GIA

PHẢ

TỘC

Họ
Tạ
-
Làng
Sêu
(làng
Bối
Lang)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
Nhắc đến Sêu (nay còn có tên Trinh Tiết, thuộc xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là nhắc đến một làng quê trù phú, thanh bình, đứng soi mình bên dòng sông Đáy thơ mộng với nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng. Lịch sử nghề nuôi tằm ở làng có từ thế kỷ VI. Làng thờ bà Trần Thị Thanh làm vị tổ nghề, là người có công đưa nghề trồng dâu nuôi tằm từ đất Ái Châu về làng Bối Lang, nay là làng Trinh Tiết.

Làng Sêu có tự lâu đời, có truyền thống hiếu học và khoa bảng, ngoài nghề trồng dâu canh cửi cổ truyền, còn có nghề thêu ren, được Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu liệt vào một trong những làng nghề nổi tiếng của tỉnh Hà Đông. Đến nay tuy không làm thêu nữa, nhưng làng Sêu vẫn giữ cho mình nghề trồng dâu và tinh thần ham học của ông cha thuở nào. Dâu là nghề phụ và cho thu nhập cao. Học hành thành đạt là niềm vinh dự, tự hào cho mỗi người con của làng.
Chợ Sêu là chợ to nhất nhì huyện Mỹ Đức. Bao năm rồi chợ Sêu vẫn là đầu mối thông thương cho nhiều chợ khác quanh vùng. Địa thế cận giang đã làm cho chợ Sêu ngày càng lớn, rộng, giao lưu không chỉ trong huyện, mà còn liên huyện, liên tỉnh Hà Tây - Hoà Bình. Vì thế ít có chợ nào trong vùng có nhiều sản vật và phong phú như chợ Sêu. Chợ Sêu nổi tiếng cùng với câu ví “Vui con vui cháu không bằng vui 26 chợ Sêu” hoặc “Đông con đông cháu không bằng đông 26 chợ Sêu”. Trong ký ức của người làng Sêu, những năm 80 trở về trước của thế kỷ 19, từ nửa đêm ngày 25 Tết, đường làng Sêu đã rộn ràng tiếng bước chân, tiếng cười nói của những người từ các làng, xã khác tấp nập rủ nhau đi chợ Sêu để mong “xí” được một chỗ ngồi bán hàng như ý. Còn người làng Sêu thì vẫn ngủ ngon đến tận 5h sáng 26 Tết mới đi chợ bán hàng, vì người làng Sêu từ chiều 25 Tết đã ra vườn chặt những tàu lá chuối và cầm thêm một viên gạch mang ra chợ đặt ở những vị trí thuận tiện cho việc buôn bán của mình rồi.
Khỏi phải kể hết cái hay, cái tiện của chợ Sêu, mà nhờ chợ này nên vùng đất Đại Hưng rất trù phú, sầm uất. Từ trù phú, tươi đẹp mà kéo theo sự phát triển toàn diện về văn hoá, du lịch, giáo dục. Nhưng chợ Sêu còn được nhiều người biết đến bởi nơi đây đã diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền cách mạng trước, trong, sau cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp. Nổi lên là sự kiện đồng chí Đỗ Mười (sau này là Tổng Bí thư của Đảng) đã tổ chức tuyên truyền vận động cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Làng Sêu có hệ thống đình, chùa đã được xếp hạng di tích Quốc gia. Đáng lưu ý là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1676. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình, chùa làng Sêu là nơi trú quân và nơi sản xuất vũ khí, xưởng quân giới của cách mạng. Đến nay nhờ nguồn quỹ địa phương và sự đóng góp của nhân dân mà đình làng Sêu đã được sửa chữa, nâng cấp trông thật khang trang, bề thế. Làng còn xây dựng cổng làng trị giá gần trăm triệu đồng cho xứng với tầm vóc của một làng - một thị tứ vừa hiện đại, vừa cổ kính. Ấy là chưa nói đến hệ thống đường sá được trải bê tông, trải nhựa, lát gạch đến từng ngõ, xóm đã khiến bộ mặt nông thôn nơi đây rất văn minh, lịch sự, xứng đáng là một làng quê tiêu biểu nhiều mặt của huyện Mỹ Đức và Làng cũng đã hai lần được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh.
Trong kháng chiến chống Pháp, làng Sêu là vùng tự do, người dân khu vực nội thành Hà Nội về đây lập nghiệp khá đông; trong đó, trường chuyên nổi tiếng mang tên Nguyễn Huệ ( nay ở quận Hà Đông) cũng về đóng chân. Đến tận bây giờ, nhiều người dân làng Sêu vẫn nhớ đến một số “đặc sản Hà thành” đã “dời đô” về đây trong những năm tháng ấy như: Cà phê Nhân, hiệu ảnh Kháng chiến…
Làng Sêu có hơn 3000 dân với 21 dòng họ, dòng họ nào cũng có người hiển vinh, thành đạt. Xưa cả làng có tới 20 ông Nghè, nay làng có hơn 10 người đỗ Tiến sỹ. Đáng lưu ý là họ Đào của làng tuy nhỏ bé nhưng có đến 03 GS, PGS, có nhiều đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Đó là PGS.TS Đào Xuân Lâm, GS.TS Đào Xuân Sâm và Tiến sỹ Đào Xuân Trà. Ngoài ra làng còn có nhiều Thạc sỹ, Cử nhân. Bình quân mỗi hộ có hơn 01 người có trình độ Đại học. Sêu còn là nơi đã sinh ra nhà thơ chiến sỹ Bùi Minh Quốc, còn có bút danh Dương Hương Ly với tác phẩm thơ nổi tiếng thời chống Mỹ: “Đất quê ta mênh mông”. Ở làng còn rất nhiều người làm công nhân, giáo viên, sỹ quan quân đội, sỹ quan cao cấp.
Theo các cán bộ xã Đại Hưng thì cả xã hàng tháng nhận trả lương hưu gần 300 triệu đồng thì Sêu chiếm gần hết số tiền trên, đủ thấy lực lượng trí thức, cán bộ nghỉ hưu của làng lớn như thế nào. Và con số này sẽ ngày càng lớn lên bởi hàng năm làng có vài ba chục cháu là học sinh giỏi các cấp và đỗ đại học, chiếm gần hết số lượng học sinh giỏi và đỗ đại học của xã Đại Hưng. Chưa kể một số lượng đông đảo người làng đang sinh sống ở các tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, con cháu của họ cũng rất thành đạt mà làng chưa thống kê được. Vì vậy mà không ít người khi nhắc đến Sêu là thể hiện một tình yêu mến với miền đất tươi đẹp và có truyền thống hiếu học này. Và cũng ít có làng nào trong huyện Mỹ Đức mà sự ham học và thành đạt đã trở thành một truyền thống, một nét đẹp, xuyên suốt trong lịch sử của làng.
Qua nhiều triều đại, qua nhiều chế độ xã hội, người làng Sêu vẫn giữ được cho mình nét truyền thống đáng quý ấy. Không phải tự nhiên mà hơn thế kỷ trước tri huyện Hòai An, phủ Ứng Hoà đã đặt ở đây một trường học - trường Sêu. Trong kháng chiến chống Pháp, trường Sêu lại vinh dự được Chính phủ cách mạng chọn là nơi đào tạo nguồn trí lực cho nước nhà. Từ cái nôi của trường đã bước ra một đội ngũ đông đảo những trí thức trẻ, những vị tướng tài phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, như Trung tướng Nguyễn Trung Kính. Ngày nay, trường Sêu lại là trường đạt chuẩn quốc gia, là nơi tiếp tục đào tạo đội ngũ lớn trí thức cho đất nước, nối tiếp truyền thống hiếu học, trọng tài của quê hương.
Thế kỷ XIX làng Sêu còn nổi tiếng bởi nghề thêu ren mà trong tác phẩm “Nghề truyền thống Hà Đông”, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu có nhắc tới. Tiếc rằng nghề thêu ren đã bị mai một. Tuy nhiên làng Sêu còn có một nghề cổ truyền từ bao đời nay, đó là nghề trồng dâu nuôi tằm. Những năm 60 của thế kỷ XX, nghề trồng dâu nuôi tằm của làng Sêu phát triển và nổi tiếng đến mức nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã về thăm và nghiên cứu để nhân rộng mô hình cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hai lần về thăm và đặt tên cho làng là “Thủ đô dâu tằm”. Sang thế kỷ XXI ngoài trồng lúa, trồng màu, dân làng Sêu vẫn trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế và thu hút lao động dôi dư của địa phương. Từ chỗ chỉ có 10 mẫu, rồi 26 mẫu mỗi năm, đến nay diện tích trồng dâu của làng đã lên tới 81 mẫu, đạt năng suất 54 triệu/ha/năm. Chính nghề trồng dâu nuôi tằm kết hợp với trồng lúa, trồng màu, làm dịch vụ và nghề mới mây giang đan đã làm cho kinh tế làng Sêu đạt tổng thu nhập hàng năm là hơn 10 tỷ đồng, cả làng không có hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 2.2%.
Hiện nay, dẫu nghề không còn phát triển rầm rộ nhưng nhiều hộ dân trong làng vẫn duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống với tâm nguyện “một đồng, một giỏ không bỏ nghề dâu”. Người trồng dâu, nuôi tằm ở đây cho biết: Nghề này không hề nhàn hạ nhưng cũng giúp cho người dân ở đây có một nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi cây dâu kể từ lúc trồng xuống đến lúc cho thu hái phải mất ít nhất gần 2 năm với khá nhiều công chăm bón. Nhưng, trồng dâu vất vả một, thì chăn tằm còn vất vả thêm 4 - 5 lần. Bận rộn nhất là thời điểm tằm ăn rỗi. Theo lời giải thích của người chăn tằm: Con tằm lúc mới nở được gọi là tằm trút nhộng. Sau khoảng 3-4 ngày, tằm chuyển sang màu trắng, rồi lột xác thành tằm tuổi mốt. Ba ngày sau, tằm thành tuổi hai và rồi 3 ngày nữa là tuổi bốn và bước vào thời kỳ ăn rỗi. Mấy trăm con tằm trong mỗi nong lúc đó sẽ ăn lá dâu rào rào. Chính vì vậy mà người chăn tằm rất vất vả, đúng như cách nói quen thuộc trong dân gian “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”.
Làng Sêu giầu, đẹp, làng Sêu thành đạt, làng trí thức, đó là điều mà nhiều người biết đến. Nhưng xuất xứ của làng Sêu thì ít người biết lắm. Theo các cụ già của làng thì từ Sêu bắt nguồn từ chữ Bối Lang, là tên cổ nhất của làng. Sau này làng còn có tên Trinh Tiết. Tên Trinh Tiết của làng tồn tại cho đến ngày nay có một xuất xứ thật đẹp. Đó là câu chuyện về người con gái xinh đẹp của làng có người yêu đi đánh giặc, phò vua. Nặng lời ước hẹn, cô gái đã một lòng thuỷ chung, trinh tiết để chờ đợi vị hôn phu. Còn chàng trai ra đi đánh trận, đi mãi không về. Cô gái mòn mỏi đợi chờ nên tuổi xuân qua đi lúc nào không hay. Rồi nàng mất đi trong sự cảm thông, thương tiếc của dân làng. Về sau, có một vị vua đi qua làng đã được nghe kể câu chuyện cảm động trên. Cảm phục và tiếc thương, vua đã lấy tấm chân tình của cô gái thành tên gọi của làng. Cái tên Trinh Tiết được ra đời từ đấy. Có lẽ do thiên nhiên ban tặng cho làng Sêu - Trinh Tiết một khung cảnh đẹp, giầu, trên bến dưới thuyền và một không khí trong lành với bạt ngàn lúa, dâu trải dọc bờ sông Đáy hay tấm lòng trinh tiết của cô gái làng làm cảm động trời đất mà con gái làng Sêu xưa nay nổi tiếng là trắng và đẹp.
Thế nên một thời làng Sêu cảnh đẹp, người hiền, trai tài, gái sắc, có đình Tổng, hội Tổng, có nhiều địa danh, nhiều huyền thoại đã là đề tài thơ phú cho bao tao nhân mặc khách. Và vì lẽ đó mà bất cứ ai đã từng đến đây dầu chỉ một lần không khỏi bâng khuâng, xao xuyến nhớ về Sêu với cảm xúc khó quên.

Phả ký
Gia Phả Họ Tạ - Làng Sêu (làng Bối Lang)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Họ Tạ - Làng Sêu (làng Bối Lang).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Họ Tạ - Làng Sêu (làng Bối Lang)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.