GIA

PHẢ

TỘC

Ngô
Hữu
Thôn
Gang
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP

 


LỜI NÓI ĐẦU


      Họ Ngô Hữu Thôn Gang từ thôn Tư cương, xã An cầu, Huyện Quỳnh phụ, tỉnh Thái bình về đây đã trên 200 Năm. Trải qua nhiều thế hệ, nhiều thời đại đổi thay, thời bình cũng như thời chiến. Bất cứ thời nào các thế hệ cũng có công lao đóng góp vào sự nghiệp gìn giữ và xây dựng đất nước, xây dựng quê hương. Nhìn chung con cháu nội cũng như ngoại, trai cũng như gái đều noi gương hiếu thảo vì nước, vì nhà mà rèn luyện gìn giữ được truyền thống vốn có của dòng họ.


      Để phát huy truyền thống, hưởng ứng cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", xây dựng nếp sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tộc ước họ Ngô Hữu thôn Gang dựa trên cơ sở truyền thống của dòng tộc, quán triệt luật pháp Nhà nước và những quy định hiện hành của địa phương, được toàn thể thành viên trong họ tự nguyện thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển tiến bộ góp phần và mục tiêu:


"Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng và văn minh"


      Bản tộc ước này do Ban Tộc biểu trong họ dự thảo. Quá trình thực hiện còn phải bổ xung, thay đổi để được phong phú và hoàn thiện hơn.


 


                                                                              BAN TỘC BIỂU


 


TỘC ƯỚC NÀY GỒM BA CHƯƠNG:


 


                                       Chương I: Nguyên Tắc Chung;


                                       Chương II: Những qui ước cụ thể;


                                       Chương III: Điều khoản thi hành.





CHƯƠNG I


NGUYÊN TẮC CHUNG


Điều 1: Mọi người, mọi gia đình trong họ quán triệt phương châm: Truyền thống - Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Tự nguyện.


Điều 2: Tộc ước không được quy định những điều trái với hiến pháp, pháp luật, trái với chính sách và những qui định hiện hành của nhà Nước cũng như của địa phương.


Điều 3: Mọi thành viên trong họ đều có trách nhiệm tham gia xây dựng tộc ước và tự nguyện thực hiện để góp phần rạng rỡ


"Địa linh - Nhân kiệt - Gia phong".


 


CHƯƠNG II


NHỮNG QUI ƯỚC CỤ THỂ


Điều 4: Thực hiện nếp sống xã hội


Đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Không có ai làm những nghề không được pháp luật cho phép như: hàng giả, hàng cấm, hàng lậu...


Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, mọi nhà, mọi người hoạt động nhân đạo, tình nghĩa trong việc giúp đỡ gia đình khó khăn, nghèo khó, các gia đình thương binh liệt sỹ, bà mẹ Việt nam anh hùng, người gia cả cô đơn, tàn tật, hoạn nạn, ốm đau.


Từng thành viên trong họ phải thực hiện đúng điều lệ, nội qui và điều lệ của tổ chức hợp pháp mà minh tham gia.


Thực hiện nghiêm chỉnh  nghĩa vụ đối với Nhà nước, địa phương. Không để xảy ranhững trường hợp phạm pháp. Không có người nghiện hút, cờ bạc, số đề, mãi dâm...


Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phải đoàn kết với các họ khác, sống có tình làng, nghĩa xóm.


Chống tư tưởng tự đề cao mình, coi thường người khác. Không nói và làm những việc gây mất đoàn kết. Việc khiếu nại, tố cáo phải tuân theo pháp luật, không vu khống, tố cáo sai sự thật. Tuyệt đối không để xảy ra khiếu kiện đông người gây mật ổn định tình hình trong họ và địa phương.


Điều 5: Nếp sống cá nhân


Mọi thành viên trong họ sống và làm việc theo pháp luật. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân. Có phong các sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất con người họ Ngô: Trung hiếu, thẳng thắn, tôn trọng sự thật, bảo vệ lẽ phải. Không nói và làm việc mờ ám.


Điều 6: Nếp sống gia đình


Thực hiện trên thuận, dưới hòa: Xây dựng gia đình dân chủ hòa thuận hạnh phúc. Con cháu ngoan ngoãn, chăm học chăm làm, biết nghe lời ông, bà, cha , mẹ. Kính già, yêu trẻ, lễ độ với mọi người. Ông, bà gương mẫu, con cháu thảo hiền. Vợ chồng cùng thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Con cháu phải có trách nhiệm phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, lúc ốm đau phải tận tình chăm sóc. Khi qua đời thì thờ, cúng chu đáo. Các cháu đến tuổi phải đi học. Nếu được danh hiệu giỏi các cấp huyện, tỉnh, quốc gia, quốc tế, đỗ đại học, cử nhân, thạc sỹ sẽ được nêu gương và ghi rõ vào Sổ vàng truyền thống của dòng họ.


Thực hiện nghi6m chỉnh nếp sống văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức trong việc cưới, việc tang, xây cất mồ mả...đảm bảo theo qui định.


Điều 7: Xây dựng gia đình họ Ngô gương mẫu dựa theo 4 tiêu chuẩn gia đình văn hóa và tiêu chuẩn Tộc ước, cụ thể là:


a/ Gia đình tiến bộ hạnh phúc, giữ gìn gia phong và truyền thống tốt đẹp của họ;


b/ Làm kinh tế giỏi, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia định và tổ chức cuộc sống gia định khoa học;


c/ Đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng xóm thôn theo nếp sống văn hoá;


d/ Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và gương mẫu thực hiện tốt các điếu qui định trong tộc ước.


Tất cả các hộ đều đ8ng ký thi đua thực hiện các tiêu chuẩn trên. Hộ nào thực hiện tốt các điều đã đăng ký hàng năm sẽ được công nhận "Gia đình họ Ngô gương mẫu", được ghi vào Sổ vàng truyền thống.


Điều 8: Xây dựng họ


8.1- Mục tiêu xây dựng họ: theo phương châm:


"Dân chủ - Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Tự nguyện".


8.2- Thành viên: Mọi người không phân biệt trai gái, già trẻ, tôn giáo, nơi cư trú có chung thủy tổ thuộc dòng họ Ngô đều là thành viên họ Ngô.


8.3- Bề bậc: Trong họ phải phân hàng tuần tự từ trước đến nay, việc này là cần thiết để duy trì tôn ti trật tự của dòng họ, tránh sự chia rẽ mất đoàn kết.


8.4- Tên họ: Họ Ngô Hữu - Gang, vừa ghi theo tên lót (chữ Hữu) vừa gắn tên theo địa danh (Gang).


8.5- Ngành, chi: Họ Ngô Hữu - Gang ta có nhiều ngành, từ một thủy tổ phân chi mỗi ngành có trưởng ngành chăm lo việc thờ cúng phần mộ các cụ thuộc ngành.


8.6- Thủy tổ: Thủy tổ là cụ đầu tiên đến địa phương lập nghiệp.


8.7- Từ đường: Từ đường là nơi thờ cúng thủy tổ và các cụ tổ ở các ngành, các chi, các danh nhân liệt sỹ, những người không có ai nối dõi tông đường, những tảo thương...


Từ đường ta được xây dựng, đã trải qua thời gian thiên binh đao, loạn lạc phải hai lần tu sửa. Tiền sửa chữa do con cháu tự nguyện đóng góp. Từ nay về sau nếu cần sửa chữa cũng huy động như vậy. Ngày lễ, ngày tết Nguyên đán các ngành, các chi phải đến từ đường thắp hương tiên tổ.


8.8- Mộ Tổ: Việc phân cấp quản lý mộ tổ thì ngành, chi chịu trách nhiệm nộ tổ của ngành, chi mình. Mộ tổ chung do chi nhất ngành trưởng quản lý.


Tuy phân cấp như vậy song con cháu trong họ vẫn phải có trách nhiệm gìn giữ mộ tổ cũng như các phần mộ của dòng họ.


8.9- Trưởng họ: Là con trai cả thuộc ngành trưởng. Nếu không con tri thứ có thể làm trưởng họ (nhưng phải được cả họ nhất trí).


Trưởng họ có trách nhiệm trực tiệp chỉ đạo thực hiện các công việc do họ giao, theo dõi, đôn đốc việc thi hành tộc ước, cùng thư ký dự thảo báo cáo truyền thống kết quả thực hiện tộc ước trong năm. Chịu trách nhiệm chính trong ngày giỗ tổ, lễ hội của họ. Là người đại diện cho họ trong việc đối nội, đối ngoại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của họ.


8.10- Ban tộc biểu: Ban tộc biểu có chức năng giải quyết các công việc nội bộ của họ, không có tư cách pháp nhân với xã hội.


Số lượng của Ban từ 11 đến 13 người. Trong số này gồm các vị đầu ngành, đầu chi và mời thêm 5-7 vị có uy tín trong họ, có điều kiện hoạt động cho họ. Số mời thêm vào ban tộc biểu do các vị đầu ngành, đầu chi bàn bạc thống nhất. Hàng năm ban tộc biểu sẽ được bổ sung thêm nếu thiếu.


Trưởng tộc là trưởng ban tộc biểu.


8.11- Thư ký: Ban tộc biểu cử ra một thư ký (trưởng tộc không kiêm nhiệm thư ký). Thư ký có nhiệm vụ:


- Giữ và ghi sổ nghị quyết của ban tộc biểu;


- Hàng năm dự thảo báo cáo truyền thống, tổng hợp việc thực hiện tộc ước báo cáo trước họ trong ngày giỗ tổ;


- Ghi sổ vàng truyền thống, sổ vàng công đức;


- Giữ sổ sách, ghi chép theo dõi quỹ hỗ trợ người nghèo. Sổ thu chi các quỹ, hàng năm quyết toán báo cáo tài chính công khai;


- Ghi chép sinh, tử trong họ;


- Giúp ban tộc biểu đôn đốc việc thi hành tộc ước.


Bên cạnh thư ký, Ban tộc biểu cửa một người làm thủ quĩ làm nhiệm vụ quản lý tiền, tài sản của họ.


8.12- Họp ban tộc biểu: Định kỳ ban tộc biểu họp mỗi năm một lần vào ngày 8 tháng Giêng Âm lịch để:


- Kiểm điểm việc thực hiện tộc ước trong năm;


- Xác định những gia đình đạt danh hiệu "gia đình họ Ngô gương mẫu";


- Thanh quyết toán các khỏan thu chi trong năm;


- Ghi nhận số người chết, người sinh trong năm;


- Thống nhất những công việc lớn của họ phải thực hiện trong năm tới;


- Bàn bạc công việc ngày giỗ tổ.


Cuộc họp có thể mở rộng để mọi người cùng tham gia, có thể họp bất thường khi có những công việc cần thiết và đột xuất.


8.13- Phả tộc: Phả tộc là một bộ gồm 3 quyển:


- Lịch sử họ Ngô Việt nam;


- Phả tộc họ Ngô Hữu - Gang;


- Phú ý.


Bộ Phả tộc này rất có giá trị nên mọi người phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn chu đáo, không để hư hỏng, thất lạc. Ai muốn xem phải được trưởng họ đồng ý và phải xem, đọc tại từ đường họ, không thuyên chuyển đi nơi khác.


Hàng năm phả tộc được bộ sung những điều cần thiết để dần dần hoàn thiện.


Ghi phú ý do thư ký ghi. Những người của dòng họ (kể cả con dâu) tuổi từ 16 trở nên đã qua đời mới được ghi vào phú ý. Thân nhân người đó phải trình với họ trước ngày đó để làm thủ tục ghi vào sổ phú ý.


8.14- Giỗ tổ: Giỗ tổ hàng năm vào ngày 14-15 tháng Giêng Âm lịch, sẽ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và tiết kiệm. Nội dung bao gồm:


- Trửơng họ dâng hương, có người kết hợp đọc phú ý;


- Báo cáo tóm tắt truyền thống và sơ bộ đánh giá những việc đã làm được trong năm. Phương hướng công việc năm tới, thanh quyết toán thu chi.


- Tổ chức tế tổ do ban tộc biểu quyết định, nghi thức tế phải đảm bảo theo thuần phong mỹ tục, không được lợi dụng việc tế lễ làm việc mê tín dị đoan;


- Việc tổ chức liên hoan thân mật để con cháu gặp mặt phải gọn nhẹ tiết kiệm. Mức đóng góp do ban tộc biểu quyết định. Những người đến dự phải giữ đúng tư cách, vui vẻ, hòa nhã, văn minh, lịch thiệp. Hàng năm củ đại biểu đến giỗ tổ họ Ngô Đăng tràng vào ngày 21 tháng 11 Âm lịch.


8.15- Sổ sách ghi chép:


- Bộ tộc phả;


- Sổ vàng truyền thống:Ghi những truyền thống của họ từ trước đến nay, ghi tên những danh nhân qua các thời kỳ: Anh hùng, Liệt sỹ, người đỗ khoa bảng trước CMT8 từ cử nhân trở lên, và ngày nay được nhà nước (Cấp bộ & cấp tương đương) khen thưởng với hình thức huân huy chương, bằng khen. Những người có công lớn với dòng họ;


- Sổ vàng công đức: Ghi những người đã đóng góp công, của vào việc xây dựng, tôn tạo từ đường họ và mộ tổ;


- Sổ sách ghi thứ tự từng hộ, từng người trong ngành, chi;


- Sổ tài sản ghi đất đai tộc tự, đồ thờ, đồ lễ, hương hỏa,...và những vật phẩm con cháu xa gần, nội ngoại tiến cúng;


- Sổ kế toán: ghi chep các khoản thu chi, thanh quyết toán hàng năm;


Sổ quĩ: ghi tiền thóc.


8.16- Quỹ họ:


Gồm có:


a/ Quỹ xây dựng, sửa chữa nhỏ từ đường, lăng mộ;


b/ Quỹ dùng vào việc thờ cúng;


c/ Quỹ khuyến học;


d/ Quỹ hỗ trợ người nghèo để làm vốn tăng gia sản xuất.


Việc xây dựng quỹ phải được các thành viên trong họ bàn bạc dân chủ, thống nhất tự nguyện đóng góp, ngoài ra động viên con cháu đang sinh sống ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài cùng đóng góp công đức.


Điều 9: Khen thưởng, kỷ luật


Các thành viên trong họ ai có nhiều thành tích trong việc thực hiện tộc ước thì được tuyên dương khen thưởng.


Thành viên nào vi phạm tộc ước thì trưởng họ hoặc ban tộc biểu nhắc nhở, giáo dục. Nếu vi phạm nghiêm trọng phải đưa ra cuộc họp kiểm điểm.


 


CHƯƠNG III


ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 10: Mọi thành viên trong họ đều có nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng tộc ước, chấp hành tộc ước và tuyên truyền vận động để mọi người cùng thực hiện.


Điều 11: Trong quá trình thực hiện xét thấy có những điểm cần bổ xung, hoặc sửa đổi thì các thành viên trong họ được quyền đề đạt ý kiến với ban tộc biểu để nghiên cứu. Việc bổ xung, thay đổi, sửa chữa câu chữ chỉ có hiệu lực khi tập thể họ (đại diện là ban tộcbiểu) nhất trí.


Điều 12: Tộc ước này có hiệu lực thi hành từ ngày được hội nghị toàn thể thành viên trong họ nhất trí tác thành.


Thôn Gang, ngày 15 tháng 4 năm 2000  


T/M BAN TỘC BIỂU               


TRƯỞNG TỘC                 


(NGÔ HỮU CHÂU - Đã ký)       


 


Tộc ước này đã được hội thảo ngày 19/3/2000,


Có sự tham gia góp ý của các vị:


- Ông Ngô Minh Đảng: Trưởng ban liên lạc họ Ngô tỉnh Thái bình;


- Ông Phạm Văn Ngọ: Phó bí thư Đảng ủy xã - Chủ tịch MTTQ xã Thụy ninh;


- Ông Đặng Ngọc Tiu: Trưởng ban văn hóa xã Thụy ninh;


- Các ông trong Ban tộc biểu họ NGô.


Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Tộc Ngô Hữu Châu;


Soạn thảo: NGô Công Tôn, Ngô Hữu Hoành, Ngô Phong;


Biên tập: Ngô Hữu Nhã, Ngô Hữu Thiều.

Gia Phả Ngô Hữu Thôn Gang
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Ngô Hữu Thôn Gang.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Ngô Hữu Thôn Gang
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.