11 của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
Ông là con trai Chu Lệ Vương – vua thứ 10 nhà Chu.

Khương là một họ của người châu Á. Họ này có mặt ở Trung Quốc (Hán tự: 姜, Bính âm: Jiang), nó đứng thứ 32 trong danh sách Bách gia tính. Đây là một trong các họ có nguồn gốc cổ nhất ở Trung Quốc, nó bắt nguồn từ thời Viêm Đế, một trong những người được coi là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa. Họ Khương còn xuất hiện khá phổ biến ở Triều Tiên (Hangul: 강, Romaja quốc ngữ: Kang hoặc Gang) và Việt Nam.

Thần Nông (chữ Hán phồn thể: 神農, giản thể: 神农, bính âm: Shénnóng), còn được gọi là Viêm Đế (炎帝) hay Ngũ Cốc Tiên Đế (phồn thể: 五穀先帝, giản thể: 五谷先帝, bính âm: Wǔgǔ xiāndì), là một vị vua huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, một trong Tam Hoàng và được xem là một anh hùng văn hóa Trung Hoa. Theo truyền thuyết, Thần Nông sống cách đây khoảng 5.000 năm và là người đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ Lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ Điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng), cũng như nghề làm thuốc trị bệnh, cho nên trong dân gian có câu Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc (tức Thần Nông dạy dân trồng ngũ cốc).
Trong thần thoại Trung Quốc, Thần Nông, ngoài việc là ông tổ nông nghiệp, người đã dạy dân trồng ngũ cốc và chế tạo ra cày bằng gỗ, ông tổ nghề gốm sứ và nghề y dược[1], thì đôi khi ông cũng được coi là tổ tiên hay thủ lĩnh của Xi Vưu; và giống như ông này, Thần Nông cũng là người có đầu giống đầu bò, sừng nhọn, trán đồng, đầu sắt[2]. Một khác biệt giữa huyền thoại và khoa học được thể hiện trong thần thoại Trung Hoa: Thần Nông và Hoàng Đế được coi như là những người bạn và đồng học giả, cho dù giữa họ là khoảng thời gian trên 500 năm giữa vị Thần Nông đầu tiên và Hoàng Đế, và cùng nhau họ chia sẻ những bí quyết giả kim thuật dùng trong y dược, khả năng bất tử và chế tạo vàng[3]

Theo sự bổ sung của Tư Mã Trinh vào Sử ký[4] thì Thần Nông là bà con với Hoàng Đế và được coi là ông tổ của người Trung Quốc. Người Hán coi cả hai đều là tổ tiên chung của mình với thành ngữ "Viêm Hoàng tử tôn" (con cháu Viêm Hoàng). Ông chết do nếm phải một loại độc thảo mà không kịp lấy thuốc chữa, sau một thời gian dài từng nếm rất nhiều các loại độc thảo khác nhau. Ông được thần thánh hóa như là một trong số ba vị vua huyền thoại danh tiếng nhất, gọi chung là Tam Hoàng vì những đóng góp của mình cho loài người.

Người ta cũng cho rằng Thần Nông đóng một vai trò trong việc tạo ra cổ cầm, cùng với Phục Hy và Hoàng Đế. Một số công trình học thuật cũng đề cập rằng dòng họ đằng cha của viên tướng nổi tiếng thời nhà Tống là Nhạc Phi có nguồn gốc từ Thần Nông[10].
Hậu duệ

Theo phần bổ sung của Tư Mã Trinh vào Sử ký[4] thì: Viêm Đế của Thần Nông thị làm vua 120 năm, khi mất táng tại Trường Sa (nay thuộc tỉnh Hồ Nam). Kinh đô ban đầu đặt tại đất Trần, sau dời tới Khúc Phụ. Ông sinh ra Đế Đồi. Đồi sinh Đế Thừa, Thừa sinh Đế Minh, Minh sinh Đế Trực, Trực sinh Đế Ly, Ly sinh Đế Ai, Ai sanh Đế Khắc, Khắc sinh Đế Du. Tổng cộng 8 đời (từ Đế Đồi tới Đế Du), kéo dài 530 năm cho tới khi Hiên Viên thị nổi lên.

Nơi ở của Thần Nông

Tương truyền Thần Nông thị xuất phát từ Liệt Sơn, ngày nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cách trung tâm địa cấp thị Tùy Châu khoảng 40 km về phía bắc có Liệt Sơn Thần Nông động tại trấn Lệ Sơn, huyện Tùy, được coi là "nơi ở của Thần Nông".

"Nơi ở của Thần Nông", tức động Thần Nông bao gồm 2 nơi (một nơi làm chỗ tàng trữ lương thực và dược vật, một nơi là chỗ cư trú). Tại đây có đình Thần Nông, tháp Thần Nông, miếu Thần Nông, phía nam núi có nhà uống trà của Thần Nông, vườn hoa Thần Nông, đình Cửu Long còn phía bắc núi có ao tắm của mẹ Thần Nông là An Đăng, vườn bách thảo. Ở vùng miền núi phía tây Hồ Bắc có vùng đất gọi là Thần Nông Giá, có lẽ có liên quan tới Thần Nông.
Thần Nông động và Thần Nông bia

Cách trung tâm địa cấp thị Tùy Châu khoảng 55 km về phía bắc là Liệt Sơn thượng, giữa động có bàn đá, ghế đá, bát đá và tháp đá, theo truyền thuyết là các vật dụng của Thần Nông. Liệt Sơn còn có giếng Thần Nông, nhà Thần Nông, quán Thần Nông, miếu Viêm Đế là các kiến trúc cổ. Phía bắc trấn Lệ Sơn còn có một tấm bia "Viêm Đế Thần Nông thị", được bảo tồn đến ngày nay.

Họ Tạ - Nguồn cội Hậu duệ họ Khương ghi trong gia phả : tương truyền rằng họ Khương là lấy tên dòng sông Khương, thời cổ đại hơn hai nghìn năm trước công nguyên, xã hội là xã hội mẫu hệ, có khoảng 20 họ gồm họ Khương, họ Cơ, họ Uy v.v.(theo “Nguyên hòa tính thị”, “Thuyết văn giải tự”, Tân Đường thư”, “Thủy kinh chú”), trong đó họ Khương là hậu duệ đích tôn của Viêm đế Thần Nông thị, cùng với 6 họ khác nữa cũng là hậu duệ của Viêm đế Thần Nông thị là họ Tề, họ Bồ Thân, họ Lữ, họ Kỷ, họ Hứa, họ Hướng. Hậu duệ của họ Khương là một trong 7 nước Hùng Quốc. Đất Tạ nay ở tỉnh Sơn Đông
Gia Phả Họ Tạ - Làng Sêu (làng Bối Lang)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Họ Tạ - Làng Sêu (làng Bối Lang).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Họ Tạ - Làng Sêu (làng Bối Lang)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.