GIA

PHẢ

TỘC

CAO
tại
thôn
Trai
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
III. HỌ CAO Ở THÔN TRAI (LÀNG CÀ TRAI)
NAM CƯỜNG - NAM TRỰC - NAM ĐỊNH
I- Thủy Tổ họ Cao ở thôn Trai (còn gọi là Cà Trai):
- Tị Tổ Khảo hiệu là Thái Vân Phủ quân, tên húy là ông Cẩm. Ngày tháng năm sinh, mất không rõ. Kị (giỗ) vào ngày 16 tháng giêng hàng năm.
- Tị Tổ Tỷ hiệu là Phi Phượng nhụ nhân, húy là Bà Cẩm. Ngày tháng năm sinh mất không rõ. Kị vào ngày 21 tháng giêng hàng năm. Các cụ là Thủy Tổ sinh ra con cháu họ Cao ở thôn Trai, xã Nam Cường (trước 1954 là Gia Hoà), huyện Nam Trực ngày nay.
Ông, bà Cẩm là đời thứ nhất, các cụ sinh ra: Ông Phúc Tính là đời thứ hai, ông Phúc Hiền là đời thứ ba, ông Phúc Thụ là đời thứ tư, ông Phúc Bình là đời thứ năm và ông Huệ Viên (tức là cụ Lệnh Trạch) là đời thứ sáu. Theo gia phả thì cả sáu đời, mỗi đời cũng chỉ có một "đinh" (một con trai duy nhất). Tất cả năm đời trên (từ cụ Phúc Bình trở lên), đều không rõ tên húy của các cụ, cũng như ngày tháng năm sinh, mất, mà chỉ truyền miệng nhau nhớ ngày kỵ (giỗ) hàng năm. Vì Trịnh Doanh đem quấn triệt hạ làng Cà Trai và xoá sổ xã Ngân Già (tên xã lúc đó), do cuộc nổi dạ của nông dân chống Triều đình Lê - Trịnh, mà sử cũ gọi là giặc Cà (hay giặc Ngân già). Do vậy gia phả họ Cao bị thất lạc từ đó, tức là năm Canh Thân (1740).
Do Gia Phả bị hủy, con cháu phiêu bạt, làng xóm bị triệt hạ liền trong 18 năm, cho nên Thủy Tổ họ Cao cụ Cẩm là người từ miền nào tới lập nghiệp ở làng Cà Trai, từ khi nào thì con cháu cho đến nay không ai rõ.
Trong bản gia phả bằng Hán - nôm biên soạn vào năm Thành Thái thứ V do cụ Tổ Cao Công Hành (tục gọi là cụ Nhất hành) là hậu duệ đời thứ 10 có ghi: "Đệ kim án bản thôn tự hậu thần bài Hoàng Lê Vĩnh Thịnh ngũ niên hắc điện tiền đô chỉ huy sứ giả hữu chi, vương phủ nội thị nam giả hữu chi, tắc ngã tộc thị phiệt duyệt cao môn trâm oanh lệnh tộc, hả phái kiến hỹ". (tạm dịch… nhưng căn cứ theo bia thờ thần ở chùa ta hiện nay, niên hiệu Lê Vĩnh Thịnh năm thứ năm (1710) thì chức Điện tiền chỉ huy sứ cũng có chức Vương phủ nội gián cũng có người của họ ta, chứng tỏ họ ta là một ngành của dòng họ Cao có thần thế cao quý vậy !
Đoạn văn trên ở gia phả trích từ bia đá ở chùa Trai, tiếc rằng văn bia đó cũng không còn (có lẽ bia đó ở chùa Cao cũ, nay đã bị san phẳng, trong kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đã đem tượng đá, bia đá đập ra lót đường 55). Đoạn văn ít ỏi trên cũng không cho con cháu biết được gì về thân thế sự nghiệp, cũng như gốc gác của Tổ khảo Thái Vân. Một tài liệu khác về "cuộc khởi nghĩa Ngân già" do cụ Lê Xuân Quang, hội viên hội văn hoá dân gian Việt Nam (người làng Đồng Côi xã Nam Giang), phần nói về Thủ lĩnh Tú Cao, một trong ba thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa (tức cụ Lệnh Trạch, ông Tổ đời thứ 6 ở Cà Trai sẽ nói rõ ở phần sau) có đoạn nói: "Theo gia phả họ Cao ở làng Đồng côi, thì họ Cao là một họ thân thế nối đời làm quan thời hậu Lê (1427 - 1528) ở Thăng Long. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, họ Cao không phục bỏ vào ở Nghệ An. Thời Lê Trung Hưng có ông Cao Quyền Đạt làm ngự sử đời vua Lê Thế Tông, con là Cao Đinh Nghệ, dời về làng Đồng Côi… Con trai út là Cao Phượng sinh ra Cao Lân, di cư lên làng Cà Trai và sinh ra các ông Cao Tính, Cao Hiền, Cao Thụ và Cao Lệnh Trạch (tức ông Tú Cao lãnh tụ của quân khởi nghĩa Cà Hóp)”.
Cũng không biết gia phả của họ Cao ở Đồng Côi do ai viết và viết từ khi nào, nhưng đối chiếu với gia phả họ Cao ở thôn Trai viết bằng Hán nôm từ thời Tự Đức (1876), để lại thì, những gì đã viết về họ Cao ở thôn Trai của gia phả họ Cao ở Đồng Côi (như đã nói ở trên) là hoàn toàn không đúng sự thực. Vì thế, tuy chỉ cách nhau có hai cây số, nhưng từ trước tới nay giữa hai dòng họ này không có liên hệ gì với nhau. Đây cũng là một bằng chứng để con cháu tiếp tục nghiên cứu thêm.
Trong gia phả hán nôm ở phần văn vần, câu thứ hai bằng chữ nôm có ghi:
… Kể từ Bàng-thị nối ngôi,
Họ ta nguyên đã có người chủ trương…"
Vậy Bàng-thị ở đây là nói thời kỳ nào phải chăng là thời kỳ Hồng bàng (2879 - 259 tr.CN). Bởi vì diễn tả bằng chữ nôm, cho nên chữ Bàng phải chăng là cách viết tắt (cổ xưa mà ngày nay không dùng nữa) của chữ , song lại thiếu (bộ) chữ "hãn" ôm ngoài , cho nên có người cho là viết nhầm chữ "cửu" , mới dịch là "Kể từ chín họ nối ngôi…" Nhiều cụ giỏi hán nôm cho rằng, các cụ Tổ Nhất Lâm và Nhất Hành không thể viết nhầm được, vì trình độ hán - nôm đều đỗ nhất trường cả, hơn nữa các cụ rất thận trọng, nếu đã viết chữ nôm thì sao các cụ không viết luôn là chín họ, mà lại viết là cửu thị ?. Ngoài ra chữ Bàng-thị ở đây có gạch nối (-) rõ ràng và tiếp theo là hai chữ nối ngôi là muốn chỉ một thời đại, một triều đại nào đó, chứ không thể là nói chín họ nối ngôi được ! Các cụ Tổ cũng không hoang đường mà không biết rằng đời Hồng-Bàng cách chúng ta đã hơn bốn ngàn năm, để nói bâng quơ về dòng họ của mình. Chắc các cụ chỉ có ý nói tượng trưng rằng từ xa xưa họ Cao ta đã có người sinh ra và đứng đầu rồi.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, các cụ viết: "Kể từ Bàng-thị nối ngôi" là các cụ viết có căn cứ, chứ không phải là viết bâng quơ như người ta nói. Điều khẳng định họ Cao ở thôn Trai nói riêng và huyện Nam Trực nói chung là căn cứ vào truyền thuyết lịch sử về "Tứ Đẳng Đại Phúc thần" và sự tích làng Lèo (hay chợ Lèo), thôn Thượng hữu xã Nam Vân (cách thôn Trai 4km) nói về bốn vị tướng họ Cao là (Cao Giang, Cao Mạng, Cao Khê, Cao Cục) đã có công giúp vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18 giữ nước, hiện còn đền thờ và sác phong của vua Trần Thái Tông ở Đại bái, xã Yên chính huyện Ý Yên, Nam Định, (xem trong "Văn hoá hai bên sông Đào" Lệ Xuân Quang - 1998).
Cũng giống như chuyện về Tướng quân Cao Lỗ, đó là các truyền thuyết lịch sử, nói lên truyền thống yêu nước của dòng họ Cao từ xa xưa. Nhưng thời gian đã quá xa, cho nên mọi giả thiết về gốc gác của Tổ tiên họ Cao ở thôn Trai, như đã nêu trên, cũng chỉ có thể thống nhất với nhau được một điều rằng Thủy Tổ họ Cao ở thôn Trai (Cà Trai) - Cụ Cẩm, là người đã sống ở đất Sơn-Nam-Hạ từ lâu đời rồi, đã gắn bó máu, thịt với quê hương Nam Trực và làng Cà trai từ lâu đời rồi. Đó là điều quan trọng nhất. Còn có dòng dõi vua, quan, khoa bảng cao, thấp gì đi nữa, thì cũng chỉ vinh dự khi nối dõi được truyền thống yêu nước của dòng họ và giữ gìn cuộc sống lương thiện, oanh liệt của cha, ông đã bao đời tạo dựng trên mảnh đất yêu thương này.
Để kết thúc phần này, xin trích trong "Cao thị gia phả diễn âm" về ông Thủy Tổ họ Cao ở làng Cà Trai xã Nam Cường (tức Gia Hoà cũ) bằng chữ nôm, dịch âm như sau:
"… Vốn xưa họ cũng kém đinh
Tục xưng ông Cẩm một mình sinh ra
Lại thay hữu tử khắc gia
Con là Phúc-Tính thực ra đấng hiền
Một dòng tử kế phụ truyền
Thừa thao lệnh tự Phúc Hiền đốc sinh
Sáu đời cũng chỉ một đinh
Con là Phúc Thụ lại sinh Phúc Bình
Đến ông Lệnh Trạch một cành
Gặp cơn binh hoả lánh mình Châu Hoan .!"
Theo trích đoạn gia phả nói trên, đến đời cụ Lệnh - Trạch là đời thứ sáu, gặp lúc cuộc khởi nghĩa Ngân già bị thất bại, cụ phải đi lãnh nạn ở Châu Hoan (Nghệ An). Đó là vào đời vua Lê Ý Tông thứ V năm Canh Thân (1740). Lấy đó làm mốc, tính ngược trở lên đến đời cụ Cẩm, bình quân mỗi đời từ 30-35 năm, thì cụ Thủy tổ họ Cao (cụ Cẩm Thái Vân) đã cư trú ở xã Ngân Già vào khoảng từ năm 1530 đến 1560 gì đó. Qua quốc sử thì đây là thời kỳ đại loạn lạc: họ Mạc cướp ngôi nhà Lê, họ Trịnh đánh nhau với Mạc, họ Nguyễn Hình thành ngôi chúa ở phía Nam… dân cư xáo trộn, đói khổ. Trong bối cảnh đất nước như vậy, cũng có thể cụ Cẩm là người ở nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp ở xã Ngân Già vùng Sơn Nam Hạ, tránh xa những nơi trung tâm tranh chấp quyền lực như Tây Đô (Thanh Hoá), Đông Đô (Hà Nội - Thăng Long) chăng? Hoặc cụ cũng có thể là người bản địa ở đây từ lâu đời rồi… ? . Tất cả chỉ là suy đoán mà thôi.
Một điều duy nhất có thể khẳng định rằng, cụ Thủy Tổ của họ Cao ở xã Ngân Già (tức Gia Hoà) đã lâu, tính cho đến cuộc khởi nghĩa Ngân Già là sáu đời. Đó là một người sống có trách nhiệm với con cháu, lương thiện, tử tế với làng xóm, nên "sáu đời chỉ có một đinh". Do được sự đùm bọc của mọi người, kể cả khi có hoạn nạn thì dòng thọ Cao vẫn trụ vững ở đất Cà Trai. Nhờ có phúc tổ, nên con cháu ngày càng đông đúc như lời trong gia phả đã nói: "Quả nhiên đại chí bồi thù tiền duyên" vậy nên "Đến nay lâm lập thành hàng/ Kể ra sẽ được muôn vàn nhi tôn…". Các cụ dạy rằng trong cuộc sống phải nhân từ với mọi người và hiếu đỗ với cha mẹ, họ hàng, tổ tiên, thì đó mới là gốc rễ bền chặt cho muôn đời con cháu mai sau:
"Mới hay từ hiếu một môn,
Tiền nhân đi trạch vững còn muôn thu"
II- Cụ tổ họ Cao đời thứ VI: - Cao Lệnh Trạch, hiệu Huệ Viên. Người phục hưng dòng họ Cao ở thôn Trai xã Gia Hoà, nay là Nam Cường, huyện Nam Trực, Nam Định.
Cao đường Tổ khảo đời thứ VI ở thôn Trai (Cà Trai) húy là Lệnh Trạch, hiệu là Huệ Viên phủ quân. Ông là con trai duy nhất của Tổ khảo Phúc-Bình. Theo gia phả ghi lại, cụ sinh vào năm Thân triều Lê, không rõ can.
Sinh thời tổ Huệ Viên có quan hệ đến một sự kiện lịch sử thời đó là cuộc nổi dậy của nông dân xã Ngân Già do Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn và Tú Cao lãnh đạo, chống lại triều đình Lê Trịnh mà sử cũ gọi là giặc Ngân Già, còn dân gian gọi là giặc Cà (chữ hán có nghĩa là cà trắng) vì trung tâm của cuộc nổi dạy là ở bảy làng Cà và ba làng Hóp, cho nên còn gọi là cuộc nổi dậy của nông dân Cà-Hóp.
Cuộc nổi dậy của nông dân xã Ngân già đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhân dân trong vùng và rất mạnh, cùng với cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất ở miền cửa biển Ba lạt, đã làm cho triều đình Lê-Trịnh lo sợ. Trịnh Doanh mới lên ngôi chúa, dồn hết sức vào việc dẹp loạn Ngân Già. Do vậy chỉ trong vòng một năm (1740) cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt. Thủ lĩnh Vũ Đình Dung bị giết tại trận. Đoàn Danh Chấn và Tú Cao trốn thoát. Làng Cà Trai bị triệt hạ, san bằng. Xã Ngân Già bị xoá sổ hơn 10 năm sau mới được đổi tên xã mới là Lai Cách, sau này mới gọi là Gia Hoà.
Trong cuộc khởi nghĩa Cà-Hóp có một nhân vật mà lịch sử cho đến nay vẫn chưa rõ danh tính, đó là Thủ lĩnh Tú Cao, người lãnh đạo cứ điểm phía bắc là làng Cà Trai, có võ nghệ cao cường, dũng mãnh trẻ nhất trong các thủ lĩnh. Tú Cao là người lãnh đạo cuộc thắng trận khi quân Trịnh lần đầu tiên tấn công vào Nghĩa quân ở Cà Trai; bắt sống nhiều tướng của triều đình như Trần Thế Siêu (còn gọi là Hùng Siêu), Trần Danh Quách, xã Song v.v… đặc biệt là trận tấn công vào phố Đà - Ninh, trung tâm sở lỵ của huyện Nam Chân, Đốc Lĩnh Hoàng Kim Trảo (hay Qua) bị giết, còn quan Điện tiền Đô - Chỉ huy sứ trốn thoát về Mỹ Lộc Thư Trì, khiến thanh thế của nghĩa quân rất lừng lẫy. Vậy Tú Cao là ai?
- Theo Đại Việt sử ký toàn thư tuệ biên (Tập I NXB Khoa học xã hội 1982 tr.246) nói về cuộc nổi dạy của nông dân Ngân Già có quan hệ đến Tú Cao như sau: "… Xuân Canh Thân (1740), chia quân ba đạo đánh giặc có ở Lộ Sơn nam hạ, người xã Ngân Già, tên Bắc giữ huyện Nam Chân, người xã Dũng thúy tên Tú Cao giữ huyện Thư - trì, người xã Hoàng Xá tên Giao Lý giữ huyện Đông quan…
"… Thống lĩnh đạo Thanh hoa là Đặng Đình Mật tiến đánh giặc ở Sơn Nam. Bọn tên Tú Cao, tên Bắc liên kết quân tiến đánh uy hiệp phố Chân - Ninh. Đốc trấn Nhuận Trạch hầu Hoàng Kim Trảo cùng tướng hiệu thuộc dưới quyền là Lê Kỳ hầu Nguyễn Thế Siêu, Tuyên thọ hân Trần Danh Quán đánh nhau với giặc đều bị giết chết”.
- Theo Việt sử Thông giám Cương Mục chính biên (quyển 38tr. 3237) ghi: "… Bọn Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn và Tú Cao ở Ngân Già thuộc Sơn Nam, liên kết binh sĩ, uy hiếp phố Chân ninh, thanh thế lừng lẫy, Đốc lãnh Hoàng Kim Trảo chống cự lại. Kim Trảo cùng tướng hiệu dưới quyền hắn là bọn Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán bại trận, đều bị giết… (Bị chú: Ngân Già là tên xã, thuộc huyện Nam Chấn, trấn Sơn Nam, … Tú Cao: tên một người giặc, sót họ…?")
- Theo Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim (XB VHTT - 1999 tr.342) ghi: "… Giặc Ngân Già: Năm Canh Thân (1740) trong khi đất Hải Dương, ở làng Ninh Xá, có Nguyễn Tuyến, Nguyễn Cừ làm loạn, thì đất Sơn Nam, ở làng Ngân Già, có Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao, cướp phá rất dữ, giết cả quan Dóc Lĩnh là Hoàng Kim Qua (hay Trảo?). Thế giặc mạnh lắm, Trịnh Doanh phải tự làm tướng đem binh đi đánh, bắt được Vũ Đình Dung đem chém và đổi tên xã Ngân Già là Lai Cách (nay là Gia Hoà)…"
Ngoài các tài liệu của quốc sử ra, thì các tài liệu thu thập từ các bi ký của từ đường, sắc phong của các thành hoàng, các thần phả của các miếu mạo, đền chùa, các câu chuyện trong dân gian (như tài liệu kèm theo) được cụ Lê Xuân Quang và con cháu họ Cao sưu tầm, tất cả chỉ có thể khẳng định rằng: Lãnh tụ Tú Cao là người làng Cà Trai xã Ngân Già, người đã làm cho quân Trịnh khốn đốn, lập nhiều chiến công trong cuộc khởi nghĩa… Còn tên thật (tên húy) của vị Thủ lĩnh và gốc tích thế nào thì vẫn còn chưa rõ. Có nghĩa là về văn bản có tính chất pháp lý thì chưa có tài liệu rõ ràng. Vậy gia phả của họ cao ở thôn Trrai đã nói gì?- Theo gia phả bàng chữ nôm, văn vần do Tổ khảo Cao Văn Lâm (cụ Nhất Lâm) tên hiệu là Thuần Lễ viết vào năm Tự Đức thứ hai mươi chín (1876), đoạn nói về cụ Tổ Lệnh Trạch như sau:
"… Sáu đời cũng chỉ một đinh
Con là Phúc Thụ lại sinh Phúc Bình
Đến ông Lệnh Trạch một cành
Gặp cơn binh hoả lánh mình Châu Hoan
Mười năm dư cũng thâu an
Bấy giờ phụ quốc có quan Yên Thường
Chiêu dân mộ sỹ dựng làng
Nghe tin ông mới tìm đường về quê
Tha hương cố quốc đề huề
Phá nơi cỏ rậm dựng bề gia cư
Tuổi đã ba mươi có dư
Nhưng còn mến đạo thi thư thánh hiền…"
- Theo Gia phả bằng Hám nôm do Tổ khảo Nhất Hành ghi vào năm Thành Thái thứ 15 (1904), nói rằng: "… năm hơn 10 tuổi bấy giờ ở xã nhà có giặc Ngân Già tức bọn Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn tụ tập đổ đảng nổi loạn, mà các quan của Triều đình thì lần lượt bị bại, thế giặc ngày càng mạnh, nhưng ông nhà ta liệu tính biết giặc rồi cũng chẳng làm được trò trống gì, nếu không sớm lo để giặc phá phách lung tung thì lúc đó sẽ bị vạ lây, e hối chẳng kịp, bèn đóng giả làm người lái buôn đi tị nạn ở các vùng Nghệ An, Hà Nội, Vân Đình… Sau Chúa Trịnh Minh Vương nổi giận thân chinh đi đánh vùng Sơn Nam Hạ. Bốn mặt vây đánh, khiến cho giặc đại bại, rồi tên làng (Ngân Già) cũng bị xoá bỏ 18 năm liền. Kịp đến khi An Thường Trụ Quốc Công Thương tướng quân Nguyễn tướng công tự là Đoan Chính (nay bốn thôn ở bản xã còn thờ phụng - Thành hoàng), tới chiêu tập dân cư, ông nhà ta (tức cụ Lệnh Trạch) bấy giờ bèn trở về, khai hoang, dựng nhà, tìm thầy học rồi lấy vợ là người con gái họ Vũ sinh ra ông Huệ Hiên…"
Như vậy trong gia phả dòng họ Cao ở thôn Trai, một là diễn ca bằng vần chữ nôm, một là bằng văn xuôi chữ Hán, đều nói cuộc nổi dạy của nông dân Ngân Già, nhưng đều không đả động gì đến tên lãnh tụ tú Cao, cũng không nói ông Tổ Cao Lệnh Trạch có trực tiếp tham gia vào vụ nổi loạn. Song đều khẳng định là làng Cà Trai đến lúc đó chỉ có duy nhất ông Lệnh Trạch là dòng họ Cao. Hơn nữa chỉ nói ông Lệnh Trạch sinh năm Thân, không rõ can và "năm hơn mười tuổi tì ở xã nhà có giặc Ngân Già…". Ở cái tuổi chẳng biết thế sự là gì và cũng chẳng làm được trò trống gì, nhưng suy tính và bản lĩnh thì không phải là của cậu bé 10 tuổi, mà là của một hào kiệt gan góc, từng trải ! Nếu chỉ là một cậu bé hơn 10 tuổi đứng ngoài lề cuộc khởi binh thì cũng chẳng phải tính toán, trốn tránh đến hơn 10 năm và điều đáng nói là vì sao quân Trịnh lại căm tức triệt hạ, làm cỏ, bình địa làng Cà Trai (thôn Trai từ sau khi dân cư hồi hương thì rời xuống cách làng cũ gần 1 km như hiện nay, còn đất làng Cà Trai xưa, thì nay gọi là nội dói).
Cách nói mập mờ, mâu thuẫn của người lập gia phả phải chăng là cách nói tế nhị, né tránh những điều bất lợi cho dòng họ trong thời phong kiến, khi ông Tổ của họ có tham gia vào cuộc phản loạn chống "triều đình", tránh cho con cháu những suy nghĩ tự ti không đúng về ông Tổ của họ là người cầm đầu "đám giặc cỏ" và cũng là tránh những sự trả thù của dân quanh vùng, khi có người nhà bị thiệt mạng trong cơn bạo loạn. Điều đó khiến cho con cháu ngày nay phải tìm hiểu xem lãnh tụ cuộc nổi dậy của nông dân Ngân Già là Tú Cao, có phải chính là ông tổ họ Cao tức ông Lệnh Trạch hay không?
Theo các đấng bậc sinh thành ra tôi - cụ Cao Văn Toại (tục gọi là cụ Chánh Cầu) và cụ Cao Văn Cung (tục gọi là cụ Thừa Cung), được các cụ đời trước kể lại giằng: "Giặc" Cà nổi lên mạnh lắm. Các lãnh tụ nghĩa quân là Đoàn Danh Chấn, Vũ Đình Dung và Tú Cao đều là người ở bảy làng Cà xã Ngân Già (nay là xã Nam Cường). Đối tượng trấn áp cướp bóc của nghĩa quân là bọn nhà giàu, tay chân của bọn quan lại triều đình, với danh nghĩa "phù Lê chống Trịnh", do vậy nông dân trong vùng nhanh chóng nổi lên hưởng ứng rất đông (Đúng như trong chính sử đã nói: "… Bọn đồ đảng của chúa Trịnh Giang chuyên chính lộng quyền, các quan triều đình kể tiếp nhau người bị giết, người bị hại, người nào cũng nơm nớp lo sợ không tự bảo vệ được bản thân, chính sự trái ngược, thuế khoá nặng nề, khiến lòng dân mong sao cho chóng nổi lên loạn lạc… Dân ở vùng đông, vùng nam, người đeo bừa, người vác gậy đi theo, nơi nhiều có đến hàng vạn, nơi ít cũng hàng ngàn hàng trăm, họ quấy rối cướp bóc làng xóm, vây đánh các ấp các thành, triều đình không thể ngăn cản được…" - xem Lịch sử Thông giám cương mục… Tr.3200).
Thời kỳ đó ở vùng này về mùa mưa nước ngập mênh mông. Từ An Lá sang Đồng Phù Giang tả xuống tới tận Vân tràng cả một vùng hàng chục cây số vuông, đi lại phải dùng thuyền nam, đáy bằng sào tre. Cày ruộng phải cày mò, cắm vè, trâu cày chỉ nổi lên khoảng lưng và cái đầu người cày ngâm mình xuống nước đến ngực (tình trạng này còn tồn tại tới trước năm 1954). Tính cả nông dân vùng đồng chiêm một năm có một vụ, lại thêm một trận lụt năm Ất Mão (1735), thế nhưng năm Nhâm Ngọ (1739) có một chút thu hoạch thì quan thu thuế triều đình lại đòi thu thuế của nhiều năm trước, do mất mùa nông dân còn chịu lại, khiến nhiều người chết đói, làm xắm phiêu tán đi khắp nơi. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc nổi dạy của nông dân bảy làng Cà và ba làng Hóp, và cũng là nguyên nhân, là tình cảnh bi đát nhất dẫn tới sự thất bại nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa: Nghĩa quân rơi vào tình trạng thiếu lương ăn, phải dời cứ địa, phân tán lực lượng đi trưng thu lương ở các vùng lân cận, với tình cảnh đói ăn, tập hợp lực lượng quá nhanh lại thiếu hẳn công tác tổ chức và tư tưởng, nên khi bị quân Trịnh bao vây, lại bị phản tuyên truyền, thì nghĩa quân đương nhiên ở vị thế bất lợi của "đám giặc cỏ" bị nông dân ở các làng khác rào làng chống lại. Cái ý đồ chiến lược của nghĩa quân Cà Hóp là liên kết được với nghĩa quân của Hoàng Công Chất đang làm chủ cả một vựa lúa, từ cửa Ba Lạt tới ngã ba sông Ninh Cơ (do Tú Cao thực hiện) đã bị chặn đứng lại khi ông dẫn quân từ phố Đà Ninh tiến sang Phương Đế và Quần Anh (thuộc Xuân Trường - Hải Hậu bây giờ).
Ở vào thời điểm gay go quyết liệt nhất của cuộc chiến thì, bao giờ cũng vậy, thường xuất hiện những phần tử cơ hội phản bội: tên đội chóp, tướng coi lương của nghĩa quân đã làm nội ứng đốt kho lương và doanh trại hậu cứ của nghĩa quân. Đó là đòn dáng quyết định khiến nghĩa quân thất bại hoàn toàn. Vũ Đình Dung bị giết tại trận, còn Đoàn Danh Chấn và Tú Cao trốn thoát. Quân Trịnh căm tức đã tàn sát dân làng và san phẳng thôn Cà Trai.
Lại nói về cụ tổ Lệnh Trạch, theo các cụ nói thì trong cái ngày nghĩa quân Ngân Già bị thất thủ (20 tháng một năm Canh Thân) chỉ có đồn phòng thủ ở làng Cà Trai, chống cự quyết liệt nhất, mãi tới chiều tối nghĩa quân đành phải tập trung lại ngôi chùa ở mé sông Đào, gần trại Bơ, với ý đồ bơi qua sông trốn sang Vụ Bản. Nhưng do quân thủy của Chúa Trịnh bao vây kín mặt sông nên nghĩa quan đã hy sinh hết. Trong lúc ở lại sau chặn quân địch cho đồng đội rút lui, ông đã bị bao vây bốn phía, không có đường ra, ông đã phải trầm mình dưới một ao bèo lớn nằm ngửa bất động dưới một bè rau ngổ. Trên bờ quân Trịnh lấy giáo dài xỉa xuống quanh ao, rồi dọi đuốc, thấy trên bè rau có con rắn hổ mang ngóc đầu phun phi phì thì sợ quá đành bỏ đi. Lợi dụng đêm tối và đồng nước ông đã trốn thoát, đi khỏi đất Sơn Nam vào Châu Hoan (Nghệ An, Thanh Hoá) để sống. Hơn 10 năm sau mới trở về quê gây dựng lại cơ nghiệp.
Đó là câu chuyện truyền miệng từ các cụ Tổ truyền lại cho con cháu nhiều đời nay.
Như vậy theo lời kể của các cụ thì họ Cao ở Cà Trai lúc đó có người tham gia vào cuộc nổi dậy ở xã Ngân Già đó là ông Lệnh Trạch nhưng lại không nói gì đến vai trò lãnh đạo của ông. Cũng không nói ông là Tú Cao. Nhưng hành động trên của cụ Lệnh Trạch thì không phải là hành động của một cậu bé hơn mười tuổi như gia phả nói được. Hơn nữa chỉ có đích danh cụ Lệnh Trạch kể lại mới rõ được sự trốn tránh của cụ thế nào và đích danh người lãnh đạo kể lại mới rõ cuộc chiến đấu xảy ra thế nào?, mà họ Cao ở thôn Trai lúc đó chỉ có một đinh là Lệnh Trạch. Nghĩa là về mặt pháp lý thì không thể kết luận cụ Lệnh Trạch là Tú Cao, nhưng qua lời kể lại thì rõ ràng người núp dưới ao bèo với Tú Cao tựu trung chỉ là một.
Nếu ông Lệnh Trạch là Tú Cao, thì lúc đó ông bao nhiêu tuổi? Theo gia phả nói "ông sinh năm Thân triều Lê, không rõ can…"
Từ cuộc khởi nghĩa Ngân Già vào năm Canh Thân (1740) đời vua Lê Hiển Tông, hiệu Cảnh Hưng thứ nhất tính ngược trở lại thì có hai năm Thân, đó là Mậu Thân và Bính Thân. Nếu sinh năm Mậu Thân (1728) thi đến năm nổi loạn Ngân Già, ông Lệnh Trạch mới có 12 tuổi. Nếu sinh vào năm Bính Thân thì lúc đó đã 24 tuổi.
Trong gia phả diễn ra có câu: "… Đến ông Lệnh Trạch một cành/ Gặp cơn binh hoả lánh mình Châu Hoan / Mười năm dư cũng thân an…" "… Tha hương cố quốc đề huề / Phá nơi cỏ rậm dựng bề gia cư / Tuổi đã ba mươi có dư / Song còn mến đạo thi thư Thánh hiền…". Đoạn văn vần trên cho chúng ta một bằng chứng là lúc ông trốn khỏi làng thì đã ngoài 20 tuổi, hơn 10 năm sau trở về ông mới ngoài 30 (tức là khoảng 35-36 gì đó). Đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng, năm khởi loạn Ngân Già cụ Tổ họ Cao là Lệnh Trạch đã 24 tuổi, cái tuổi phù hợp với tính cách của nhân vật mà gia phả đã nói, biết nhìn xa trông rộng, gan góc, từng trải với vai trò của một ãnh tụ nghĩa quân là Tú Cao.
Sao lại đặt tên là Tú Cao? điều chắc chắn Tú ở đây không phải là tú tài như người ta thường hiểu. Bởi vì sau khi hồi hương khai hoang, dựng nhà, mới tìm thầy dạy học, rồi cưới vợ, hơn nữa ở thời kỳ đó chưa có bậc học tú tài. Theo tư liệu sưu tầm trong dân gian của cụ Lê Xuân Quang, được biết hai lãnh tụ Vũ Đình Dung và Tú Cao quen nhau từ khi hai ông còn làm quan ở trong kinh đô, thấy được sự thối nát trong phủ chúa Trịnh thì bất bình bỏ về quê, gặp lúc mất mùa, sưu cao thuế nặng, nên đã đồng lòng cùng với Đoàn Danh Chấn lãnh đạo nông dân nổi dậy chống chúa Trịnh. Theo tài liệu trên, sở dĩ gọi là Tú Cao vì ông làm việc ở Viện Tú Lâm và họ Cao.
Cũng có một giả thiết khác rằng Tú Cao là người họ Cao khác ở trong làng, vì hiện nay ở thôn Trai có hai dòng họ Cao. (ông Tổ đời thứ IX lấy bà Tỷ người họ Cao khác trong làng ? Nhưng giả thiết đó không đúng, vì ở thời kỳ cuộc khởi nghĩa nổ ra ở thôn Cà Trai họ Cao chỉ có một đinh là ông Lệnh Trạch và dòng họ Cao chỉ có chung một cụ Tổ.
Từ những cứ liệu trên, cho phép ta có thể hiểu sơ lược thân thế và sự nghiệp của Tổ khảo đời thứ VI, người đã chấn hưng dòng họ Cao ở thôn Trai xã Nam Cường là xã Gia Hoà cũ, huyện Nam Trực như sau:
- Tổ khảo họ Cao đời thứ VI là con trai duy nhất (con một) của cụ Tổ đời thứ năm hiệu là Phúc Bình ở thôn Cà Trai (Thân thế, sự nghiệp của Tổ khảo Phúc Bình, cũng như của các Tổ khảo trên nữa đều không rõ, do gia phả bị mất trong biến cố cuộc nổi dậy của nông dân xã Ngân Già vào năm Canh Thân (1740).
Tổ khảo có thể sinh vào năm Bính Thân (1716) triều Lê Dụ Tông - Vĩnh Thịnh thứ 10, và chúa Trịnh Cương (1709 - 1729). Đây là thời kỳ Lê Mạt, họ Trịnh chuyên quyền. Trịnh Giang thay Trịnh Cương, giết vua Lê, sát hại các công thần (như Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng…), giáng chức các trung thần như (Cao Huy Trạc, thượng thư bộ Hộ và Phạm Khiêm Ích thượng thư bộ Lại); tàn bạo hoang dâm vô độ, khiến lòng người căm giận, dân chúng khắp nơi nổi dậy chống Trịnh. Tổ khảo họ Cao lúc đó đang làm việc trong Viện Tú Lâm ở kinh thành Thăng Long cùng với các bạn đồng hương là Đoàn Danh Chấn và Vũ Đình Dung, bất bình trước sự tàn bạo của chúa Trịnh, cùng nhau bỏ về quê là xã Ngân Già, huyện Nam Chân, lãnh đạo nông dân nổi dậy, với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Lúc đó ông vào khoảng 24 tuổi (Kỷ Mùi 1739); với tên gọi dân gian là Tú Cao (tức ông họ Cao ở Tú Lâm cục).
Khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, ông trốn thoát vào Châu Hoan (Nghệ An), giả làm người đi buôn, dần già về vùng Vân Đình, rồi Hà Nội, Bắc Kinh, mãi hơn 10 năm sau, khi triều đình phái quan về chiêu dân lập ấp, đổi tên xã là Lai Cách (chữ Hán nghĩa là xã tái định cư sau khi phiêu tán), ông nhà ta mới trở về quê, lúc này thôn Cà Trai đã dịch xuống phía Nam cách làng cũ 500m, là địa điểm thôn Trai hiện nay. Ông có tên húy là Lệnh Trạch (tên Tú Cao có lẽ là tên gọi trong khi hoạt động nghĩa quân, sau này không thấy các cụ nhắc lại nữa, chắc vì nhiều lý do tế nhị Tú Cao lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Ngân Già chỉ còn trong lịch sử. Đó là một bài học thật hay cho con cháu họ Cao).
Ông có tên hiệu là Huệ Viên phủ quân khi hồi hương, lúc đó ở tuổi 35-36 ông ra sức khai hoang, làm nhà, rồi tìm thầy dạy học. Năm Tân Mùi (1751) ông xây dựng gia đình với bà họ Vũ trong xã. Năm nhâm thân (1752) sinh ra ông Huệ Hiên (tục gọi là ông Thiếu). Sau đó ông lại lấy bà thứ phòng họ Hà sinh ra ông Hoà Nhã và ba bà con gái lại nuôi dưỡng ba ông con nuôi nữa, khiến từ đây họ Cao ở Gia Hoà trở thành đa đinh, phát triển đông đúc như ngày nay. Đó là công đức Tổ Lệnh Trạch - Tú Cao vậy. Để ghi nhớ công ơn những đồng đội đã khuất, ông Tổ có tham gia biên soạn văn tế giỗ Trận, để con cháu luôn luôn nhớ về ông bà Tổ tiên đã ngã xuống cho sự yên vui của con cháu đời đời: (Trích)
"… Nơi u hiển khí thiêng còn nhớ, dạ soa binh tướng kéo nhau về,
Phù hộ cho làng xóm phồn xương, dây dưa cho con cháu nối dõi".
(Xem trong Văn tế giỗ Trận). Đó là tất cả tấm lòng với con cháu và dòng tộc !
Tổ khảo Lệnh Trạch mất năm nào không rõ. Ngày giỗ chính được kỵ vào mồng năm tháng giêng hàng năm, tại từ đường họ Cao ở thôn Trai.
Mộ tổ để ở Đòng Bùi, con cháu đã bồi đắp nhiều lần, đến nay đã trở nên ngày càng to đẹp, chắc chắn.
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2009
Hậu duệ đời thứ XIII chấp bút
Cao Xuân Hải
Gia Phả CAO tại thôn Trai
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc CAO tại thôn Trai.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc CAO tại thôn Trai
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.