GIA

PHẢ

TỘC

CAO
tại
thôn
Trai
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: Phúc Bình Phù Quân
Đời thứ: 5
Người trong gia đình
Tên Cao Lệnh Trạch (Nam)
Tên thường cụ Vãi
Tên Tự
Ngày sinh 1716
Thụy hiệu Huệ Viên  
Ngày mất ?  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú
Đời thứ sáu - Khảo là ông Cao, húy là Lệnh Trạch, hiệu là Huệ Viên phủ quân. Ông là con ông Phúc Bình, sinh vào năm Thân triều Lê (không ghi can). Năm hơn 10 tuổi, bấy giờ ở xã nhà có giặc Ngân Già tức bọn Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn tụ họp đồ đảng nổi loạn, mà các quan triều thì lần lượt bị bại, thế giặc ngày càng mạnh; nhưng ông nhà ta liệu tính biết giặc rồi cũng chẳng làm được trò trống gì, nếu không sớm lo để giặc phá phách lung tung thì lúc đó sẽ bị vạ lây e hối chẳng kịp, bèn đóng giả làm một lái buôn đi tị nạn ở các vùng Nghệ An, Hà Nội và Vân Đình. Sau chúa Trịnh Minh Vương nổi giận thân Minh đô Vương Trịnh Doanh (1740) - Canh Thân chinh đi đánh vùng Sơn Nam Hạ, bốn mặt vây đánh khiến cho giặc đại bại, rồi tên làng cũng bị xoá bỏ 18 năm liền. Kịp đến khi An Thường trụ quốc Thượng tướng quân Nguyễn tướng công tên tự là Đoan Chính (nay bốn thôn ở bản xã còn thờ phụng) tới chiêu tập dân cư, ông nhà ta bấy giờ bèn trở về, khai hoang dựng nhà, tìm thầy học, rồi lấy vợ là người con gái hộ Vũ, sinh ra ông Huệ Hiên. Sau đó lại lấy thêm thứ phòng là con gái họ Hà, sinh ra ông Hoà Nhã, cùng mấy người con gái là Cao Thị Tha, Cao Thị Thụy, Cao Thị Kỷ, con nuôi là Cao Văn Thạch, Cao Văn Bàn, nay Cao Văn Phú, Cao Văn Nha là con cháu dòng này. Ruộng cao nhà đất đều chia đều cho các con, và có ghi đầy đủ trong chúc thư. Cái nền móng công nghiệp lâu dài của gia tộc nhà ta đều tự ông khởi xướng vậy. Năm mất của ông không rõ. Giỗ là ngày mồng 4 tháng Giêng. Mộ táng ở xứ Đồng Bùi, xã Báo Đáp, tổng Giang Tả, huyện Thượng Nguyên. Xứ này là một dải ruộng cao như hình cá vàng giỡn nước, giữa hai bờ ruộng có một Mộc tinh, huyệt táng ở trên đó; trước mặt có một hồ nước trong chảy quanh ra mé sau có hai con Kim dẫn mạch, (con Kim này gần đây đã bị người làm ruộng phá hủy); mé nam có Hoả tinh, từ con Hoả này đến mộ cách 1 ngũ 2 xích; mé đông bắc có con đường nhỏ, từ ngôi mộ phía đông đến con đường là 17 ngũ 2 xích, phía bắc đến con đường là 7 ngũ 4 xích, dựa và phương Tây nam, ngoảnh mặt hướng Đông bắc, đúng như kinh sách từng nói đó là thế "hồi long cố tổ" (con rồng quay nhìn về tổ tiên): Vật vị hồi long vi đãng lực, Năng linh bạch ốc xuất công khanh. (Chớ bảo hồi long là phóng đãng, Từng xui nhà trắng nảy công khanh). - Tỉ chính thất của họ Cao là bà Vũ Thị Hành Tam, húy là Bốn, hiệu là Diệu Minh nhu nhận. Bà là con gái thứ ba của ông Vũ Quý, tự là Hưng Hậu, người thôn Đông bản xã. Nguyên ông không có con trai, bà phi ta lưu điền sản cho ông để có con trai, bà phi ta lưu điền sản cho ông để làm hậu sự ở thôn này đã trái đạo không chịu cúng giỗ. Họ ta liền thờ phụ bà ở từ đường. Ba sinh tuổi Mùi, không rõ lấy ông nhà ta hồi nào, rồi sau đó sinh ra ông Huệ Hiên, năm mất không rõ, giỗ ngày 29 tháng giếng. Mộ bà táng tại xứ chùa Cóc, xã Đạo Nghĩa, huyện nhà, dựa vào phương Đông Bắc, ngoảnh mặt hướng Tây Nam. Đó là thế đất tiên cho - Theo lời cha tôi kể lại thì mộ bà nguyên táng ở địa phận xã Đồng Phù, huyện Thượng Nguyên. Mới được 6 tháng thì ông Hoà Nhã bị bệnh, thuốc men không đỡ. Tằng tổ hỏi thầy bói thì họ bảo căn bệnh của bà tỉ là ở chỗ túng mảnh đất tốt, nhưng ngôi mộ này trước có hoạ rồi sau mới phát. Tổ bỗng nói rằng anh em như thể chân tay, nếu chặt bỏ chân tay thì dẫn được giàu sang lừng lẫy ta cũng có thích gì. Rồi tổ đón thầy phong thủy cần được một huyệt ở trên núi Ngỗi Sơn huyện Vụ Bản. Tổ bèn chọn ngày cải táng. Khi mở áo quan thì thấy tơ hồng quấn quanh, có một mạch xuyên thủy áo quan thành lỗ hổng. Chính thực là: Mai hàm phiếu diểu thiên nan vấn, Cánh hữu thần minh bốc khả bằng (Đất sâu mù mịt trời khôn hỏi, Đã có thần minh mách rõ ràng). Rồi đó đưa về an táng tại Ngỗi Sơn. Thế là bệnh của đường tổ Hoà Nhã khỏi nhanh chóng. Ngày tháng thoi đưa, thấm thoắt đã được một năm thì bệnh của thúc tổ lại nổi lên. Tổ ta lại hỏi thầy bói. Các thầy bói lại bảo như trước. Tổ ta chảy nước mắt ngửa mặt lên trời mà than rằng: Ấp ta từ khi gặp loạn lạc, họ hàng phiêu bạt, chỉ còn lại cha ta là một gốc hai cành. Làm sao mà bà tỉ ta trước táng ở Đồng Phù, nay lại phải táng ở chốn này, hai lần long đóng như vậy, đó là mệnh trời phải thế hoặc giả cõi đất bắt phải như thế? Sau đó bèn cho rước linh vị về từ đường để thờ. Bấy giờ có một người bạn tên gọi Huyện Thùy, giỏi phép thuật, nói với tổ tôi rằng nên đi cầu tiên ông để xin đất để mả. Tổ tôi theo lời, dựng đàn làm lễ, được hơn một tháng thì tiên ông giáng bút, vẽ ra một thế đất, đằng sau có thất tinh dẫn mạch, đằng trước có hình người bái tướng, phía Tây bắc có Thiên mã, phía Đông có Mộc tinh, lấy núi làm án, là thế đất rất đẹp. Ông hỏi rõ xứ sở, thời ngọn bút chỉ khua hình như cái chấm. Khi ấy ông Thuần Lương ở bên cạnh, nói rằng nếu tiên ông bằng lòng cho thì xin cứ viết rõ ra là ở xứ nào, làm sao lại cứ chấm chấm như hình cây giá thế. Thế là bút thần liền khuyên vòng liên tục. Đại để xã Đạo Nghĩa tục gọi là làng Giá. Sớm hôm sau, ông bèn tìm đến địa phận xã đó thì thấy một mảnh ruộng hơi cao. Ở khoảng giữa ba góc ruộng có một Hoả tinh, hai bên như hình đôi cánh đang gượng chéo lên, thế như con chim chuẩn bị bay cao, huyệt chính ở mỏ chim, trông tựa như một bức tranh vẽ. Thế rồi ông chọn ngày chuyển mộ. Đó thực là: Quỷ thần bản dục khi nhân nhãn Cố hướng thời nhân thuyết đoản trường (Quỷ thần mở mắt cho trần tục, Nên mới cùng ai mách chuyện riêng.) Từ đó họ này mới may mắn được yên ổn, nhân định của cải ngày một thịnh vượng. Hành tôi trộm nghĩ câu nói xưa "Giàu sang thọ khảo đều do đất" quả không phải là lời nói suông. Nhưng nên nhớ đích thực là cái gốc của việc cầu xin đất, nếu như chưa được đất thì cần tu nhân tích đức để cầu đất, khi đã được đất rồi lại càng cần tu nhân tích đức để bồi đắp thêm. Nay được quỷ thần phù trợ, ban cho cái khí tượng tranh tú của non sông, có thể yên ổn gửi tinh linh ở nơi chín suối, có thể trông phúc ấm ở tương lai, đó đều là do sự tích luỹ công đức của tiền nhân mà có vậy. Con cháu phải noi theo tổ tông mà lo bồi đắp thêm để có thể hưởng phú quý dài lâi mãi mãi như cây lúa gốc có vững thì ngọn mới xanh tươi ! **************************************************************************************************************************************** II- Cụ tổ họ Cao đời thứ VI: - Cao Lệnh Trạch, hiệu Huệ Viên. Người phục hưng dòng họ Cao ở thôn Trai xã Gia Hoà, nay là Nam Cường, huyện Nam Trực, Nam Định. Cao đường Tổ khảo đời thứ VI ở thôn Trai (Cà Trai) húy là Lệnh Trạch, hiệu là Huệ Viên phủ quân. Ông là con trai duy nhất của Tổ khảo Phúc-Bình. Theo gia phả ghi lại, cụ sinh vào năm Thân triều Lê, không rõ can. Sinh thời tổ Huệ Viên có quan hệ đến một sự kiện lịch sử thời đó là cuộc nổi dậy của nông dân xã Ngân Già do Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn và Tú Cao lãnh đạo, chống lại triều đình Lê Trịnh mà sử cũ gọi là giặc Ngân Già, còn dân gian gọi là giặc Cà (chữ hán có nghĩa là cà trắng) vì trung tâm của cuộc nổi dạy là ở bảy làng Cà và ba làng Hóp, cho nên còn gọi là cuộc nổi dậy của nông dân Cà-Hóp. Cuộc nổi dậy của nông dân xã Ngân già đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhân dân trong vùng và rất mạnh, cùng với cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất ở miền cửa biển Ba lạt, đã làm cho triều đình Lê-Trịnh lo sợ. Trịnh Doanh mới lên ngôi chúa, dồn hết sức vào việc dẹp loạn Ngân Già. Do vậy chỉ trong vòng một năm (1740) cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt. Thủ lĩnh Vũ Đình Dung bị giết tại trận. Đoàn Danh Chấn và Tú Cao trốn thoát. Làng Cà Trai bị triệt hạ, san bằng. Xã Ngân Già bị xoá sổ hơn 10 năm sau mới được đổi tên xã mới là Lai Cách, sau này mới gọi là Gia Hoà. Trong cuộc khởi nghĩa Cà-Hóp có một nhân vật mà lịch sử cho đến nay vẫn chưa rõ danh tính, đó là Thủ lĩnh Tú Cao, người lãnh đạo cứ điểm phía bắc là làng Cà Trai, có võ nghệ cao cường, dũng mãnh trẻ nhất trong các thủ lĩnh. Tú Cao là người lãnh đạo cuộc thắng trận khi quân Trịnh lần đầu tiên tấn công vào Nghĩa quân ở Cà Trai; bắt sống nhiều tướng của triều đình như Trần Thế Siêu (còn gọi là Hùng Siêu), Trần Danh Quách, xã Song v.v… đặc biệt là trận tấn công vào phố Đà - Ninh, trung tâm sở lỵ của huyện Nam Chân, Đốc Lĩnh Hoàng Kim Trảo (hay Qua) bị giết, còn quan Điện tiền Đô - Chỉ huy sứ trốn thoát về Mỹ Lộc Thư Trì, khiến thanh thế của nghĩa quân rất lừng lẫy. Vậy Tú Cao là ai? - Theo Đại Việt sử ký toàn thư tuệ biên (Tập I NXB Khoa học xã hội 1982 tr.246) nói về cuộc nổi dạy của nông dân Ngân Già có quan hệ đến Tú Cao như sau: "… Xuân Canh Thân (1740), chia quân ba đạo đánh giặc có ở Lộ Sơn nam hạ, người xã Ngân Già, tên Bắc giữ huyện Nam Chân, người xã Dũng thúy tên Tú Cao giữ huyện Thư - trì, người xã Hoàng Xá tên Giao Lý giữ huyện Đông quan… "… Thống lĩnh đạo Thanh hoa là Đặng Đình Mật tiến đánh giặc ở Sơn Nam. Bọn tên Tú Cao, tên Bắc liên kết quân tiến đánh uy hiệp phố Chân - Ninh. Đốc trấn Nhuận Trạch hầu Hoàng Kim Trảo cùng tướng hiệu thuộc dưới quyền là Lê Kỳ hầu Nguyễn Thế Siêu, Tuyên thọ hân Trần Danh Quán đánh nhau với giặc đều bị giết chết”. - Theo Việt sử Thông giám Cương Mục chính biên (quyển 38tr. 3237) ghi: "… Bọn Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn và Tú Cao ở Ngân Già thuộc Sơn Nam, liên kết binh sĩ, uy hiếp phố Chân ninh, thanh thế lừng lẫy, Đốc lãnh Hoàng Kim Trảo chống cự lại. Kim Trảo cùng tướng hiệu dưới quyền hắn là bọn Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán bại trận, đều bị giết… (Bị chú: Ngân Già là tên xã, thuộc huyện Nam Chấn, trấn Sơn Nam, … Tú Cao: tên một người giặc, sót họ…?") - Theo Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim (XB VHTT - 1999 tr.342) ghi: "… Giặc Ngân Già: Năm Canh Thân (1740) trong khi đất Hải Dương, ở làng Ninh Xá, có Nguyễn Tuyến, Nguyễn Cừ làm loạn, thì đất Sơn Nam, ở làng Ngân Già, có Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao, cướp phá rất dữ, giết cả quan Dóc Lĩnh là Hoàng Kim Qua (hay Trảo?). Thế giặc mạnh lắm, Trịnh Doanh phải tự làm tướng đem binh đi đánh, bắt được Vũ Đình Dung đem chém và đổi tên xã Ngân Già là Lai Cách (nay là Gia Hoà)…" Ngoài các tài liệu của quốc sử ra, thì các tài liệu thu thập từ các bi ký của từ đường, sắc phong của các thành hoàng, các thần phả của các miếu mạo, đền chùa, các câu chuyện trong dân gian (như tài liệu kèm theo) được cụ Lê Xuân Quang và con cháu họ Cao sưu tầm, tất cả chỉ có thể khẳng định rằng: Lãnh tụ Tú Cao là người làng Cà Trai xã Ngân Già, người đã làm cho quân Trịnh khốn đốn, lập nhiều chiến công trong cuộc khởi nghĩa… Còn tên thật (tên húy) của vị Thủ lĩnh và gốc tích thế nào thì vẫn còn chưa rõ. Có nghĩa là về văn bản có tính chất pháp lý thì chưa có tài liệu rõ ràng. Vậy gia phả của họ cao ở thôn Trrai đã nói gì?- Theo gia phả bàng chữ nôm, văn vần do Tổ khảo Cao Văn Lâm (cụ Nhất Lâm) tên hiệu là Thuần Lễ viết vào năm Tự Đức thứ hai mươi chín (1876), đoạn nói về cụ Tổ Lệnh Trạch như sau: "… Sáu đời cũng chỉ một đinh Con là Phúc Thụ lại sinh Phúc Bình Đến ông Lệnh Trạch một cành Gặp cơn binh hoả lánh mình Châu Hoan Mười năm dư cũng thâu an Bấy giờ phụ quốc có quan Yên Thường Chiêu dân mộ sỹ dựng làng Nghe tin ông mới tìm đường về quê Tha hương cố quốc đề huề Phá nơi cỏ rậm dựng bề gia cư Tuổi đã ba mươi có dư Nhưng còn mến đạo thi thư thánh hiền…" - Theo Gia phả bằng Hám nôm do Tổ khảo Nhất Hành ghi vào năm Thành Thái thứ 15 (1904), nói rằng: "… năm hơn 10 tuổi bấy giờ ở xã nhà có giặc Ngân Già tức bọn Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn tụ tập đổ đảng nổi loạn, mà các quan của Triều đình thì lần lượt bị bại, thế giặc ngày càng mạnh, nhưng ông nhà ta liệu tính biết giặc rồi cũng chẳng làm được trò trống gì, nếu không sớm lo để giặc phá phách lung tung thì lúc đó sẽ bị vạ lây, e hối chẳng kịp, bèn đóng giả làm người lái buôn đi tị nạn ở các vùng Nghệ An, Hà Nội, Vân Đình… Sau Chúa Trịnh Minh Vương nổi giận thân chinh đi đánh vùng Sơn Nam Hạ. Bốn mặt vây đánh, khiến cho giặc đại bại, rồi tên làng (Ngân Già) cũng bị xoá bỏ 18 năm liền. Kịp đến khi An Thường Trụ Quốc Công Thương tướng quân Nguyễn tướng công tự là Đoan Chính (nay bốn thôn ở bản xã còn thờ phụng - Thành hoàng), tới chiêu tập dân cư, ông nhà ta (tức cụ Lệnh Trạch) bấy giờ bèn trở về, khai hoang, dựng nhà, tìm thầy học rồi lấy vợ là người con gái họ Vũ sinh ra ông Huệ Hiên…" Như vậy trong gia phả dòng họ Cao ở thôn Trai, một là diễn ca bằng vần chữ nôm, một là bằng văn xuôi chữ Hán, đều nói cuộc nổi dạy của nông dân Ngân Già, nhưng đều không đả động gì đến tên lãnh tụ tú Cao, cũng không nói ông Tổ Cao Lệnh Trạch có trực tiếp tham gia vào vụ nổi loạn. Song đều khẳng định là làng Cà Trai đến lúc đó chỉ có duy nhất ông Lệnh Trạch là dòng họ Cao. Hơn nữa chỉ nói ông Lệnh Trạch sinh năm Thân, không rõ can và "năm hơn mười tuổi tì ở xã nhà có giặc Ngân Già…". Ở cái tuổi chẳng biết thế sự là gì và cũng chẳng làm được trò trống gì, nhưng suy tính và bản lĩnh thì không phải là của cậu bé 10 tuổi, mà là của một hào kiệt gan góc, từng trải ! Nếu chỉ là một cậu bé hơn 10 tuổi đứng ngoài lề cuộc khởi binh thì cũng chẳng phải tính toán, trốn tránh đến hơn 10 năm và điều đáng nói là vì sao quân Trịnh lại căm tức triệt hạ, làm cỏ, bình địa làng Cà Trai (thôn Trai từ sau khi dân cư hồi hương thì rời xuống cách làng cũ gần 1 km như hiện nay, còn đất làng Cà Trai xưa, thì nay gọi là nội dói). Cách nói mập mờ, mâu thuẫn của người lập gia phả phải chăng là cách nói tế nhị, né tránh những điều bất lợi cho dòng họ trong thời phong kiến, khi ông Tổ của họ có tham gia vào cuộc phản loạn chống "triều đình", tránh cho con cháu những suy nghĩ tự ti không đúng về ông Tổ của họ là người cầm đầu "đám giặc cỏ" và cũng là tránh những sự trả thù của dân quanh vùng, khi có người nhà bị thiệt mạng trong cơn bạo loạn. Điều đó khiến cho con cháu ngày nay phải tìm hiểu xem lãnh tụ cuộc nổi dậy của nông dân Ngân Già là Tú Cao, có phải chính là ông tổ họ Cao tức ông Lệnh Trạch hay không? Theo các đấng bậc sinh thành ra tôi - cụ Cao Văn Toại (tục gọi là cụ Chánh Cầu) và cụ Cao Văn Cung (tục gọi là cụ Thừa Cung), được các cụ đời trước kể lại giằng: "Giặc" Cà nổi lên mạnh lắm. Các lãnh tụ nghĩa quân là Đoàn Danh Chấn, Vũ Đình Dung và Tú Cao đều là người ở bảy làng Cà xã Ngân Già (nay là xã Nam Cường). Đối tượng trấn áp cướp bóc của nghĩa quân là bọn nhà giàu, tay chân của bọn quan lại triều đình, với danh nghĩa "phù Lê chống Trịnh", do vậy nông dân trong vùng nhanh chóng nổi lên hưởng ứng rất đông (Đúng như trong chính sử đã nói: "… Bọn đồ đảng của chúa Trịnh Giang chuyên chính lộng quyền, các quan triều đình kể tiếp nhau người bị giết, người bị hại, người nào cũng nơm nớp lo sợ không tự bảo vệ được bản thân, chính sự trái ngược, thuế khoá nặng nề, khiến lòng dân mong sao cho chóng nổi lên loạn lạc… Dân ở vùng đông, vùng nam, người đeo bừa, người vác gậy đi theo, nơi nhiều có đến hàng vạn, nơi ít cũng hàng ngàn hàng trăm, họ quấy rối cướp bóc làng xóm, vây đánh các ấp các thành, triều đình không thể ngăn cản được…" - xem Lịch sử Thông giám cương mục… Tr.3200). Thời kỳ đó ở vùng này về mùa mưa nước ngập mênh mông. Từ An Lá sang Đồng Phù Giang tả xuống tới tận Vân tràng cả một vùng hàng chục cây số vuông, đi lại phải dùng thuyền nam, đáy bằng sào tre. Cày ruộng phải cày mò, cắm vè, trâu cày chỉ nổi lên khoảng lưng và cái đầu người cày ngâm mình xuống nước đến ngực (tình trạng này còn tồn tại tới trước năm 1954). Tính cả nông dân vùng đồng chiêm một năm có một vụ, lại thêm một trận lụt năm Ất Mão (1735), thế nhưng năm Nhâm Ngọ (1739) có một chút thu hoạch thì quan thu thuế triều đình lại đòi thu thuế của nhiều năm trước, do mất mùa nông dân còn chịu lại, khiến nhiều người chết đói, làm xắm phiêu tán đi khắp nơi. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc nổi dạy của nông dân bảy làng Cà và ba làng Hóp, và cũng là nguyên nhân, là tình cảnh bi đát nhất dẫn tới sự thất bại nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa: Nghĩa quân rơi vào tình trạng thiếu lương ăn, phải dời cứ địa, phân tán lực lượng đi trưng thu lương ở các vùng lân cận, với tình cảnh đói ăn, tập hợp lực lượng quá nhanh lại thiếu hẳn công tác tổ chức và tư tưởng, nên khi bị quân Trịnh bao vây, lại bị phản tuyên truyền, thì nghĩa quân đương nhiên ở vị thế bất lợi của "đám giặc cỏ" bị nông dân ở các làng khác rào làng chống lại. Cái ý đồ chiến lược của nghĩa quân Cà Hóp là liên kết được với nghĩa quân của Hoàng Công Chất đang làm chủ cả một vựa lúa, từ cửa Ba Lạt tới ngã ba sông Ninh Cơ (do Tú Cao thực hiện) đã bị chặn đứng lại khi ông dẫn quân từ phố Đà Ninh tiến sang Phương Đế và Quần Anh (thuộc Xuân Trường - Hải Hậu bây giờ). Ở vào thời điểm gay go quyết liệt nhất của cuộc chiến thì, bao giờ cũng vậy, thường xuất hiện những phần tử cơ hội phản bội: tên đội chóp, tướng coi lương của nghĩa quân đã làm nội ứng đốt kho lương và doanh trại hậu cứ của nghĩa quân. Đó là đòn dáng quyết định khiến nghĩa quân thất bại hoàn toàn. Vũ Đình Dung bị giết tại trận, còn Đoàn Danh Chấn và Tú Cao trốn thoát. Quân Trịnh căm tức đã tàn sát dân làng và san phẳng thôn Cà Trai. Lại nói về cụ tổ Lệnh Trạch, theo các cụ nói thì trong cái ngày nghĩa quân Ngân Già bị thất thủ (20 tháng một năm Canh Thân) chỉ có đồn phòng thủ ở làng Cà Trai, chống cự quyết liệt nhất, mãi tới chiều tối nghĩa quân đành phải tập trung lại ngôi chùa ở mé sông Đào, gần trại Bơ, với ý đồ bơi qua sông trốn sang Vụ Bản. Nhưng do quân thủy của Chúa Trịnh bao vây kín mặt sông nên nghĩa quan đã hy sinh hết. Trong lúc ở lại sau chặn quân địch cho đồng đội rút lui, ông đã bị bao vây bốn phía, không có đường ra, ông đã phải trầm mình dưới một ao bèo lớn nằm ngửa bất động dưới một bè rau ngổ. Trên bờ quân Trịnh lấy giáo dài xỉa xuống quanh ao, rồi dọi đuốc, thấy trên bè rau có con rắn hổ mang ngóc đầu phun phi phì thì sợ quá đành bỏ đi. Lợi dụng đêm tối và đồng nước ông đã trốn thoát, đi khỏi đất Sơn Nam vào Châu Hoan (Nghệ An, Thanh Hoá) để sống. Hơn 10 năm sau mới trở về quê gây dựng lại cơ nghiệp. Đó là câu chuyện truyền miệng từ các cụ Tổ truyền lại cho con cháu nhiều đời nay. Như vậy theo lời kể của các cụ thì họ Cao ở Cà Trai lúc đó có người tham gia vào cuộc nổi dậy ở xã Ngân Già đó là ông Lệnh Trạch nhưng lại không nói gì đến vai trò lãnh đạo của ông. Cũng không nói ông là Tú Cao. Nhưng hành động trên của cụ Lệnh Trạch thì không phải là hành động của một cậu bé hơn mười tuổi như gia phả nói được. Hơn nữa chỉ có đích danh cụ Lệnh Trạch kể lại mới rõ được sự trốn tránh của cụ thế nào và đích danh người lãnh đạo kể lại mới rõ cuộc chiến đấu xảy ra thế nào?, mà họ Cao ở thôn Trai lúc đó chỉ có một đinh là Lệnh Trạch. Nghĩa là về mặt pháp lý thì không thể kết luận cụ Lệnh Trạch là Tú Cao, nhưng qua lời kể lại thì rõ ràng người núp dưới ao bèo với Tú Cao tựu trung chỉ là một. Nếu ông Lệnh Trạch là Tú Cao, thì lúc đó ông bao nhiêu tuổi? Theo gia phả nói "ông sinh năm Thân triều Lê, không rõ can…" Từ cuộc khởi nghĩa Ngân Già vào năm Canh Thân (1740) đời vua Lê Hiển Tông, hiệu Cảnh Hưng thứ nhất tính ngược trở lại thì có hai năm Thân, đó là Mậu Thân và Bính Thân. Nếu sinh năm Mậu Thân (1728) thi đến năm nổi loạn Ngân Già, ông Lệnh Trạch mới có 12 tuổi. Nếu sinh vào năm Bính Thân thì lúc đó đã 24 tuổi. Trong gia phả diễn ra có câu: "… Đến ông Lệnh Trạch một cành/ Gặp cơn binh hoả lánh mình Châu Hoan / Mười năm dư cũng thân an…" "… Tha hương cố quốc đề huề / Phá nơi cỏ rậm dựng bề gia cư / Tuổi đã ba mươi có dư / Song còn mến đạo thi thư Thánh hiền…". Đoạn văn vần trên cho chúng ta một bằng chứng là lúc ông trốn khỏi làng thì đã ngoài 20 tuổi, hơn 10 năm sau trở về ông mới ngoài 30 (tức là khoảng 35-36 gì đó). Đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng, năm khởi loạn Ngân Già cụ Tổ họ Cao là Lệnh Trạch đã 24 tuổi, cái tuổi phù hợp với tính cách của nhân vật mà gia phả đã nói, biết nhìn xa trông rộng, gan góc, từng trải với vai trò của một ãnh tụ nghĩa quân là Tú Cao. Sao lại đặt tên là Tú Cao? điều chắc chắn Tú ở đây không phải là tú tài như người ta thường hiểu. Bởi vì sau khi hồi hương khai hoang, dựng nhà, mới tìm thầy dạy học, rồi cưới vợ, hơn nữa ở thời kỳ đó chưa có bậc học tú tài. Theo tư liệu sưu tầm trong dân gian của cụ Lê Xuân Quang, được biết hai lãnh tụ Vũ Đình Dung và Tú Cao quen nhau từ khi hai ông còn làm quan ở trong kinh đô, thấy được sự thối nát trong phủ chúa Trịnh thì bất bình bỏ về quê, gặp lúc mất mùa, sưu cao thuế nặng, nên đã đồng lòng cùng với Đoàn Danh Chấn lãnh đạo nông dân nổi dậy chống chúa Trịnh. Theo tài liệu trên, sở dĩ gọi là Tú Cao vì ông làm việc ở Viện Tú Lâm và họ Cao. Cũng có một giả thiết khác rằng Tú Cao là người họ Cao khác ở trong làng, vì hiện nay ở thôn Trai có hai dòng họ Cao. (ông Tổ đời thứ IX lấy bà Tỷ người họ Cao khác trong làng ? Nhưng giả thiết đó không đúng, vì ở thời kỳ cuộc khởi nghĩa nổ ra ở thôn Cà Trai họ Cao chỉ có một đinh là ông Lệnh Trạch và dòng họ Cao chỉ có chung một cụ Tổ. Từ những cứ liệu trên, cho phép ta có thể hiểu sơ lược thân thế và sự nghiệp của Tổ khảo đời thứ VI, người đã chấn hưng dòng họ Cao ở thôn Trai xã Nam Cường là xã Gia Hoà cũ, huyện Nam Trực như sau: - Tổ khảo họ Cao đời thứ VI là con trai duy nhất (con một) của cụ Tổ đời thứ năm hiệu là Phúc Bình ở thôn Cà Trai (Thân thế, sự nghiệp của Tổ khảo Phúc Bình, cũng như của các Tổ khảo trên nữa đều không rõ, do gia phả bị mất trong biến cố cuộc nổi dậy của nông dân xã Ngân Già vào năm Canh Thân (1740). Tổ khảo có thể sinh vào năm Bính Thân (1716) triều Lê Dụ Tông - Vĩnh Thịnh thứ 10, và chúa Trịnh Cương (1709 - 1729). Đây là thời kỳ Lê Mạt, họ Trịnh chuyên quyền. Trịnh Giang thay Trịnh Cương, giết vua Lê, sát hại các công thần (như Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng…), giáng chức các trung thần như (Cao Huy Trạc, thượng thư bộ Hộ và Phạm Khiêm Ích thượng thư bộ Lại); tàn bạo hoang dâm vô độ, khiến lòng người căm giận, dân chúng khắp nơi nổi dậy chống Trịnh. Tổ khảo họ Cao lúc đó đang làm việc trong Viện Tú Lâm ở kinh thành Thăng Long cùng với các bạn đồng hương là Đoàn Danh Chấn và Vũ Đình Dung, bất bình trước sự tàn bạo của chúa Trịnh, cùng nhau bỏ về quê là xã Ngân Già, huyện Nam Chân, lãnh đạo nông dân nổi dậy, với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Lúc đó ông vào khoảng 24 tuổi (Kỷ Mùi 1739); với tên gọi dân gian là Tú Cao (tức ông họ Cao ở Tú Lâm cục). Khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, ông trốn thoát vào Châu Hoan (Nghệ An), giả làm người đi buôn, dần già về vùng Vân Đình, rồi Hà Nội, Bắc Kinh, mãi hơn 10 năm sau, khi triều đình phái quan về chiêu dân lập ấp, đổi tên xã là Lai Cách (chữ Hán nghĩa là xã tái định cư sau khi phiêu tán), ông nhà ta mới trở về quê, lúc này thôn Cà Trai đã dịch xuống phía Nam cách làng cũ 500m, là địa điểm thôn Trai hiện nay. Ông có tên húy là Lệnh Trạch (tên Tú Cao có lẽ là tên gọi trong khi hoạt động nghĩa quân, sau này không thấy các cụ nhắc lại nữa, chắc vì nhiều lý do tế nhị Tú Cao lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Ngân Già chỉ còn trong lịch sử. Đó là một bài học thật hay cho con cháu họ Cao). Ông có tên hiệu là Huệ Viên phủ quân khi hồi hương, lúc đó ở tuổi 35-36 ông ra sức khai hoang, làm nhà, rồi tìm thầy dạy học. Năm Tân Mùi (1751) ông xây dựng gia đình với bà họ Vũ trong xã. Năm nhâm thân (1752) sinh ra ông Huệ Hiên (tục gọi là ông Thiếu). Sau đó ông lại lấy bà thứ phòng họ Hà sinh ra ông Hoà Nhã và ba bà con gái lại nuôi dưỡng ba ông con nuôi nữa, khiến từ đây họ Cao ở Gia Hoà trở thành đa đinh, phát triển đông đúc như ngày nay. Đó là công đức Tổ Lệnh Trạch - Tú Cao vậy. Để ghi nhớ công ơn những đồng đội đã khuất, ông Tổ có tham gia biên soạn văn tế giỗ Trận, để con cháu luôn luôn nhớ về ông bà Tổ tiên đã ngã xuống cho sự yên vui của con cháu đời đời: (Trích) "… Nơi u hiển khí thiêng còn nhớ, dạ soa binh tướng kéo nhau về, Phù hộ cho làng xóm phồn xương, dây dưa cho con cháu nối dõi". (Xem trong Văn tế giỗ Trận). Đó là tất cả tấm lòng với con cháu và dòng tộc ! Tổ khảo Lệnh Trạch mất năm nào không rõ. Ngày giỗ chính được kỵ vào mồng năm tháng giêng hàng năm, tại từ đường họ Cao ở thôn Trai. Mộ tổ để ở Đòng Bùi, con cháu đã bồi đắp nhiều lần, đến nay đã trở nên ngày càng to đẹp, chắc chắn. ----------------------------- Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2009 ----------------------------- Hậu duệ đời thứ XIII chấp bút Cao Xuân Hải

Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình

Các anh em, dâu rể: Không có anh em
Con cái:
       Cao Đình Bao
       Cao Đình Dương
Gia Phả; CAO tại thôn Trai
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc CAO tại thôn Trai.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc CAO tại thôn Trai
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.