GIA

PHẢ

TỘC


Tộc
Giáp
Chi,
Ất
Chi
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
Chúc thư

Lê Tộc Giáp Chi
Khi thong thả xem trong luân lý
Ngẫm những điều phả hệ ghi sâu
Con con cháu cháu bảo nhau
Phải xem mới biết ngọn đầu thuỷ chung
Cây có rễ vốn trồng từ trước
Sau nở ra vạn diệp, thiên chi
Đời sau phải nghĩ mà suy
Xem thời mới biết tông ty xa gần
Những người có hiếu có nhân
Con rồng cháu phượng dần dần nở ra
Kể từ Thuỷ tổ họ ta
Đến nay ắt phải sinh ra bao đời
Mong sao con cháu nhớ rồi
Ghi tiếp trang sử sáng ngời Họ ta.
              Dịch từ chúc thư
            Nguyên bản chữ nôm
 
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HỌ LÊ Ở HÀ VỸ
Lịch sử dòng họ Lê của chúng ta ở Hà Vỹ được xuất phát và song song tồn tại cùng lịch sử làng Quậy
Theo lịch sử Việt Nam còn ghi lại cũng như truyền thuyết dân gian thì dòng họ Lê có mặt trên mảnh đất Hà Vỹ này đã trên hai ngàn năm.
Khoảng năm 230 trước công nguyên, Thục Phán dựng nước Âu Lạc và tự xưng Thục An Dương Vương. Năm Canh ngọ (225 trước Công nguyên) đã rời đô từ vùng Trung du xuống đóng ở Cổ Loa. Khi nhà vua lấy đất xây thành Cổ Loa thì phải di dân ở đây đi nơi khác. Lúc này có một số dân vốn ở đất Cổ Loa đã đi xuống miền đất trũng để lập trại sinh sống. Trại đó lúc đầu gọi là trại Hà Hào, sau này gọi là làng Quậy. Trong số dân về đây lập trại thuộc nhiều dòng họ khác nhau. Đầu tiên người họ Vũ về lập trại trên khu đất mà sau này là xóm Nguyên Hương. Tiếp đó có người họ Lê, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Phạm, vv… về đây cùng chung sống và phát triển thành các dòng họ Vũ, Lê, Nguyễn, Ngô,  Phạm … ngày nay.
Trải qua quá trình lịch sử đời tiếp đời đến nay các dòng họ đã tồn tại trên mảnh đất này hơn hai ngàn năm.
Do lịch sử có mối quan hệ gắn bó giữa làng Quậy với đất Cổ Loa nên ngày nay trong các ngày hội đền Cổ Loa mối quan hệ này vẫn được tồn tại.
Tuy các dòng họ về đây ở đã hàng ngàn năm nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nào đó, có thể do trước đây chữ viết chưa phát triển nên các cụ không ghi chép lại được, hoặc các cụ có ghi chép lại nhưng bị thất lạc không còn để lại lưu truyền cho con cháu đời sau được.
Theo Chúc thư phả tộc mà các cụ còn để lại đến ngày nay thì chúng ta thấy: mãi đến đời cụ Địch Thành mới bắt đầu ghi chép lại lịch sử dòng tộc để lưu lại cho đời sau. Vì đến đời cụ mới có điều kiện để ghi chép lại. (Cụ Địch Thành là con trưởng cụ Huyền Thông, cháu cụ Trực Đạo, được học hành thi đỗ cử nhân, làm quan tri huyện Võ Giàng, Bắc Ninh). Cụ cũng muốn ghi chép đầy đủ từ các đời xa xưa nhưng thực tế cụ cũng chỉ nhớ và ghi chép được từ cụ tổ 4 đời trở xuống. Từ đó các đời sau con cháu ghi tiếp. Có lẽ các cứ liệu về các đời trên nữa đã bị thất truyền không tìm lại được.
Xét về không gian, thời gian, nếu ta đối chiếu với các Chúc thư gia phả của các họ cùng sống trên đất Hà Vỹ còn truyền lại cho đến nay thì thấy: việc ghi lại Chúc thư gia phả của các họ đều bắt đầu vào một thời điểm tương đối giống nhau. Qua đó ta hiểu rất có thể đến lúc ấy các dòng họ đều mới có điều kiện và có phong trào ghi chép lại lịch sử của cha ông trong dòng họ để truyền lại về sau cho con cháu.
Do vậy chúng ta phụng sự thờ cúng từ cụ Trực Đạo trở xuống và coi cụ Trực Đạo là Thuỷ Tổ của họ Lê ở Hà Vỹ chúng ta.
Đời tiếp đời, tất cả chúng ta ngày nay đều có chung một huyết thống, đều là con cháu của các cụ.
Cụ Trực Đạo
Cụ Huyền Chăn
Cụ Huyền Thông
Cụ Địch Thành
Chúng ta đời đời biết ơn Tổ Tiên và có trách nhiệm phát huy truyền thống tốt đẹp của Tổ Tiên, ông cha trong lao động, học hành, ứng xử. Chúng ta phải luôn luôn đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, biết giữ gìn tôn ty trật tự, trên kính, dưới nhường, phải tích cực, hăng say, thông minh, sáng tạo trong lao động, học tập để cho đời đời phát triển tốt đẹp, ghi thêm vào lịch sử gia tộc những trang ngày càng vẻ vang rạng rỡ.
 
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ
Theo lịch sử của làng Quậy thì nguồn gốc của dòng họ Lê ta ở đất Hà Vỹ đã hơn hai ngàn năm, nhưng kể từ cụ Trực Đạo mà họ ta phụng thờ coi là Thuỷ Tổ của dòng họ ta thì theo phả tộc chúc thư để lại tính đến nay (năm 1996) mới khoảng trên dưới 600 năm. Trong khoảng sáu trăm năm đó đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của thời đại, nhiều chế độ xã hội khác nhau, nhưng dòng họ Lê ta vẫn tồn tại và phát triển, đến nay đã trên 20 đời (hai chục đời).
Số nhân đinh trong họ có lúc phát triển nhanh, có lúc phát triển chậm, nhưng đời nào cũng phát triển. Do số đinh phát triển nên cứ qua ba bốn đời thường lại có sự phân chi. Sau khi phân chi thì có chi tiếp tục ở lại thôn, xã, có chi đi ở nơi khác rồi phát triển thành dòng họ Lê ở nơi đó.
Ví dụ: Cụ Huyền Thông (đời thứ 3 kể từ cụ Trực Đạo) sinh được 3 con trai, sau phân thành 3 chi ở 3 nơi:
- Con trưởng là cụ Địch Thành (thi đỗ làm quan huyện Võ Giàng, Bắc Ninh) ở tại Đại Vỹ kế thừa tổ tiên.
- Con thứ hai sau khi thi đỗ trở về sang cư trú tại thôn Hà Hương, xã Hà Lỗ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc thôn Hà Hương, Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội). Sau phát triển thành chi họ Lê tại Hà Hương.
- Con thứ 3 cư trú tại thôn Ngô Đạo, xã Ngô Đạo, huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Sau phát triển thành chi họ Lê tại đây.
Cụ Địch Thành (đời thứ 4) sinh được 3 người con trai, sau lại phân thành 3 chi:
- Con trưởng là cụ Phúc Thực ở tại quê cũ Đại Vỹ kế tục Lê Tộc Đại Tôn
- Con thứ 2 là cụ Phúc Hưng sinh cơ lập nghiệp tại thôn Giao Tác, về sau phát triển thành Lê Tộc Giáp Chi.
- Con thứ 3 là cụ Phúc Lương ra lập trại tại cánh đồng Lều (nay thuộc thôn Thiết Úng, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội) phát triển thành chi họ Lê tại đây, về sau đổi thành họ Đào Văn.
Ở cành trưởng Lê Tộc Đại Tôn đến đời thứ 6 trở đi lại có sự phân chi thành các chi nhỏ. Có chi ở lại quê, có chi đi nơi khác cư trú (trong Chúc thư Đại tôn có ghi)
Ở Lê Tộc Giáp Chi (thôn Giao Tác) đến 3 đời sau kể từ cụ Phúc Hưng hay là đời thứ 8 kể từ cụ Thượng Tổ Trực Đạo lại có sự phân chi thành Lê Tộc Ất Chi. Cụ Phúc Quế là cụ tổ Lê Tộc Ất Chi.

Gia Phả Lê Tộc Giáp Chi, Ất Chi
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Lê Tộc Giáp Chi, Ất Chi.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Lê Tộc Giáp Chi, Ất Chi
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.