Họ Nguyễn ở nước ta đã có từ lâu, trải dài suốt cả lịch sử dân tộc và phân bố trên toàn bộ lãnh thổ đất nước. Sử ký Tư Mã Thiên có ghi: đời nhà Thương (1766 – 1123 trước Thiên Chúa) tại vùng Kinh Châu, thuộc huyện Kinh xuyên, tỉnh Cam túc có một nước nhỏ tên là Nguyễn. Đến đời Chu, khoảng năm 1136 trước Thiên Chúa, nước này bị Chu Văn Vương diệt, những người sống sót phải ly tán và lấy tên nước làm tên họ. Về sau con cháu họ Nguyễn lấy quận Trần Lưu thuộc phủ Khai Phong làm nguyên quán.
Còn trên đất nước ta vào thời kỳ Bắc thuộc, đời Mục đế nhà Đông Tấn (năm 533), có Nguyễn Phu làm thứ sử Giao Châu. Theo gia phổ họ Nguyễn ở Hoằng hóa – Thanh hoá thì con cháu Nguyễn Phu ở lại đất Giao châu, truyền đến Nguyễn Bặc, quê ở Đại hữu, Gia viễn, Ninh bình là Thái tể dưới triều nhà Đinh nước ta. Hiện nay ở thôn Vân hà, xã Gia phượng còn ngôi mộ phát tích của họ Nguyễn trước đời Nguyễn Bặc. Chúng ta hiện chưa thể xác định được nguồn gốc xa của tổ tiên, nhưng điều có lý là họ Nguyễn phải tiến dần từ Bắc vào Nam theo sự phát triển của đất nước. Bởi vậy nhiều nhánh họ Nguyễn ở nước ta, cũng như ở Nghệ An, đều nhận Thái tể Nguyễn Bặc là thủy tổ của họ mình.
Về dòng họ Nguyễn Kẻ Đìn, căn cứ vào gia phổ còn truyền đến nay thì thủy tổ chi họ ta là Nguyễn văn Khôi, hiệu Bột hải quân, dòng dõi của Tiến sĩ Nguyễn văn Thông. Trong bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Quí Mùi, niên hiệu Quang Hưng năm thứ sáu, năm 1583 đời Lê Thế Tông (1573 – 1599) , có ghi: Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Nguyễn văn Thông, xã Hương cái, huyện Hưng nguyên. Bia hiện còn ở Văn Miếu Hà nội. Bà thủy tổ chi họ ta hiệu là Tế dương quận, dòng dõi của Trạng nguyên Đinh Bạt Tụy. Trong bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình năm thứ sáu, năm 1554 đời Lê Trung Tông (1548 – 1556), có ghi: Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân Đinh Bạt Tụy, xã Bùi khổng, huyện Hưng nguyên. Bia hiện còn ở Văn Miếu Hà nội.
Đời Lê trung hưng (1533 – 1788) hai ông bà Nguyễn Văn Khôi, từ làng Kẻ ngòi hạ, xã Hương cái tức làng Hạ khê, xã Hưng tây, huyện Hưng nguyên ngày nay, di cư vào làng Kẻ Đìn tức Ngọc điền, thuộc thị trấn Hưng nguyên bây giờ, lập thành họ hàng.
Họ ta cũng có chi nhánh ở huyện Hoằng hoá, Thanh hoá, trước đây đã có bà con về nhận họ. Vậy họ ta có lẽ cũng là một bộ phận họ Nguyễn di cư từ phía bắc vào, gần là từ Hoằng hoá vào Hưng tây rồi vào Kẻ Đìn. Điều này chỉ cho ta hướng có triển vọng đi tìm dấu vết tổ tông xa xưa: đi ra phía bắc, trước tiên là Hưng tây và Hoằng hóa. Từ đó sẽ truy tìm xa hơn. Mong rằng tất cả chúng ta, những người trong dòng họ Nguyễn Kẻ Đìn từng bước tích cực đi tìm gốc tích tổ tông và nhất định có ngày chúng ta tìm được.
Giải thích mấy chữ nho thường dùng trong gia phổ:
• Tiên linh:Sách có chữ tiên tử giả vi tiên linh, nghĩa là người chết trước gọi là tiên linh, như thế khỏi tiếm mà lại đúng nghĩa.
• Chính thất : Vợ chính
• Kế thất : Vợ kế
• Trắc thất : Vợ lẽ
• Thủy tổ khảo: Ông tổ đầu
• Thủy tổ tỷ : Bà tổ đầu
• Cao tổ khảo : Can ông
• Cao tổ tỷ : Can bà
• Tằng tổ khảo: Cố ông
• Tằng tổ tỷ : Cố bà
• Hiển tổ khảo: Ông
• Hiển tổ tỷ : Bà
• Hiển khảo : Bố
• Hiển tỷ : Mẹ
• Bá: Bác
• Thúc: Chú
• Cô: O