GIA

PHẢ

TỘC

CAO
tại
thôn
Trai
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
Gia phả họ Cao

(Thôn Trai xã Nam Cường - huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định)


PHẦN THỨ I
PHẢ KÝ

(Viết năm Kỷ Sửu - 2009)

(Link của Website gia phả họ Cao http://www.vietnamgiapha.com/XemGiaPha/2681/giapha.html )


GIA PHẢ HỌ CAO
Thôn Trai (còn gọi là làng Cà), xã Nam Cường
(trước năm 1954 gọi là xã Gia Hoà), huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định.

PHẢ KÝ

I. MẤY NÉT KHÁI QUÁT VỀ GIA PHẢ HỌ CAO
Việc ghi chép, truyền lại cho con cháu, từ đời này qua đời khác những sự kiện hoạt động của một gia đình hay một dòng họ, gọi là gia-phả (hay tộc-phả). Từ ngàn năm trước ông cha ta đã thực hiện nghiêm túc điều đó. Bởi vì, tất cả những gì chúng ta có hôm nay: từ củ khoai, hạt gạo ta ăn, quần áo ta mặc, đến toàn bộ con người chúng ta (da, tóc, máu, thịt, khối óc), cả tiếng nói,… đều là di sản của Tổ tiên ta tốn nhiều công sức và cả máu xương qua bao thế hệ, đã tạo ra và bảo tồn cho tới ngày nay. Do vậy truyền thống văn hoá phương Đông, cũng như của dân tộc Việt Nam ta truyền dạy cho con cháu từ tấm bé là phải ghi nhớ ba điều: một là, phải luôn luôn gìn giữ mồ mả của Tổ tiên (có câu nói "giữ như giữ mả Tổ"; hai là, chú trọng việc tu đạo, gìn giữ từ đường, miếu mạo và duy trì các ngày giỗ (ngày kỵ), tế Tổ tiên đầy đủ; ba là, phải chú ý ghi chép đầy đủ và gìn giữ cẩn thận gia phả của dòng họ và của gia đình. Nhờ đó mà truyền thống tốt đẹp của gia đình và của dòng tộc được nhân lên mãi mãi,…
Họ Cao ở thôn Trai (trước còn gọi là làng Cà, xã Gia Hoà) xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, theo sự truyền tụng của các cụ, thì đã có mặt ở đây từ cuối thế kỷ XVI, vào khoảng từ 1530 đến 1560 thời hậu Lê (Lê Dụ Tông) cụ Cao - tằng tụy - tổ, tức thủy tổ họ Cao ở xã Ngân Già (tên gọi xã thời đó), tục gọi là cụ Cẩm. Đó là đời thứ nhất. Nhưng cụ Cẩm là người ở đâu đến lập nghiệp ở đâu, từ năm nào, trong hoàn cảnh nào ? thì con cháu cho tới nay không ai biết. Vì gia phả đã bị mất khi Minh-đô-vương Trịnh Doanh đem quân tới triệt hạ và xoá tên xã Ngân Già vào năm Canh Thân (1740), do sự nổi loạn của nông dân chống triều đình Lê - Trịnh (tục gọi là giặc Cà). Về sự kiện này, trong gia phả bằng hán-nôm có ghi (phiên âm): "Cao tộc chi gia vu Gia - hoà ký, thiên niên lai dã, lai tích Lê triều dục chấn bột nghịch, gia phả phiêu linh, kỳ căn nguyên cổ vi tri tường… (tạm dịch:… như họ Cao về ở xã Gia Hoà, nhưng có từ lâu đời rồi, vào triều Lê có sự trấn áp nổi loạn, gia phả thất lạc nên không biết rõ gốc tích ra sao…). Do gia phả bị thất lạc cho nên từ đời cụ tổ thứ nhất (tức cụ Cẩm) cho tới đời thứ V tức cụ Phúc-Bình), con cháu sáu đời sau chỉ truyền miệng cho nhau nhớ được tên hiệu, ngày kỵ của các cụ, còn tên húy, ngày sinh, ngày mất, mộ phần của cụ nào để ở đâu… cho tới nay đều không rõ.
Hơn một trăm năm sau cuộc khởi nghĩa Ngân Già, cuốn gia phả họ Cao mới được viết lại. Đây là cuốn gia phả ghi bằng hán nôm rất cẩn thận do hai cụ tổ (có trình độ chữ hán đỗ nhất trường hồi đó), là cụ Nhất Lâm (cụ tổ đời thứ X) và cụ Nhất Hành (cụ tổ đời thứ X) chấp bút vào năm Tự-Đức thứ 29 (1876) và năm Thành- Thái thứ năm (1893). Trong đây lược ghi từ đời thứ nhất tới đời thứ năm, còn từ đời cụ tổ thứ VI cụ Lệnh Trạch, tới đời thứ X, thì ghi tỷ mỷ danh xưng (tên chữ, tên húy), ngày sinh, ngày mất, thân thế sự nghiệp: đa chí mộ tăng của từng cụ tổ khảo (cụ ông) và tổ tỷ (cụ bà).
Thế rồi, do đời sống xã hội biến động, thân phận cuốn gia phả của dòng họ có tỳ vết nhất định dưới con mắt của giai cấp thống trị ở thời phong kiến - thực dân Pháp - Nhật, luôn là nỗi lo sợ ây ra tai hoạ cho con cháu, do vậy từ cách viết lách cho tới việc bảo vệ gia phả là rất chặt chẽ và kín đáo. Sau cách mạng tháng Tám và tiếp theo là cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, tất cả đều hướng vào mục tiêu giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Ngoài ra ở nông thôn, cuộc cách mạng ruộn đất đã làm thay đổi triệt để, không chỉ có quyền sở hữu ruộng đất (thuộc về tay nông dân) mà còn có cả những quan niệm văn hoá, xã hội được coi là cũ, cũng bị xoá bỏ. Đó là thời kỳ quê hương đã có những xáo động liên tiếp… Bẵng đi một thời gian, vào đầu những năm 80, mọi người mới tĩnh tâm nhớ lại, thì cuốn gia phả duy nhất của họ Cao để ở từ đường họ, đã bị mất từ bao giờ không ai biết.
Nhớ lại vào đầu những năm 60, khi còn sinh thời cha tôi (cụ Cao Văn Cung) và bác ruột tôi (cụ Cao Văn Toại - cụ Cầu) mỗi khi gặp nhau, hai cụ thường nhắc nhiều đến gia phả, như có ý truyền đạt lại cho con cháu biết truyền thống của dòng họ, (sau này tôi mới biết vì sao có nhiều việc trong gia phả không ghi rõ). Khi các cụ đã về cùng tiên tổ, con cháu nhớ đến gia phả thì không biết ở đâu ! mặc dù đã hỏi nhiều cụ cao niên trong họ.
Vào năm 1986 có dịp về thăm quê, cụ Cao Văn Mẫn (trưởng chi của ngành họ) và cụ Cao Văn Triệu là các anh con bác ruột (cụ Cầu), chúng tôi ngồi suy luận rằng, cuốn gia phả của họ không thể mất được vì các cụ Cố bảo quản kỹ lắm. Để giữ gia phả lâu dài, các cụ đã cho cuốn gia phả vào một ống bương khô, bên ngoài quét sơn ta màu đỏ, có vẽ rồng vàng rồi gắn chặt lại đựng vào trong một hộp gỗ lim, cũng quét sơn ta, có khoá cẩn thận, để ở dưới khám thờ của từ đường họ. Mỗi khi cần tra cứu điều gì, thì cụ thủ nhang của từ đường (thường là cụ Cao Văn Mâu (là trưởng của dòng họ Cao ở thôn Trai) thắp hương khấn vái, xin phép tổ tiên lấy gia phả dùng, xong việc lại cho vào hòm khoá lại. Hơn nữa, con cháu ở thế hệ chúng tôi, từ đời thứ XIII trở đi không ai đọc được gia phả bằng hán nôm, cho nên con cháu chắc không ai cầm đi đâu, làm gì. Có chăng, chỉ còn hai cụ giỏi hán - nôm và quan tâm nhiều đến gia phả, đó là ông bác họ - cụ Cao Văn Tân và ông chú họ là cụ Cao Văn Luyện (là cháu đích tôn của cụ Nhất Hành, người biên soạn ra cuốn gia phả), cả hai cụ đều là hậu duệ đời thứ XII.
Sau nhiều lần đi lại, con cháu bị các cụ cật vấn nhiều điều (đại loại là các cụ không tin tưởng rằng con cháu thời nay lại quan tâm tới gia phả dòng họ và giữ gìn gia phả cẩn thận). Cuối cùng các cụ cho biết chính các cụ lưu giữ gia phả của họ, do nhận thấy thời thế còn có vẻ nhộn nhạo, sự mất gia phả lần nữa, các cụ đã phân công nhau giữ kín gia phả chỗ cụ Luyện, còn cụ Tân thì biên soạn tiếp gia phả từ đời XII trở về sau (Rất tiếc cuốn gia phả đó đã bị thất lạc khi cụ Tân qua đời). Trước khi giao lại gia phả, cụ Luyện đã thắp hương khấn vái tổ tiên cho phép giao lại gia phả cho cháu con với lời dặn: "Con cháu phải gìn giữ gia phả của tổ tiên để lại như vật bảo mệnh của dòng họ mãi mãi". Đó là vào năm 1987, cuốn gia phả bằng hán nôm duy nhất đã được sao chép thành nhiều bản cho con cháu các chi lưu giữ, còn bản chính lưu giữ tại từ đường họ hiện nay.
Trong lúc tưởng cuốn gia phả bằng hán nôm bị mất, mùa xuân năm Nhâm Tý (1972), cụ Thiện Quang Thủy giác Cao Chí Thành là hậu duệ đời thứ XII, là người có tâm huyết muốn truyền lại cho con cháu đời sau lịch sử của dòng họ mà ai cũng cần biết, cụ đã bắt tay vào viết cuốn gia phả bằng quốc ngữ để mọi người đều đọc được. Với tâm nguyện :
Có xưa mới có bây giờ,
Có bây giờ ấy ngày xưa mới còn
Phúc nhà trông ở cháu con,
Cháu con rạng rỡ tổ tiên sáng ngời.
Cụ Thủy giác đã miệt mài trên 30 năm để hoàn thành cuốn gia phả với cả ngàn trang viết tay. Trong đây ghi chép đầy đủ từ đời tụy tổ tới đời thứ XII, không chỉ nói về các quy ước thông thường của mỗi cuốn gia phả (như thân thế sự nghiệp, tên gọi, ngày sinh, mất, thuộc dòng chi nào…) mà còn mô tả phong thái bộc lộ những tính cách nhất định của từng người. Nhất là những sự kiện trọng đại của đất nước, có liên quan tới các thành viên (cụ ông cũng như cụ bà) trong họ cũng được đưa vào (không né tránh) như cách làm sử. Đặc biệt trong phần đầu, vấn đề có tính chất bức xúc nhất với tác giả là cuộc nổi dậy của nông dân xã Ngân Già (thời phong kiến gọi là giặc Cà) một cách tỷ mỷ, thận trọng, nhưng không dấu tình cảm đặc biệt đối với cuộc khởi nghĩa, mà tác giả khẳng định lãnh tụ Tú Cao (một trong ba lãnh tụ của cuộc nổi dậy) chính là cụ Lệnh Trạch - ông tổ đời thứ VI, mới gây dựng ra họ Cao ở thôn Trai xã Nam Cường ngày nay. Khoan hãy nói tới sự chính xác, đúng sai về các sự kiện nêu trong gia phả, mà chỉ với từng ấy các dữ liệu có được, cụ đã phải bỏ biết bao công sức cùng với cụ cố Lê Xuân Quang người làng Đồng Côi xã Nam Giang, là hội viên hội văn hoá dân gian Việt Nam để sưu tầm hơn 20 chục các tàng thư by ký, gia phả của các dòng họ, sắc phong các vị Thần Hoàng thờ ở các đình, miếu trong vùng.
Gần nửa đời người, bất chấp tuổi tác sức khoẻ, sự thiếu thốn phương tiện làm việc, kể cả áp lực về dư luận do sự khác biệt về quan niệm, suy nghĩ của người thân trong họ ngoài xã hội… Vượt qua biết bao nhiêu rào cản vật chất và tinh thần qua các thời kỳ, với tâm ấy, sức ấy khiến cho con cháu vô cùng kính phục.
Trước khi về với tổ tiên, cụ Thủy Giác đã trao tận tay con cháu cuốn gia phả (vào năm 2005), với nét mặt ngời sáng và mãn nguyện, vừa như bộc lộ niềm hạnh phúc của một người đã hoàn thành được nhiệm vụ vượt quá sức mình, vừa như trút bỏ được nỗi băn khoăn về sự yếu kém của con cháu thời hiện đại, như người ta thường nghĩ là "ham làm giàu mà mau quên tình nghĩa".
Không, xin hứa với Liệt Tổ, Liệt Tông con cháu họ Cao sẽ gìn giữ truyền thống tốt đẹp của ông cha và dòng họ mãi mãi.
Chắc rằng từ nay về sau, chúng ta khó có ai, có thể làm lại được cuốn gia phả của dòng họ cho nên tốt hơn hết là mọi người nên đọc và tìm hiểu, để biết được họ hàng thân tộc của mình, biết được hoàn cảnh trong cuộc sống của nhau, động viên nhau sống sao cho có ích, làm được nhiều việc tốt cho trước hết là gia đình mình, cho người thân, họ hàng của mình, cho dân tộc, đất nước mình như tổ tiên ông cha ta đã làm. Sau đó, nếu có điều kiện và hoàn cảnh, xin viết trực tiếp vào chi của mình để bổ sung cho gia phả được nối dài ra các đời con cháu mai sau như các cụ Tổ tiên ta mong muốn.
Với tinh thần ấy, chúng tôi xin mạn phép thành lập trang web trên mạng vi tính và đưa (apply) nguyên bản toàn bộ 2 cuốn gia phả, một bằng hán nôm, một bằng quốc ngữ, để tất cả những ai là con cháu của họ Cao ở thôn Trai, xã Nam Cường (Gia Hoà) huyện Nam Trực tỉnh Nam Định, dù ở đâu trên trái đất này, đều có thể tìm hiểu được dòng tộc của mình, đồng thời có thể viết tiếp vào gia phả, hoặc đính chính (nếu thấy cần thiết) những điều mà mình biết rõ và cho là chưa xác đáng trong gia phả chính, cần được điều chỉnh cho đúng. Tất nhiên cần có một đầu mối để sắp xếp sự điều chỉnh cho thống nhất vào một đầu mối để tránh những sai sót và lộn xộn có thể xảy ra trong các hệ phả. Nghĩa là, về nguyên tắc chung không ai được trực tiếp sửa vào bản gia phả chính. Điều đó để chứng tỏ sự tôn trọng của con cháu với các cụ tổ đã khuất bóng, những người đã tốn bao công sức biên soạn ra gia phả của dòng họ.

Để mọi người tiện theo dõi, Website của họ Cao ở thôn Trai xã Nam Cường, Nam Trực, Nam Định có kết cấu như sau:

- Phần thứ nhất: Mấy nét khái quát về họ Cao.
I/ Phả ký: Nói về sự ra đời của gia phả họ Cao.
II/ Họ Cao: - Họ Cao nói chung
III/ Họ Cao ở thôn Trai - Nam Trực - Nam Định

- Phần thứ hai: Gia phả họ Cao (nguyên bản)
I/ Gia phả, bằng hán nôm (soạn vào năm 1893)
II/ Gia phả bằng quốc ngữ (soạn từ 1972 - 2005).
III/ Các truyền thuyết và thần phả có liên quan.

- Phần thứ ba: Phả đồ các hệ của dòng họ.
I/ Hệ phả 8 đời? Từ Thủy tổ đến đời cụ Đồ Giao.
II/ Hệ phả 8 đời sau: Từ đời thứ 8 đến hiện nay.

- Phần thứ tư: Mấy nét về gia pháp và tộc ước.
I/ Mấy nét về gia pháp của dòng họ
II/ Bàn về các lời răn dạy của Tổ tiên.

- Phần thứ năm: Tài sản và hương hoả (kèm theo ảnh)
I/ Từ đường chung của dòng họ, của từng ngành
II/ Mồ mả tổ tiên (địa chí, mộ Tổ (kèm theo ảnh)).

- Phần thứ sáu: Ghi chú và dẫn giải.

Để có được trang Web của dòng họ là một việc làm khó khăn, chắc chắn không thể làm được nếu không có sự góp sức của mọi người trong họ ở mọi nơi. Và dù sao cũng không tránh được các sai, xót (vì nhiều lý do)… Rất mong được sự hưởng ứng nhiệt tình của con, cháu xa, gần để tài sản chung của dòng họ có nhiều ích lợi cho tất cả chúng ta.
Địa chỉ để liên lạc chung xin vào Email sau:
caoxuanhai209@gmail.com hoặc: số mobiphone: 0917.626.195 - Điện thoại cố định: 04.3.869.3231

Xin chào và cảm ơn !
CAO Xuân Hải
Gia Phả CAO tại thôn Trai
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc CAO tại thôn Trai.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc CAO tại thôn Trai
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.