Làm gì?
Gia phả ghi hết mọi điều cần thiết liên quan đến mỗi người trong gia đình, tộc họ nên mỗi nhà cần có gia phả. Xưa cũng có khi chỉ coi đơn giản gia phả chỉ để nhớ tới các vị tiền nhân mà chăm lo bổn phận thờ phụng.
Gia phả chỉ nhằm để thực hành gia lễ như vậy là còn bị bó hẹp. Cần được nới rộng hơn về quan niệm cho gia phả ngày nay.
Ngoài việc được lâu đời sử dụng như trên, gia phả ngày nay nên được coi là gốc rễ của gia giáo. Với gia phả, gia đình luôn bước trước nhà trường và xã hội trong cuộc ngăn chặn thói hư tật xấu xâm chiếm con em mình bằng các cách giáo dục của gia đình. ấy là việc đem gương sáng về cách sống đạo lí cùng tư tưởng và sự nghiệp cao đẹp của ông cha cho con cháu noi theo cùng những lời di huấn gợi cảm của các vị. Dùng gia phả để gây ấn tượng về nền nếp gia phong nhất là ý thức trách nhiệm cao với gia đình, xã hội cho con cháu ngay từ tấm bé trở đi nhằm đào tạo cho họ sớm trở thành người chân chính.
Gia phả phải sớm tạo ra cho lớp người chân chính nhỏ tuổi này lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của gia tộc cũng như lòng dũng cảm dám gạt bỏ mọi thành kiến, mặc cảm về những hạn chế do quá khứ gia đình để lại. Gia phả nên sớm có tác dụng tạo dựng cho con cháu thói quen tốt như luôn biết tự giác tôn trọng luật lệ, nền nếp kỉ cương của gia đình. Gia phả thực sự phải là nhịp cầu nối liền, là sợi dây gắn bó liên kết mọi người cùng huyết thống trong khối đoàn kết luôn luôn được bồi đắp để mái mãi vững bền.
Tóm lại, gia phả phải là nền tảng để thực hành gia lễ, giữ gìn gia phong và gây dựng gia giáo. Gia phả là cái căn bản để phát huy và bảo tồn đạo lý gia tộc mà trong đó việc thờ phụng Tổ tiên ông bà cha mẹ là bổn phận hàng đầu tối thiêng liêng không thể khinh suất với mọi người . Thờ phụng gia tiên không phải là tôn giáo, cũng không là tín ngưỡng vì tín ngưỡng thì có thể tin hay không tin vào một tôn giáo. Còn thờ cúng ông bà thì phải tin vào các vị có thật đã từng cùng sống với ta. Thờ cúng ông bà là thể hiện quyết tâm của con người về lòng tin nơi gia đình, dòng tộc.
Nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên cho dù họ có tôn giáo hay không cũng như gia phả nào cũng coi trọng việc ghi chép ngày giỗ các vị. Là báu vật gia đình (gia bảo) nhưng không như Tộc phả phải cất dấu gần như bất di bất dịch nơi thờ cúng, gia phả tuy phải được bảo quản không kém song phải luôn được sử dụng. Gia phả phải được trích đọc cho nhau nghe từng đoạn, từng phần cần thiết nào đó thường ngày hay là những lúc trọng đại: hôn lễ, giỗ chạp, tang lễ, tết nhất, lễ mừng thọ,... Từ đó, con cháu vừa được ôn lại hay học thêm ở người xưa. Gia phả mặc nhiên trở thành lớp học có giờ học hấp dẫn với bài học thiết thực trong không khí thiêng liêng mà ấm cúng, sinh động. Nhờ đó mà gia huấn, gia phong được dịp tốt để tồn tại, nẩy nở.
Cứ xem qua tình hình như thế thì vấn đề đặt ra cho chúng ta từ nay về sau là - phải có một Gia phả thật tốt cả về nội dung và hình thức - mà cuốn gia phả nhỏ nhắn này của ta còn cần rất nhiều tâm huyết và công sức của con cháu bổ cứu cho, trước nhất là anh em đời 12. Gia phả của chúng ta còn sơ lược hoặc thiếu hẳn những phần sau:
1/ Di ngôn: Những lời trăn trối, dặn dò của tiền nhân trước lúc các người đi xa, chưa dám kể đến di chúc.
2/ Gia huấn: Những lời khuyên bảo dạy dỗ của ông bà cha mẹ. Vinh hạnh và trách nhiệm của con cái những ai được sống lâu với bố mẹ nên biết chắt lọc mà chép lại những lời tâm huyết sâu nặng nghĩa tình mà các Người đã có nhiều năm, tháng ân cần dạy dỗ chúng ta.
3/ Những kinh nghiệm về cuộc đời của các vị khi thành công cũng như lúc thất bại - bài học xương máu của cuộc sống - mỗi người.
4/ Ghi nhận về cá tính, đời sống, phẩm hạnh cùng danh ngôn, tài sản vật chất và tinh thần của từng vị.
5/ Diễn biến trong phút lâm chung cùng tình hình tang lễ.
6/ Trong phần sinh hạ, phải chép kỹ hơn nữa về những người con gái bởi về sau, họ không còn được chép kỹ như con trai.
...
Cuối cùng, chúng tôi thành tâm xin lỗi hết thảy mọi người về mọi sai sót trong biên soạn. Xin được tha thiết nhờ hết vào mọi thế hệ mai sau vừa tìm tòi tư liệu bổ cứu, vừa tự mình chăm lo lập nên những kỳ tích trong cuộc sống. Cùng chung máu thịt một nhà, cốt huyết một họ - anh chị em chung lòng góp sức thân ái nắm chặt tay nhau thi tài đua trí viết nên nhiều những trang sử nhà, sử họ ngày một chói lọi hơn - cho gia phả thành pho sử vàng rực rỡ, là nguồn mạch quí báu thiêng liêng vô tận nuôi dưỡng, động viên, cổ vũ, khích lệ muôn đời con cháu vững bước tiến lên mãi mãi trên đường dài kế tục và phát triển.
Mã số của mỗi người - chứa các thông tin họ tộc
Cấu tạo: Ông Thủy tổ có mã số là 1, có con trưởng mang mã số 11, con thứ 2 mã số là 12;(mã số của con có phần đầu là mã số của cha có thêm 1 chữ số là con thứ mấy trong gia đình)...
Với biển tên, viết theo hàng (từ trên xuống dưới, từ trái qua phải) đủ 6 số thì xuống hàng viết tiếp, còn trường hợp khác viết một dòng. Cứ 3 số dùng dấu chấm (.); 6 số dùng dấu sắc (’) cách các số cho dễ xem.
Đề nghị:
- Khuyến khích con gái, con dâu về dự tế lễ.
- Kể từ đời 12, con gái cũng có mã số, chữ số cuối cùng của mã được gạch chân bên dưới.
- Con dâu mang biển có mã số của người chồng (gạch chân bên dưới), phía trên tên của người con dâu (chữ lớn) sẽ có kèm dòng tên chồng (chữ nhỏ).
Thông tin trong mã số:
- Mã số có N chữ số thì người đó ở đời N.
- Con thứ mấy trong gia đình.
- Tìm quan hệ họ hàng:
+ Ai có ít chữ số hơn thì ở đời trước (ít hơn 1 chữ số là chú bác, 2 là ông,...)
+ So sánh mã số của 2 người có n chữ số đầu giống nhau thì họ cùng là hậu duệ của ông đời thứ n có mã số là n số giống nhau đó. Số thứ n+1 của ai nhỏ hơn thì người đó thuộc nhành trên.
Ví dụ: tìm quan hệ giữa hai mã số sau: A=123.112’2 và B=123.111’13
Ta đặt số nhỏ ở trên số lớn như sau:
A=123.112’2 (số gồm 7 chữ số - đời 7)
B=123.111’13 (số gồm 8 chữ số - đời 8)
Có 5 chữ số đầu giống nhau A, B là cháu chắt cụ đời thứ 5 (n=5 chữ số đầu giống nhau) là C=123.11; A là cháu C, B là chắt C.
Chữ số thứ 6 (n+1=6 là chữ số đầu tiên khác nhau) của B (là 1) nhỏ hơn chữ thứ 6 của A (là 2) nên B thuộc nhành trên, mà A thuộc đời 7, B thuộc đời 8 nên B gọi A là chú (123.111 – ông của B là anh ruột 123.112- cha của A).
Một mã số con gái: 123.111’131.231 (gạch chân chữ số cuối cùng).