GIA

PHẢ

TỘC

TRƯƠNG
CÔNG



Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
TRƯƠNG CÔNG“Dựa theo Gia phả hán tự tộc”
Kính dâng lên tiên tổ Trương Công gia tộc, lòng vô vàn biết ơn! Tổ phụ của dòng họ Trương Công đã hình thành, duy trì và phát triển qua hơn 5 thế kỉ.

Sơ lược lịch sử của dòng tộc:Dòng họ Trương Công Tộc của xã Đại Hồng và Đại Lãnh - Đại Lộc - Quảng Nam hiện nay nguyên quán ở Thanh Hóa trấn - Thanh Hà huyện - Thanh Lương xứ. Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bắc Trung bộ Việt Nam.

Vào thời Hậu Lê giai đoạn Lê sơ (1428-1527), Vua Lê Thánh Tông (黎聖宗 - trị vì từ năm 1460 đến 1497) đánh chiếm kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (1471). Ngài đã đại thắng và bắt được Vua Chiêm là Trà Toàn, mở mang bờ cõi Đại Việt. Sau chiến thắng, Vua Lê Thánh Tông thực hiện chính sách mới, bình định và Việt hóa dân chúng người Chiêm Thành, sát nhập lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân tới bắc Phú Yên ngày nay) vào Đại Việt. Tháng 6 năm 1471, lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành được lập thành thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa.Từ đây dải đất rộng người thưa phía Nam, cần được khai khẩn, canh giữ, phát triển một nước Đại Việt giàu mạnh và lâu bền. Vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh cho quốc dân Nam tiến và được sự nhiệt tình hưởng ứng. Thế là công cuộc Nam chinh bắt đầu.

Lúc bấy giờ Ngài Tam Thế Cao Cao Tổ TRƯƠNG THỦ CHIẾM đang tuổi thanh xuân (Ông là một trong những người con yêu quý của Nhị Thế Cao Cao Tổ TRƯƠNG THỦ LÝ), cùng với vị hôn thê mới cưới của mình là bà Chánh thất Cao Cao Tổ NGUYỄN THỊ SÁU, bà cũng chưa đầy 30 xuân xanh. Ông bà lần bước vào Nam theo lệnh chiếu Vua ban xuống quốc dân, hòng đi tìm một tương lai tươi sáng, gầy dựng sự nghiệp lâu dài. Trương Công Tộc ta khởi thủy từ đây. Năm 1471 - {皇 朝 黎 聖 宗 拾 壹 年 北 地 從 王 HOÀNG TRIỀU LÊ THÁNH TÔNG THẬP NHẤT NIÊN BẮC ĐỊA TÙNG VƯƠNG}.(Theo bản dịch gia phả và các tài liệu hiện có lâu nay của Gia Tộc thì Tộc ta tính từ năm 1487, nghĩa là Ngài TRƯƠNG THỦ CHIẾM đi từ Bắc vào năm 1487 - Đinh Mùi).

Xin dừng lại vài phút để tưởng niệm, dâng lên Tiên tổ những nén hương lòng vô cùng biết ơn “Chim có tổ, người có tông”!Trong công cuộc Nam tiến thời này, Trương Công Tộc cùng với các Tộc bạn là Quách, Vương và Võ, bốn họ cùng vào Nam. Vì vậy mà thời bấy giờ người ta thường gọi: Quách, Trương, Vương, Võ.Ngày đó phương tiện giao thông của nước ta hãy còn lạc hậu, thủy bộ vô cùng khó khăn, lại thêm thú rừng hung dữ, thiên nhiên đe dọa. Thế mà với đôi vợ chồng son trẻ, hành lý nặng trĩu trên vai từng bước và từng bước hướng theo đường mòn Bắc Nam lầm lũi với đôi chân vàng, hai Ông bà TRƯƠNG THỦ CHIẾM tay cầm tay, vai kề vai, đêm nghỉ ngày đi, âm thầm trong nắng sớm mưa chiều với quyết tâm tìm đến vùng đất mới “vì tương lai con cháu mai sau”.Biết bao tháng ngày dãi nắng dầm sương, Nhị vị Tổ phụ của chúng ta đã đổi lấy bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để vượt qua những đồi núi sông rạch, đặt biệt là ngọn Hải Vân giá rét, qua được nơi này hai Ông bà cảm thấy một luồng sinh khí tươi mát thổi vào lòng, đó là tín hiệu “tốt lành” đầu tiên báo hiệu cho biết tương lai rạng rỡ sắp mở ra. Đây là nơi đâu? Đây chính là Quảng Nam đạo (gồm đất Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay), ta có nên dừng chân lại nơi này hay không? Thế rồi bình minh lên và hoàng hôn lại đến, vầng trăng soi bóng xuống địa cầu bao la, Ông bà quyết định đi tiếp.

Đi đâu bây giờ? Thế là cuộc hành trình bắt đầu, khăn gói lên vai thẳng bước lên miền Tây xứ Quảng, đến đây quý Ngài cũng chưa chịu dừng chân mà thẳng bước ngược tả ngạn dòng Vu Gia, rập theo chân đồi Ba Khe thẳng tiến về phía Tây. Một địa danh mới được đặt tên sau ngày Gia Long Nguyên Niêm lên ngôi, đó là Thanh Yên xứ, Tịnh An Tây châu, Đại An thượng Tổng, Diên Phước huyện, Điện Bàn phủ, Quảng Nam tỉnh (tức thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay). Đến lúc này quý Ngài mới chịu dừng chân, Nhị vị Thủy tổ của chúng ta quên hết nhọc nhằn mà hít lấy bầu không khí mát mẻ, trong lành, nở nụ cười viên mãn. Đất lành chim đậu. Tổ phụ chúng ta quyết định nơi đây là quê hương thứ 2, và là tổ ấm đời đời cho dòng họ TRƯƠNG CÔNG ngày nay.

Với một vùng đất lạ, người thưa, khí hậu khắc nghiệt, thú rừng đe dọa. Đôi bàn tay trắng, phải làm gì đây để gầy dựng cơ đồ sự nghiệp cho trường lưu mai hậu. Đôi quả tim vàng trong căn nhà xiêu vẹo, với tấm lòng không gì lay chuyển nỗi, Ông bà quyết khai canh, khai cư, biến vùng đất mới này thành nơi trù phú, bên cạnh dòng sông êm ả xuôi dòng về biển Đông, cùng với thung lũng rừng vây quanh, xanh tươi bát ngát quanh năm, một nơi giàu tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi, một tương lai hứa hẹn rực sáng mở ra cho Nhị vị Tiền Hiền của chúng ta.Sau những ngày đêm lao động cực nhọc để xây dựng quê hương mới, Ông bà TRƯƠNG THỦ CHIẾM lại day dứt về cố hương Thanh Ba Trấn, vì nơi đây còn 2 mộ phần của người thân mật ruột thịt. Chim có tổ người có tông, thế là cuộc trở về bắt đầu. Sự trở lại đất Bắc cũng không kém phần gian lao như lúc ra đi, cũng đánh đổi bao nhiêu mồ hôi nước mắt cho cuộc hành trình về quê cha đất tổ. Sau bao đêm ngày lặn lội rồi Ngài cũng tìm về đến được quê hương.Hai vị Tiền Hiền của chúng ta, cung tay bái tổ, xin phép bề trên, xin thề bề dưới để được mang 2 di hài thân phụ Ngài Nhị Thế Cao Cao Tổ TRƯƠNG THỦ LÝ và ông nội - Ngài Thủy Tổ TRƯƠNG THỦ LONG về quê hương mới Quảng Nam để tiện bề hương khói. Thế là hài cốt của 2 vị được đưa vào quách bằng sành, một cuộc chia tay đầy nước mắt diễn ra mà lần ra đi này không bao giờ trở lại nữa. Đôi vai gầy nặng trĩu 2 quách sành, Ông bà thay nhau gánh gồng, rồi cũng lần bước âm thầm lau nước mắt về đến nơi đất Quảng, nơi mà Ông bà hằng mong ước tương lai tươi sáng hơn.

Xứ Thanh Yên của thế kỷ XV thời bấy giờ là một vùng núi đồi sông bao bọc, sự đi lại phức tạp, đầy hiểm nghèo mà Ngài phải tìm long điểm nguyệt thế nào đây để Tiền Nhân chúng ta có một nơi an nghỉ, hòng đem lại sự an bình và phồn vinh cho con cháu mai sau.Thế rồi gò Củ Tỏi, thuộc xứ Thung Thắng nằm ở địa phận Tịnh Yên Tây, nay thuộc thôn Tịnh Đông Tây xã Đại Lãnh là bến hiền để 2 thuyền đậu. Đây quả là một địa thế vô cùng tốt đẹp cho quá khứ, hiện tại và cả tương lai mình. Nơi đây phong cảnh hữu tình, phần mộ được đặt giữa sườn đồi, 2 bên sườn núi, có hình con dơi đang bay xòe đôi cánh đẹp, nhìn về núi Tùng của đỉnh Bằng An thuộc xã Đại Hồng. Nghĩa trang Tiền Hiền gò Củ Tỏi từ đó đi vào lịch sử của gia tộc. Sự sắp xếp, bố trí từng mộ phần an bày thật hợp tình, hợp lý cho hiện tại và các thế hệ mai sau. Nghĩa trang này cho con cháu một ấn tượng hùng hồn, một sức mạnh sừng sững giữa núi rừng mà muôn đời con cháu của các thế hệ mai sau phải tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

Qua 512 năm (1487-2002), chỉ mỗi một Ông bà Tam Thế Cao Cao Tổ TRƯƠNG THỦ CHIẾM - NGUYỄN THỊ SÁU đã sinh sinh tồn tồn cho đến nay 18 đời, qua 18 thế hệ đã hình thành gia tộc TRƯƠNG CÔNG chúng ta gồm 4 phái và 12 chi:
1. Đệ nhất phái: Ngũ Thế Cao Cao Tổ Ngài TRƯƠNG THỦ BẢO
2. Mạnh phái: Bát Thế Cao Tổ Ngài TRƯƠNG THỦ TRUNG
3. Trọng phái: Bát Thế Cao Tổ Ngài TRƯƠNG THỦ CHÍ
4. Quý phái: Bát Thế Cao Tổ Ngài TRƯƠNG THỦ Ý

Con cháu quý Ngài hiện nay đông và đông lắm, cũng vì cuộc sống mưu sinh mà đã cư trú mọi miền của đất nước đến hôm nay, thế nhưng một gia tộc đầy lòng mến khách, hiếu học, trọng nhân nghĩa nên hằng năm các ngày lễ hội Thanh Minh, Thu Kỳ, Xuân Nhựt dù xa xôi đến mấy cũng có mặt trong những ngày lịch sử của gia tộc. Con cháu có người lại tiếp tục đi lập nghiệp nơi khác, người bám lấy quê hương, tay cày, tay cuốc cùng nhau xây dựng quê nhà và dòng tộc. Ngược dòng thời gian, các thế hệ cha ông của chúng ta cũng có nhiều vị đảm trách các chức sắc trong làng, trong xã. Nhiều người đỗ đạt làm quan, cầm cân nẫy mực sau lũy tre làng qua bao thế kỷ. Đáng tự hào hơn nữa, trong công cuộc chống xâm lăng, con cháu TRƯƠNG CÔNG cũng đã không tiếc xương máu của đời mình, đã hy sinh cho tổ quốc Việt Nam. Một dòng tộc đã sản sinh ra hàng chục Bà mẹ Việt Nam anh hùng, còn biết bao công dân khác cũng đã góp phần tích cực cho sự phồn vinh của quê hương và gia tộc. Một điểm khởi sắc của dòng họ mà ta cũng đặt niềm tin yêu, phấn khởi đó chính là lớp cháu con của quý Ngài là những bác sỹ, kỹ sư, giáo viên các cấp, công nhân viên chức các ngành nghề, sinh viên, học sinh, những ngươi nông dân giỏi, mở ra cho gia tộc tương lai ngời sáng.

Tự nhủ với lòng mình “chúng ta làm gì cho Tiên tổ, chứ đừng bao giờ hỏi Tộc họ đã làm gì cho ta”. Chính vì lẽ đó mà năm 1997 con cháu đã chắc chiu từng đồng bạc để cùng nhau xây dựng được ngôi Từ Đường TRƯƠNG CÔNG, tọa lạc tại thôn Tịnh Đông Tây - Đại Lãnh - Đại Lộc - Quảng Nam. Đây chính là chỗ dựa về tinh thần, cũng là chỗ để con cháu gặp gỡ thực hiện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, một nếp sống cổ truyền, đạo lý của cha ông từ thế hệ này chuyển sang thế hệ sau kế tiếp.Qua hơn 500 năm với bao thăng trầm của đất nước, lịch sử dòng họ nhà TRƯƠNG CÔNG vẫn giữ vững được nề nếp gia phong, gia đạo và gia tộc. Cùng nhau lòng nguyện lòng, giữ vững sự ngời sáng đó, để xứng đáng là hậu duệ của dòng họ, xứng danh con Lạc cháu Hồng.
(Trích có chỉnh lý bản Quy ước của Hội đồng gia tộc năm 2002).
Gia Phả TRƯƠNG CÔNG 张 世 家 譜
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc TRƯƠNG CÔNG 张 世 家 譜.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc TRƯƠNG CÔNG 张 世 家 譜
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.