Nguồn gốc Tổ tiên
1. Không phải là họ Mạc đổi sang
Theo sắc phong hầu của đức Tổ dưới thời Lê Trung hưng: Thủy Tổ Phạm Viết Trù có công dẹp Mạc ở Đàng Ngoài hoặc cả Nguyễn ở Ðàng Trong. Tuổi thanh niên của Ngài ước chừng vào cuối đời Lê Thế Tông (1573-1599) nên Ngài có công dẹp Mạc Mậu Hợp (1562-1592). Lúc này, con cháu Mạc chưa phải đổi họ và Thủy Tổ ta đã mang họ Phạm rồi.
Mặt khác, căn cứ vào các tài liệu về họ Phạm gốc Mạc thì chưa thấy bóng dáng Họ ta. Cuốn Họ Phạm ở Nghệ Tĩnh từ gốc Mạc Cao bằng lưu hành quãng 1979-1980, không có Họ Phạm ta. Cuốn Các chi phái họ Mạc do Mạc Lương Sơn (Hoàng Cao Quí) biên tập 9-1998, trang 26 chỉ ghi chi họ Phạm Văn ở Thanh Long, Thanh Chương cùng họ tên người liên lạc không phải Họ ta. Cuốn Mạc Tộc phả do Mạc Hoài Hương (Phạm Tú) biên soạn 4-1997 ở trang Thời kỳ đổi họ ở Yên Thành Nghệ An tuyệt nhiên không có họ Phạm. Ðiều đó chứng tỏ rằng: họ Phạm vốn có ở Yên Thành không từ gốc Mạc.
Chúng tôi nghĩ rằng, họ Phạm ta rất có thể là một nhánh nhỏ, hậu duệ rất rất xa đời Thủy Tổ là danh tướng Phạm Tu (476-545) là Thượng Thủy Tổ họ Phạm Việt Nam.
2. Tổ ta Từ Đông Thành chuyển vào có hai anh em. Một ông là cụ Võ Sơn hầu, còn một nhánh nữa thế nào?
Can Tả - Hương cống Phạm Khắc Sinh là con thứ hai của cụ Hương cống (Cử nhân) Phạm Bá Thiêm (1710-1768). Ðược thụ chức Giảng dụ [Huấn đạo?] nên các đời sau gọi cụ Cống Phạm Bá Thiêm là Can Giảng Dụ. Can Giảng Dụ là con cả can Sinh đồ (Tú tài) Phạm Viết Bình (1672-1736).
Ngày xưa, hai cụ đi đò dọc qua bến Thanh Ðàm (nay là xã Nam Tân, Nam Ðàn). Qua đây, hai cha con các cụ có trò chuyện với nhau về nguồn gốc Tổ tiên. Can Tả chép lại như sau:
Xưa, tiên công ta (tức là cụ Giảng Dụ) đi thuyền với cụ thân sinh qua bến Thanh Ðàm. Cụ nói với cụ Giảng Dụ rằng:
- Tổ ta từ huyện Ðông Thành đến đây hai anh em. Một ông vào ở làng này. Một ông vào ở giáp Thọ Sơn, thôn Ðịa Linh, xã Hoàng Xá tức vị Thủy Tổ ta ngày nay.
Về nguồn gốc họ Phạm ta - họ Phạm Ðức ngày nay - ở xã Hoàng Xá nay là xã Thanh Long và Thanh Hà (huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong bản dịch chữ Hán của mình, ông Phạm Ðức Lệ (1906-1986) viết:
Sách xưa chép: Tổ ta quán ở huyện Ðông Thành. Ðến vùng này có hai anh em. Một ông vào Bích Triều, thôn Ðặng Xá. Một ông vào xã Quảng Xá, thôn Ðịa Linh, giáp Thọ Sơn là ông Thủy Tổ ta ngày nay.
Một ông vào ở làng này thì chắc ai cũng hiểu rằng ông anh hoặc ông em Thủy Tổ ta - cụ Tổ này đã vào sinh cơ lập nghiệp ở làng Thanh Ðàm này - phải không? Ðến đây, chúng tôi suy nghĩ theo hai hướng:
1- Một ông vào làng Bích Triều thôn Ðặng Xá ấy chính là cụ Tổ đã vào làng Thanh Ðàm. Thế là cụ đã dời từ Nam Ðàn về Thanh Chương? Nếu vậy, tiện nhất, cụ đã theo đường thủy ngược sông Lam lượn qua quãng núi Ðụn, núi Trăm,... qua xã Nam Thượng, Nam Ðàn bây giờ rồi đổ lên bến đò Phuống xã Bích Triều, nay là xã Thanh Bích, Thanh Giang của Thanh Chương (hữu ngạn sông Lam). Hai anh em cụ Tổ bấy giờ chỉ cách nhau dăm sáu ki-lô-mét là cùng mà sao không còn dấu vết gì về một họ Phạm ở Phuống có quan hệ khăng khít với họ Phạm ở xã Quảng Xá ta? E không đúng vì cụ Tú Bình (đời 4), cụ Cử Thiêm (đời 5) còn nhắc tới cụ lên ở đất Thanh Ðàm (Nam Ðàn) kia mà?
Cho nên nói Sách xưa chép: Một ông vào làng Bích Triều thôn Ðặng Xá sợ rằng mức độ chính xác không cao. Vả lại, xuôi làng Thanh Ðàm (xã Nam Tân) sát bờ sông Lam xưa cũng có thôn Ðặng Xá của xã giáp giới với Nam Tân. Liệu có nhầm lẫn giữa hai thôn trùng tên này khi chép lại không?
2- Chúng tôi nghĩ cụ Tổ này không về Bích Triều, Thanh Chương mà rất tin vào cụ Tú Bình là cháu 4 đời phải biết về người anh em của cụ Cố Võ Sơn hầu mình rất rõ, hiểu thật tường tận ngọn ngành mới dám chỉ bảo cho con là cụ Cử Thiêm khi qua bến Thanh Ðàm.
Vậy cụ Tổ này sinh cơ lập nghiệp ở làng Thanh Ðàm, xã Nam Tân (xã này bỏ bờ sông dời vào núi có lẽ đầu 1979). Phải chăng cụ là Thủy Tổ họ Phạm ở Thanh Ðàm mà hậu duệ là ông đề-lại Phạm Hưng? Hậu duệ cụ Tổ này có thể có một chi họ ở xã Nam Ðông? Nghe nói ở xã này có rất nhiều người mang họ Phạm Viết. Lại có thể là hậu duệ của cụ đã vượt Nam Ðàn qua Ðức Thọ (Hà Tĩnh) để lập nên họ Phạm Khắc bên đó? Hỏi chuyện một ông giáo giòng họ Phạm Khắc này, ông ta nói cụ Phạm Khắc Hòe đã đi đối chiếu gia phả nói rằng cụ Tổ gốc Yên Thành, cũng là cụ Phạm Tướng công.
Thủy tổ tự xưng: Khắc Trù chính thức là ta! Vậy đức Tổ Phạm Viết Trù còn có tên là Phạm Khắc Trù? Hậu duệ của Ngài ở đời 6 có Hương cống Phạm Khắc Sinh cùng 5 con trai (đời 7): Phạm Khắc Cảnh, Phạm Khắc Xương, Phạm Khắc Huồng, Phạm Khắc Phong, Phạm Khắc Thông. Biết đâu cụ Tổ lên ở đất Thanh Ðàm cũng mang họ Phạm Viết và Phạm Khắc mà hậu duệ ở Hà Tĩnh đã mang họ Phạm Khắc. Chuyến hành hương ra Yên Thành tìm họ, người đầu tiên cần gặp là nhà giáo hưu trí Phạm Khắc Hiệu gần ngã ba Công Thành mang họ Phạm Khắc - xem ra gần gũi với họ ta?
Ấy là chút lòng gửi lại là gợi cho con cháu tìm hiểu về cội nguồn Tổ tiên. Phải kịch liệt chống mê tín dị đoan và hiểu thật đúng thế nào là duy tâm, thế nào là mê tín dị đoan thì ta mới chống được triệt để.
Chúng tôi không muốn con cháu tin vào điều thần bí vừa kể mà chỉ muốn con cháu biết suy ngẫm, nghiên cứu để có những hiểu biết đúng đắn về những điều bí ẩn đó. Vả lại, phép đồng cốt cũng gặp nhiều sai lầm khi có vong linh bất hảo nhập vào đồng nói vu vơ những điều nhằm thỏa mãn bản ngã cá nhân. Bởi vì bình sinh họ sống đầy dục vọng, ham mê danh lợi chức quyền nên giờ đây họ hay tự xưng là đấng này đấng nọ phán bảo lung tung.
3. Tiên Tổ ta ở Cao Xá, Đông Thành và là cụ Phạm Thập?
Hai phần trên là của tiền nhân nhắn nhủ con cháu. Theo lời dạy, dựa vào một số địa danh chúng tôi tìm kiếm thông tin trên mạng, đồng thời kết hợp giữa sự mách bảo tâm linh và phân tích thông tin để tìm về nguồn:
Quẻ bói Đồng Phẩm
Ngày 21 tháng 11 niên hiệu Khải Ðịnh thứ 2 (1917)
...
Cũng vì thất thác Tổ tông,
40. Tổ ta vốn ở Chu Ðông định Thành.
Tuấn Ðức, Thịnh Khánh phân minh,
Phạm Thập, Phạm Khả gia thanh một dòng.
Phạm Quảng gặp vận hưng long,
Sinh hạ nam tử anh hùng tổng Cao.
45. Cao Xá, Tuấn Ðức vừa triều,[vào triều]
Nào là những Võ Sơn hầu ly tha.
Trên đôi văn hội [đồi Vân Hội] khai cơ,
ở thôn Minh Ðạt đa đinh sang giàu.
Sinh con kẻ trước người sau,
50. Bốn chàng mở mặt theo nhau một đoàn.
Cha con buổi ấy làm quan,
Gặp cơn biến loạn cô đơn... tàng.
Cha con ông cháu đa mang,
Tới vào Quảng Xá, Thanh Chương cũng vừa.
55. Chỉ còn một con thứ...[nam]
Lúc ấy hãy còn...[đang ấu] thơ
Nau [Nay, Nên] ở lại làng Ðạt còn mong,
Sinh hạ con...[cháu] bóng tùng rạng xuân.
Hướng thượng ...[kẻ] xa người gần,
60. Chẳng biết tiên tổ công ...[đầu] khai cơ.
Cao Xá, Tuấn Ðức cũng vừa,
Cháu con đã phát đại khoa vui mừng.
Phạm Trạch nay buổi trung hưng,
Có chi Phượng Lịch hiển dương kế thừa.
65. Phạm Sĩ, Phạm Phẩm quan gia,
Nghĩ như tộc thuộc hằng hà tử tôn.
Thanh Nghệ nhiều kẻ thịnh phồn,
Phi chỉ Quảng Xá nhất môn ta rày.
...
Căn cứ vào Quẻ bói, trước hết để xem những câu từ 40 đến 68 có đúng không. Ðồng thời cũng là một cách để loại trừ những nhánh họ Phạm ở Ðông Thành nào không cùng dòng Họ Phạm chúng ta để co hẹp phạm vi, để có thể tìm đúng nguồn gốc.
Nguồn thông tin quý báu từ trang web Họ Phạm Việt Nam (www.hopham.org), tôi tìm được địa danh Phượng Lịch, từ bài viết về bà Tú Lường của bà Phạm Thị Sâm (Ban liên lạc họ Phạm - Phượng Lịch). Bà Sâm đã nhiệt tình cung cấp tư liệu cho tôi về các nhánh họ Phạm có nguồn gốc từ Linh Kiệt (Xưa là Tuấn Ðức đến đời Tự Ðức phải đổi tên) gồm: Linh Kiệt, Mai Các, Phượng Lịch, Thịnh Mỹ (trước là Long Khánh, đến Gia Long đổi Thịnh Khánh rồi đến Ðồng Khánh đổi thành Thịnh Mỹ), Phú Hậu, Phú Ðông, Tiền Song. Bà Sâm giới thiệu tôi đến ông Phạm Năng Khiêm (thuộc chi Linh Kiệt - Ðại tôn). Qua thông tin của ông Khiêm, bà Sâm chúng tôi được biết:
Theo gia phả họ Phạm Linh Kiệt:
Theo cuốn Sơ thảo lịch sử huyện Diễn Châu vào thời Lý Trần, một số dòng họ Ðàng Ngoài thuộc phạm vi quan lại quý tộc vào diễn châu khai hoang, lập ấp như: ... ông Phạm Thập vùng Cao Xá (Diễn Thành, Diễn Thịnh), v...v...
Vào cuối thời Trần (1226-1400), cụ Phạm Thập là một quan lại quý tộc từ Ðàng Ngoài vào Diễn Châu khai hoang lập ấp và trở thành tiên tổ của Họ Phạm Linh Kiệt, mở đầu cho dòng họ Phạm ở Diễn Châu. (Có thể cả vùng Nghệ An-Hà Tĩnh?)
Phả hệ tóm lược như sau:
Cụ ông Phạm Thập và cụ bà Cao Thị Bến sinh 4 người con:
- Phạm Phiếu, sinh 2 con:
+ Phạm Liêu
+ Phạm Khả, sinh: Phạm Nhân Hội, Phạm Nhân Hiền, có con cháu 12 chi. Hiện nay gia phả họ Phạm - Linh Kiệt chỉ ghi hậu duệ cụ Phạm Khả, các nhánh còn lại không có ghi chép gì.
- Phạm Nhi
- Phạm Quảng
- Phạm …
Đối chiếu những thông tin từ gia phả Họ Phạm-Linh Kiệt với quẻ bói Ðồng Phẩm chúng tôi thấy:
· Các địa danh: Cao Xá, Tuấn Ðức, Thịnh Khánh, Phượng Lịch là có thật.
· Các vị: Phạm Thập, Phạm Quảng, Phạm Khả, Phạm Trạch đều là người họ Phạm – Linh Kiệt. Còn Phạm Sỹ, Phạm Phẩm thì chưa xác định được.
· Cụ Phạm Khả là cháu nội cụ Phạm Thập, đúng câu 42: Phạm Thập, Phạm Khả gia thanh một dòng.
· Câu 43, 44: Phạm Quảng gặp vận hưng long,/ Sinh hạ nam tử anh hùng tổng Cao: Có thể Thủy tổ Võ Sơn hầu là hậu duệ của cụ Phạm Quảng chăng?
· Cụ Phạm Quảng chính là con thứ 3 của cụ Phạm Thập, nhưng tiếc thay ngoài nhánh cụ Phạm Khả các vị còn lại không có ghi chép gì. Nguyên do là đời con cháu của cụ Phạm Thập sống trong giai đoạn nhà Minh đô hộ, rồi khởi nghĩa Lam Sơn, nhiều người tham gia nghĩa quân (cụ Phạm Khả- khoảng 20 tuổi tòng quân chưa có tên, đánh thành Khả Lưu có công trạng được Lê Lợi đặt tên) còn người ở nhà thì ly tán do chiến tranh. Mà chúng ta có gốc Ðông Thành nên tìm xem các nhánh họ Phạm còn lại ở Diễn Châu và ở Yên Thành xem sao?
· Câu 55-58: Phải chăng Thủy Tổ còn có người con út ở lại quê Đông Thành?
· Câu 62, 63: Cháu con đã phát đại khoa vui mừng./Phạm Trạch nay buổi trung hưng; Theo ông Khiêm thì ông Phạm Trạch chính là Phó bảng Phạm Xuân Trạch đỗ khoa Nhâm Tuất 1862.
Trước hết hãy tìm xem xã Vân Hội, làng Ðạt thế nào? Theo ông Nguyễn Ðổng Chi viết trong cuốn “Ðịa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh” của NXB Nghệ An in năm 1995 có viết ở trang 35:
Trăng thu sông Bùng (Bùng giang thu nguyệt). Sông bắt nguồn từ một cái đầm ở xã Vân Hội, chảy đến thôn Phùng Xá xã Tiên Lý, dần dần rộng ra, do đó gọi là sông Bùng, chỗ này có đường thiên lý. Vào mùa thu trăng sáng, mặt sông phẳng lặng, ánh sáng tỏa trên mặt nước lăn tăn, vừa đẹp vừa tình tứ.
Do đó đầu nguồn của sông Bùng có một cái đầm, thuộc xã Vân Hội. Như vậy ở câu 47-48: Trên đôi văn hội [có thể: đồi Vân Hội, doi Vân Hội] khai cơ, Ở thôn Minh Ðạt đa đinh sang giàu.
Có thể cha con cụ Võ Sơn hầu gốc Ðông Thành nhưng làm quan ở vùng nào đó (có thể là Cao Bằng - liên quan cụ Cao Bình quận là con thứ 2?), khi gặp biến động chính trị đã đưa con cháu về Quảng Xá. Cần tìm hiểu thêm thông tin về núi Võ Sơn, một địa danh gắn liền với Thủy Tổ.
Thời cụ Võ Sơn hầu ở cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17; cách cụ Phạm Thập khoảng hơn 200 năm. Nếu cụ Võ Sơn hầu thuộc dòng cụ Phạm Thập thì sẽ là cháu 5-7 đời.
Tóm lại theo tâm linh thì cụ Võ Sơn hầu là dòng cụ Phạm Thập. Nhưng chưa có tài liệu nào ngoài quẻ bói nói về điều này. Như vậy việc tìm kiếm vẫn tiếp tục phải đa phương đa diện. Hãy kiểm tra lại các nơi ở Diễn Châu, Yên Thành; tập trung vào Vân Hội, Công Thành, Phúc Thành... Ðồng thời xem thông tin về các dòng họ Phạm Khắc, Phạm Viết có cùng thời, cùng hoàn cảnh như dòng cụ Phạm Khắc Hòe (ông tổ họ này làm quan trong triều, thấy tình hình chính trị ảnh hưởng đến dòng họ nên đưa con cháu về lập nghiệp ở Hà Tĩnh).