



NGUỒN GỐC DÒNG HỌ
Tổ phụ của chúng ta gốc ở miền trung của đất nước Việt Nam(chưa xác định tỉnh nào), di chuyển vào nam khoãng năm 1875 để định cư lập nghiệp.
Gia phả của dòng họ tại tỉnh Long An có ghi: Ba anh em vào nam gồm: Đỗ Hữu Tài, Đỗ Hữu Đức và Đỗ Hữu Phước. Sau đó anh em chia làm 3 gánh ở 3 nơi
- Một gánh sang đất Tiền Giang miền Tân Châu Cái Vừng.
- Một cánh lưu trú miệt Tân Trụ, huyện Cần Đước tỉnh Long An (Nay huyện Tân Trụ tỉnh Long An).
- Một cánh đi về miền Rạch Giá.
Tỵ tổ của chúng ta là Ông Đỗ Hữu Tài thuộc gánh Tân Trụ tỉnh Long An hiện nay còn Đỗ phủ đường tại huyệnTân Trụ tỉnh Long An để thờ phượng.
Trong quá trình khai khẩn đất hoang, mưu tìm cuộc sống Ông tổ Đỗ Văn Bằng đã đến cư trú tại xóm Vịnh Gốc xã Tân Thuận huyện Đầm Dơi và mất ở đó( sau đó di hài cốt về ấp Bờ Đập sẻ nói đoạn sau).
Lý do tìm được Tông chi của dòng họ Đỗ ta có nhiều đời nhưng chứng minh văn tự vào năm 1943.
Năm 1943 Ông Đỗ Họa Thể tự Đỗ Xuân Ba gặp được bác Đoàn Văn Dự tự là Họa đồ Cầm ở Nhà Cũ nhìn là đồng tông và được ông Dự tiến dẫn về Tân Trụ để viếng Đỗ Phủ Đường, được đại diện tiếp rước hàn huyên cùng trao đổi và cho phép ông Đỗ Thanh Triều sao chép lại kỷ lưởng với dạng họa đồ.
Theo gia phả ghi chép chúng ta có nguồn gốc từ ông tỵ tổ Đỗ Hữu Tài. Ông Tài sinh ra ông tằng tổ Đỗ Hữu Cáng. Ông Cáng sinh ra được 8 người con nhưng gia phả chỉ ghi được tên 5 người con là: Yên, Ẩn, Thích, Bột, Thị Ngải. Ông tằng tổ Đỗ Hữu Bột sinh ra 4 người con là: Đỗ Văn Bằng, Đỗ Thị Thuận, Đỗ Thị Tác, Đỗ...Trung.
Ông Đỗ Văn Bằng là ông tổ của Chi họ Đỗ tại Đầm Dơi gốc ở Tân trụ Long An( không thấy ghi tên bà tổ )đến cư trú và mất ở xóm Vịnh Gốc xã Tân Thuận huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, và sau đó con cháu đã di hài cốt về ấp Bờ Đập xã Trần Văn Phán huyện Đầm Dơi.
Ông tổ Đỗ Văn Bằng sinh được 4 người ( 3 gái, 1 trai )
- Người thứ nhất bà cô tổ Đỗ Thị Hỡ chỉ biết tên nay không tìm được địa chỉ.
- Người con thứ 2 là ông Đỗ Văn Lô kết hôn với bà Nguyễn Thị Chanh lập nghiệp tại ấp Bờ Đập sinh được 9 người con hình thành 9 chi ( thực tế có 8 chi vì người thứ út đã từ trần lúc nhỏ không có chồng, con).
- Người con thứ 3 là bà Đỗ Thị ... là vợ ông Cả Hàng ở Tân Thuận.
- Người con út là bà Đỗ Thị ... không biết tên chưa tìm ra tông tích.
ĐI TÌM MỒ MẢ ÔNG TỔ
Thanh minh hàng năm
Như trên đã nói ông tổ của ta là ông Đỗ Văn Bằng gốc Tân Trụ Long An trên bước đường về phương nam khai khẩn đất hoang đã đến ở xóm Vịnh Gốc xã Tân Thuận huyện Đầm Dơi và người đã mất ở đó.
Ông Đỗ văn Bằng có 4 người con. Người con trai là Đỗ Văn Lô lập nghiệp và cư trú tại ấp Bờ Đập. Ông Lô sanh được 9 người con. Khi ông Lô đã mất con cháu đều biết mả Ông tổ Bằng ở Tân Thuận và hằng năm đều có phân công các chi thay phiên nhau đến để thanh minh cúng mả. Năm ấy đến chi ông Tư ( Đỗ Văn Long) đến dọn dẹp cỏ, cây chung quanh mả đốt rác rến rồi về sau đó có tiếng đồn đãi rằng có cháy nhà do người dọn mả gây nên hỏa hoạn, việc nầy không chính xác chỉ nghe vậy mà thôi không rõ tai họa kia ai gây ra nên nghe tiếng đồn rồi sợ bỏ lệ thanh minh, giãi mả từ ấy về sau nơi nầy không còn xóm làng hóa rừng, tiêu điều và mất hết di tích, sau nầy qua gần 30 năm mới tìm lại được.
Đi tìm mồ mả
Năm đó có lá thư ông Cả Sáu ở xã Tân Duyệt gửi đến nhà ông Đỗ Họa Thể tự Xuân Ba, trong thư đại ý gọi ông Ba đến gấp để ông chỉ cho mà tìm mồ mả tổ phụ . Ông tuổi gia không sống bao lâu nữa nếu duy trì không tìm, ông qua đời không ai chỉ chổ thì siêu lạc không phương tìm kiếm.
Được thư thân tộc chọn 3 người: Đỗ Văn Bảo, Đỗ Xuân Ba, Đỗ Văn Cho là 3 đại diện cho 3 chi đến tại Tân Duyệt để thăm ông và hỏi thăm các việc. Ông nầy thuộc về cháu rể gánh bên ngoại tổ phụ. Ông vạch rõ địa chỉ xóm làng để đi đến đó mà nghiên cứu, truy tìm.
Lần thứ nhất đi tầm ngay nhà bà Hai Lục để hỏi thăm, vợ chồng ông Hai Lục sẳn sàng dẫn dắt nhưng không gặp di tích gì?
Lần Thứ hai đến nhà ông Hương Đình Mão ở Mặt Trời để cùng đi tìm kiếm nhưnh cũng không ra tông tích.
Lần thứ ba theo tinh thần chỉ bảo mà hết lòng nghiên cứu. Lần nầy có nhiều con cháu đi theo và cầu nguyện cho Cửu huyền gia hộ cho con cháu tìm được. Đến nơi đã 10 giờ và ruồng, dọn đến 3 giờ chiều mà không có dấu hiệu là mồ mả, chỉ toàn cây rừng hoang sơ như chưa từng có người ở. Cả đoàn chán nản xuống xuồng để về, trên đường trở về lần xuống bến, khi cách bến độ chừng 19-20 thước, ngồi xuống dưới tàn cây nghĩ mát và than thở, ước mơ, ông Đỗ Văn Bảo ( Trưởng tộc )cầm mác đẩy đất chổ đám sậy cằn chợt thấy hình dáng một khúc gỗ lộ hình, ông la lên lại đây mấy chú em ơi! Có phải đây không?. Mọi người tụ đến vẩy đất ra thì rõ là một nắp quan tài, mọi người đều mừng rở nhưng còn ngại nghi vì lúc lời chỉ dẫn thì tới 35 thước bây giờ cận sông quá không biết trúng không?. Theo lời ông Hương đình Mão thì chỉ nghiên cứu đường đi xuống ghe nay nó lấp thế lại những cây cối đước, mấm bao che còn nơi mả tổ phụ thì cách bờ sông 10 thước, cỏ cây, chà là, chứng tỏ là đất liền không có cây đước, mấm. Thật là hoàn toàn rừng không người thăm viếng. Từ một nền móng thân yêu khi xưa, nay đã biến mất. Mé rạch ao nước khi xưa nay thành những lý lạng để còng, cua, ba khía đào hang, xây tổ mặc sức tung hoành 30 năm.
Một địa hình thứ hai chứng tỏ đây là khúc vịnh gắt đất bị xói, lỡ mất đi 10 thước cũng là niềm tin cho sự biến thể của sông, rạch.
Lòng rất tin tưởng nơi đây là mồ mả của tổ phụ cả đoàn hồ hởi ra về báo cáo thân tộc chọn ngày di hài cốt.
Lể di hài cốt tổ tiên
Thời gian nầy hầu hết các nơi đều chịu cảnh đổi thay chổ ở, dời dạt mà tạm lánh giặc Tây oanh tạc bằng máy bay.
Sau khi đã xin phép chính quyền, từ nơi cư trú ấp Bờ Đập phải đi bằng ghe đến Tân Thuận để lấy hài cốt.
Khi đến xã Tân Duyệt phải đi vào một đường sông nhỏ mới tới chổ mộ vào lúc 9 giờ trưa.
Làm lể van vái và xin phép khai quật hài cốt những người có mặt gồm 7 người:
1.Đỗ Văn Bảo 2.Đỗ Xuân Ba 3.Đỗ Lương Ngọc
4.Đỗ Văn Sóc 5.Đỗ Sanh Phán 6.Đỗ Thị Biểu
7.Đỗ Lương Chi
Van vái xong khai lên
Phần trong quan tài còn 2 tấc nữa là đầy đất. Chất đất dường như phai cát khô ráo vì mùa hạn. Bươi cào từ từ thấy có dạng màu vàng váng, chất xương cốt bị mục còn dạng sọ đầu, ống tay chân. Con cháu đem theo một quan nhỏ và đặt nhiều vàng bạc, vải đỏ lẫn lộn trong chiếc quan.
Lúc chuyển xong thì kết quả có 3 món kỹ vật chứng tỏ đây là hài cốt của tổ phụ:
1.Là 1 chiếc răng ( có nhuộm đen theo phong tục xưa của phương bắc )
2.Là 1 nút áo
3.Là những nắm xương thành bột màu vàng.
Đồng thời cạy chiếc quan tài đem về, thân ván còn rất tốt không hư mục và mọng ráp khi xưa đem lên vẫn còn cứng, là một học ván không thay đổi, được chở lên ghe đem về, và sau khi hạ xuống để phía ngoài, quan nhỏ để xương cốt nằm trong quan tài lớn.
Lể an tán hài cốt tổ tiên
Sau khi xong việc chuyển về Bờ Đập hoàn tại nhà ông Đỗ Minh Châu và sắm sẳn lể vật cúng tế tại nhà một đêm sáng ngày chuyển ra vườn ông Đỗ Văn Bảo (ngoài vàm sông Bờ Đập), cất rạp linh đình mời bà con nội ngoại làm lễ và an táng.
Thời cuộc chuyển dần đến năm 1994 nơi nầy không còn người ở, hàng năm ngày Tết hoặc Thanh minh thì có con cháu trở về dọn dẹp cây cỏ để cúng kiến. Do tàu đò chạy nên đất lở nhiều gần tới phần mồ mả.
Ông Đỗ Văn Bảo có thảo luận di dời mả để chống lở đất, riêng phần Ông đã di dời mồ mả cha, mẹ về Cây Trâm xã Tân Duyệt rồi.
Thời gian đưa đến một năm sau thân tộc thấy bề không yên được nên năm 1995 hội nghị quyết định dời và lập kế hoạch chuyển những trụ đá về trước, Thanh minh sẽ chuyển mồ mả về sau.
Những trụ đá được dời về trước ngày Thanh minh do công đức của ông Đỗ Xuân Quan chịu trách nhiệm trước thân tộc huy động con cháu và thuê người phụ chuyển thành công về vườn ông Đỗ Minh Châu. Cách chuyển rất khó khăn vì quá nặng nề, đầu tiên đặt nề tròn xeo bắn chuyển lần xuống phà, mỗi lần chuyển đi hai thớt đá với sức nặng lớn, gồm 15 người và dùng thế xeo, bắn lên xuống nhiều lượt đến nơi rất khó khăn.
Di hài cốt lần thứ hai
Ngày mùng 9 tháng 3 năm 1995 con cháu tề tựu trai viên tụng niệm và đêm ấy trang bị đồ đạt lo việc lấy cốt.
6 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1995 con cháu lớn nhỏ hương đăng rực rở đến nơi phần mộ. Sau khi phô bày lể vật và cúng kiến xong Trưởng tộc xin phép khai mộ. Sau 2 tiếng đồng hồ đã lấy xong hài cốt của 6 nấm mộ và thỉnh Chư linh lên kiệu rước đi về Phủ thờ. Kiệu trước là Tổ phụ, kế sau là ông Cố bà Cố, thứ 3 là bà Cô ông Chú. Số con cháu sắp hàng dọc đi bộ từ Vàm Bờ Đập về tới Phủ thờ, thỉnh các lư hương vào điện thờ còn hài cốt thì để trước rạp ngoài sân Phủ thờ.
Con cháu nội, ngoại vui mừng kính chào hài cốt tổ tiên trên 100 năm nay, cúng kiến suốt tới 3 giờ chiều mới ra an tán hài cốt.Mộ nầy năm sau mới xây gồm 3 mộ hình lục giác và 3 mộ hình chữ nhật.
Tổng cộng 6 ngôi mộ gồm:
- Mộ ông Sơ ( Đỗ Văn Bằng)
- Mộ ông Cố bà Cố ( Đỗ Văn Lô và Nguyễn Thị Chanh)
- Mộ ông Chú, bà Cô (Đỗ Văn Sạng, Đỗ Thị Thoại, Đỗ Thị Kiểu).

