GIA

PHẢ

TỘC

Ngô
Hữu
Thôn
Gang
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ

 


LỜI NÓI ĐẦU


      Đất nước có lịch sử của Dân tộc. Dòng họ Tôn Tộc phải có nguồn gốc của Tổ Tiên. Chính vì vậy mỗi dòng họ cần phải có Phả ký và cũng chính vì thế mỗi một Gia tộc nên sưu tầm, ghi chép, xác minh những cứ liệu, dấu tích theo thứ tự niên biểu của từng Ngành, từng Chi trong một dòng họ cùng chung một Thủy Tổ để lưu truyền mãi cho đời sau.


      NGÔ GIA TỘC PHỔ (lược dịch) đã ghi rõ: :Người ta sống trong trời đất ai đều cũng phải có Tổ Tiên, vì vậy con cháu phải có hiếu, có lễ với Tổ Tiên và đừng quyên rằng có Tổ Tiên mới có mình".


      Dòng họ Ngô Gia đã có Gia phả ghi lại. Nhưng gặp binh đao, loạn lạc (Mậu Tuất 1778 - Bính Ngọ 1786) bị mất. Đến Hoàng Triều Minh Mệnh thứ XIX (1838) viết tóm lược Ngô Gia Tộc Phổ theo truyền miệng.


      Phả ký này sơ thảo trên cơ sở NGÔ GIA TỘC PHỔ, những tư liệu có thật, qua các Cụ kể lại và có sưu tầm bổ sung thêm những tư liệu mới cho đến nay.


NGÔ TỘC HƯNG THỊNH


      Tổ Tiên Họ Ngô ta ở Hồng cương có từ triều Lê (Lê Hiển Tông) ước tính đến nay khoảng trên 222 Năm (1972 - 1995). Nguyên ở thôn Tư Cương (Gang) xã Mỹ xá, huyện Phụ phượng, phủ Thái bình (Sau đổi thành huyện Đa dực - Đời Cảnh Hưng 1740-1786, triều Vua Lê Hiến Tông). Năm 1890 người Pháp thành lập tỉnh Thái bình, Huyện Đa dực đổi thành Huyện Phụ dực, thuộc tỉng Thái bình (Nay là xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, tỉng Thái bình). Theo dấu tích và di chỉ để lại thôn Tư cương có đến nay khoảng gần 1000 Năm sau Công nguyên, Đời Lê Hoàn (981), một địa danh lịch sử có đền thờ tưởng niệm Đức Thánh Trần. Sinh thời, người dân nơi đây chỉ vui với nghề làm ruộng và đánh bắt cá.


      Trước năm 1772 (Không rõ ngày tháng) Ba anh em cụ Ngô Nhất Lang, cụ Ngô Đức Nhuận, cụ Ngô Huyền Thông (Theo thứ tự ghi trong Ngô Gia Tộc Phổ, cụ Ngô Nhất Lang là anh cả, cụ Ngô Đức Nhuận thứ hai, và cụ Ngô Huyền Thông thứ ba) chỉ có hai bàn tay trắng cùng với hai con trai của cụ Ngô Nhất Lang là Ngô Hữu Rĩ (Người anh) và người con thứ hai (không rõ tên) từ thôn Tư cương (Gang) đến lập ấp trên một gò miễu hoang sơ. Ở đây các cụ đã đạt tê cho miễu là Hồng cương (Gang) trùng tên với tên thôn Gang ở Tư cương để sau này con cháu dễ tìm về quê Cha, đất Tổ. Thôn Gang còn gọi là miễu Hồng cương nằm trên mảnh đất cạnh bờ sông, cỏ dại, lau lách nhiều cảnh đẹp, có hồ nhật nguyệt, lập gia cư trú tại xã Hà lâu (sau đổi thành xã Hồng cương) tổng Khang cù, huyện Thái bình, thuộcphủ Thái bình (Thời Trần), thời Lê đổi thành huyện Thụy anh, thuộc phủ Thái bình, thời Nguyễn đổi thành huyện Thụy Vân (kiêng tên húy Nhà Vua). Năm Tự Đức thú 16 (1865) là huyện Thụy anh. Năm 1890 Thực dân Pháp thành lập tỉnh Thái bình, Thụy anh thành một huyện của tỉnh Thái bình. Từ đấy thôn Gang thuộc xã Cao cương, tổng Ninh cù, huyện Thụy anh, tỉnh Thái bình (nay là xã Thụy ninh, Huyện Thái thụy, Tỉnh Thái bình). Cũng từ đó lập Từ Đường thành ấp họ tộc.


      Cuộc sống nghèo khó, cụ Ngô Nhất Lang đành phải để hai con lại ấp Hồng cương, cùng với hai em sang thôn Thần đầu, Thần huống, huyện Thái ninh (nay là xã Thái thịnh, huyện Thái thụy) làm thuê, không may người em thứ ba (Cụ NGô Huyền Thông) lâm bệnh qua đời (đã đưa hài cốt về an táng tại Mả Cả, Miễu Hồng cương). Hai cụ Ngô Nhất Lang và Cụ Ngô Đức Nhuận lại trở về Hồng cương.


      Cảnh bần hàn vẫn chưa thoát, cụ Ngô Nhất Lanh cùng con thứ đấn cư trú tại ấp Đường lang (cùng huyện) sau đổi thành xã Đăng tràng (nay là thôn Đăng tràng, xã Thụy văn, huyện Thái thụy). Ngày 21 tháng 11 âm lịch, cụ Ngô Nhất Lang đã tạ thế tại Đường Lang, Đăng tràng. Còn lại người con thứ (không rõ tên) và từ đó thôn Đăng tràng có ngành thứ họ Ngô. Cụ Ngô Đức Nhuận cũng lâm bệnh qua đời ở Hồng cương (không rõ ngày tháng), chỉ còn cụ Ngô Hữu Rỹ con trưởng của cụ Ngô Nhất Lang.


      Như vậy, Ngành trưởng ở Hồng cương, Ngành thứ ở Đăng tràng. Để trả nghĩa công đức Tổ tiên, con cháu họ Ngô ở Đăng tràng hàng năm sửa lễ vật cúng lễ linh vị Tổ tiên bên Ngành Trưởng gốc họ Ngô ở Hồng cương. Đến năm Hoàng triều Minh Mạng thứ 16 (1835) các chi, phái bàn bạc lấy ngày 15 tháng giêng hàng năm biện lễ cúng tế.


      Miễu Hồng cương mảnh đất hoang hoá, cụ Tổ Ngô hữu Rỹ ẫn trong cảnh bần hàn đã phải đi làm canh điền cho cụ Vũ Đăng Dưỡng là Lý trưởng xã An cúc, tổng Cao dương, huyện Thái thụy, Tỉnh Thái bình. Cụ Dưỡng không có con trai, chỉ có ba cô con gái. Cô cả là Vũ Thị Riệu. Thấu hiểu cảnh bần hàn của anh canh điền họ Ngô tính chất phác, cần cù khỏe mạnh, hiền hậu và sự gần gũi giữa hai làng Thu cúc và Hồng cương, cụ Vũ Đăng Dưỡng tỏ lòng quí mến, tin cậy đã gả cô con gái lớn Vũ Thị Riệu cho cụ Tổ. Đây là điều hiếm trong chế độ xã hội phong kiến còn đang rất hưng thịnh ở nước ta lúc bấy giờ.


      Vào một buổi chiều mùa hè, những người ỏ miễu Hồng cương đi làm phu theo lệng quan triều về nghỉ ở gốc đa đầu làng Thu cúc. Họ phàn nàn với nhau rằng: "Làng ta có anh Rỹ làm thuê ở đây, nhưng nghe đâu cụ Lý ở làng này gả con gái cho có lẽ ở rể không về nữa. Nếu không về gánh vác việc phu, chúng ta sẽ bắn xuất đinh xuống làng Thu, không lẽ cứ làm thay cho anh ấy mãi hay sao?". Tình cờ cụ Lý Dưỡng đi qua nghe thấy rõ chuyện. Về nhà, cụ Lý Dưỡng đã giúp cụ Rỹ trở về Hồng cương lập nghiệp.


      Miễu Hồng cương nơi hoang vu, cây cỏ lau sậy chen lấn lỗi cũ vườn xưa, ba gian nhà (Từ đường) hướng nam mái tranh, tường đất rêu phong. Cụ Tổ về xóm làng mừng vui, từ nay có thêm người gánh vác việc chung, đóng góp phu phen tạp dịch. Tình làng nghĩa xóm, mọi người đã giúp cụ Rỹ dặm dọi lại ngôi nhà (từ đường) mát mẻ. Tổ ấm từ đây, ngày ngày trồng trọt vun bón rau mầu, ngô, khoai, đỗ, lạc. Đêm đêm thả lờ bắt cá. Cuộc sống bớt khó khăn đôi chút.


      Người hiền gặp lành, lại một sự kỳ ngộ vui như trong mơ, như huyền thoại. Đó là một chiều mùa hè, cụ Rỹ đang cuốc vườn, bỗng có Cụ già vẻ hiền từ bước tới nói với cụ rằng: "Tôi lỡ độ đường, trời nóng nực tìm vào đây ngủ nhờ anh". Cụ Rỹ ân cần mời cụ già nghỉ lại, rồi lấy nước, thuốc lào ra tiếp. Lát sau cụ già cứ nhìn đi ngắm lại ngôi nhà (Từ đường) và nói" "Anh ở đây sao không làm nhà hướng đông có hay không?". Cụ Tổ trả lời:"Cháu cảnh nghèo đi làm thuê mới về làng...". Cụ già lại hỏi: "Bây giờ anh làm lại hướng đông được không?. Cụ Tổ nói: "Cháu không lấy gì làm lại được.. Cụ già nói tiếp: "Anh tìm hòn gạch hay cục đá hoặc vật gì để tôi đánh dấu cho cái hướng nhà rồi chiều mát tôi đi". Trước khi từ biệt, cụ già còn dặn kỹ càng về hướng nhà rồi nói tiếp. "Anh cố làm nhà hướng đông mà ở, sau này khá giả đấy". Từ đó không gặp lại và cũng không rõ cụ già là người thế nào, ở đâu.


      Tháng Tám năm ấy gặp phải bão táp mưa to kéo dài làm sụp đổ ngôi nhà (Từ đường ) hướng nam. Tự nghĩ: Đằng nào cũng phải làm lại, cụ Tổ đã nhờ bà con giúp dựng lại nhà hướng đông (Hướng Từ đường hiện nay) theo lời dặn của cụ già.


      Sau khi đã an cư, ngày đêm cụ Tổ vật lộn với nắng mưa, khai hoanh vỡ hóa, cấy lúa trồng cây. Mưa thuận gió hòa, ngoài đồng lúa tốt, chiêm mùa bội thu, trong vườn cây cối sai hoa trĩu quả, trâu bò, lợn gà sinh sôi. Đời sống trở nên no ấm, ổn định.


      Truyện còn kể rằng: Em gái cụ Tổ (Không rõ tên) lấy cụ huyện Hào họ Lê (cùng thôn) không có con. Ở cạnh nhà trồng một giàn trầu không, sau hai cụ qua đời, ngôi nhà bị dột nát đã trở thành nơi che sương, che nắng vừa là nguồn da961t vun bón giàn trầu xanh tốt. Năm ấy sương muối nặng nề, nhiều nhà trầu trút hết lá. Riêng giàn trầu nhà cụ Rỹ còn nguyên vẹn, bán được nhiều tiền.


      Có lưng vốn, cụ Tổ dồn sức khai hoanh, khẩn hóa, mở rộng ruộng vườn, sau có tới vài chục mẫu tư điền, ba bốn mẫu tư thổ. Việc cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi ngày càng phát đạt trở nên giàu sang phú quí. Cụ làm Lý trưởng xã Hồng cương, có tri điền bên họ ngoại (Thu cúc) và chịu hậu dựng bia ở Chùa làng cho Cô ruột là bà Ngô Thị Đoán.


      Cụ Tổ là người hiền lành, đức độ, được bà con làng xã quí trọng, kính nể. Công đức của cụ còn được lưu truyền đến ngày nay.


SỰ SINH TRƯỞNG CỦA DÒNG HỌ


      Từ năm 1835 đến năm 1945 (1836-1865 thuộc Nam Triều, 1865-1945 thuộc Pháp).


      Theo sơ lược ở phần trên, sự phát triển của họ Ngô Hữu ở Hồng cương có thể được tính từ cụ Tổ Ngô Hữu Rỹ. Trong các thư mục, tư liệu Tổ tiên đẩ lại chỉ ghi chép tóm lược đối với Nam giới, còn nữ giới hầu như không nói tới. Được biết theo qui ước chung của gia tộc con trai mới được vào Họ, con gái lớn lên xuất giá theo họ nhà chồng. Vì vậy, việc liệt kê dưới đây cũng có tính phiến diện như vậy và không thể đầy đủ như ý muốn. Chí tiết cụ thể về từng người trong các Ngành, các Chi được thể hiện trong phần Phả hệ.


      Ngành Trưởng:


      Cụ Tổ Ngô Hữu Rỹ sinh hạ được bốn người con trai và một người con nuôi.       Người thứ nhất: Cụ Ngô Hữu Tuận, làm phó Tổng (thường gọi là cụ Tổng Tuận);


      Người thứ hai: Cụ Ngô Hữu Ngọc, thi đỗ xứ (Thường gọi là cụ nhiêu Ngọc);


      Người thứ ba: Cụ Ngô Văn Giảng, làm vệ binh (thường gọi là cụ Vệ Giảng);


      Người thứ tư: Cụ Ngô Hữu Lân, làm lý trưởng (thường gọi là cụ Lý Lân);


      Người Thứ năm: Cụ Ngô Hữu Hân (Con nuôi cụ Tổ).


      Mỗi người con của cụ Tổ tạo thành một Chi, như sau:


      Chi Trưởng: Cụ Ngô Hữu Tuận (Trưởng tộc) sinh được bốn người con trai;


      Chi Hai: Cụ Ngô Hữu Ngọc sinh được hai người con trai;


      Chi Ba: Cụ Ngô Văn Giảng sinh được hai người con trai;


      Chi Bốn: Cụ Ngô Hữu Lân sinh được ba người con trai;


      Chi Năm: Cụ Ngô Hữu Hân sinh được ba người con trai;


      Ngành Thứ:


      Một ngày (không rõ tháng, năm), cụ Tổ Ngô Hữu Rỹ về Tư cương thăm lại quê hưởng, gia tộc. Ở đây chỉ còn người em họ là Ngô Hữu Kiên, cụ đã đưa về Hồng cương đoàn tụ. Từ đấy ở Hồng cương, họ Ngô Hữu có thêm ngành thứ là ngành cụ Ngô Hữu Kiên.


      Cụ Ngô Hữu Kiên sinh được hai người con trai.


      Dòng họ Ngô Hữu ngày càng đông con cháu, giầu sang phú quí . Ngôi từ đường mái tranh tường đất đã bị hư cần phải tôn tạo lại vĩnh cửu để đời sau không phải làm lại, không di chuyển sai lệch hướng hoặc có túng bấn cũng không bán được. Đó là suy nghĩ của các Cụ.


      Năm 1921, khởi công xây dựng lần thứ nhất (Lúc này trong họ mới có 18 người). Những người chịu trách nhiệm chính gồm:


      - Cụ Ngô Hữu Đích (Trưởng Họ);


      - Cụ NGô Khắc Thành;


      - Cụ Ngô Hữu Thử;


      - Cụ Ngô Hữu Quỳ;


      - Cụ Ngô Hữu Riễn;


      - Cụ Ngô Hữu Nghênh;


      - Cụ Ngô Hữu Khiêm;


      - Cụ Ngô Hữu Rạng;


      - Cụ NGô Hữu Liên;


      - Cụ Ngô Xuân Oanh.


      Các cụ cử người vào Ninh bình mua đá, lên Hà nội, bắc ninh mua gạch Bát tràng, gạch Cầu Cậy, các loại gạch nổi tiếng thời bấy giờ.


      Năm 1933 (sau 12 năm) làm tiếp hoàn thiện ngôi Từ đường 3 gian cột, xà, tầu bằng đá có khắc câu đối, chạm hoa văn cân xứng, tường xây bằng gạch Bát tràng, Cầu Cậy, cuốn trần, lợp ngói, bề thế khang trang bền vững. Ba khuôn cung nội đều có bài trí tôn nghiêm. Tỏ lòng đền đáp công ơn Tổ tiên, đẹp đời hậu thế, bạn bè hoan hỷ.


      Trải qua bao thăng trâm của thời kỳ khó khăn loạn lạc, từ khi lập ấp định cư cho tới năm 1945, tuy có tổn thất do hậu quả của chiến tranh, nhất là nạn đói năm Ất Dậu (1945), song con cháu họ Ngô Hữu đã vượt qua, bồi đắp tiếp công đức của Tổ tiên. Tính từ cụ Ngô Hữu Rỹ (1922) đến 1945 (123 Năm) gia tộc Ngô Hữu ở Hồng cương đã có tới 30 Hộ, 79 người là nam giới, trở thành họ lớn nhất trong làng.


      Để báo đáp công đức Tổ tiên, các cụ đã dành 4 Mẫu ruộng (ruộng họ) dùng vào việc thờ cúng, tế lễ. Hàng năm cứ đến ngày mồng Tám tháng Giêng là ngày Hội họ để bàn những công việc cho hai ngày Giỗ Tổ ngày Mười tư và Mười Rằm tháng Giêng.


TỪ NĂM 1945 ĐẾN 1995


      Ngày đất nước độc lập cũng là ngày cả nước chuẩn bị trải qua hai cuộc chiến tranh trường kỳ. Cả hai cuộc chiến 30 năm ròng gian khổ, ác liệt, với bao cuộc chia ly, hy sinh mất mát. Họ Ngô hữu cũng không thể đứng ngoài và cũng hứng chịu những hy sinh mất mát đó của Dân tộc.


      Ngày 30 tháng 4 năm 1975 thống nhất Tổ quốc, Đất nước trở lại thanh bình, họ Ngô Hữu ta đã có 13 Liệt sỹ đã hy sinh, đó là:


      1/ Ngô Hữu Rục, Liệt sỹ chống Pháp;


      2/ Ngô Hữu Củ, Liệt sỹ chống Mỹ;


      3/ Ngô Hữu Dực, Liệt sỹ chống Mỹ;


      4/ Ngô Hữu Khoát, Liệt sỹ chống Mỹ;


      5/ Ngô Hữu Nghì, Liệt sỹ chống Mỹ;


      6/ Ngô Hữu Ngạn, Liệt sỹ chống Mỹ;


      7/ Ngô Hữu Ruân, Liệt sỹ chống Mỹ;


      8/ Ngô Tất Thận, Liệt sỹ chống Mỹ;


      9/ Ngô Xuân Tình, Liệt sỹ chống Mỹ;


      10/ Ngô Duy Ứng, Liệt sỹ chống Mỹ;


      11/ Ngô Gia Vị, Liệt sỹ chống Mỹ;


      12/ Ngô Xuân Quý, Liệt sỹ bảo vệ biên giới phía Bắc;


      13/ Ngô Hữu Thế, Anh hùng Liệt sỹ chống cướp.


      Chi đến nay, họ Ngô ta đã có rất nhiều người hoạt động công tác trong nhiều lĩnh vực chính tri, quân sự, khoa học kỹ thuật và kinh tế...trên khắp mọi miền đất nước. Các con cháu nối tiếp đều được học hành đến nơi đến chốn. Đó là ý chí tự lực tự cường , tinh thần tự tôn dân tộc vốn có của họ Ngô ta.


      Họ Ngô Hữu tính từ cụ Tổ Lý Rỹ đến nay là 9 đời. Cả thảy 16 đời (Trước cụ: 7 đời), đã trải qua muôn vàn thay đổi. Nhưng Phả ký này mới sơ thảo ghi chép đến đời thứ 12, từ đời thứ 13 trở về sau cần tiếp tục được ghi chép đầy đủ.


VÀI NÉT VỀ TỪ ĐƯỜNG DÒNG HỌ


       Trong kháng chiến chống Pháp, ngày 21-5-1952 d0ại bác Pháp bắn trúng giữa sân, ngày 1-4-1953 chúng đã ném bomm tiêu hủy 3 gian nhà tế Tổ gỗ lim, mái rạ. Những đồ thờ tự phần lớn hư hỏng. Riêng Từ đường do các ụ xây dựng kiên cố chỉ bị nứt xà đá, hệ thống hiên hơi nghiêng về phía trước. Cụ Đích (Trưởng họ lúc bấy giờ) cùng một số cụ khác đã tạm gia cố, chống đỡ. Đến nay đã trên 40 năm chịu đựng với sự phá hủy của bom đạn và thời gian.


       Cuộc hồi sinh của con cháu đã bước sang thời kỳ mới. Ngôi Từ đường tôn nghiêm, cổ kính - một di sản có ý nghĩa lớn lao của Ông Cha để lại, nơi hội tụ con cháu chiêm ngưỡngcông đức của tổ tiên, cái nôi phẩm cách, văn hóa của tộc họ cần phải tu tạo lưu giữ lâu dài. Song việc làm này gặp không ít khó khăn như tiền quĩ không có, nguyên vật liệu đắt đỏ...Công trình tuy không lớn, nhưng phải tạo dựng thêm hợp với cảnh trí, kế thừa hài hòa cách tân kim cổ, phải đảm bảo sự bền vững...trong khí đó đời sống sinh hoạt của con cháu trong họ nói chung mới được cải thiện mức độ, nhiều gia đình còn eo hẹp. Song với ý chí quyết tâm các cụ, các ông đã kêu gọi con cháu già trẻ, gái trai, nội ngoại gần xa trong Nam, ngoài Bắc góp của, góp công vào việc tu sửa tôn tạo từ đường.


      Từ đáy lòng hướng về cội nguồn Tổ tiên các con cháu đã tự nguyện cúng tiến.


      Đợt đầu được trên hai triệu, đợt hai trên ba triệu.


      Trong đó:


      - Con trai: 111 người = 4.379.000 Đ


      - Con dâu: 13 người  =    160.000 Đ


      - Con gái : 44 người  =    898.000 Đ


      Tổng cộng:                 5.437.000 Đ


       (Năm triệu bốn trăm Ba mươi bảy ngàn đồng).


      Ban kiến thiết gồm có:


1/ Cụ Ngô Hữu Luận - Trưởng ban


2/ Ông Ngô HữuNhã - Thư ký


3/ Ông Ngô Hữu Châu - Thủ quĩ


4/ Ông Ngô Hữu Kỳ - Kỹ thuật


5/ Ông NGô Công Tôn - Ủy viên


6/ Ông Ngô Hữu Tiếp - Ủy viên


7/ Ông Ngô Hữu Kế - Ủy viên


8/ Ông Ngô Hữu Viên - Ủy viên


9/ Ông Ngô Hữu Xuân - Ủy viên


10/ Ông Ngô Hữu Chỉ - Ủy viên


11/ Ông Ngô Hữu Hoa - Ủy viên


12/ Ông Ngô Hữu Hoành - Ủy viên


13/ Ông Ngô Hữu Thiều - Ủy viên


      Ngày 12-3-1995 (12-2 Ất hợi) khởi công xây dựng;


      Ngày 11-5-1995 (12-4 Ất hợi) tạm dừng vì thiếu kinh phí;


      Ngày 19-8-1995 (24-7 Ất hợi) hoàn thành toàn bộ công trình.


      Trong quá trình xây dựng các con cháu còn đóng góp 161 ngày công (32,5 công thợ; 128,5 công phụ) trị giá 1.353.000 Đ (một triệu ba trăm năm mươi ba ngàn đồng).


      Tổng cộng: 5.437.000 + 1.353.000 = 6.790.000 Đ


      (Sáu triệu bảy trăm chín mươi ngàn đồng)


      Chi phí cho công trình hết: 6.665.670 Đ (Sáu triệu sáu trăm sáu mươi lăm ngàn sáu trăm bảy mươi đồng),


      Còn dư: 124.330 Đ (Một trăm hai mươi bốn ngàn ba trăm ba mươi đồng).


      Ngày 31-8-1995 (6-8 Ất hợi) đông đủ đại diện các ngành nội ngoại, (ngành Thứ Đăng tràng, họ Ngoại Thu cúc), các chi, con trai, con gái, con dâu...cùng  nhau thành kính dâng hương lễ Tổ khánh thành việc tu tạo Từ đường.


      Từ đường họ Ngô ta tính từ cụ Tổ Ngô Hữu Rỹ đến nay đã bốn lần làm và tu tạo. (từ hướng Nam, quay hường Đông, xây dựng kiên cố, và nay tôn tạo). Mỗi lần làm và tu tạo đều được nâng cao về chất lượng, cấu trúc, và thẩm mỹ...Lần này có đặc trưng riêng: trên gian giữa dựng bốn bức cuốn thư đề rõ: Ngô Tộc Đường (Từ Đường Họ Ngô) và hai câu đối ca ngợi công đúc Tổ tiên, con hiền cháu thảo kế thừa cho đến đời nay và mãi mãi đời sau thịnh vượng.


      Hai câu gian giữa:


Tổ Công Tông Đức Thiên Thu Thịnh;


Tử Hiếu Tôn Hiền Vạn Đại Hưng.


      Hai câu gian cạnh:


Tiên Tổ Tài Bồi Lưu Hậu Thế;


Tử Tôn Thừa Kế Hiển Tiền Nhân.


       Việc thờ cúng, tù sau CMT8 (1945), nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ không được sầm uất như trước.


      Năm 1960 mới khôi phục lại ngày hội họ mồng 8 tháng Giêng và ngày giỗ Tổ Mười Rằm tháng Giêng Âm lịch.


      Năm 1994 Ngành trưởng đã sắm được bốn bộ quần áo, mũ, hia mở đầu trọng thể ngày cúng Tổ Rằm tháng Giêng năm Ất hợi.


      Lễ vật cúng tổ do con cháu (trai, gái), các ngành, chi, ngành thứ Đăng tràng đóng góp và cùng nhau hội tụ tại Từ đường dâng hương tưởng niệm Tổ tiên và hưởng lộc. 


KẾT


      Dòng họ Ngô đã trải qua nhiều Triều đại, nhiều chế độ, có bề dày lịch sử, có chiều sâu truyền thống gia phong. Tổ tiên ta từ lao khổ dựng nên cơ nghiệp lớn, nền tảng vững bền, vị trí xứng đáng, vẻ vang rạng rỡ lưu danh muôn thuở. Các con cháu đời sau phải ghi nhớ tri ân báo đáp như HIỆU TÔN BÁT THƯ (Trích lược dịch) của cụ Trương Minh việt kèm theo với Ngô Gia Tộc Phổ đã nói rõ:


      "Khi chúng ta được sống hưởng cuộc đời vinh hoa, ấm no, hạnh phúc, ta không thể quên ơn của Tổ tiên đã tô đắp công bồi, cha truyền con nối dòng họ Ngô ngụ tại Hồng Cương Thụy anh.


      Tất cả những gì Tổ tiên để lại cho con cháu không thể mục nát, công đức của Tổ tiên không thể quyên. Sống anh hùng, chết thiêng liêng. Sống vinh quang, chết danh tiếng. Tất cả những điều quí báu đó truyền mãi cho thế hệ mai sau".


          Tư cương chốn cũ vốn bần hàn,


          Hồng cương quê mới lắm gian nan,


          Người hiền đất mến vui sự nghiệp,


          Phú quí khang ninh tự lập thành,


          Hiển vinh Ngô Tộc lưu truyền mãi,


          Vững bền dòng họ sánh non sông,


          Công đức Tổ tiên ơn ghi tạc,


          Đời sau con cháu nguyện trường tồn.


      Những việc con cháu cần làm trong thời gian tới:


1/ Tu tạo Từ đường gốc họ Ngô, bồi bổ nội thất tôn nghiêm, tổ chức lễ bái trọng thể.


2/ Gìn giũ thật tốt Phả ký này và sưu tầm, xác minh, tu chỉnh, viết tiếp.


      Thiết nghĩ cũng là đền đáp công ơn Tổ tiên chúng ta.


      Sưu tầm sơ khảo:


          Ngô Hữu Tăng


      Chỉnh lý, hiệu đính:


          NGô Hữu Thậm (Ngô Phong)


          Ngô Hữu Luận


          Ngô Hữu Cơ


          Ngô Công Tôn


          Ngô Hữu Nhã


      Đã thông qua đại diện các ngành, các chi trong tộc gồm:


          NGô Hữu Châu - Trưởng tộc


          Ngô Hữu Tiếp - Ngành Thứ


          Ngô Hữu Kế - Chi hai (ngành trưởng)


          Ngô Công Tôn - Chi ba (ngành trưởng)


          Ngô Hữu Viên - Chi bốn (ngành trưởng)


          Ngô Hữu Xuân - Chi Năm (ngành trưởng)


      Tại Từ đường họ, ngày 02 tháng 11 năm 1994 (29-9 Giáp tuất).


      Soạn thảo vi tính: Ngô Thị Kim Thoa.


Kính bái!           

Gia Phả Ngô Hữu Thôn Gang
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Ngô Hữu Thôn Gang.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Ngô Hữu Thôn Gang
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.