BÍNH CHI TỨ PHÁI NGUYỄN (NGÔ)
GIA PHẢ TÂN BIÊN
GIA PHẢ HỌ NGUYỄN (NGÔ), LÀNG CHẾ NHUỆ
CHI THỨ BA, NHÁNH THỨ TƯ.
Con người có tổ, có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Cây có gốc mới trổ nhành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu ?
Tổ tiên có trước, rồi sau có mình.
Ca dao.
LỜI DẪN.
Gia đình vốn là những đơn vị căn bản của xã hội và quốc gia. Gia đình vững vàng, xã hội mới bình an, phát triển. "Chim có tổ, người có tông" là ý tưởng bình dị của dân tộc ta xưa nay, là ý thức sâu sắc, nghiêm trang, có ảnh hưởng lớn trong tập quán truyền thống của người Việt Nam.
Nhớ đến tổ tông, tưởng nhớ đến công ân của tiền nhân, người ta phải lo giỗ kỵ và còn phải nghĩ đến một vấn đề thiết yếu nữa là Gia phả. Một trong những thứ quý báu nhất mà tổ tiên thường hay để lại trong các gia đình vọng tộc, thư hương ngày xưa chính là cuốn Tộc phả hoặc Gia phả của dòng họ.
Tộc phả là cuốn sách ghi chép lại nguồn gốc và sự lưu truyền của cả Tộc họ, được giữ gìn tại Tổ đình hay Tổ miếu - nơi thờ phụng của tổ tông, các bậc tiền nhân của cả một đại tộc. Một Tộc họ đại thọ, đại thịnh càng về lâu về dài càng có nhiều gia đình con cháu. Trải qua thời gian dài, con cháu vì quá đông nên không thể biết nhau hết được. Họ chỉ có thể nhận ra nhau khi đem nguồn gốc ra mà kể. Mà vật chứng có giá trị nhất vẫn là Tộc phả và Gia phả. Một tộc họ được trường tồn qua nhiều thế hệ, qua hàng trăm năm sẽ có nhiều Chi nhánh họ cũng là điều bình thường.
Gia phả chính là tập sách ghi chép lại Gia sử của một Chi nhánh họ, dẫn chứng về sự khai sáng một Dòng họ mới hoặc một Chi họ; chuyện chuyển đổi họ hay là sự xác minh tính cách liên hệ giữa Chi nhánh họ ngày nay với Tộc họ gốc ngày xưa.
Ghi chép và biên soạn lại Gia phả là ước muốn của các cụ trong dòng họ ta từ nhiều đời nay. Con cháu hiểu rõ nguồn gốc tổ tiên, không ngừng mở mang kiến thức, trau dồi nhân phẩm đạo đức, làm cho dòng họ ngày càng phát triển về mọi mặt là khát vọng lớn nhất của tiền nhân. "Bính chi, Tứ phái Nguyễn (Ngô), Gia phả tân biên" là tập Gia phả ghi chép lại sự phát triển của Nhánh thứ Tư (Tứ phái), Chi Bính, Họ Nguyễn (gốc họ Ngô), ở làng Chế Nhuệ, xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Cũng cần phân biệt rằng ở làng Chế Nhuệ vốn trước đây cũng có một vài dòng họ Nguyễn khác nhưng không có liên quan gì đến Họ Nguyễn (gốc họ Ngô) nhà ta.
Tập Gia phả này được hoàn thành trên cơ sở hai bản chép tay Hán Nôm do ông Nguyễn Văn Tại (Tự Phúc Phương) viết năm 1911 và bổ sung năm 1918 tại làng Chế Nhuệ, tổng Chương Xá, huyện Cẩm Khê. Ông Nguyễn Văn Trường (tức Đường) hoàn thành bản dịch ra tiếng Việt, có bổ sung thêm hàng con cháu vào ngày 05 tháng 3 năm 1957 (mùng 4 tháng Hai năm Đinh Dậu). Ông Nguyễn Văn Luy có nhờ ông Trịnh Quang Mạch là người thông thạo chữ Hán ở làng Tình Cương (nguyên chuyên viên Sở Văn hoá tỉnh Vĩnh Phú) dịch lại bản gốc vào tháng Giêng năm 1996 và sao y chính bản, bổ sung thêm hàng con cháu lưu giữ tại Từ đường ở làng Chế Nhuệ, xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Vì nhiều lý do khác nhau, bản Gia phả gốc chỉ ghi nhận được một số thông tin chính (không đầy đủ) về các cụ đời trước như: họ tên, tên tự, tên hiệu, vợ chồng, con cháu, ngày giỗ, nơi mộ táng,... Còn những thông tin khác như: tuổi tác, học vấn, chức tước, tài sản,... đến nay vẫn chưa tìm được những cứ liệu chính xác. Do không lưu giữ được nguyên bản Tộc phả của cả Họ Nguyễn (Ngô) làng Chế Nhuệ nên Đích tôn ông Nguyễn Văn Trường là Nguyễn Nhật Minh mạo muội chép lại bản Gia phả Họ Nguyễn (Ngô) này chỉ trong phạm vi Nhánh thứ Tư thuộc Chi thứ Ba (Bính chi, Tứ phái) và sắp xếp lại theo sơ đồ Phả hệ từ tháng 7 năm 1995.
Vì nhu cầu đáp ứng những điều muốn hiểu biết tường tận của đa số các gia đình trong họ, những vấn đề trình bày trong tập Gia phả này chỉ có tính cách lược biên, không coi nặng hoặc coi nhẹ người nào. Trong tinh thần khách quan, vô tư, người biên tập không áp đặt ý kiến riêng vào bất kỳ một vấn đề nào, cũng như không có thiên kiến về mỗi Chi nhánh trong Tộc họ. Mọi điều trình bày trong tập "Bính chi Tứ phái Nguyễn (Ngô), Gia phả tân biên" này đều căn cứ vào bản Gia phả gốc và góp nhặt từ những nhận định chung của những người hiểu biết trong họ. Những vấn đề chưa được đề cập tới là do chưa tìm được cứ liệu chính xác và cũng là do khả năng có giới hạn của người biên tập, rất mong nhận được sự chỉ giáo của các bậc thức giả anh minh.
Nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, tha thiết mong tất cả mọi người trong họ thường xuyên bổ sung để Gia phả của Chi nhánh dòng họ ta ngày càng thêm dài rộng mãi. Tập "Bính chi Tứ phái Nguyễn (Ngô), Gia phả tân biên" này được biên tập theo cách viết mới từ mùa Xuân năm 1995 (Ất Hợi), cơ bản hoàn thành bản thảo vào tháng 11 năm 2004 (Giáp Thân), in thử và làm kỹ xảo vi tính từ cuối mùa Thu năm 2006 (Bính Tuất), hiệu đính bổ sung tháng 5 năm 2008, in xong tháng 6 năm 2008 (Mậu Tý), đưa lên mạng Internet mùa Thu năm 2009 (Kỷ Sửu).
Biên tập: Nguyễn Nhật Minh.
NGUYỄN TỘC ĐỆ TỨ CHI GIA PHẢ
(Phiên âm Hán Việt, bản viết năm 1911)
Duy Tân ngũ niên, tứ nguyệt, thập ngũ nhật, Hiếu tôn Nguyễn Văn Tại phụng chí bản chi gia tiên huý kỵ tịnh thế thứ sinh hạ tỳ hậu lai nhận ký tông đồ, văn chí sai thố, bách niên hương hoả, hạnh bất di vong, danh hậu hữu hiền nhân chi chí hoa chi, dĩ phả thi hựu sở hậu vọng dã.
GIA PHẢ HỌ NGUYỄN CHI THỨ TƯ
(Dịch ra tiếng Việt, bản viết năm 1911)
Ngày 15 tháng 4 năm Duy Tân thứ Năm (ngày 13 tháng 5 năm 1911, tức là ngày 15 tháng 4 năm Tân Hợi), Hiếu tôn là Nguyễn Văn Tại kính ghi tên huý, ngày giỗ của gia tiên cùng sự sinh sôi qua các đời để lại cho con cháu vế sau nhận rõ tổ tông, không bị sai sót hoặc quên tên ai, để đời đời hương khói. Mong họ nhà ta phát huy truyền thống của ông cha làm cho rạng rỡ như hoa, đó là điều hy vọng của các thế hệ mai sau.
Dịch tại Tình Cương, ngày 20-01-1996.
Người dịch: Trịnh Quang Mạch.
NGUYỄN TỘC ĐỆ TỨ CHI GIA PHẢ.
(Phiên âm Hán Việt, bản viết năm 1918)
Khải Định tam niên, tam nguyệt sơ nhất nhật, Phú Thọ tỉnh, Cẩm Khê huyện, Chương Xá tổng, Chế Nhuệ làng; Nguyễn môn tôn điệt phụng sao nội ngoại gia phả, kỵ nhật huý hiệu lưu truyền vu hậu.
Mộc chi thiên chi vạn diệp bản ư nhất căn.
Thuỷ chi thiên lưu vạn phai, bản ư nhất tuyền.
Vận hành giả, tạo hoá dã.
Căn nguyên do hữu tự, huống thông minh nhĩ mục chi ứng nhân hồ !
Kính duy ngã Nguyễn gia nguyên tự Nam Định, Kiều Anh, Quán Chỉ kỳ Ngô Long Thanh, Ngô Chiến Quốc, Ngô Công Tự chi hậu dã. Chí Ngô Đức Chính, Ngô Tiến Lộc lưỡng tiên công đương Ngô - Việt đỉnh túc chi trật, dĩ ngưu dịch mã bộc trạch vu tông kim dã lục thất đại hỷ. Sinh đắc tam chi, ngã hệ tứ đại cao tổ huý Đăng Đệ kỳ hiện kiến tam chi dã nhi ngã hệ Ngũ đại tôn: Nguyễn Tại (tự Phương).
Thiết niệm: "Nhân sinh do tổ, vật bản hồ thiên". Dũ cửu nhi dũ phồn, đa tử tất đa hệ, hoặc hậu thế nan hiểu kỵ mộ bất phả. Nhưng chí vu gia phả, tỳ thiên vạn nhi tôn bất biến, nhi tổ triệu tôn bồi chi căn nguyên, thọ trịnh sơn truyền nhi bất hủ.
Ngô - Nguyễn phả như tả:
Thượng thế tổ: NGÔ LONG THANH.
Sinh Ngô Chiến Quốc, Ngô Công Tự.
Tỷ hiệu Từ Tại (...)
GIA PHẢ HỌ NGUYỄN CHI THỨ TƯ
(Dịch ra tiếng Việt, bản viết năm 1918)
Ngày mùng Một tháng ba năm Khải Định thứ Ba (ngày 11 tháng 4 năm 1918, tức là ngày mùng Một tháng 3 năm Mậu Ngọ), tại làng Chế Nhuệ, tổng Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; nay con cháu nhà họ Nguyễn xin phụng sao gia phả về tên huý, ngày giỗ để lưu truyền về sau.
Thiết nghĩ: Cây có nghìn cành muôn lá vốn ở một cội rễ.
Sông có ngàn dòng vạn mạch vốn chỉ một ngọn nguồn.
Việc vận hành đó do tạo hoá sinh ra vậy, nó đều có từ gốc nguồn.
Huống chi ta là người có tai mắt thông sáng lại không biết ứng với muôn vật hay sao?
Kính duy họ Nguyễn nhà ta nguyên quán ở Kiều Anh, Quán Chỉ, thuộc tỉnh Nam Định. Từ các cụ tiên tổ như: Ngô Long Thanh, Ngô Chiến Quốc, Ngô Công Tự đến các cụ Ngô Đức Chính, Ngô Tiến Lộc về sau. Hai tiên công này (tức Ngô Đức Chính, Ngô Tiến Lộc) gặp lúc Ngô - Việt đổ nát, lấy trâu thay ngựa, vào cuối mùa thu, nhân lúc thư thả tìm đất lành kiếm kế sinh nhai đã đổi họ Ngô sang họ Nguyễn. Sự lựa chọn ấy từ đó đến nay (1918) đã sáu bảy đời vậy. Cụ cao tổ sinh được 3 chi, dòng nhà ta thuộc cụ Cao tổ bốn đời, tên huý là Đăng Đệ. Nay hiện thấy có 3 chi, vậy nhà ta là cháu chắt ngành thứ: Nguyễn Tại (tự Phương).
Người ta ai cũng tâm niệm rằng: "Con người phải có tổ tiên, vạn vật trên thế gian đều do trời tạo ra". Con người đời sau kế tiếp đời trước, đông con ắt sẽ nhiều cháu chắt. E đời sau khó hiểu rõ ngày giỗ và phần mộ tiên tổ, nếu như không có Gia phả. Nhưng có Gia phả thì lòng tin của muôn vàn cháu chắt sẽ chẳng biến đổi. Biết được cội nguồn từ tiên tổ gây nền, đến các dòng vun đắp lâu bền như núi, lưu truyền bất hủ.
Tộc phả Ngô - Nguyễn như sau:
Thượng thế tổ: NGÔ LONG THANH.
Sinh ra: Ngô Chiến Quốc, Ngô Công Tự.
Thượng tổ tỷ: (?) Hiệu: Từ Tại. (...)
Nguyễn Văn Tại (Tự Phúc Phương).
Dịch tại Tình Cương, ngày 20-01-1996. Người dịch: Trịnh Quang Mạch.
Phần viết thêm trong tài liệu năm 1957:
BÍNH CHI TỨ PHÁI NGUYỄN
TRỊ TỰ PHƯƠNG PHỤNG TỰ.
GIA HUÝ NỘI NGOẠI TỔ TIÊN
BÁ THÚC LƯU PHỔ VU HẬU.
Tạm dịch nghĩa là:
Nhánh thứ Tư, thuộc Chi Bính, Họ Nguyễn (làng Chế Nhuệ) dù có sinh sống ở phương trời nào cũng luôn nhớ về tổ tiên, ghi nhớ tên huý nội ngoại, chú bác,... để lưu lại và phổ biến cho con cháu đời sau hiểu rõ ngọn nguồn.
Nguyễn Văn Trường (tức Đường).
(...)
---***---
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
HỌ NGÔ VIỆT NAM
Đừng "Thấy sang, bắt quàng làm Họ"
Chẳng vì khó mà bỏ tổ tông.
Họ Ngô xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, từ thời các Vua Hùng. Thần phả đình An Duyên (Thường Tín, Hà Tây - nay là Hà Nội) ghi tên họ Ngô Ngọc Lang, quán Sơn Nam Hạ, tướng của Vua Hùng đời thứ 18. Bia Hàm Long (Hà Nội) có ghi Ngô Long, tướng của Vua Hùng đời thứ 18. Với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, Ngô Quyền đã trở thành người Anh hùng dân tộc. Theo tôc phả họ Ngô do Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn năm Đinh Dậu, triều Lê Thánh Tông (năm 1477), thì Tổ họ Ngô là Ngô Nhật Đại, Hào trưởng châu Phúc Lộc (vùng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Ngài đã tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan (năm 722), sau thất bại phải rời ra vùng Châu Ái (Thanh Hóa). Từ Ngô Nhật Đại đến Ngô Quyền trải qua 5 đời, gần 300 năm không thấy ghi chép rõ ràng. Nếu tính từ Ngô Quyền thì đến nay họ Ngô đã truyền được 36 - 37 đời, có nơi tính ra đã trên 40 đời, xuất phát từ Châu Hoan, Châu Ái, qua Đường Lâm (Sơn Tây) mà tỏa đi khắp cả nước, có mặt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Hà Tiên,… Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi xin trình bày thế thứ của dòng họ Ngô một cách khái quát như sau:
Cụ Tổ đầu tiên là Ngô Nhật Đại, quê Ái Châu, làm nghề nông, chưa rõ ở làng xã nào, sinh con là Ngô (Tá) Nhật Dụ theo Nho học, làm Liễu tá trong Phủ đô hộ thời Bắc thuộc. Rồi đến Ngô Đình Thực là Hào trưởng, sinh Ngô Đình Mân, làm Châu mục Phong Châu, thời Khúc Thừa Hạo làm Tiết độ sứ. Đến Phong Châu đã cao tuổi, Ngô Đình Mân lấy bà Phùng Thị Tinh Phong, con gái Phùng Hải, cháu Bố cái Đại vương Phùng Hưng, sinh Ngô Quyền và Ngô Tịnh ở làng Cam Lâm, quận Đường Lâm (có thuyết nói rằng Ngô Quyền sinh ở làng Mía, nay là làng Mía, tức Thịnh Mỹ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Có thể xuất phát từ địa danh làng Mía, Thọ Xuân trùng tên với làng Mía, Đường Lâm). Ngô Tịnh sau làm Trấn thủ Kỳ Hoa, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), sinh ba trai, một gái, người làm Châu mục, người làm Tăng thống, người Hào trưởng,... đều thất truyền. Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (năm 897), mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (năm 944), hưởng dương 47 tuổi, mộ táng tại thôn Cam Lâm. Theo Quốc sử và văn bia lưu truyền, ở độ tuổi 20 cha mẹ đã từ trần, Ngô Quyền vào Châu Ái làm Nha tướng Dương Diên Nghệ, lấy con gái Dương Diên Nghệ là Dương Thị Như Ngọc, sinh Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Vân (có thuyết nói rằng, Ngô Quyền còn có hai người con nữa là Cần Hưng và Nam Hưng, khi Nam Kha cướp ngôi cho ở với mẹ). Ngô Quyền vào Châu Ái khoảng chừng mười năm, ra đánh Lý Khắc Chính rồi lại trở vào Châu Ái khoảng sáu, bảy năm. Lần thứ hai Ngô Quyền ra trừ Kiều Công Tiễn, đánh đuổi quân Nam Hán, làm Vua, đóng đô ở Cổ Loa. Con cháu kế tiếp ở Cổ Loa, đến năm 965 thì lui về ba nơi: Ngô Xương Xý về Bình Kiều, Thanh Hóa; Ngô Nhật Khánh về Đường Lâm, Sơn Tây. Cha con Ngô Nhật Chung, Ngô Nhật Minh về Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Đông.
Thiên sách vương Ngô Xương Ngập, vợ là Phạm Thị Uy Duyên, con gái Phạm Phòng Át ở Nam Sách, Hải Dương, sinh Ngô Xương Xý, Ngô Xương Tỷ. Ngô Xương Tỷ đạo hiệu Châu Lưu ở chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc (sau do kỵ húy Lê Lợi gọi trệch là làng Cát Lỵ thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa - nằm giữa thị trấn Cồng và ga Văn Trai). Chúng tôi được biết tin mộ của vị Đại sư này là một trong những ngôi tháp ở chùa Trấn Quốc (Hà Nội), tuy đã đến tìm nhưng chưa thấy. Ngô Xương Xý thất bại ở Bình Kiều, hai con trai, một là Ngô Xương Sắc lưu lạc ở vùng thượng du Châu Ái, sinh Ngô Tử Canh (thất truyền) và Ngô Tử Ân. Con cháu Ngô Tử Ân, Ngô Tử Vinh, Ngô Tử Uy, v.v… dần dần sa sút, 8 đời sau quá cùng cực. Ngô Rô về coi chùa ở Thiên Phúc, làng Thung, xã Đồng Phang, huyện Yên Định, Thanh Hoá vào cuối đời Trần. Đến đời Hậu Lê thì họ Ngô trỗi dậy, phát triển một cách kỳ lạ nên được giải thích rằng mộ táng vào đất phát (?!).
Người con thứ hai của Ngô Xương Xý là Ngô Ích Vệ tức Ngô An Ngữ, tuổi nhỏ chạy vào Châu Hoan. Khi Lý Công Uẩn lên làm Vua, ông ra làm một chức quan nhỏ là Sùng ban Lang tướng. Ông theo Vua Lý ra Thăng Long, ở phường Thái Hòa, Khán Sơn, lấy bà họ Hán, sinh ra Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt), Ngô Chương (tức Lý Thường Hiến) sau này. Nhà Trần thay nhà Lý, dòng họ Ngô sa sút, tuy nhiên vẫn giữ được nền nếp gia phong và ở nhà dạy học. Đến cuối đời Trần, ba anh em là Minh Đức (cha của Ngô Bệ), Minh Hiếu, Minh Nghĩa (cha của Ngô Diên Tố) đổi tên, đi mỗi người một nơi, những người khác không được ghi chép lại. Cũng từ đó mất quan hệ gia tộc năm sáu trăm năm, đến ngày nay mới tìm ra được mấy nhánh họ chạy lánh nạn. Đó là các nhánh họ: Họ Lạc Nghiệp: Một bà mẹ đổi tên là Bà Nồm đem con về Giao Thủy, Nam Định đến nay đã trên 20 đời, thành một nhánh họ lớn mấy ngàn người. Có bộ phận trở về quê cũ Nam Sách, Hải Dương trông coi từ đường, có bộ phận lên ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên và Sơn Dương, Tuyên Quang. Nhánh họ Ngọc Hà, Hà Nội phân chia về Vân Động, Đông Cao, Thái Bình. Nhánh họ Nhĩ Thượng ở huyện Gio Linh, Quảng Trị dọc bờ sông Hiền Lương có sáu, bảy ngàn nhân khẩu ở 6 xã, trong đó có ba xã có chữ Nhĩ, ba xã có chữ Hà, dần dà có gần ba ngàn người di cư vào Nam. Nhánh họ Bắc Biên, Gia Lâm, Hà Nội đang hương khói đền Lý Thường Kiệt. Dòng Ngô Xương Sắc ở Châu Ái, từ đời Hậu Lê trở đi là dòng phát triển mạnh nhất, càng di cư xa càng phát triển mạnh, có thể phát triển hơn cả dòng họ ở nguyên quán. Sau bảy, tám đời sa sút cùng cực, Ngô Tây ở coi chùa sinh hai con trai. Ngô Quỳnh con bà họ Nguyễn, lưu lạc sang huyện Vũ Thư, Thái Bình đến nay thành nhánh họ Minh Lăng có vài ngàn nhân khẩu. Con thứ là Ngô Kinh, con bà họ Trịnh, đi làm gia nô cho tù trưởng Lê Khoáng, lấy bà họ Lê (cô cháu với bà mẹ Lê Lợi) sinh bốn trai, một gái, giúp Lê Lợi khởi nghĩa. Cha con, ông cháu cả thảy thành bảy vị Công thần Khai quốc. Bước đột phát kéo dài suốt ba trăm năm triều Lê, nhân khẩu họ Ngô tăng nhanh. Ngô Từ sinh 11 trai, 8 gái là Ngô Lan, Ngô Nạp, Ngô Khế, Ngô Hộ, Ngô Thị Ngọc Dao,... Thời Lê sơ, những người họ Ngô di cư vào Quảng Nam và sinh sôi thành nhiều chi nhánh dòng họ, đến nay trên dưới 20 đời, tập trung chủ yếu ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, quan Đại thần của nhà Lê là Ngô Nhân Dũng không theo nhà Mạc. Đầu năm 1530, nhà Mạc trục xuất Ngô Nhân Dũng về quê ở xã Lý Trai, tổng Vạn Phần. Ông mai danh, ẩn tích lên hương ngàn (núi) Kẻ Ngọn ở với cháu là Ngô Phúc Tín. Người ta thường gọi là ông Trục, bà Trục, cùng với bố vợ là Lại Quận công Phan Công Tích trấn thủ tại Nghệ An, lập nghĩa quân phù Lê, diệt Mạc. Những người họ Ngô di cư theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị, Thừa Thiên nay có trên 30 nhánh họ, nhiều nhất là đất Huế và vùng lân cận. Những cuộc di cư do sa cơ trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1655 - 1680) vào vùng Quảng Nam, đến Bình Định, có người vào đến tận Châu Đốc, đến nay đã qua 14 - 15 đời. Ngoài ra, ở nhiều cuộc di cư lẻ tẻ do hiềm nghi chính trị của Chúa Trịnh hoặc các lý do khác, người họ Ngô chạy ra đất Mạc, phải đổi họ hoặc không tập trung vào Sơn Nam Hạ và Kinh Bắc, hình thành hai cụm lớn. Người đi theo quê mẹ cũng có, ghi chép không thể hết.
Nhìn chung lại, bất cứ cuộc di cư trong hoàn cảnh nào, đến địa bàn mới nào, thế hệ sau kế thừa thế hệ trước, họ Ngô thường phát triển mạnh hơn ở nguyên quán, đặc biệt là khi lập nghiệp thường dựa vào lưu vực các sông lớn nhỏ. Các chi họ Ngô phải đổi (cải) sang họ khác nay đã biết được có trên 10 chi họ là: Phạm, Trần, Nguyễn, Lê, Đỗ, Phan, Hoàng, Hoa, Văn, Vũ, Văn,... Các họ khác đã đổi sang họ Ngô được biết có: Họ Lê đổi sang họ Ngô ở Nguyệt Viên (Ngô Cao Lăng), họ Lê đổi sang họ Ngô ở Long Linh, Xuân Dục, họ Nguyễn đổi sang họ Ngô ở Tam Sơn,... Cũng có những nhân vật như Ngô Sỹ Liên, Ngô Tòng Chu chưa biết thuộc dòng nào.
Với một chiều sâu và chiều rộng quá lớn, phả ký thất lạc, mất mát quá nhiều, nay lập lại phả ký dòng họ Ngô thật là một việc làm vượt quá sức của một vài người, không sao tránh khỏi có nhiều thiếu sót. Dòng họ Ngô qua hàng ngàn năm lịch sử biến thiên, từ một cội, nảy muôn cành, không khỏi có cành cụt. Nhìn chung, đời này qua đời khác, con cháu nội cũng như ngoại, trai cũng như gái, nêu gương hiếu thảo, trung thực, đảm đang, một lòng vì nước vì nhà của Tiên tổ, qua thử thách giáo dục rèn luyện đã gìn giữ được truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đó cũng là một phần trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Theo Hoài Phong (Báo Nhân dân, số 44(509), ra ngày 01/11/1998).
CHÙA LƯƠNG, CẦU NGÓI
ĐẤT QUẦN ANH XƯA
Từ xa xưa không nhớ rõ thời gian nào, cụ Thượng thế tổ Ngô Long Thanh nhà ta cùng một số dòng họ khác khai khẩn vùng đất Quần Anh - phủ Thiên Trường (nay là huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và chọn vùng đất này làm chốn định cư.
Quần Anh nổi tiếng từ xưa,
Biển đình Phong Lạc, bia chùa Phúc Lâm.
Câu ca truyền đời nói đến một vùng đất mà cách đây 5 thế kỷ là cái nôi của cuộc khai hoang, lấn biển. Hồi đó, nơi đây có 4 ông tổ khai sáng các dòng họ lớn là: Họ Trần, họ Vũ, họ Hoàng, họ Phạm và 9 dòng họ khác từ khắp nơi tụ về sinh cơ, lập nghiệp. Trải qua bao gian nan, vất vả họ đã lập nên những xóm làng trù mật, phát triển trăm nghề, mở rộng địa bàn sinh sống để thành huyện Hải Hậu ngày nay.
Vùng đất Quần Anh xưa (lúc đầu mang tên Quần Cường ấp, có thời là xã Quần Phương) còn lưu giữ những giá trị văn hoá phong phú, mà tiêu biểu là cụm di tích lịch sử, văn hoá chùa Lương - cầu Ngói, là đình Phong Lạc có tấm biển mang 4 chữ do vua Lê ban tặng: “Mỹ tục, khả phong”. Chùa Lương - cầu Ngói đều nằm trên đất xã Hải Anh hiện nay. Lịch sử xây dựng chùa và cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển hơn 500 năm trước.
"Đây nơi Quần ấp
Dấu tổ tiên xưa
Chùa Lương, cầu Ngói
Đẹp như bài thơ."
Bốn câu thơ trên được chép trong “Quần Anh địa chí” phần viết về xã Thượng (tức xã Hải Anh ) đã phần nào thể hiện giá trị nhiều mặt của cụm di tích này.
Chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515) cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả, đời sống vật chất của dân cư dần dần ổn định, bốn ông tổ cùng các dòng họ khác dồn sức chăm lo đời sống tinh thần: xây dựng, đền chùa, bắc cầu, mở chợ. Chùa Lương lúc đầu có quy mô nhỏ đã trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng. Hàng chữ trên thượng lương khắc ghi “Dương hoà nguyên niên” (1634), bia khắc năm Chính Hoà thứ ba (1682) và bia khắc năm Chính Hoà thứ năm (1684) cho biết có việc tu sửa chùa, dựng hai dãy hành lang Đông, Tây, làm đồ thờ tự bằng đá,… Các bia có niên hiệu Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh, Cảnh Thịnh lại nói đến việc làm thượng điện, tiền đường, tam quan, nội các và tượng tam thế. Sang thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 chùa vẫn tiếp tục được tu sửa, có lần trùng tu lớn, đổi cả hướng chùa ra phía Nam.
Ngôi chùa hiện tồn tại có quy mô khá lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc dân tộc của nhiều thời đại, nhưng đậm nét vẫn là phong cánh của hai thế kỷ 17 và 18. Chùa dựng trên thế đất đẹp, thoáng. Trước chùa là hồ nước trong xanh, rộng hàng ngàn mẫu như tấm gương in bóng tam quan, “thiên thạch đài trụ”, cùng các cây cổ thụ,… càng tôn vẻ đẹp của tổng thể công trình. Khuôn viên chùa Lương có thể chia làm hai khu vực gắn bó chặt chẽ với nhau.
Những công trình quan trọng tập trung trong hai khu vực chính. Khu vực thứ nhất có tất cả 49 gian, bao gồm: Tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu đường và hai dãy hàng lang Đông Tây được liên kết lại theo nối giao mái, bắt vần, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hoà. Vật liệu xây tường, lợp mái được dùng là gạch Bát Tràng vuông, kích thước 30cm X 30 cm và ngói ta. Nổi bật hơn cả là tiền đường 5 gian, bảo lưu kiến trúc đậm đà thời hậu Lê. Công trình không vươn theo trục dọc (chiều cao) mà phát triển theo trục ngang (chiều rộng) nên có dáng thấp với mái ngói uốn cong mềm mại. Kiến trúc thực hiện theo kiểu: bẩy, kẻ, trụ non, câu đầu,... là thứ kiến trúc tiêu biểu của hai thế kỷ 17 và 18.
Khu vực thứ hai là chùa Lương, bao gồm nhà Tổ, “Quan âm các”, nhà khách, tăng phòng, nhà trọ, nhà bếp,… có tất cả 49 gian lớn, nhỏ cũng xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Phía Bắc chùa có hàng chục tháp mộ, gắn với tổng thể kiến trúc của ngôi chùa. Khách tham quan sẽ thấy rất thú vị trước giếng nước chùa Lương bởi sự độc đáo: Thành giếng được tạo thành bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp nên nhau. Nước giếng trong vắt, tinh khiết, vẫn thường dùng để đồ xôi, sửa lễ cúng Phật.
Tổng thể kiến trúc chùa Lương, đặc biệt ở khu vực chính đã thể hiện trình độ điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của những nghệ nhân dân gian. Tài nghệ ấy biểu lộ trên nhiều khía cạnh. Đó là việc tạo nên bộ khung của các hạng mục công trình, đảm bảo sự chắc chắn, độ bền vững qua nhiều thế kỷ mà vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát. Kỹ thuật lắp ráp, làm mộng mẹo ở trình độ cao, làm cho các thành phần kiến trúc được liên kết với nhau rất khít mộng, mặc dù ngôi chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa. Đó còn là tài nghệ trong việc tạo dáng các đầu đao, con kìm, trụ, đấu, con rường, bắp quả, cách gia công đường hoành, lá mái, soi chỉ, các góc,...
Nghệ thuật điêu khắc cũng rất đặc sắc. Trên các thành phần kiến trúc, nhất là các vì của toà tiền đường tập trung chạm khắc hình tượng con rồng với nhiều tư thế: rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thuỷ, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng bay, rồng vui đùa cùng cùng ngựa, chim, cá,... trúc hoa long. Nổi bật là hình ảnh “hổ phù” vừa oai phong vừa đẹp đẽ. Hổ phù chạm nổi. Câu đối chữ bay.
Câu đối chùa Lương được vễ khắc công phu, nội dung phản ánh lòng tự hào dân tộc của người Quần Anh, chẳng hạn như câu sau:
Khí sĩ thứ khâm sùng, bất tự Hán - Minh đế thuỷ.
Dữ kiền khôn trường tại, khởi ư Đường Hiến tôn chung.
Tạm dịch là:
Khởi sự sùng kính không phải từ thời Hán- Minh bắt đầu.
Cùng đất trời còn mãi, há phải đến thời Đường Hiến Tôn là hết.
Tượng Phật trong chùa được đặt trên hệ thống cầu sàn, tạo dáng sinh động gần gũi với đời thường. Các pho tượng có kích thước lớn như: A-di-đà, tứ vị Bồ tát, bát vị Kim cương, Hộ pháp,... càng thể hiện đậm nét phong cách và tài hoa nghệ thuật đương thời. Ngoài tượng Phật có giá trị nghệ thuật còn phải kể đến 3 pho tượng "Tam Thánh", tượng ông Tổ khai sáng, các khám thờ, tượng thờ khác,...
Hai dãy hành lang Đông, Tây là nơi lưu giữ một khối lượng lớn văn bia có giá trị về nhiều mặt. Tổng số có gần 40 bia, theo hình thức có thể chia làm hai khối: “Bia vuông tạc tượng, bia tròn ghi công”. Nội dung văn bia phong phú, ngoài các văn bia hậu ghi công sức đóng góp xây dựng chùa, văn bia còn ôn lại công lao khai sáng của 4 ông Tổ cho biết số lần trùng tu, nâng cấp ngôi chùa, quá trình khai hoang lấn biển và phản ánh nhiều mặt cuộc sống của nhân dân Quần Anh,... Với khối lượng văn bia nhiều như thế nên tiền nhân đất Quần Anh đã phân chia thành 3 nhóm để tiện tra cứu. Căn cứ vào niên hiệu đời vua, văn bia được dựng theo các nhóm: Nhóm bia đời Hồng Thuận, nhóm bia đời Chính Hoà và nhóm bia đời Cảnh Hưng.
Cầu ngói cách chùa Lương khoảng 100 mét, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa và gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích. Cùng niên đại xây dựng với chùa Lương, cầu Ngói mà nhân dân ta quen gọi là cầu Ngói chợ Lương (vì cầu ở liền chợ) là một trong số 10 chiếc cầu cổ nhất đất Quần Anh xưa.
Chín giáp (từ giáp nhất đến giáp chín) chỉ dựng cầu bằng đá, kiến trúc cũng đơn giản, mục đích là để đi lại thuận tiện. Còn giáp mười ở gần chùa, gần chợ, chốn đô hội của đất Quần Anh chỉ dựng cầu Ngói, khác biệt với cầu của chín giáp, không chỉ phục vụ cho giao thông mà đây thực sự là một công trình đặc sắc, xứng đáng được xếp vào một trong những chiếc cầu nổi tiếng của trấn Sơn Nam Hạ xưa mà câu ca còn nhắc: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài".
Theo đôi câu đối ở cầu thì tứ Tổ đã quan tâm xây dựng cầu ngay từ những ngày đầu khi tiến hành công việc khẩn hoang:
Lê Hồng Thuận tứ tính thuỷ mưu giá ốc biệt thành giang thượng lộ.
Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp dư lương y cựu kính trung đề.
Nghĩa là:
Đời Hồng Thuận (1509-1515) bốn họ tính kế dựng nhà trên cầu thành đường trên nước.
Đời Khải Định thứ bảy (1922) tu sửa nhu cũ, từng bậc xếp nên gương.
Buổi đầu, cầu Ngói chỉ là chiếc cầu mái ngói đơn sơ. Về sau mới tu sửa cầu nâng quy mô để hợp với cảnh chùa Phúc Lâm. Lần trùng tu lớn vào năm 1922 làm cho cầu không còn giữ được vẻ nguyên vẹn phong cách kiến trúc thế kỷ 17, song vẫn là một di tích có kiến trúc độc đáo trên đất Sơn Nam Hạ (Nam Định ngày nay). Cầu vắt ngang qua sông Hoành, chảy dọc đất Quần Anh xưa. Kiểu dáng cầu thuộc loại “Thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Các cụ già ở địa phương thì gọi là “Thượng gia, hạ trì” (trên là nhà, dưới là sông nước). Cầu dựng trên 18 cột đá vuông, mỗi cạnh 35cm, xếp thành 6 hàng cột, để gánh 6 vì cầu, đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm, nâng sàn cầu, nhà cầu. Sàn cầu được thiết kế làm hai phần rõ rệt. Phần sàn của lòng cầu rộng 2 mét, gồm nhiều thanh gỗ lim ghép lại, nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gỗ ngắn hơn vuốt tròn cạnh, tạo thành nhiều gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân. Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng uốn cong theo thành cầu. Phía trong hành lang cũng được ghép ván. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ, con song,... Hành lang là nơi khách bộ hành có thể dừng chân, ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước, làng quê. Đặc biệt việc thiết kế nhà cầu đòi hỏi trình độ nghề nghiệp cao.
Để tạo thành 9 gian nhà cầu, tất nhiên phải cần 10 vì xà cột làm theo lối kiến trúc cổ của dân tộc. Hệ thống xà dầm bố cục chặt chẽ nâng trọn 40 cột cái, cột quân, cấu kiện chủ lực của nhà cầu. Các vì kèo, 36 xà dọc, thượng lương, xà ngang, xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui,... đều được gia công tỉ mỉ, đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, khiến bộ khung vừa cong, vừa uốn lượn, khít xà, ăn mộng. Mái ngói được lợp rất khéo không bị xô, không dột. Người thợ tài hoa xưa đã đạt yêu cầu này nhờ sáng tạo ra kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp tựa con rồng đang bay.
Tuy các mảng trạm khắc không nhiều và có phần đơn giản chỉ bằng các hàng soi, đường chỉ ở các vì kèo, các con bảy, hàng xà, ván bưng tạo hình con bướm, đầu con song tạo dáng lá đề cũng thể hiện tài hoa của nghề mộc cổ truyền đất Quần Anh. Đáng chú ý là hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng khá đẹp lại đề 4 chữ “ Quần Phương xã kiều” (cầu xã Quần Phương). Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm. Ý nghĩa đặt 4 con nghê ở đây được câu ca dân gian hé mở: “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.
Cầu Ngói, một công trình kiến trúc cổ độc đáo đã là đề tài ca ngợi của nhiều thi sĩ xưa nay, như đôi câu đối trên cầu cho thấy:
Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách.
Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thu thư tiên.
Nghĩa là:
Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi.
Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên.
Người Quần Anh tự hào vịnh về cầu Ngói:
Ba ngả dòng sông, ngói lợp cầu.
Công lao từ trước một mai đâu.
Quần Anh non nước xem như vẽ.
Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu.
(Còn tiếp...)