Cụ Lâm Văn Đình, Đời thứ 6, Hiệu Ôn Nhã, thị Chỉ Trai Lâm Tiên Sinh, sinh năm Bính Tý 1816, Cụ đỗ TÚ TÀI tại khoa thi "Hoàng Nam Bính Ngọ Ân khoa" năm 1846 (năm Thiệu Trị thứ 6).
Ngày 1 tháng Tám năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (23/9/1843) Cụ tập hợp Gia phả các chi tộc từ 5 đời trước và viết nên cuốn Gia phả họ Lâm bằng chữ Nho, các đời sau Tộc trưởng căn cứ theo sổ đinh mà ghi chép thêm những người mới được sinh ra.
Khoảng những năm 1960, Cuốn Gia phả họ Lâm được Cụ giáo Dương, thân sinh bà Thảo phu nhân của Ông Lâm Văn Dậu, dịch ra chữ quốc ngữ.
Theo trong Gia Phả thì Cụ Lâm Văn Đình có dựa theo tục lễ các đời trước, quy định công việc sinh hoạt họ tộc, khuyên răn học chữ học nghề, quy định việc cúng tế các ngày húy nhật, lễ, tết hàng năm.
Cụ dành ra 2 sào ruộng để cúng tế Họ. Ngày tế họ Lâm là ngày 14/7. Ruộng họ (trước cửa nhà bà Độ) tồn tại đến những năm 1960, sau phải đưa vào HTX và mất luôn từ đó.
Cụ cũng dành 3 sào ruộng để cúng Giỗ Cụ. Còn các tài sản khác Cụ giao cho con trưởng quản lý và chi dùng cho việc cúng tế các ngày húy nhật, lễ tết trong năm : Cúng Giao thừa, Cúng Mồng Một, Cúng Rằm tháng Giêng, Cúng Tết Đoan Ngọ 5/5, Cúng Giỗ trong năm. Ruộng cúng Giỗ Cụ sau này Họ bán lấy tiền làm lại nhà thờ. Sau này, việc tu sửa nhà thờ do tất cả con cháu đóng góp.
Vườn nhà Cụ trích 1/3 cho con trai thứ hai Cụ Lâm Văn Chiểu (nay là vườn Ông Giản, Bà Phú), còn 2/3 cho con trưởng Lâm Như Cánh và Từ đường (Nhà thờ). Con trai thứ ba Lâm văn Từ (Cố Tráng) đã có Bà Thứ thất lo đầy đủ.
Hiện nay, Hội đồng Gia tộc Họ Lâm, quy tụ cả 2 nhánh họ của Cụ Lâm Văn Hoàng và Cụ Lâm Văn Ngôn (bị thất lạc từ đời thứ 3 đã tìm lại được), đang tiến hành soạn thảo bổ sung những quy định sinh hoạt họ tộc trong tình hình mới hội nhập và phát triển. Mong sớm được trình bày lên đây cho bà con họ tộc biết rõ.