Bà Phạm Thị Quyền - Vợ ông Nguyễn Văn Luy - sinh tháng Giêng (chưa rõ ngày) năm Bính Tý (1936), là con gái út trong gia đình có 4 anh em, con ông Phạm Văn Đá (sinh năm 1894, mất ngày mùng Một tháng Tư năm Canh Dần, nhằm ngày 17-5-1950) và bà Trần Thị Hiệp (sinh 1900, mất ngày mùng Ba tháng Tám năm Mậu Ngọ, nhằm ngày 04-9-1978). Họ Phạm này hiện nay do ông Phạm Kim Châu, con trai trưởng ông Phạm Kim Oanh (anh ruột bà Quyền) ở làng Chế Nhuệ, xã Tình Cương làm trưởng họ.
Trình độ văn hoá: Học hết lớp 6/10 phổ thông niên khoá 1954 - 1955, sau đó Bà Quyền tiếp tục học hàm thụ (bổ túc) hết Cấp 3 (hệ 10/10).
Trình độ nghiệp vụ: Tốt nghiệp Sư phạm sơ cấp khoá 1955 - 1956, sau đó bà tiếp tục học hàm thụ và tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Vĩnh Phú (Sư phạm 10+2) khoá 1980 - 1982. Bà là một trong số rất ít phụ nữ làm nghề dạy học ở huyện Cẩm Khê thời kỳ cuối những năm 50 thế kỷ XX. Bà là giáo viên Tiểu học (Cấp 1) từ năm 1956 tại nhiều địa phương thuộc các huyện: Hạ Hoà, Phù Ninh và Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Trong những năm ông Nguyễn Văn Trường đi cải tạo vì bị quy oan là địa chủ cường hào, bà Quyền đã thường xuyên động viên ông Luy vượt qua khó khăn gian khổ, cùng nhau đi học để trở thành người thầy giáo.
Bà Quyền kết hôn với ông Luy ngày 04 tháng 4 năm 1961 (ngày 24 tháng Hai năm Tân Sứu) tại Phòng Giáo dục huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông bà sinh hạ được 5 người con (3 trai, 2 gái), tên là:
1. Nguyễn Nhật Minh, sinh ngày 11 tháng 4 năm 1962 (Nhâm Dần).
2. Nguyễn Anh Tuấn, sinh ngày 09 tháng 7 năm 1964 (Giáp Thìn).
3. Nguyễn Thị Tú Anh, sinh ngày 17 tháng 4 năm 1967 (Đinh Mùi).
4. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, sinh ngày 07 tháng 12 năm 1979 (Kỷ Dậu).
5. Nguyễn Phi Long, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1972 (Nhâm Tý).
Ông bà có một người con kết nghĩa tên là Trần Văn Miện, sinh năm 1972, là con ông Trần Văn Miễn và bà Nguyễn Thị Liên, người làng Hanh Cù, cùng xã Tình Cương. Vào mùa nước ngập năm (?) trong lúc đi vớt củi trôi trên sông Thao, ông bà đã cứu được Trần Văn Miện đang trong cơn nguy ngập do bị lật thuyền. Từ đó, hai gia đình đi lại giao kết nghĩa tình và Trần Văn Miện xin nhận ông bà là cha mẹ kết nghĩa.
Gần 30 năm làm nghề dạy học bà Quyền đã được Nhà nước tặng thưởng:
+ Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hạng Nhì (1987).
+ Huy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục (1995).
Bà Quyền nghỉ hưu năm 1984, ở nhà làm vườn và trông coi Từ đường Họ Nguyễn (Ngô) Bính chi Tứ phái, làng Chế Nhuệ. Bà quy y làm Phật tử với Pháp danh là Diệu Thần, thường tham gia Phật sự tại chùa Tình Cương.
(...) |
Ông Nguyễn Văn Luy là con trai duy nhất (còn sống sót) của ông Nguyễn Văn Trường (Đường) và bà vợ cả Lê Thị Bồi. Lúc còn nhỏ sức khoẻ ông Luy vốn rất yếu, ông Trường đã "bán" - một hủ tục mê tín - cho Nhà thờ Giáo xứ Yên Tập, huyện Cẩm Khê. Do đó, ông có tên Thánh là Giuse Nguyễn Văn Luy. Trong thời gian dạy học ông lấy tên là Nguyễn Luy và có khai lại giấy tờ sinh năm 1938 để có điều kiện được đi học tiếp.
Trình độ văn hoá: Tốt nghiệp cấp 2 phổ thông (lớp 7/10) Trường Tư thục Phan Bội Châu (Thanh Ba, Phú Thọ) niên khoá 1955 - 1956. Sau đó ông Luy tiếp tục học hàm thụ hết Trung học (hệ bổ túc).
Trình độ nghiệp vụ: Tốt nghiệp Sư phạm sơ cấp Khu Tự trị Việt bắc, khoá 1956 - 1957. Sau đó, ông Luy tiếp tục học và tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú, khoa Ngữ Văn, khoá 1978 - 1981.
Trong những năm ông Nguyễn Văn Trường đi cải tạo vì bị quy oan là địa chủ cường hào, ông Luy đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, vừa tự kiếm sống, vừa đi học để nâng cao kiến thức, trong điều kiện bị chính quyền quản chế và xã hội đương thời phân biệt. Được bà con cô bác, dân làng, bạn bè và nhiều người tận tình giúp đỡ, cộng với sự cố gắng vượt bậc của bản thân, ông Luy đã vượt qua tất cả và phấn đấu trở thành người thầy giáo.
Ông Luy không hề kể chuyện về mình, nhưng đã có không ít bà con, cô bác và bạn bè ông đã kể nhiều câu chuyện về sự cố gắng vượt khó của ông. Những ngày ông đi học, trong điều kiện bị quản chế, chính quyền không cho con địa chủ vào học trường công, ông phải sang Thanh Ba học trường tư thục Phan Bội Châu. Ngoài giờ học ông thường cắt tóc cho bạn, kiếm rau dại qua bữa, không dám nhận lời mời ăn của bạn bè. Thỉnh thoảng, ông lẻn về làng trong đêm tối tìm sự giúp đỡ áo cơm của mẹ và bà con cô bác. Nhưng mẹ thì bị quản chế, cha đang đi cải tạo, cuộc sống hết sức khó khăn. Giữa lúc này, vợ chồng ông Khanh bà Quyền, vợ chồng ông Căn bà Luỹ và một số người khác trong làng đã bí mật giúp đỡ ông, khi thì ít gạo, lúc vài bắp ngô, dăm ba củ sắn, củ khoai,... Thường thì những loại "lương thực" này được giấu ở một bụi cây nào đó. Gần sáng, ông tìm đến "điểm hẹn" lấy đem đi rồi bơi qua sông Hồng sang Thanh Ba học.
Ông Luy được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam ngày 05 tháng 4 năm 1961, chính thức ngày 15 tháng 5 năm 1963. Mặc dù đã "bán" cho Nhà thờ Giáo xử Yên tập, nhưng ông Luy không theo tôn giáo nào, không mê tín, chỉ thờ tổ tiên ông bà theo phong tục Việt thuần tuý.
Ông Nguyễn Văn Luy vào nghề dạy học từ ngày 01 tháng 10 năm 1957 tại Ty Giáo dục tỉnh Cao Bằng, thuộc Khu Tự trị Việt Bắc. Trong suốt 30 năm làm nghề dạy học, ông đã có 28 năm liền giữ chức vụ Hiệu trưởng các trường phổ thông cấp 1 và cấp 2, trường trung học cơ sở, trường bổ túc văn hoá,... tại nhiều địa phương. Ngôi trường đầu tiên ông làm giáo viên, rồi làm Hiệu trưởng là Trường Phổ thông Cấp 1 (nay là trường Tiểu học) xã Chi Lăng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trải qua nhiều nơi công tác là các trường cấp 1, cấp 2 ở huyện Phù Ninh và huyện Cẩm Khê, Trường Bổ túc cán bộ huyện Cẩm Khê, nơi làm việc lâu nhất là Trường phổ thông cấp 2 Đông Phú và Trường phổ thông cấp 1 Phú Khê, huyện Cẩm Khê. Trường phổ thông cấp 2 Tình Cương, quê hương ông, là nơi công tác cuối cùng trước khi ông nghỉ hưu ngày 01 tháng 3 năm 1987.
Từ khi nghỉ hưu, ông ở nhà làm vườn và trông coi Từ đường Bính chi Tứ phái Nguyễn (Ngô) tại làng Chế Nhuệ, xã Tình Cương. Ông là người đã có nhiều cố gắng dày công tìm tòi, nghiên cứu với nhiều tâm huyết vào việc tìm kiếm, dựng lại cuốn Gia phả này đồng thời quy tụ dòng họ Nguyễn (Ngô) ở làng Chế Nhuệ, tạo sự đoàn kết và sinh hoạt dòng họ từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Chỉ tiếc rằng do Gia phả gốc của cả dòng họ và Gia phả của các chi khác bị thất lạc, điều kiện thu thập gặp nhiều khó khăn và ông bị bệnh hiểm nghèo "ra đi" quá sớm nên những ước nguyện của ông chưa trở thành hiện thực.
Về khen thưởng: Ông Luy đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
+ Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hạng Nhì (1986).
+ Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (1995).
+ Nhiều loại bằng khen, giấy khen các cấp.
+ Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (Truy tặng).
Ông Nguyễn Văn Luy bị mắc căn bệnh ung thư vòm họng, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn III, mặc dù gia đình, vợ con, anh em họ mạc, bạn bè, học trò cũ gần xa hết lòng tìm cách cứu chữa, nhưng đã quá muộn. Ông ra đi về cõi vĩnh hằng vào giờ Mùi, ngày 12 tháng Giêng năm Canh Thìn (tức là ngày 16-02-2000), hưởng thọ 65 tuổi. Phần mộ ông Luy đã được cát táng ngày 20 tháng Mười năm Giáp Thân (2004) và xây tại khu vực giữa xứ Gò Nội, làng Chế Nhuệ, xã Tình Cương, huyện cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Vợ và các con cùng lập mộ.
|