Lược sử của một dòng họ Lê Khắc ngày xưa – Họ Lê Trọng bây giờ
. Cách đây gần 500 năm dòng tộc Lê Khắc xưa và Lê Trọng bây giờ đã trải qua biết bao thăng trầm biến đổi, để có được sự ổn định và phát triển như ngày hôm nay. Đó là cả một quá trình phấn đấu hy sinh bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hoá tâm linh vật thể của tổ tiên dòng tộc. Để giúp cho con cháu hiểu sâu hơn về cội nguồn hình thành và phát triển của dòng họ đại tôn Lê Trọng, thay mặt Hội đồng tộc biểu dòng họ Đại tôn và tộc trưởng xin được khái quát về lược sử của dòng họ Lê Khắc xưa và Lê Trọng ngày nay.
Vào những năm đầu thế kỷ XVI, có một người về lập nghiệp tại thôn Báo Ân Thượng, xã Đa Hoạch, nay là xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đó là Đức Triều Tổ Thái Bảo Lê Tướng Công, Người khai sáng dòng họ Lê Khắc ngày xưa và họ Lê Trọng bây giờ.
. Đương thời, Ngụy Mạc tiếm ngôi nhà Lê (năm 1533), Ngài Thái Bảo dặn các con rằng: “Ta đã già rồi, các con phải gắng sức mà phò Vua giúp nước”. Con của Ngài là Lê Khắc Khoan, vâng lời cha, bán gia tài, mộ nghĩa quân hợp lực cùng với tướng Trịnh Kiểm, dẹp giặc ngoại xâm, lập nên triều đại vua Lê Trang Tông, khôi phục lại giang sơn, chấn hưng đất nước.
. Ngài đã giữ chức Đô Đốc Tham Tứ Vệ Quân tước Kỳ Quận Công. Sau được truy phong “Kiệt Tiết Tuyên Lực Công Thần Thượng Tướng Quân, anh uy hùng chấn hộ vận an dân, tuyên uy địch tiết Lê Công Đại Vương”. Phong cho Thân sinh Tước Thái Bảo, cho quê Ngài được mang tên Báo Ân, cho dân làng lập đền thờ tại bãi cây Thị thường gọi là Miếu Nhà Rài.
. Theo gia phả Họ Lê, ngài Thái Bảo Quận Công ngụ trên một vùng đất phong thuỷ hữu tình. Sinh thời Ngài đã trồng cây ở đây một cây Đại Muỗm rất linh thiêng. Sau này dân làng gọi Cố Viên. Ở Đồng Bang xã xây đình chợ Kỳ. Dưới chân núi Côn Bằng cho lập trại Nhà Lao.
. Đến triều nhà Nguyễn lập thêm miếu thờ tại Cồn Nhà Mô, thường gọi là miếu nhà Vua. Mộ của Ngài Thái Bảo Quận Công được án táng trên vùng đất phong thủy hữu linh, sau trước núi non hùng vĩ quanh năm nước chảy ngày đêm và nét độc đáo riêng là: tất cả dòng mộ từ phụ mẫu, phê thê, huynh đệ, tử tức của Ngài đều được thiết kế, xây dựng duy nhất một kiểu hình thuyền và được khắc ghi bia đá tráng lê uy linh.
Cố Viên, đình Chợ Kỳ, miếu Nhà Vua, miếu Nhà Rài, trại nhà Lao và các phần mộ của Thái Bảo Quận Công, nếu như được quy hoạch tôn tạo sẽ trở thành một quần thể di tích và là một vùng đất có tiềm năng du lịch của huyện Lộc Hà.
. Ngót một thế kỷ ngụ trên thôn Báo Ân, gia tộc Thái Bảo Quận Công đã trở thành danh gia vọng tộc. Con cháu đều được phong tước Công Hầu, Đại Phu. Con gái Ngài Lê Khắc Khoan là phu nhân của Hoàng Giáp Đô Đại Ngụ Xử Lục Bộ Thượng Thư Nguyễn Văn Giai.
. Đến đời Vua Thuần Tông niên hiệu Dương Hoà (1635 - 1643), cụ Lê Khắc Thuận đích tôn của Ngài Lê Khắc Khoan lập chúc thư: “Ta sẽ dời nơi ở về thôn Vĩnh Bảo, nơi này dân thật thà, phong tục thuần hậu, xưa kia tổ tiên ta đã mua ruộng vườn ở đây. Nếu canh tác tốt sẽ có đủ cổ bàn thờ cúng. Dời về đây còn tiện cho việc trông coi phần mộ Tổ Tiên. Ta muốn vậy ai muốn theo thì theo, ai muốn thì ở lại, vì ở đâu cũng là đất Vua cả”. Về sau, số người trong ấp đều đi theo Cụ.
. Vậy là vào giữa thế kỷ thứ XVII, trên đất Vĩnh Bảo xã Phúc Toàn xưa và nay là xã Bình Lộc, có thêm một dòng họ Lê Khắc về định cư sinh sống, xây cơ lập nghiệp.
. Đến đời thứ 8, tộc trưởng Lê Khắc Lầu cho dựng nhà thờ Thái Bảo Quận Công trên địa phận xóm 11 - xã Bình Lộc. Thời bấy giờ con cháu phát triển rất đông đúc, thịnh vượng và nơi này đã trở nên chật hẹp, vì thế con cháu Lê Khắc đã tìm đến nhiều vùng đất mới để phát triển dòng tộc của mình.
- Cụ Lê Khắc Công về làng Kim Chùy nay là xã Tân Lộc
- Cụ Lê Khắc Nghé về Nam Nhe nay là xã Cương Gián
- Cụ Lê Khắc Toản, Lê Khắc Giật về Kim Đôi, nay là xã Thạch Kim
- Cụ Lê Khắc Cơ về thôn Phù Lưu, nay là xã Phù Lưu
- Cụ Lê Trọng Thưởng, Lê Trọng Tuỳ về Nghi Tiến Cửa Lò
- Cụ Lê Khắc Thuần sang Thiên Chúa Giáo xứ Mỹ Lộc (Bình Lộc).
. Để quy tụ dòng tộc năm 1864 vào thời tộc Lê Khắc Thụy, họ Lê Khắc đã tổ chức đại lễ “Kỷ niệm Nguyên Tổ” quyết định đổi họ Lê Khắc thành họ Lê Trọng, mở ra một kỷ nguyên mới cho con cháu vào các hậu duệ của Thái Bảo Quận Công. Đây là một thời kỳ rất thành đạt và thịnh vượng của con cháu họ Lê Trọng. Cụ Lê Trọng Hoàng, Lê Trọng Tấn đậu Hương Cống, có lệnh của nhà Vua. Cụ Lê Trọng Thụy đậu 2 khoa tú tài, cụ Lê Thúc Mỹ đỗ tú tài, cụ Lê Thừng hàn lâm đại chiếu, cụ Lê Trọng Toại, Lê Điển, Lê Khắc Ngạc, Lê Trọng Bá, Lê Trọng Hoà là những giám sinh tam trường, sinh đồ.
. Nhiều cụ làm thầy thuốc, thầy đồ có cụ là đạo sĩ trong lễ kỷ niệm nguyên tổ, cụ Lê Trọng Bá ở Kim Đôi đã viết bài thơ có đoạn là:
“Triệu Tổ khảo là quan Thái Bảo
Thể Tổ xưa là Đức Quận Công
Trước Quan Thái Bảo hưng Nhung
Phất kỳ bạch mã đơn trung do vi bạch”
Hoặc là:
“Lịch triều kỷ tích bao phong
Miếu linh dân tế sắc rông Vua ban
Một nhà nữ tước nam quan
Báo Ân quán cỗ truyền tích xưa
Vạn niên huyết thực phụng thờ
Thế tôn đã có Vĩnh Hoà trưởng chi
Thi ca chăm chỉ phong tư
Nhà thời sinh sử, nhà thời nông trang
Sách đèn nối gót thư hương
Bút hoa điểm dấu bảng vàng đề danh
Người tài tử, kẻ văn minh
Xây cây ngọc thù rậm cành chi lan
Hữu hương hậu thế chứa chan
Mấy muôn kỳ lão, mấy ngàn nam nhi
Ân quan rải khắp các chi
Phù Lưu, Hữu Lạc, Kim Chùy, Kim Đôi”
. Thời kỳ này, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi sâu sắc. Thực dân Pháp xâm lược rồi chính thức đặt nền thống trị nước ta. Chế độ nhà Nguyễn bất lực, suy tàn, nhân dân lầm than đói khổ. Các hậu duệ Thái Bảo Quận Công đã một lòng “Hộ Quốc Tỷ Dân”, “Tôn Vương Đại Nghĩa”,sống lương thiện, chăm lo ruộng vườn, miệt mài đèn sách, thờ phụng tổ tiên.
. Vào những năm 1890 đến năm 1894, Vua Thành Thái ban hai sắc phong cho Thái Bảo Quận Công và đây là bản dịch sắc phong năm 1890.
“Sắc cho vị thần Đô Đốc Kỳ Quận Công, được xã Đa Hoạch huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ. Thần giúp nước thương dân tỏ rõ linh ứng, từ xưa tới nay chưa được dự phong. Nay Trẫm kế ngôi mệnh lớn, nghĩ tới công lao của Thần, phong là “Đoan Tức Dục Bảo Trung Hưng Chi Thần”, cho phép địa phương phụng thời như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở cho dân của ta. Hãy kính lấy”.
|