TỘC ƯỚC – GIA PHÁP TỘC ƯỚC
- Mỗi một người sinh ra đều có tính cánh riêng suy nghĩ và cách sống khác nhau.
Có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” nhưng con cháu chúng ta trong một dòng họ vẫn có cái gì về mặt tâm linh như có sự ràng buộc ta thường gọi là “Huyết tộc” Từ ngàn đời xưa ông cha chúng ta cũng có những quy ước, ước lệ, tục lệ dựa trên những đặc điểm chung của từng dòng họ, nhằm mục đích để bảo vệ nhau, che chở nhau trong cuộc sống, chống lại thiên tai, kẻ thù, bảo ban nhau phát huy lẽ sống có tình ngườI, tình bà con làng xóm để đi đến cái đích là: Làm người. Những quy định ở trong họ người ta gọi là Tộc ước. Nói đến tộc ước thì mọi người phải tự giác thống nhất thực hiện. Nếu thực hiện tốt sẽ đem lại quyền lợi chính đáng cho mọi người, cho con cháu trong dòng họ.
- Tộc ước trước hết phải dựa vào những văn bản pháp quy căn cứ vào luật pháp, hiến pháp của nhà nước.
Sau nữa là những quy định, tục lệ của dòng họ mà các cụ xưa đã làm, nhưng có những lệ rất hay và cũng có những lệ chưa hay chưa phù hợp với thời cuộc với thời đại văn minh nhất là trong công nghệ thông tin, nhưng cũng cần để phân tích, chứng minh được những ước lệ ngày xưa có được, do đâu? Vì đâu? Cũng như chúng ta đang tìm ra vì sao lại có “ các nhà ngoại cảm” Vậy chúng ta chỉ nên “Mê tín” chứ không nên “dị đoan”muốn có những ước lệ mà trong họ đề ra cũng cần hiểu rõ ngọn ngành một chút để nhằm phù hợp chung điều kiện của mọi người. Với những quyền lợi tương lai của con cháu, nâng cao được chất lượng của đời sống trong gia tộc cộng đồng, xã hội. Ví như: Việc lập bàn thờ vọng, bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thần linh, ai làm và nên làm như thế nào? Đơn giản và đầy ý nghĩa, tôn kính mà đầy sự giáo dục các thế hệ. Hiếu nghĩa
- Còn mấy đời tống giỗ:
Nếu theo gia lễ “Ngũ đại mai thần chủ” hễ đến 5 đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc dần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ, ông khảo.Thực chất chỉ có 4 đờI tức là làm giỗ cha mẹ (Đời 2), Ông bà ( Đời 3), Cụ ông cụ bà (Đời 4)và kị (Hay can đời 5), cao hơn kị gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa, mà rước chung tất cả thủy tổ, tiên tổ các đời vào chung một nhà thờ mỗi năm tế một lượt thần chủ còn cúng cha mẹ gọi là hiền khảo, hiền tỷ. Đến khi người con trưởng chết, cháu đích tôn cúng ông bà đối thần chủ là hiền tổ khảo, hiền tổ tỷ đến lướt cháu trưởng mất, chắt trưởng tiếp tục thờ cụ là hiền tằng tổ khảo (Hoặc tỷ) chắt trưởng thờ kị là hiền cao tổ khảo (Hoặc tỷ) sau 5 đời thì rước vào nhà thờ tổ rồi chôn thần chủ đó đi. Trong nhà thờ tổ chỉ để duy nhất có một ngôi thần chủ cao nhất (Thủy tổ hoặc tiên tổ bậc cao nhất của nhà thờ chi đó) gọi là “Vĩnh tế thần chủ" Theo nghĩa cửu tộc (9 đời) cao,tằng, tổ,phụ ( 4 đời trên) thân mình, tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn ( 4 đời dưói mình) Như vậy có 4 đời làm giỗ (Cao, tằng, tổ, phụ) tức là: Kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ. Từ “Cao” trở lên gọi là tiên tổ thì Không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thủy tổ. Nếu theo (Ngũ đại Mai thần chủ) thì cũng hợp lý nhưng con cháu trong họ ngày càng đông, mặc dù có “HộI đồng tộc biểu” trong họ bầu ra nhưng không thể hiểu hết được cụ thể rõ ràng từng người một mà phải có ghi chép cụ thể từ dưới lên chủ yếu là trích giản tiểu sử từng người đưa vào phả của gia tộc dòng họ để tế giỗ chung ở tổ đường.
- Kể từ đờI thứ 9 khoảng năm 1900 trở lai đây chữ Quốc ngữ trở thành thông dụng hầu như trong họ tộc không còn
mấy ngườI thông thạo Hán Tự (Chữ nho chữ nôm) cho nên tất cả những văn bản, chữ nghĩa nên dùng chữ Quốc ngữ và những từ ngữ đã Việt hóa kể cả câu đốI để cho mọI ngườI con cháu sau này dễ hiểu dễ đọc.
- Việc cúng giỗ: Ngày xưa theo âm Hán là “Húy Nhật” hay “Kỵ Nhật” tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cùng có nghĩa là ngày kiêng kỵ, nguyên ngày trước “Lề giỗ” gọi là “Lễ chính kỵ” trước hôm giỗ lại có lễ “Lễ tiên thường” (Nghĩa là nếm trước) Sau này quá phức tạp tự bỏ, mà chỉ cúng vào ngày chết lễ chính kỵ lại theo ngày âm lịch . Không cứ theo “Trẻ dôi ra già co lại” như tục lệ cũ mà nay cúng giỗ đúng vào ngày chết, cũng có thể lui lại hoặc trước một hai ngày để vào ngày nghỉ con cháu về được đông đủ (Mục đích để kỷ niệm người sống với người đã qua đời, chủ yếu giỗ ở các gia đình chi nhánh) nhưng phải được thông báo trước. Việc ghi lại ngày tháng năm cúng giỗ ngày âm nhưng cũng ghi lại ngày tháng năm dương lịch.
- Những tài sản nhà thờ, đồ thờ, ruộng vườn ao chuôm của các cụ để lại cho dòng họ, con trưởng hoặc người thay thế có nghĩa vụ giữ gìn tu sửa, tổ chức hương khói cúng giỗ…lấy thu lợi trong hương hỏa để lại để chi tiêu trong các ngày rằm ngày giỗ, nếu không đủ thì bổ đầu người từng nhà đóng góp tùy theo cúng giỗ người có liên quan trong chi họ, ngành họ, phái họ để đóng góp.
- Con trưởng, trưởng tộc, trưởng chi, trưởng ngành… không được tự ý, bán, cầm cố chia cát tài sản hương hỏa của tổ tiên để lại. Đối với tộc họ phải được sự nhất trí của hội đồng Tộc biểu, ở các chi nhánh phải được sự đồng ý của các anh em họ hàng trong gia tộc.
- Trường hợp chết yểu cúng giỗ thế nào?
Có hai trường hợp:
+ Những người chết đã đến tuổi thành thân thành nhân, nhưng khi chết chưa có vợ con, hoặc mới có con gái, chưa có con trai hoặc có con trai nhưng ít lâu sau con trai cũng chết trở thành “Phạp tự” (không có con trai nối dõi) những người đó có cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu con trai của anh hoặc em ruột được lập làm thừa tự, người cháu thừa tự được hưởng một phần hoặc toàn bộ gia tài của người đã khuất, sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.
+ Những người chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi tùy theo tục lệ địa phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ theo tiên tổ gọi chung trong các bài văn cúng các bặc tiên gia là: “Phụ vị thương vong tòng tự”. Không đặt linh vị từng vong hồn. Những người đó không có lề giỗ riêng, ai có cúng giỗ chỉ là ngoạI lệ, có những gia đình bữa nào cũng xơi thêm một bát cơm một đôi đũa đặt bên cạnh mâm coi như người thân còn sống trong gia đình, điều này không có trong gia lễ nhưng thuộc vào tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất.
- Trưởng tộc, trưởng họ mất thì con cháu của họ thay thế tiếp nhận, nếu không có con trai thì em thứ của trưởng họ, trưởng tộc kế vị cứ thế tuần tự kế tiếp.
- Trong họ cần nhắc nhở con cháu giữ gìn thuần phong mỹ tục, nâng cao học vấn , nâng cao chất lượng cuộc sống tránh các tệ nạn xã hội, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, yêu trẻ kính già, đề cao chữ hiếu. Không phân biệt, sang hèn, giai cấp, giới tính, tôn giáo để biết mình từ đâu mà có, dòng họ bà con cuộc sống ra sao.
Quy tụ ở 5 nội dung của đạo làm người mà Khổng Tử đã nêu ra là: Nhân, Nghĩa, Lễ,Trí, Tín. Hồ Chí Minh bổ xung thêm: Dũng. Sách Hoài Nam Tử có câu: “Cái gì cũng biết nhưng đạo làm người không biết, như vậy chưa phải là người hiểu biết.”
- Ngoài những lời ghi lại tiểu sử từng người trong gia phả cũng cần ghi lại trong “tài sản hương hỏa” của gia tộc: Những gương sáng, những tính cách, hành trang đặc biệt, những công đức đối với làng xã họ hàng, những lời dạy bảo đời sau ( di huấn) những lời di chúc, nhưng đôi câu đối, những áng văn chương hay những bài thuốc gia truyền vv…Đó là những tài sản quý giá của con cháu trong gia tộc để lại cho đời sau
- Những tài sản trong họ đóng góp ủng hộ, công đức, đều ghi năm tháng nên tính ra giá trị tiền theo giá vàng thời điểm đó kể cả những việc làm công đức ủng hộ cho các nơi làng nước mà là người trong họ Lưu An Áo cũng cần ghi lại để lưu cho đời sau.