VIỆC THỜ PHỤNG TỔ TIÊN:
Thờ phụng ông bà tổ tiên là tập tục có ý nghĩa nhất của người Việt Nam. Thờ ông bà tổ tiên không phải là tôn giáo và cũng không phải là tín ngưỡng. Bởi vì: Tôn giáo thì phải có giáo chủ, có người hành đạo, truyền đạo, tu sỹ và phải có các cơ sở hành đạo, như: chùa chiền, nhà thờ,... Tín ngưỡng thì có thể tin hay không tin trước một thuyết lý tôn giáo. Thờ ông bà không thể không tin trước những con người có thật, đã sống thật sự và lưu truyền lại huyết thống. Ông bà tổ tiên là những con người hữu hình chứ không phải vô hình như các đấng thiêng liêng trong các tôn giáo. Vì vậy, thờ phụng ông bà tổ tiên là hành động xác tín nơi những con người có thật và thể hiện quyết tâm của con người về lòng tin nơi Tộc họ của mình. Do đó, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu gia đình, dòng họ cũng phải dành riêng một chỗ trang trọng nhất để làm bàn thờ, thờ phụng tông tổ, ông bà, cha mẹ mình.
Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Những người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Đã hiếu với cha mẹ thì phải hiếu với ông bà tổ tiên, tức là nguồn gốc của mình. Lúc ông bà, cha mẹ còn sống, thì con cháu phải phụng dưỡng, phải tuân theo những lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ và phải lựa ý chiều chuộng, ăn ở sao cho ông bà, cha mẹ được hài lòng. Khi các cụ "trăm tuổi", thì ngoài việc lo ma chay chôn cất chu đáo, con cháu phải thờ cúng người đã khuất cũng như thờ cúng các bậc tiền nhân về trước.
Thờ cúng ông bà tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng, giỗ, tết,... Thờ phụng ông bà tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ,... đã khuất. Bỏ tổ tiên ông bà, không thờ phụng tức là quên nguồn gốc. Huống chi ông bà là những người đã sinh dưỡng cha mẹ và cha mẹ đã sinh dưỡng mình. Đạo hiếu là lửa thiêng đã hun đúc tinh thần gia tộc, "Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên". Từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành và cả đến khi đã luống tuổi, con cháu không một ngày xao lãng đạo làm con. Chữ hiếu là của báu, mất của báu ấy như là mất hạnh phúc. Các con còn cha còn mẹ, còn được phụng dưỡng là niềm vui sống và là một vinh hạnh. Cha mẹ mất sớm, con cháu không được phụng dưỡng là "Đại bất hạnh". Con cháu có điều kiện mà xao lãng việc phụng dưỡng cha mẹ hoặc làm điều không tốt, để tiếng xấu đến ông bà, cha mẹ thì dù ông bà, cha mẹ còn sống hay đã khuất đều là tội "Đại bất hiếu". Con cháu mà kiện tụng ông bà, cha mẹ là "Can danh phạm nghĩa". Ông bà, cha mẹ chết nhưng chưa mãn tang thì con cháu không được chia gia tài.
Ngày xưa, Bính chi Tứ phái Nguyễn (Ngô) đã có một ngôi Tổ miếu đặt tại chính mảnh đất có Từ đường Chi nhánh họ ta hiện nay. Nhưng do thời thế thay đổi, ngôi Tổ miếu này đã bị phá dỡ từ lâu (?!). Nhà trưởng có đặt bàn thờ các cụ Cao Tổ khai sáng Chi nhánh họ nhà ta là "Bính chi Tứ phái Nguyễn (Ngô) bản chi từ đường". Đây chính là nơi thờ phụng các đời của Chi nhánh họ ta kể từ đời ông Nguyễn Đăng Độ về sau. Mảnh đất có Từ đường Chi nhánh họ ta hiện nay đã trải qua quá trình lịch sử lâu đời "đầy máu và nước mắt", trong đó có công sức đóng góp của cả họ nội và họ ngoại, mà nhiều đời nay chúng ta là con, cháu, chắt,... được thừa hưởng. Do vậy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không ai được bán hoặc sang nhượng cho người họ khác. Các đời con cháu nối tiếp nhau có nghĩa vụ vun đắp mãi cho mảnh đất này thêm giàu đẹp, xứng đáng là nơi thờ phụng Bính chi Tứ phái Nguyễn (Ngô) họ ta. Nếu điều kiện kinh tế và thời thế cho phép thì cháu chắt cùng nhau đoàn kết một lòng gom góp xây dựng lại ngôi Tổ miếu với lòng thành tâm thờ cúng các bậc tiền nhân đã khai sáng Chi nhánh họ nhà ta, cũng như gom góp vào việc xây dựng, sửa sang nhà thờ chung cho cả Tộc họ và mộ cụ Thủy tổ. Vì lòng thành kính ông bà tổ tiên, mỗi gia đình con cháu cũng nên lập một bàn thờ cha mẹ, ông bà để cúng vọng trong những trường hợp ở xa không thể về được.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con.
Bất cứ người nào trong Chi nhánh họ ta, dù già trẻ, sang hèn, giàu nghèo, trình độ cao thấp ra sao cũng đều phải có trách nhiệm với việc họ. Đây là một vấn đề trọng yếu của mọi tông môn mà tất cả những ai có tấm lòng thờ phụng ông bà tổ tiên, giữ gìn đạo hiếu đều phải hằng tâm suy nghĩ. Muốn lo được việc họ, các thế hệ con cháu phải đồng lòng hợp tác với nhau, động viên đùm bọc lẫn nhau, chung sức đóng góp công lao vào những việc công ích của dòng họ, nhất là những việc về tâm linh, thờ phụng. Lo việc họ, thờ phụng ông bà tổ tiên, trọng huyết nhục tình thâm và kế thừa lễ nghĩa, đạo đức gia phong là một ý thức tự nguyện. Không đợi ai giao việc, mỗi người cần thể hiện bằng tâm thức trách nhiệm của mình trên tinh thần vô tư, khách quan, tự nguyện. Chỉ có trái tim và khối óc điều khiển con người mình, không cần ai khuyết dụ, giảng thuyết.
Một vài cá nhân sai lầm không thể là chủ trương của cả họ. Một cây cổ thụ thể nào cũng có cành nhánh nhỏ khô héo và bị gãy lìa trước cơn giông bão. Một vài nhánh cành hư hỏng ấy không thể là biểu trưng cho cả cây cổ thụ.
Nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, khát vọng lớn nhất của cả dòng họ ta là tất cả các con: trai, gái, dâu, rể; các cháu, chắt nội, ngoại đáp lại bằng sự mở mang trí tuệ, trau dồi nhân phẩm đạo đức, giữ đúng Đạo làm Người và mãi mãi làm rạng danh cho dòng họ Nguyễn (Ngô) nhà ta.
"CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC".
Nhắc công đức cao dày đời trước,
để bồi thêm tài lực về sau.
Mong sao con cháu khuyên nhau:
suy sâu, nghĩ kỹ: Vì đâu có mình?
Kính dâng lên cả tấm lòng thành. (...)
* Hoành phi đại tự tại Từ đường Nguyễn (Ngô) Bính chi Tứ phái, làng Chế Nhuệ:
"ĐỨC THỤ PHỤ GIA"
* Câu đối tại Từ đường Nguyễn (Ngô) Bính chi Tứ phái, làng Chế Nhuệ:
TỔ CÔNG TÔN ĐỨC THIÊN NIÊN THỊNH.
TỬ HIẾU TÔN HIỀN VẠN ĐẠI XƯƠNG.
(...)
...***...