Gia phả này thể hiện toàn bộ Phả hệ và thân thế, sự nghiệp của ông, bà, con cháu tộc Huỳnh ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Từ khi ông Thủy tổ tộc Huỳnh vào Vạn An năm 1803 đến nay gần 220 năm, con cháu có đến 10 đời. Tộc Huỳnh ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi có nguồn gốc từ xã Bắc Lâm, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Bắc Lâm, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, còn trước đó chưa biết xuất phát từ đâu. Con cháu sau này có điều kiện tìm hiểu thêm và bổ sung nguồn gốc của tộc Huỳnh ở Quảng Nam.
Hiện nay, tộc Huỳnh ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cơ bản vẫn ở nguyên gốc tại xóm An Tỉnh, thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Do quá trình biến động của lịch sử đất nước, con cháu tộc Huỳnh có một số người tham gia hoạt động cách mạng, tập kết ra Bắc hoặc ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, có số đã hy sinh, có số ở lại miền Bắc. Ở miền Nam, trước năm 1975, có một số người do hoàn cảnh khác nhau đã tham gia chế độ Sài Gòn, có số mất đi do chiến tranh, một số định cư nước ngoài, còn lại do tuổi già, sức yếu nên không có điều kiện về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi có chiến tranh đa số bà con tộc Huỳnh cũng như các dòng họ khác đi tản cư ở các nơi như thôn La Hà, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, xa hơn như Đà Lạt, Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, Nha Trang, Sài Gòn... Sau năm 1975, đa số về quê sinh sống.
Thực hiện chính sách của Nhà nước, có số đi kinh tế mới vào các tỉnh như Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, rồi vào các tỉnh như Khánh Hòa, Long Khánh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang và đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Số con cháu dâu rể tộc Huỳnh ở quê chủ yếu là làm nông, sinh sống, một số làm nghề thầy giáo có uy tín. Số con cháu ở xa quê cơ bản có trình độ cao, chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế của Nhà nước hoặc tư nhân, làm chủ doanh nghiệp.... đời sống có khá giả hơn. Về mặt xã hội, nhiều con cháu dâu rể tộc Huỳnh có năng lực giữ một số chức danh trong các cơ quan Nhà nước như giám đốc, hiệu trưởng, trưởng phòng, lãnh đạo chủ chốt cấp xã, huyện, lãnh đạo các sở ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo cấp vụ, viện ở trung ương, sĩ quan cấp tá Quân đội nhân dân Việt Nam... Con cháu tộc Huỳnh cơ bản hiếu học, kỹ năng, đoàn kết, thương yêu nhau.
Hàng năm, nhân ngày Tế Xuân của tộc Huỳnh (26 tháng 3 âm lịch) nhiều con cháu ở xa về quê viếng mồ mã ông bà, thăm hỏi bà con, hoặc nhân các ngày giỗ tụ họp gặp mặt trao đổi với nhau về gia thế, sự nghiệp, hoàn cảnh của từng gia đình, thể hiện được tình cảm bà con, tộc họ. Buổi lễ tế Xuân được tộc họ tổ chức chu đáo, có trống, chiêng, cờ được treo lên và đánh vang (bộ cờ, trống, chiêng do ông Huỳnh Mai cúng cho nhà thờ), con cháu tập họp lại kính cẩn trước bàn thờ tổ, sau đó mọi người dự tiệc vui vẻ, đầm ấm.
Trước năm 1975, tộc Huỳnh có ruộng hương hỏa, giao cho một vài người trong tộc họ canh tác, làm ăn và trích ra một số thóc để lo việc tế Xuân như hoa quả, trầm trà, và một số mâm cơm đạm bạc để cúng tổ tiên, sau đó con cháu về dự lễ dùng cơm trưa với nhau vui vẻ. Nay ruộng hương hỏa không còn, mỗi lần dự lễ tế Xuân nhà thờ, mọi người ít nhiều tùy lòng thành của mình mà có sự đóng góp tại chỗ, trực tiếp cho người được tộc họ cử ra để quản lý việc tế Xuân, tế Thu, tu sửa nhà thờ....Việc đóng góp cho nhà thờ tùy theo khả năng của con cháu, nếu khó khăn thì có thể không đóng góp, không có sự bắt buộc ai cũng phải đóng góp. Việc đóng góp tiền bạc của con cháu từ trước đến nay được gửi ngân hàng để lấy lãi chi cho việc chung của tộc Huỳnh. Việc đóng góp và chi phí cho tộc họ như tế Xuân, tế Thu, sửa chữa nhà thờ... trong năm đều được công khai, minh bạch. Việc tu sửa, xây mộ cho tổ tiên ông bà cao đều do tộc Huỳnh bàn bạc và thực hiện như mộ ông thủy tổ Huỳnh Văn Hiến, bà thủy tổ Lê Thị Thuyết đã được trùng tu, một số mộ đời thứ hai, thứ ba (con cháu ông Thủy tổ) chủ yếu ở Gò Cây Ngái, một ít ở Gò Giàng, Gò Duối, vườn nhà ông Nguyễn Văn Luyến, gần Gò Giàng... đều được dựng tấm bia nhỏ có ghi mộ HUỲNH VĂN. Hàng năm nhân ngày tế Xuân, con cháu tập trung tại nhà thờ, người vác cuốc, người mang rựa, xẻng... đến các mộ này để quét dọn, dẫy cỏ, thắp nhang. Tuy nhiên, những ngôi mộ thuộc đời thứ hai, thứ ba ở cạnh các thửa ruộng, lâu năm do quá trình canh tác bị ria, xén dần rồi không còn nữa. Những ngôi mộ từ đời thứ tư về sau (được phân theo phái, chi) thì do các phái, chi lo xây dựng, tu sửa. Về cơ bản, hiện nay các mộ tộc Huỳnh đều được xây, tu sửa đàng hoàng, đến ngày giỗ, chạp, con cháu đến viếng, thắp nhang chứ không còn phải dẫy mộ như trước đây nữa. Con cháu chỉ tập trung dẫy cỏ những ngôi mộ có bia ghi chữ MỘ HUỲNH VĂN (chữ Văn thể hiện bằng chữ Hán 文)
Về khuôn viên nhà thờ, trước năm 1975, ông Huỳnh Văn Toản (còn gọi là Huỳnh Toan) là cháu đích tôn (đời thứ 6), ông cùng con cháu của ông là Huỳnh Cúc ở trông coi nhà thờ và canh tác. Sau đó, ông Huỳnh Cúc mất và do chiến tranh nên ông Huỳnh Văn Toản lên thị xã Quảng Ngãi ở với người con trai thứ chín là Huỳnh Mai. Sau năm 1975, bà Đoàn Thị Lý vợ ông Huỳnh Cúc (mất năm 1962) cùng con gái là Huỳnh Thị Cẩm Nhung và người con rễ là Lê Văn Hiếu tiếp tục sinh sống ở trên khuôn viên nhà thờ tộc Huỳnh. Để dễ quản lý và tạo điều kiện cho gia đinh bà Đoàn Thị Lý theo chính sách của nhà nước và đạo lý, tộc Huỳnh thống nhất cắt một nửa khuôn viên nhà thờ về phía Bắc giao cho Bà Đoàn Thị Lý trọn quyền quản lý, sử dụng. Phần còn lại giao cho con cháu tộc Huỳnh là người có điều kiện canh tác, trông coi nhà thờ. Trước đây, trong khuôn viên nhà thờ có một con đường sát bờ rào phía Nam vườn ông Ba (hay gọi là ông Ba giáo Quế). (Nguyên vườn này, tộc Huỳnh cắt khuôn viên nhà thờ cho con gái là bà Huỳnh Thị Chung (đời thứ 2) khi đi lấy chồng phía tộc Trần) đi ra từ nhà thờ đến bờ mương phía trước nhà thờ hướng ra phía Đình làng Vạn An. Hiện nay, con đường này chỉ còn dấu mòn, không sử dụng. Mặt khác, do xã hội phát triển, nhà nước mở con đường phía sau và sát nhà thờ nên đường đi vào nhà thờ thường được đi từ phía sau. Nhà thờ tộc Huỳnh sau năm 1975 có tu bổ lại mái ngói, lát nền bằng gạch men, xây thêm mái che, vẫn giữ được nguyên dạng kiến trúc cũ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tường rào chung quanh, cổng và đường vào nhà thờ. Hướng đến tộc Huỳnh đã thống nhất kêu gọi con cháu đóng góp để từng bước xây dựng các hạng mục còn thiếu nhằm tôn tạo nhà thờ với những gì đã có và đàng hoàng hơn.
Trên đây là Gia phả tộc Huỳnh ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư nghĩa. Quá trình sao lục, tu bổ đến đời thứ 10. Chắc chắn có nhiều thiếu sót. Mong Gia tộc hết sức thông cảm. Có ý kiến đóng góp xin gửi đến ông Huỳnh Văn Tráng số điện thoại 0914091239, hoặc Email hvtrang56@gmail.com.
Kính chúc tộc họ đời đời bền vững, con cháu hạnh phúc.