Bài Đề Tựa
Bản dịch năm nhâm dần (1950)
(Có sửa lại)
Mở sách cổ xem thấy câu “ Phú quý phong lưu, Vương, Tạ, Đào, Nguyễn” thì biết họ Tạ đã có tiếng tăm từ thuở xa xưa.
Mở phả ký xem, thấy công phu khai thác, sự nghiệp hiển hách của Tiên Tổ, thì biết họ Tạ ta, từng đã là một lệnh tộc danh gia vậy.
Xét dấu tích ghi trong phả ký, thì xa nhất chép cụ Thiện Tình, thế kỉ thứ 15. Tính đến nay đã trải hơn năm trăm năm, với ngót hai mươi thế hệ. Từ cụ Thiện Tình, kinh qua năm đời tu nhân tích đức, đến cụ Phúc Miên mở đầu con đường sỹ hoạn, con cụ thi đậu Tiến Sỹ, cháu cụ thi đậu Hoàng Giáp, chắt cụ lại thi đậu Tiến sỹ. Bảng vàng, bia đá của triều đình, câu đối của Vua ban thời ấy, cùng với tên tuổi công huân ghi trong sử sách, chẳng đã phản ánh rõ ràng đó sao! Đến đời hàng chắt cụ là Tạ Đăng Liêm, trước tình hình rối ren của đất nước, đã chuyển sang võ nghiệp, thi đậu Tạo sỹ.
Ngần ấy đời khoa danh hiển hách, làm cho tiếng tăm họ Tạ , bốn cõi vang lừng.
Thời xưa vang bóng thơm danh, kẻ làm con cháu nay hưởng phúc thừa, há chẳng nên luôn luôn tưởng vọng, mà sùng bái muôn thu ư!
Bọn hậu duệ chúng ta, mỗi khi mở xem phả ký, chắc chắn đều không khỏi tự hào vì có ông cha làm nên sự nghiệp, mà dư ba còn vang vọng đến bây giờ; nhưng cũng có điều băn khoăn, vì chưa nối được vết xe tiền nhân làm cho dòng hõ mỗi ngày thêm rạng rỡ, mà đành tạm nhủ lòng “ Hưng, Suy, Bĩ, Thái vốn là định luật muôn đời của tạo hóa”.
Cũng do suy nghĩ vậy, nên Tôn, trưởng trong họ, bàn bạc đem phả ký dịch ra quốc âm, ghi chép rõ ràng trình tự thế thứ, đối chiếu niên đại với lịch dương, khiến cho người xem dễ hiểu dễ nhớ, để phả ký của họ Tạ có thể phổ cập. Trong họ ai cũng biết được gốc tích, lai lịch của mình.
Biên dịch lại phả ký, ý nghĩ của người chủ trương không ngoài hai mục đích:
Một là để truy niệm công ơn sự nghiệp của Tiên Tổ, tỏ lòng ngưỡng vọng.
Hai là mong mỏi ở hậu thế, xem phả biết noi gương cố gắng, làm cho họ được quang vinh thịnh đạt, lưu truyền lâu dài.
Đại phùng ngày 14-10-1950
(4-9-Canh Dần)
Người dịch
Thịnh Dương
PHẦN MỘT
CHÍNH PHẢ
Mục A
Truy đoạn
( Tìm về nguồn cội) Chép từ đời Sinh đồ Tạ Đăng Đệ trở về trước gồm 5 thế hệ.
Căn cứ vào cách xưng hô dùng trong bản chữ Hán, thì biết được rằng cuốn phả ký này do Nho sinh Tạ Đăng Đạt viết, vì tác giả gọi Tiến Sỹ Tạ Đăng Vọng là “ Khảo”, gọi Sinh đồ Tạ Đăng Đệ là “Tổ”, phần truy cứu chép được bảy đời trở về trước tính từ đời tác giả. Bốn đời không còn nhớ tên húy. Ngày kị và phần mộ cũng không thật đầy đủ. Trình tự được ghi lại như sau:
+ Cao cao cao tổ, tên tự là Thiện Tình, sinh năm Ất mão (1475)
Tỉ tên hiệu là Từ Ân
Khẩu truyền đã từ lâu, húy, kỵ, phần mộ không còn nhớ được.
+ Cao cao tổ , tên tự là Phúc Tính, sinh năm Nhâm Tuất (1502) giỗ ngày 21 tháng 4
Tỉ tên hiệu là Từ Ái
Mãnh tên tự là Tảo Thanh, giỗ ngày 14 tháng 2
Cô tên hiệu là Khánh Tiết, giỗ ngày mùng 10 tháng 3.
Cô tên hiệu là Từ Dĩ, mất khi mới 7 tuổi
+ Cao tổ, tên tự là Đạo Toàn, tên hiệu là Thuần Trung, sinh năm Canh Dần(1530) Giỗ ngày 16 tháng 7. Mộ táng tại quan điền, xứ đông Tháp bói, địa phận thôn Đông Khê, tọa khôn thân, hướng cấn dần ( đông bắc, đông đông bắc) Ngôi mộ này được truyền lại là ngôi mộ phát tích. Cả họ hàng năm tu bổ trông nom gìn giữ. Ngày 23 tháng 10 năm Kỷ Tị (20-11-1989)trong họ đã hoàn thành việc xây vỉa toàn bộ chu vi bằng gạch trên dựng bia mộ chí “ Tạ Đăng Tộc Tự Tổ” ( mộ tổ Họ Tạ Đăng) bằng chữ Hán.
Tỉ tên hiệu là Từ Tại, giỗ ngày mùng 8 tháng 10. Mộ táng tại xứ Đông Thành, địa phận xã Thụy Ứng, ruộng nhà Tạ Viết Yến, tọa dậu, hưởng mão (Chính đông).
Mãnh tên tự là Tảo Hóa, giỗ ngày 22 tháng 9.
+ Tằng tổ , tên tự là Phúc Hoằng, sinh năm Tân Dậu (1561) giỗ ngày mùng 8 tháng giêng
Tỉ tên húy là Thị Nhân, tên hiệu là Từ Nghự sinh năm Bính Dần (1566) giỗ ngày 24 tháng 11. Mộ táng tại Xứ Đồng Thế, ruộng chùa thuộc địa phận xã Phượng trì.
Mãnh tên tự là Tảo Trực, giỗ ngày 27 tháng 7.
Cô tên hiệu là Dung Thịnh, giỗ ngày 18 tháng 5.
Cô tên hiệu là Xuân Hoa, giỗ ngày mùng 5 tháng 8.
+ Tổ , tên húy là Đăng Đệ, tên tự là Đại Đạo, tên hiệu là Phúc Miên, sinh năm Nhâm Dần (1602) niên hiệu Hoằng Định năm thứ 2 đời vua Lê Kính Tông, thi đậu Sinh đồ, mất ngày 22 tháng 3 năm Quý Hợi (1683) hưởng thọ 82 tuổi. Mộ táng tại xứ Cổng Giặc, thôn Đoài Khê, mão long tốn hưởng (Đông Nam) được truy tặng phong Quang Tiến Thân Lộc Đại Phu, Quang Lộc Tự Tự Thừa, Phượng Hải Nam.
Tỉ tên húy là Thị Ít, tên hiệu là Từ Uyên, sinh năm Tân Hợi (1611) mất ngày mùng 5 tháng 5 năm Quý Sửu (1673) hưởng thọ 63 tuổi, được phong tặng Nhụ Nhân. Mộ táng tại xứ Đồng Thế, địa phận xã Thụy Ứng, ruộng nhà Nguyễn Ngưu, mão long đinh hưởng ( Tây Nam) Sinh hạ được 6 người con:
- Tạ Thị Sâm sinh năm Kỷ tị (1629) tên hiệu là Từ Bích, lấy chồng họ Phạm sinh ra Phạm Minh Thân, làm Xã Chính. Phạm Minh Thân sinh ra Phạm Minh Luân.
- Tạ Đăng Liêm, sinh năm Tân Mùi (1631) hành trạng xem ở phần sau.
- Tạ Thị Hòa, sinh năm Đinh Sửu (1637) tên hiệu là Từ Thiện, lấy chồng họ Bùi tên là Phúc Sơn, sinh ra Bùi Thị Thông, Bùi Văn Đốc, tục gọi là cậu Thẩn, đứng trưởng chi họ Bùi này. Giỗ ngày 13 tháng 2.
- Tạ Thiên Phú, sinh năm Canh Thìn (1640) hành trạng xem ở phần sau.
- Tạ Đăng Vọng, sinh năm Giáp Thân (1644) hành trạng xem ở phần sau.
- Tạ Thị Dù, sinh năm Đinh Hợi (1647) lấy chồng người làng tên gọi thường là cậu Tư, sinh ra Văn Hiên, Thị Hoan. Văn Hiên sinh ra Văn Thuấn, tục gọi là nhà Hiệp.
Trở lên là 5 đời trực hệ tóm tắt như sau:
- Thiện Tình sinh được 2 trai là Phúc Miên và Tảo Thanh ( mất sớm) 2 gái là Thanh Tiết và Từ Dĩ.
- Phúc Tính sinh được 2 trai là Đạo Toàn và Tảo Hóa ( mất sớm)
- Đạo Toàn sinh được 2 trai là Phúc Hoằng và Tảo Trực ( mất sớm) 2 gái là Dung Thịnh và Xuân Hoa.
- Phúc Hoằng sinh được 1 trai là Phúc Miên.
- Phúc Miên sinh được 3 trai là Tạ Đăng Liêm, Tạ Thiên Phú và Tạ Đăng Vọng, 3 gái là Tạ Thị Sâm, Tạ Thị Hòa và Tạ Thị Dù.
Gia Thổ
Về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, thì các thế hệ nói trên đã chọn xứ Mã Giác ( tục gọi là Mả Nước) làm nơi cư ngụ, có lẽ là Khu vườn Cửa Khâu, gần xóm Thủ, trước cửa Đình Đông Khê bầy giờ. Trong khu vực đó, trước cách mạng còn có Gò Táo là trung tâm của dãy bờ lũy bao quanh di chỉ.
Cũng từ thời gian đó, đã lưu truyền lại một bài thơ viết theo lối chữ “Lệ” kiểu “Vũ Kiếm”. Câu, kệ mang tính chất sấm thi bình dị, chiết tự khó hiểu nguyên văn dịch âm Việt như sau:
“ Nam Việt khôi tinh xuất.
Phụng Đài xã, Mã giác thôn, Tung thiên phủ huyện.
Phụng đài, Mã giác, hương trung quí,
Phượng hàn thư huyện, Quốc uy thiên.
Chốn thân ngôn tạ ngọc nữ tình,
Phi Y nhật mạo mã đâu linh.
Thiên duyên tiền định cao thâm chí,
Địa linh nhân kiệt tự tôn vinh.
Tung hoành tam giới phu tử trọng.
Bao la tứ hải trạng nguyên danh”.
Tạm dịch nghĩa.
Có một ngôi Khôi tinh xuất hiện ở Nam Việt, thuộc địa phương thôn Mã Giác, xã Phụng Đài, Phủ huyện Trung Thiên.
Đây là bạc hiển quý trong hương Mã Giác, xã Phụng Đài, huyện Phượng hàm thư, cõi trời Quốc Oai.
Tấc thân gửi lời tạ tình với ngọc nữ,
Ngày ngày lấy vạt áo che đầu, ngóng chờ tiếng nhạc ngựa rung.
Duyên trời do đấng cao xanh định đoạt
Khôn lường trước được,
Đất linh thiên, người hào kiệt, con cháu hưởng vinh hoa.
Đáng trọng vào bậc thầy, bậc trạng, đứng đầu khoa bảng, tung hoành ba cõi, bao la bốn biển.
Chú thích:
- Mã giác là âm Hán của từ Mả nước,
- Phụng đài là tiếng lái của từ Đại Phùng.
- Phượng hàm thư huyện là Huyện Đan Phượng.
- Quốc uy thiên là phủ Quốc Oai.
- Thốn thân ngôn la chiết tự chữ “Tạ”, chỉ họ Tạ của hương phó Phúc Hoằng.
- Phi Y là chiết tự chữ “Bùi”, chỉ họ Bùi của Hương trưởng Sùng Nhương.
- Hai ông được một nhà phong thủy cắm hướng đất cho nơi để mộ Tổ của hai họ sau lại cùng nhau kết làm thông gia.
Nội dung bài thơ cho biết địa danh cư ngụ của hai dòng họ, tình thông hiếu giữa hai họ và tiên đoán tương lai con cháu sẽ làm nên sự nghiệp lớn.
X
X X
Tư liệu này vốn không chép trong phả ký, tương truyền là một bài “Sấm thi” của nhà phong thủy khi làm đồ họa ngôi mộ Tổ đã viết nên và tặng lại Phúc Hoằng. Gần đây tìm thấy chính bản. Vậy nên sao lục để tiện đường xem xét.
Mục B
Quá Vãng.
Mục này chép ba dòng hậu duệ của Sinh đồ Tạ Đăng Đệ.
Dòng trưởng chép được đến đời thứ ba.
Dòng thứ hai cũng chép được đến đời thứ ba.
Dòng thứ ba chia làm hai chi. Chi trưởng chép được đến đời thứ 5.
Các thế hệ sau của những dòng này phiêu tán trong lửa binh loạn lạc, không có căn cứ để truy cứu được nữa.
Chi thứ của dòng 3, hậu duệ còn lưu truyền đến nay, sẽ chép đặt riêng vào mục C.
Các dòng I, II, III kể trên, lần lượt được trình bày theo thứ tự như sau:
Dòng I
Con trai trưởng của Sinh đồ Tạ Đăng Đệ tên là Tạ Đăng Liêm, tên hiệu là Phúc Sủng sinh năm Tân Mùi (1631) sinh hạ được 2 người con là:
- Tạ Đăng Phụ, có tên là Trọng , tên hiệu là Tòng Thiện, tên hiệu là Phúc Diên, sinh năm Kỷ Hợi (1659) , thi đậu Sinh đồ, giỗ ngày 10 tháng 11, sinh ra 7 người con là Tạ Đăng Bật thi đậu Nhị trường, Tạ Đăng Vận thi đậu Tam trường, Tạ Đăng Long sinh năm Tân Tị, thi đậu Sinh đồ, Tạ Thị Nghiêm lấy chồng họ Bùi sinh ra cống Tiến. Tạ Thị Cẩn lấy chồng họ Cù sinh ra đồ Hiệu. Tạ Thị Năng lấy chồng họ Ngô sinh ra nho Sung. Tạ Thị Chăn lấy chồng họ Nguyến sinh ra đồ Hài.
- Tạ Lương Đống có tên là Chóng, sinh năm Quý Sửu(1673) thi đậu nhị trường sinh ra Tạ Viết Xuân, tục gọi là nhà Úy.
- Tạ Thị Xanh sinh năm Đinh Tị (1677) lấy chồng người Tháp Thượng họ Đỗ tên là Văn Dụ sinh ra Đỗ Văn Phúc, Đỗ Văn Lộc và Đỗ Thị Thọ.
- Tạ Đăng Sủng có tên là Cuộc sinh năm Tân Dậu (1681) làm chức Xã chính, sinh ba người con là: Tạ Đăng Quỹ, tên tự là Minh Mẫn, sinh năm Kỷ Sửu (1709) thi đậu tam trường. Tạ Thị Nhuận lấy chồng họ Trịnh sinh ra đồ Hòe. Tạ Thị Ngọ lấy chồng họ Bùi, sinh ra đồ Sỹ.
Dòng II
Con trai thứ hai của Sinh đồ Tạ Đăng Đệ tên là Tạ Thiên Phú, tện tự là Phúc Duệ, sinh năm Canh Thìn (1640) thi đậu Trung Khoa, kiêm thông các nghề Y thuật và địa lý, hưởng thọ ngoài 60 tuổi sinh được 8 người con là: Tạ Đăng Cao sinh năm Tân Hợi (1671) sinh ra Tạ Đăng Mỹ, Tạ Đăng Tựu. Tạ Thị Biều mất sớm. Tạ Thị Thằng lấy chồng họ Trần người xã Vân Canh, Từ Liêm, sinh ra Trần Nho.Tạ Đăng Đột sinh năm Mậu Ngọ (1678) thi đậu sinh đồ sinh ra Tạ Đăng Lại. Tạ Thị Vệ lấy chồng họ Bùi, sinh ra Bùi Duy Thực. Tạ Thị Diệc lấy chồng họ Nguyễn thôn Đông Khê sinh ra Nguyễn Viết Điền. Tạ Thị Cò lấy chồng tên tục gọi là nho Học. Tạ Thị Lãm mất sớm, khi còn nhỏ tuổi.
X
X X
Họa báo Việt Nam, thời gian gần đây có đăng một số bài và một số hình ảnh điêu khắc nói về đình Đại Phùng, dựa trên cơ sở tài liệu lưu trữ của trường Viễn đông bác cổ. Các tài liệu đó cho biết công trình kiến trúc đình được tạo dựng theo qui mô còn truyền đến nay, là vào các năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ 17, do nhà phong thủy họ Tạ trong làng phân kim định hướng.
Cũng thời gian gần đây, trên báo Hà tây có bài viết về bức chạm ở vì kẻ giữa, bên phải, cho là bức chạm mô tả đám rước vinh quy. Sự việc trùng khớp với niên biểu Tiến Sỹ Tạ Đăng Vọng, thi đậu năm 1683, gặp tang thân phụ, nên khoa sau (1686) mới làm lễ bái tổ. Như vậy việc hưng công ngôi đình có thể vào các năm 1687 đến 1689, sau khi vinh quy, Tiến sỹ Tạ Đăng Vọng lĩnh chức Ngự sử đô đài, đứng đầu tòa ngự sử trong triều đình. Và, trên cơ sở nền móng đình cũ, nhà phong thủy Tạ Thiên Phú, anh ruột Tiến sỹ Tạ Đăng Vọng, đã cắm hướng cho ngôi đình mới tọa lạc như còn giữ nguyên đến ngày nay.
Dòng III
Con trai thứ ba của sinh đồ Tạ Đăng Đệ tên là Tạ Đăng Vọng, tên tự là Vân Trai, tên hiệu là Khiêm Nhã, sinh ngày 10 tháng 9 năm Giáp Thân (1644) niên hiệu Phúc Thái năm đầu đời vua Lê Chân Tông. Năm 23 tuổi đậu hương thí, được bổ nhiệm chức Huấn đạo phủ Lâm Thao, lần lượt kinh qua Lệnh doãn các huyện phủ Thiên Phúc, Bắc Hà, Năm 40 tuổi thi đậu Tiến Sỹ khoa Quý Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa năm thứ tư đời vua Lê Hy Tông. Chưa kịp vinh quy thì gặp tang thân phụ, phải đợi khoa sau mới vinh qui bái tổ. Bước đầu nhậm chức Giám sát đài ngự sử đạo Ngệ An. Sau về kinh tổng quản Nha ngự sử với chức ngự sử đô đài, Đô Ngự sử, tước Phương sơn hầu. Mất ngày 26 tháng 7 năm Kỷ Tỵ (1689) hưởng thọ 46 tuổi. Mộ táng tại xứ đồng xã Phổ lộng, giáp xứ Đông táo, xã Thanh Thủy, tổng Phổ lộng, huyện Thiên Phúc, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Canh long đột điền, tọa dậu hướng mão, phân kim đinh dậu, đinh mão (chính đông). Đặt chức thủ mộ, cấp lộc điền cho người xã Phổ Lộng tên là Hiệp trông nom mộ.
Chính thất người họ Bùi, tên húy là Thị Phì, tên hiệu là Từ Hậu, con gái Phúc đường hầu họ Bùi, sinh ngày 23 tháng 7 năm Đinh Hợi (1647), mất ngày 25 tháng 7 năm Đinh Mùi (1727) hưởng thọ 81 tuổi, được phong Phu nhân. Mộ táng tại xứ đồng Cây sung, địa phận xã Thụy ứng, thủ giác điền canh long, tọa càn hướng tốn, phân kim bính tuất, bính thìn (đông nam). Sinh được 4 con là:
- Tạ Thị Kiều tên hiệu là Từ Dụ, sinh năm Bính Ngọ (1666) lấy chồng họ Trịnh tên là Quốc Dung, thi đậu Cống Sĩ, nhậm chức Huấn đạo phủ Tiên Bình, sinh ra Trịnh Tuấn Minh và Trịnh Đăng Thọ. Giỗ ngày 19 tháng 5.
- Tạ Đăng Huân sinh năm Nhâm Tý (1672) hành trạng xem ở phần sau.
- Tạ Thị Biến, tên hịeu là Từ Phúc sinh năm Giáp Dần (1674) lấy chồng họ Cù tên là Văn Thuyên, thi đậu Sinh Đồ, nhậm chức Tri huyện An Lãng. Sinh được 1 gái là Cù Thị Chính và 1 trai là Cù Tạ Doanh thi đậu Nho Sinh.
- Tạ Đăng Đạt sinh năm Canh Thân (1680) hành trạng xem phần sau.
Chỗ ở và Từ Đường của Tiến Sĩ Tạ Đăng Vọng:
Xuất phát từ tổ tích khu vực Gò Táo, xứ Cửa Khâu, sau khi nhậm chức, năm Nhâm Tí (1672) Tạ Đăng Vọng đã nhường nơi đó cho 2 ngành trên, mà rời về ở khu vực vườn công trong làng. Khi thi đậu đại khoa, dân làng theo lẹ triều đình, cấp thêm đất, mở rộng ra, gồm một phần diện tích của hai xóm Đình Đông và Cầu Trong hiện nay làm nơi đặt từ đường, thiết lập hương án phụng nghinh bằng sắc, cờ, biển, hèo, lọng vua ban. Cạnh từ đường có kho chứa sách, có nhà giảng tập. Chỗ ăn ở vẫn giữ theo phong cách bình dị nho gia, không xây dựng dinh thự, phủ đệ gì cả. Tương truyền chỗ nền điếm Cầu Trong, khi đó là nơi buộc voi, ngựa của quan triều lai vãng.
Ngành trưởng
Tiến sĩ Tạ Đăng Vọng có 2 con trai là Tạ Đăng Huân và Tạ Đăng Đạt phân ra trưởng thứ hai ngành.
Đây nói về ngành trưởng.
Con trai trưởng của Tiến Sĩ Tạ Đăng Vọng tên là Tạ Đăng Huân, tên tự là Uất Công, tên hiệu là Đôn Cẩn. Sinh ngày mùng 3 tháng 7 năm Nhâm Tí (1672) niên hiệu Dương Đức năm đầu đời vua Lê Gia Tông, bẩm thai tại thổ trạch xứ Mã Giác, Đản sinh tại thổ trạch xứ vưởn công trong làng. Lúc sinh ra có điềm tốt lạ, khắp trong nhà rực rỡ hào quang. Bẩm tướng một chân hơi nhỏ, giống hệt tướng ông nội Tạ Đăng Đệ. Từ bé đã nổi tiếng thần đồng, học đâu nhớ đấy, 13 tuổi đã vào ứng khảo tứ trường. Năm 23 tuổi dự kỳ hương thí, đậu thủ khoa cùng với anh rể Trịnh Quốc Dung. Bước đầu nhậm chức Huấn Đạo phủ Kiến Xương. Năm 26 tuổi trúng tuyển khoa thi Sĩ vọng được bổ nhiệm Huyện úy huyện Quảng Đức. Năm 29 tuổi thi đậu Hòang Giáp chính tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) niên hiệu Chính Hòa năm thứ 21 đời vua Lê Hi Tông. Trải nhậm các chức: Hàn lâm viện Hiệu Lý , Binh khoa đô cấp sự trung. Bắc Nam nhị xứ Đốc Đồng, Hiến sát xứ Thái Nguyên, thăm chính xứ Kinh bắc, Ngự sử đô đài, Đô ngự sử, Lễ bộ hữu thị lang, trụ quốc liên hàng, Thượng bảo trị khang, Phượng sơn hầu, Quốc tử giám tế tửu, Giáo tập thiên hà sĩ phong, Đặc cách tấn phong, Lễ bộ tả thi Lang, Trụ quốc thượng trật, Kim tử vinh lộc đại phu. Phượng quận công. Mất ngày 25 thang 11 năm kỷ dậu (1729) hưởng thọ 58 tuổi. Mộ táng tại ruộng nhà, xứ đồng Mả tàn. Sau lại cải táng đưa về xứ đồng Giộc.
Chính thất là người họ Nguyễn thôn Đông Khê tên là Thị Họat, tuổi Kỷ Mùi (1679). Không có sinh nở. Mất ngày 22 tháng 5. được phong phu nhân.
Kế thất là người họ Trần, thôn Tả an quảng, xã Thượng cát, huyện Từ Liêm, tên là Thị Lánh, con gái quan Thái bảo Trần Lương Năng. Sinh năm Bính Thìn (1676) mất năm Giáp Tuất (1704) hưởng thọ 29 tuổi. Được phong Quận phu nhân, sinh được 3 người con là:
+ Tạ Thị Ngao có tên là Lang sinh năm Đinh Sửu (1697) lấy chồng họ Nguyễn xã Thiên mỗ huyện Tử Liêm tên là Quí Cảnh. Con trưởng quan Đề hình Nguyến Quý Ân, cháu đích quan Thái tể Nguyễn Quý Đức, thụ chức Tả tư giảng, thông Chánh sứ. Bà mất ngày 14 tháng 4 năm Quý Hợi (1743) hưởng thọ 47 tuổi. Được phong Quận phu nhân. Sau phong Thái phu nhân. Truy tặng Quận Thái phu nhân. Sinh được 1 trai; 1 gái lấy chồng là Tiến sĩ Thái y viện Nguyễn Thế Lịch. Khi đi sứ đổi tên là Nguyễn Gia Phan, người xã an Thượng, phủ Hoài đức, đồng môn với Tiến sĩ Tạ Đăng Đạo. Nghiệp sư là Phạm Đạt, thân sinh ra Phạm Đình Hổ.
+ Tạ Thị Giai sinh năm Canh Thìn (1700) lấy chồng họ Đào, thôn Tả bắc, xã Thượng Trì, huyện Từ Liêm, tên là Mạnh Khâm, thụ chức Huấn đạo, sau thăng Tri Phủ Phủ Bắc Hà, con Đô úy Đào Hoàng Canh. Sinh được 1 con gái.
+ Tạ Đăng Viện, có tên là Nhiệm, tên tự là Xuân Đài, tên hiệu là Thuần Thục, sinh năm Nhâm Ngọ (1702) thi đậu tam trường, được lập ấm, lấy vợ người họ Nguyễn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, con quan Tả nghị Nguyễn Nghiễm, tên là Thi Viện, tên hiệu là Từ Ôn. Mất ngày 28 tháng 6, hưởng thọ 61 tuổi, sinh được 1 trai là Tạ Đăng Thưởng, tên tự là Gia Trật, tên hiệu là Tuần lý.
Á thất là người họ Nguyễn xã Cổ đô, Huyện Tiên Phong, con quan Tổng binh Nguyễn Đăng Đường, tên là Thị Ái, tên hiệu là Đoan Trang, sinh năm Giáp Tý (1684) được phong Quận phu, sinh được 1 trai là Tạ Đăng Tư, có tên là Ứng, tên tự là Tiến Trật, tên hiệu là mẫn Nghị, sinh năm Ất Dậu (1705). Năm 28 tuổi thi đậu Nho Sinh, lấy vợ người họ Phạm, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, con quan Thừa sư Phạm Quang Trạch, tên là Thị Khánh, sinh được 3 con trai là:
+ Tạ Đăng Trác, tên tự là Thuần Phác, tên hiệu là Thành Khí sinh ra Tạ Đăng Tài.
+ Tạ Đăng Quỹ tên tự là Đốc Roãn, thi đậu nhị trường.
+ Tạ Đăng Yên thi đậu Cống sĩ, được bổ nhiệm Huấn Đạo, sau thuyên thăng Tri huyện.