GIA

PHẢ

TỘC

Họ
HOÀNG
ĐÌNH
-

PHONG,
YÊN
NINH,
Ý
YÊN
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ

   


    BẢN THẢO.


     1. Nguồn gốc họ Hoàng.


    Theo bộ Bách Tính Tầm Nguyên (Trung Quốc)dưới thời Phục Hy Thị, một nhà có 8 anh em chia nhau mỗi người đi một phương, lập thành 8 bộ lạc khác nhau, trong đó có bộ Lạc người Hiên Viên nổi tiếng vì biết phát cỏ làm ruộng, biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh dẹp. Đến thời Thần Nông Thị, bộ lạc người Hiên Viên đã phát triển thành bộ lạc hùng cường, rất có thế lực. Để nhớ về nguồn cội, người Hiên Viên ghi lại bộ phát tích của tổ tiên mình theo điển tích: Một trong 8 anh em, họ dùng chữ Nhất là Một và chứ Bát là Tám; Phát cỏ làm ruộng, họ dùng chữ Thảo là Cỏ và chữ Điền là Ruộng. Bốn chữ: Nhất, Bát, Thảo, Điền đem sắp xếp gọn lại thành chữ HOÀNG để làm họ. Sau này họ Hoàng xưng đế thay Thần Nông Thị gọi là Hoàng Đế Hiên Viên. Hoàng Đế là vua thứ ba trong Ngũ Đế: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn.


    Theo gia phả họ Hoàng ( Trung Quốc): Kể từ khi Huệ Liên, con trai của Lục Chung, hậu duệ của Hoàng Đế được vua Thuấn  ban cho đất Tham Hồ (nay là đất Sơn Dương, tỉnh Sơn Tây), đến năm 2200 trước công nguyên (TCN), thì đổi thành đất của nước Hoàng, và ban cho Huệ Liên thành họ Hoàng, tên Yun từ đấy con cháu họ Hoàng thay nhau cai trị đất này cho đến thời Xuân Thu (722- 482 TCN), thì bị nước Tấn chiếm mất. Như vậy, kể từ đời Hoàng Đế đến Huang Yun, tất cả 12 đời.


 Vào năm 891 TCN, Chu Thảo Vương phong hầu cho Hoàng Hi, con trai của Hoàng Thạch, hậu duệ thứ 53 của Huệ Liên và phong cho đất ở vùng phía Đông sông Hán (nay thuộc đất Nghi Thành, Hồ Bắc, vốn là lãnh địa của 4 nước Giang, Hoàng, Đạo, Bá), gọi là nước Hoàng. Nước Hoàng ở Nghi Thành, Hồ Bắc được xem như nước Tây Hoàng trong lịch sử. Vào năm 845 TCN, Hoàng Mạnh, aka của Hoàng Chương dời đô nước Hoàng từ Nghi Thành về Hoàng Xuyên, tỉnh Hà Nam, lập lên nước Hoàng mới và thay nhau thống trị đến năm 648 TCN thì bị nước Sở chiếm. Hầu mục Hoàng Xí Sanh chạy thoát, lánh sang nước Tề (nay là tỉnh Sơn Đông). Thần dân nước Hoàng buộc phải di chuyển về đất nhà Chu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), nơi được gọi là Giang Hạ quận thời nhà Hán (nay là Hán Vũ). Ngày nay nhiều nơi ở vùng này vẫn còn mang tên Hoàng, như Hoàng Mai, Hoàng Thạnh, Hoàng Cương, Hoàng Pha... Một phần lớn thần dân  nước Hoàng dời đến vùng phía Nam sông Trường Giang, Dương Tử, dần dần đồng hoá dân địa phương thành dân tiểu số, là họ Hoàng không thuần Hán đang sống ở vùng Nam Trung Quốc ngày nay. Từ Giang Hạ, họ Hoàng đi khắp Trung Hoa và thế giới. Từ đây Giang Hạ được xem như là cái nôi của họ Hoàng. Ngày nay họ Hoàng được gọi là Hoàng Giang Hạ, và tên gọi Giang Hạ tương đồng với họ Hoàng.


    Sau ba thế kỷ suy tàn, họ Hoàng được phục hưng khi Hoàng Hiết, hậu duệ họ Hoàng được tiến cử làm Tể tướng nhà Chu, được phong là lãnh Chúa Xuân Thân (314 - 238 TCN). Đến thời nhà Hán, họ Hoàng bước vào thời kỳ cực thịnh khi Hoàng Bá (130 - 51 TCN) lại được phong làm Tể tướng .


    Khi quân Nguyên Mông xâm lược Trung Hoa (1279), dựng lên triều Nguyên (Yuan 1279 - 1368), họ Hoàng từ thời kỳ huy hoàng cực thịnh bước vào thời kỳ suy tàn không thể khôi phục được.


    Vào thời nhà Tấn (265 - 420), rợ Hồ xâm chiếm phía Bắc Trung Hoa, nhiều cư dân họ Hoàng theo vua Tấn di cư xuống phía Nam. Đây chính là thời gian họ Hoàng nhập cư vào Phúc Kiến. Đến đời nhà Đường (618 - 970 SCN) thì nhập cư vào Quảng Đông, rồi phát triển trở thành dòng họ lớn và đứng thứ 3 ở Nam Trung Hoa ngày nay.


    Cuối nhà Minh (1368 - 1644), nhiều quan lại họ Hoàng theo Trịnh Thành Công phục Minh, chống Nhà Thanh (1644 - 1912) bị thất bại, đã vượt biển trốn sang Đài Loan và xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có nước ta.


   Như vậy, kể từ ông tổ (Huang Yun - 2253 TCN), tính đến nay đã là 4200 năm, trải qua trên 550 đời.


    Theo từ điển Bách Khoa Toàn Thư, đến năm 2000 họ Hoàng có dân số trên toàn thế giới khoảng 37 triệu người. Họ Hoàng ở Trung Quốc và Đài Loan xếp thứ 8 trong các dòng họ với 29 triệu người và hơn 3 triệu Hoa kiều. Triều Tiên có 1 triệu người. Hàn Quốc có  644.294 người họ Hoàng, xếp thứ 17 trong các dòng họ.


    Ở Việt Nam, đến nay có khoảng 4.3 triệu người mang họ Hoàng. Ở Nam Việt Nam, do huý kỵ chúa Nguyễn Hoàng nên họ Hoàng được đọc chệch thành Huỳnh từ hơn 300 năm nay. Hiện nay Ban Liên Lạc họ HOÀNG - HUỲNH trong cả nước đã được thành lập tại WWebsite: http://Banlienlachohooanghuynh.com.vn.


     2. Thuỷ tổ họ HOÀNG ĐÌNH thôn Lũ Phong:


    Căn cứ vào số tuổi thọ trung bình của các thế hệ cộng lại mà suy luận thì Thuỷ tổ họ Hoàng Đình ta đến lập nghiệp tại làng Xú, thôn Lũ Phong ngày nay, vào khoảng  cuối Thế kỷ 17 cùng với ít nhất là một người em gái. Vì theo các cụ thế hệ thứ 4, thứ 5 truyền miệng lại thì mộ bà cô tổ đang an táng ở thế chân vạc tại cánh đồng làng Mụa, rất phát cho con cháu về nghề ca hát.


    Do chiến tranh loạn lạc, cuốn phả viết bằng tiếng Hán bị cháy và thất lạc, nên đến nay con cháu họ Hoàng thôn Lũ phong đều chưa biết đích xác cụ Thuỷ tổ quê quán gốc gác ở đâu? Bố mẹ là ai? Có mấy anh chị em ? Sinh năm nào? Lý do đến làng Xú lập nghiệp? Sinh thời cụ làm gì?..v.v và v.v...?


      Bà Thuỷ tổ tên tuổi, quê quán, họ hàng anh em...ra sao? Đều  chưa biết? Thật đáng tiếc thay!


    Tính từ khi hai cụ Thuỷ tổ - thế hệ thứ 1, đến lập nghiệp tại làng Xú vào cuối Thế kỷ XVII, sinh ra năm người con trai, lập nên 5 phái họ Hoàng Đình bây giờ, cho đến năm 2010, con cháu họ HOÀNG ĐÌNH đã phát triển đến thế hệ thứ thứ 9, có trên 700 gia đình, với gần 900 nhân khẩu, cư ngụ ở 18 tỉnh, thành trong cả nước và 2 nước ngoài là Thái Lan và Lào. Nhưng tập trung nhiều nhất tại quê Tổ (làng Lũ Phong) và các tỉnh Nam Định, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hoá, Gia Lai, Biên Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang...Rất nhiều thành viên trong họ thuộc thế hệ thứ 4,5,6.. là những xã viên giỏi, ba đảm đang, là công chức mẫn cán, là bộ đội cụ Hồ và nhiều người đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.Tiếp bước cha ông, thế hệ thứ 7, 8 họ ta đang ra sức học tập, tu dưỡng và phấn đấu không ngừng, rất nhiều cháu có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp...đã đang công tác trong cơ quan nhà nước, trong lĩnh vực kinh tế và lực lượng vũ trang, các gia đình trong họ tộc làm ăn ngày một khá giả, thành đạt và rất quan tâm chăm lo khuyến khích con cháu học tập, tu luyện đức, tài. Đó là hành động thiết thực nhất của con cháu đền đáp công ơn đối với Thuỷ Tổ?


    Thuỷ Tổ mất ngày 12/11 âm lịch. Vào ngày này hàng năm con cháu trong họ dù làm ăn xa, cũng đều tụ tập về làng Lũ Phong để tham gia giỗ Tổ như một nghĩa cử tri ân với người quá cố. Đây cũng là dịp con cháu toàn họ mạc gặp nhau chia sẻ thông tin, hỏi thăm, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau và cũng là dịp ôn cố tri tân và bàn định những việc lớn trong họ tộc trong tương lai.


    Mộ phần của cụ Thuỷ tổ an táng tại Gò Voi, xóm Chợ, làng Lũ Phong, Yên Ninh, Ý Yên, Nam Định.


    Nhà thờ tổ được con cháu đóng góp tài vật xây dựng từ năm 1993 đến năm 1995 thì hoàn thành. Nhà thờ Tổ toạ lạc trên phần đất của gia đình ông Hoàng Đình Thông, thuộc đời thứ 6, chi 2, phái trưởng cung hiến và được giao cho Trưởng tộc các đời nối nhau quản lý, hương khói mỗi ngày đầu tháng và ngày rằm hàng tháng, đồng thời có nhiệm vụ tổ chức cúng giỗ, trùng tu tôn tạo hàng năm.


    Sưu tầm và biên soạn Hoàng Đình Khải.


    Mọi góp ý xin gửi về: hoaangdinhkhai@yahoo.com.vn,


hoặc ĐT: 0983.522.179


 

Gia Phả Họ HOÀNG ĐÌNH - LŨ PHONG, YÊN NINH, Ý YÊN
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Họ HOÀNG ĐÌNH - LŨ PHONG, YÊN NINH, Ý YÊN.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Họ HOÀNG ĐÌNH - LŨ PHONG, YÊN NINH, Ý YÊN
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.