Gia phả là gì ? Vì sao nhà lại có gia phả ? Vì từ các Cao tằng tổ khảo sinh ra dòng họ, ta đã biết. Muốn báo đáp công đức của Cao tằng tổ khảo, ta phải làm gì ? Ta phải ghi lại những việc từ thiện của các Cụ lúc sinh thời và ghi lại những ngày giỗ, nơi phần mộ khi các Cụ đã tạ thế, truyền lại cho các đời sau. Muốn ghi lại thì phải viết thành sách, đó gọi là gia phả.Dòng họ Tạ ta, từ xa xưa, không được truyền lại, nên không theo dõi kê cứu được, chỉ được các cụ xa xưa dặn lại là: họ Tạ ta phát tích từ Đất Tạ tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc, đời đời làm điều thiện và văn võ song toàn ngày càng thịnh vượng phát triển. Ta thấy ghi trong phả cũ, Họ Tạ tại Làng Sêu - Thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội, vẫn nối nghiệp xưa và truyền đời Tam gia (Gia phong, Gia pháp, Gia đạo) ngày càng thịnh, tích lũy mãi về sau. Gia tiên ta có nhiều gương tốt, cần ghi chép, để lại cho con cháu đời đời giữ lấy ngày giỗ và phần mộ. Thời điểm Cụ Tạ Phúc Kim (khoảng 70 tuổi) Ông nội của Cụ Tạ Duy Nhâm (19 tuổi) lập gia phả lần 1 vào ngày 06/5/1945 - năm Ất Dậu - tính đến nay đã gần 70 năm nên cần phải viết lại. Tập phả tuy chưa nói được đầy đủ nguồn gốc từ trước kia, mà chỉ mới từ 11 đời trở xuống (tính từ Cụ Thỉ Tổ đến Cháu Tạ Duy Hoà đủ Cửu huyền Thất Tổ), sự tích của Cao Cao Tằng Tổ Khảo dòng họ Tạ phải được chép lại, để truyền lại về sau cho con cháu trong họ xem tập phả này, sẽ nhớ lại đạo lý, khiến người sau lại viết tiếp gia phả vậy. Thượng lương đại cát, năm Nhâm Thìn (2012). Cháu đời thứ 9 Họ Tạ: Trưởng nam - Huyền tôn Tạ Duy Hoà đề tựa. |