GIA

PHẢ

TỘC

LƯƠNG
ĐỨC
TẠI
LÀO
CAI
老街梁德家譜
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
Ai người dẫn nhập khai cơ ?,
Từ đâu đưa đến ?, bao giờ ?, tại sao ?
Khơi dòng, mở đất thế nào?
Nên chi, nên nhánh công lao ai bì!

THAY NÉN TÂM NHANG

Người dưng năng gặp thành quen,
Ruột rà không biết trở nên xa vời.
Cùng làng đâu hẳn chung nôi,
Khác quê lại vốn cùng nơi cội nguồn.
*
* *
Dẫu còn lắm việc chải bươn,
Vẫn giành công sức soạn nên cuốn này.
Sơ kỳ Cha để lại đây,
Chắt chiu tư liệu, chắp cây, nối cành.
Gặp thêm các bậc cha anh,
Ngoài làng, trong họ cho rành khởi nguyên!
Đường xa, chân dạo trăm miền,
Ý hay chép hỏi, sách nghiền ngẫm xem .
Gắng công chắt lọc, kiếm tìm,
Học thêm Hán ngữ để tầm cho ra.
*
* *
“Dân ta phải biết sử ta” ,
Cháu con phải nhớ Ông Cha, ngọn nguồn.
Nhớ người lấn biển, khai sơn,
Người trồng cây Đức lưu ơn cao dầy.
Xưa từ Tiên Lãng sang đây,
Lập nên quê mới, nơi này Làng Hương.
Sinh dòng Cao Mật họ Lương,
Trải qua bao nỗi đoạn trường, nhục vinh .
Sau tròn thập kỉ Hoà bình ,
Một nhánh lên với ngàn xanh lập làng .
Từ đây cuộc sống sang trang,
Có non, có biển họ hàng thêm đông.
Hơn hai Thế kỉ bão dông ,
Hoà cùng trăm họ Lạc Hồng chung ca.
*
* *
Tâm ta soạn Phả nhà ta,
Chép về nguồn cội, Thân-Sơ, Xa-Gần.
Ai xem còn chút băn khoăn,
Hãy cùng góp, sửa thêm phần vẹn hơn .
Hậu sinh hãy nhớ lời truyền:
Giữ cho Gia phả tiếp biên đời đời.
Muôn năm dòng họ nối dài,
Nhà nhà Hạnh phúc, người người Hiển vinh.
*
* *
Lời Cha, con nhớ đinh ninh ,
“Tâm, Tài, Trí, Thể” xin dâng lên Người.

Ngày Đại cát, tiết Đông chí, năm Mậu Tý (12/2008)
戊子年,東至節,大吉日
Dr Lương Đức Mến Dr梁德悗

ĐI TÌM NGUỒN CỘI

Sinh thời, phụ thân tôi từng kể: “Dòng họ ta vốn con cháu Cụ Thượng Lương Đắc Bằng từ Thanh Hóa ra. Nhưng vì sợ trả thù nên chỉ truyền miệng mà không ghi chép lại!”. Trong cuốn "GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ 30 HỌ LƯƠNG" do Lương Phương Hậu và Hoàng Đình Khảm sưu tầm, biên soạn vào tháng 4 năm 2011 có 5 mục liên quan đến cội nguồn dòng họ Lương Đức Cao Mật (Chiến Thắng, An Lão nay). Đó là mục 3 giới thiệu về họ Lương Cao Hương, mục 12 giới thiệu sơ lược về họ Lường Phủ làng Hội Triều, mục 16 giới thiệu về họ Lương làng Luật Ngoại, mục 28 giới thiệu về họ Lương ở Tiên Lãng và mục 4 giới thiệu sơ lược về họ Lương làng Cao Mật. Trong đó có nhiều tư liệu và ý kiến phân tích có tính lịch sử và logic mà khi nghiên cứu kỹ, phối kiểm với các tài liệu khác có thể lần tìm được cội nguồn của dòng, phái Lương Đức nhà tôi. Đây là những nấc họ gốc mà theo truyền ngôn là phân nhánh ra dòng họ Lương ở tổng Cao Mật, huyện An Lão xưa mà nay là xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã được 10 đời. Dựa vào tài liệu này và các tư liệu tôi đã có hay tiếp tục sưu tầm, tôi xin thử hình dung lại chặng đường tiên tổ tôi từ Thanh Hóa ra Tiên Lãng, rồi từ đó sang An Lão cùng những kiến giải của mình về chặng đường đó. Do việc di cư hình thành các chi phái theo dọc chiều dài lịch sử, tỏa ra nhiều nơi nên muốn hiểu rõ, chính xác phải biết được, nắm chắc môn Lịch sử, Địa-Lịch sử. Sách vở thiếu, địa danh, địa giới luôn thay đổi, các sự kiện ghi chép rời rạc, tản mát; Gia phả mất hay thiếu hoàn chỉnh; người chép, người phiên âm, người dịch Gia phả theo nhiều mốc thời gian, bằng nhiều cách với những trình độ, nhận thức khác nhau nên khi đọc rất khó hình dung, nhất là với lớp trẻ. Tiếc rằng môn Địa - Lịch sử tôi không được học; bản thân lơ mơ về Hán Nôm lại xa quê gần 50 năm, từ lúc 9 tuổi; cha thì đã mất hơn 10 năm, anh em chẳng ai biết gì hơn. Tôi cố gắng tìm, chắt lọc thông tin trong các cuốn: “Đồng Khánh dư địa chí” 同慶地輿誌, “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ”, “Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ”, “Đất nước Việt Nam qua các đời”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, cùng các cuốn: “Đại Việt sử ký toàn thư” 大越史記全書, “Đại Việt sử lược” 大越史略, “Khâm định Việt sử thông giám Cương mục” 欽定越史通鑑綱目, “Việt sử toàn thư”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Quốc triều chánh biên Toát yếu” 國朝正編撮要, “Việt Nam sử lược” 越南史略 ...ở tủ sách gia đình hay đã tải về máy cùng một số sách, trang mạng về lịch sử, địa lý…để hiểu cho đúng về những nơi mà tiền nhân mở cuộc khai khẩn lập ra chi phái mới một cách gần sự thực nhất.

QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO GIA PHẢ:

4- Các đời kế tiếp nối soạn nên:
Tính từ khi Thượng Tổ đến lập nghiệp và sinh ra dòng Lương tộc Cao Mật 高密梁族 từ khoảng giữa Thế kỉ XVIII, đến nay đã ngót 300 năm. Trong họ từng có người học hành, đỗ đạt, làm thầy đồ 師生 hoặc giữ “ấn nguyên nhung” hay làm Chánh Tổng 正總 nên chắc đã từng có Gia phả. Nhưng cũng như những lý do chung của các dòng họ khác trong buổi loạn li và lí do từ bản thân nội tộc nên Gia phả không được lưu giữ và truyền lại đầy đủ. Nhiều sự kiện, thân thế của tiền nhân chỉ là truyền miệng (qua lời kể 传言, qua Long văn 隆文 mỗi dịp Tế Tổ 祭祖), dễ “tam sao thất bản”三抄七本, rất khó thẩm định, khảo cứu.
Theo các bậc cao niên và phụ thân tôi truyền lại thì ý tưởng lập lại Gia phả họ ta trong thời Cận đại được bắt đầu từ cuối TK XIX. Khi ấy các Cụ Tiên Mạo, Tổng Thuyết dựa vào trí nhớ, hỏi thêm các bậc cao niên từng gia đình, Chi, Nhánh mà soạn Gia phả ngành. Công việc chưa thành thì các cụ ra đi, Cuốn Gia phả soạn dở đó về sau đã thất lạc, không được lưu truyền. Sau Hoà bình Bác Thịnh, Bác Chiểu đã cố công chép lại Gia phả Chi thứ Ba (bản chép tay đề ngày 19/3 Đinh Tị, tức 06/5/1977). Song chưa hoàn thành và cuốn đó cũng đã thất lạc.
Đầu những năm 60 của Thế kỉ XX, theo tiếng gọi phát triển kinh tế, văn hoá miền núi của Đảng, nhiều người dân An Lão, Hải Phòng lên khai hoang ở Bảo Thắng, Lào Cai. Trong đó, ra đi từ Chiến Thắng thuộc Lương tộc có nhiều người và sau 3 thế hệ con cháu trên đất Lào Cai đã đông, rải ở nhiều nơi, hình thành một chi phái trên quê mới: 老街梁德姓 Lào Cai Lương Đức tộc.
Trong lần về quê ngày 20-10-1992 (tức 25/9 năm Nhâm Thân) phụ thân tôi được đọc cuốn Gia phả Chi thứ Ba nói trên đã sao lại và lược dịch ra Quốc ngữ. Tiếp theo trong dịp về quy tập mộ tháng 12/1994 ông lại tiếp tục gặp các bậc cao niên (bác Thiểm, anh Tiêm, anh Hiệp, anh Nghiễn...) hỏi thêm và thống nhất một số điểm. Khi ngược Lào Cai người đã kể lại cho tôi nghe. Trên cơ sở bản dịch cuốn Gia phả Chi thứ Ba cùng những tư liệu sưu tầm trong 2 lần về quê cộng với trí nhớ cùng với những kiến thức về lịch sử, quê hương và sự phụ giúp của chúng tôi, phụ thân tôi đã soạn cuốn “Lược dịch về Gia phả Lương tộc ngành Ba”, còn sơ lược. Sinh thời người đã có ý định sẽ hoàn chỉnh thêm nhưng chưa xong thì yếu mệt rồi qua đời ngày Thứ Ba 21/01/1997 (tức 13/Chạp/Bính Tí). Đây là “đề cương” chính để tôi soạn cuốn này.
Trong những năm 1995-1998 các Chi ở quê đã lập Danh sách con cháu từng đời. Hơi buồn là một số con cháu của các bậc tiền nhân tâm huyết nay chưa mấy ai chú tâm đến việc lập, soạn Gia phả. Khi nghiên cứu các cuốn đó tôi có nắm biết được đôi điều và tìm thấy những gợi ý cần thiết để tôi tiếp tục. Vẫn còn nhiều băn khoăn thắc mắc mà chắc chắn khó có ai, có tài liệu nào giải đáp được. Không hiểu trong số hậu duệ ở khắp mọi miền đất nước đã có ai còn giữ được hay có công soạn Gia phả Lương tộc Cao Mật hay chưa ? Giá mà có dịp Giỗ Tổ nào đó mà con cháu các chi ngành còn ở quê hay đã làm ăn tất cả các nơi tụ họp lại để bàn, trao đổi, thông báo được cho nhau thì hay biết mấy !
Thực hiện ý nguyện của phụ thân, dựa vào cuốn Lược dịch... và bản Danh sách…, lời kể của bà nội, song thân tôi, chú thím Rật (Dật), cô Thị, anh Thiếp và những người cùng làng lên Lào Cai..., từ tháng 3/1997 tôi bắt tay vào viết cuốn: Lược thuật về Lương tộc và gia đình và đến tháng 7/1999 hoàn thành. Ngày 01/8/1999 (20 tháng 6 Kỉ Mão) vợ chồng tôi về quê đã thông qua bản thảo (lần thứ 3) với Cô Được, Cô Nguyên, Bác Quắm, Bác Khải, Trưởng họ và các anh trong ngành 3. Song vì thời gian quá ngắn nên việc đính chính, bổ sung chưa được là bao. Không thể cầu toàn hơn, khi trở lại Lào Cai tôi đã in và gửi các Tiểu chi của ngành Ba và tới Trưởng họ lưu giữ, tham khảo và xin ý kiến. Trong đó phần Lương tộc chủ yếu chép về Thượng Tổ, ngành Ba và các gia đình đã lên Lào Cai. Nhưng như nói rõ ở phần mở đầu: đây chỉ là tập hợp những điều được nghe thuật lại, có sắp xếp theo trật tự trên tinh thần “gạn đục khơi trong”, có kiểm chứng, xác minh nhưng chưa đầy đủ và, đương nhiên đó không phải là Gia phả, mà chỉ là những Lược thuật về dòng tộc và gia đình mà đọc nó có thể hiểu được Tổ tiên, gốc gác, một số điểm về lịch sử, lệ tục của dòng họ, quê hương.
Trong dịp về quê dự Lễ Khánh thành Từ đường, ngày 12 tháng 3 Canh Thìn (16/4/2000), gặp đông quan viên họ, tôi nhận được sự động viên và nhiều thông tin, tư liệu, chi tiết mà tôi thấy cần bổ xung, hiệu chỉnh và sửa chữa cuốn Lược thuật.... Rằm tháng Giêng năm Bính Tuất (13/02/2006), sau 35 năm lên Lào Cai, anh Thuế đã liên lạc với gia đình tôi. Mẹ, anh em tôi và anh Hỗ đã sang Nhò Trong, Trì Quang. Nhân dịp này tôi đã thông qua bản dự thảo tôi đang viết từ 2000 và cũng nhận được sự động viên khích lệ cũng như một số thông tin.
Trong hoàn cảnh đó, tôi đã hoàn thành việc soạn thảo Gia phả dòng Lương Đức trên Lào Cai vào ngày 30 tháng 01 năm 2007, tức là ngày 12 tháng Chạp năm Bính Tuất (丙戌年 十二月小 莘丑月), coi đây là nén tâm nhang kính dâng hương hồn thân phụ nhân 10 năm ngày mất của người (1997-2007):
Dẫu không dòng “Cao môn lệnh tộc”, (高門令族)
Vẫn nên câu “Hải Đức Sơn Công”.(海德山功)
Nhớ lời Cha lúc lâm chung,
Soạn ra Gia phả, xin dâng lên người.
Đồng thời tôi đã trích in phần chung, phần kết dâng kính cáo tại Lương tộc từ đường 梁族祠堂, Phạm tộc Từ đường 范族祠堂 dịp tôi về quê (14-16/Chạp/Bính Tuất, 02/2007) để dự giỗ ông ngoại Phạm Văn Nhạc (范文樂, 1888-1936) và khánh thành phần mộ của các cụ Phạm tộc. Dịp đó, tôi đã nhận được nhiều sự khích lệ, góp ý, bổ xung của một số bậc tâm huyết tại quê hương.
Sau 5 năm Đại học, con trai tôi là Lương Đức Hải Thương về nhận công tác tại Phòng CSĐTTP về TTQLKT và CV vào tháng 8 nên trong dịp đi giao ban tại Thái Bình (11/9/2008), tôi dẫn con cùng đi và có về thăm quê. Đợt đó Lương Hoàn An cung cấp cuốn Gia phả Lương Hoàn (Đời 1 đến đời 5, photo bản đã phiên âm). Một điều trùng hợp nữa là cuốn Gia phả Lương tộc ngành 3 (bản phiên âm) do thân phụ tôi chép tôi tìm nhiều lần không thấy mà dịp giỗ 13/Chạp Mậu Tý (08/01/2009) tôi lại tìm được trong tủ nhà mẫu thân. Đọc kĩ thấy nhiều điểm phụ thân tôi chưa dịch hay đã phiên âm còn chua thêm chữ Hán. Sau đó, 25/7/2009 đi Hải Phòng công tác, qua một doanh nhân tôi đã được tiếp xúc một cuốn LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ CHIẾN THẮNG (1945-2008). Đây là những tư liệu quý giá để tôi chỉnh sửa, bổ sung những điều mình nắm chưa chắc hoặc chưa biết.
Đồng thời, tranh thủ lúc rảnh vào mạng tôi đã tìm thấy nhiều thông tin lý thú bổ ích về việc họ, về họ mình và nhân vật chí, dư địa chí liên quan. Từ năm 2009 qua Internet tôi biết và trao đổi Email với vài vị trong BLL Họ Lương toàn quốc và những người tâm huyết với việc họ, đã từng phiên âm, dịch Gia phả của một số chi phái họ Lương. Đặc biệt ngày 16/5/2010 được dự buổi toạ đàm về đề cương cuốn sách: “HỌ LƯƠNG VIỆT NAM-TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI” tại Nhà Văn hoá Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Qua những tiếp xúc và trao đổi đó tôi thu nhận được nhiều kiến thức về Gia phả học, thu thập được nhiều thông tin hết sức bổ ích, quý giá, bổ khuyết những điểm còn thiếu.
Tất cả những điều đó đã củng cố niềm tin và là tư liệu giúp tôi trong việc bổ sung, chỉnh sửa tiếp để ngày càng hoàn thiện Gia phả hơn.
5- Đây việc tôi làm từ “Tâm nguyện”:
Tôi biết rằng viết Gia phả (Tục biên 續編 hay Chính biên 正編) là một việc khó, kể cả trong thời kì họ còn hưng thịnh, cư trú quanh quê gốc. Khi họ càng đông, tán mát đi nhiều nơi việc này khó hơn. Lại càng khó hơn với lớp hậu sinh, sớm xa quê, lơ mơ về Hán Nôm, chẳng mấy am tường về quê hương, họ mạc, hiếm tư liệu tham khảo, ít người chỉ bảo như chúng tôi.
Ngày xưa Gia phả thường do các bậc Đức cao, Vọng trọng 德高望重 trong họ đảm nhiệm, có họ phải nhờ người Khoa bảng, ít ra phải là người có “chữ nghĩa” soạn giúp có như vậy mới ghi chép được rõ ràng trước sau. Tôi nghĩ cầu toàn quá khó thành. Nhất là các thế hệ con cháu tôi mai ngày không được sinh ra và lớn lên ở cố hương thì làm sao biết được gốc gác, tổ tông, nếu tôi không viết và truyền lại? Mặt khác thời nay, con cháu hầu như xa quê do đi làm ăn, do công tác nên dù có người tài giỏi, uyên thâm đến đâu cũng không thể tự mình viết đựợc Gia phả của gia tộc. Mỗi gia đình, từng Chi, từng Ngành phải có ý thức ghi chép lại lịch sử gia đình, Chi, Ngành mình thì bản Tộc phả của Lương tộc mới có cơ hoàn chỉnh được.
Tôi tự nhủ: cốt mình có Tâm 心, có Chí 志, có Trí 智, tập trung Thời gian 時間, thu thập đủ Tư liệu 思料, bỏ ra một chút Tiền của 財正, Sức lực 力行...chắc sẽ hoàn thành được di nguyện của phụ thân và chẳng ai nỡ trách cứ, nếu có sơ xuất. Hơn nữa đây là di nguyện của Cha tôi và tôi viết để lại cho con cháu tôi chứ trong thâm tâm tôi không nghĩ đây là Gia phả của Lương tộc Cao Mật 皋密梁族家譜 hoàn chỉnh mà chỉ là Gia phả của dòng Lương Đức trên Lào Cai 老街梁德家世譜 nên cũng không có gì băn khoăn lắm. Các Chi, Ngành, Gia đình nào trong họ tham khảo, sử dụng được đến đâu là do ý hiểu và tâm nguyện ở mỗi người, mỗi gia đình. Mặt khác nếu quá trình soạn thảo và sau này ai cung cấp điều gì mà qua kiểm chứng thấy đúng tôi sẽ tiếp tục sửa chữa, bổ xung. Việc ghép Gia phả nhiều Tiểu chi lại thành Gia phả Đại tôn, tụ các dòng riêng lại thành dòng chung sẽ được bản Tổng phả của Lương tộc Cao Mật, khiến người đọc người xem thấy đủ đầy, đầm ấm, từ sơ hóa thân, từ xa nên gần. Đặc biệt nếu có dịp được nghiên cứu kĩ hơn Gia phả Lương tộc ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), Tiên Lãng, An Lão (Hải Phòng) là nơi mà theo truyền ngôn là Thủy tổ của Lương tộc Cao Mật, lịch sử địa phương thì chắc chắn dữ liệu sẽ đầy đủ và việc soạn sẽ chính xác hơn.
Nhưng chờ đợi những điều kiện lí tưởng như vậy là khó và quá lâu. Đồng thời chúng tôi là thế hệ chuyển tiếp dứt hẳn Hán học sang tân học và từ quê Biển lên Rừng càng cần phải chép lại thời kì đặc biệt này để con cháu mai ngày hiểu thêm, đỡ phải mất công tra cứu, lục tìm như tôi bây giờ. Hơn nữa, tôi cho rằng trong khi chưa đủ tiền may áo lụa hãy tạm bằng lòng với tấm áo mộc chứ chẳng lẽ lại ở trần mà chờ !.
Do đó dựa vào tư liệu đã có, sưu tập các sự tích, truyền ngôn do nhiều người kể lại, tham khảo tư liệu lịch sử, dư địa chí, phụ thêm kiến giải của mình mà tôi quyết định soạn thành cuốn Lào Cai Lương Đức Gia phả, chủ yếu viết về chi út ngành thứ Ba đã lên Lào Cai khai hoang trong những năm 1962, 1964.
Có nhiều cách soạn Gia phả: Soạn theo hệ thống Ngang (橫系,người cùng đời chép chung trong một mục); theo hệ thống Dọc (纵系,từ Cụ Tổ ngành Nhất đến con cháu hậu duệ của Cụ sau đó tiếp đến Cụ Tổ và các thế hệ hậu duệ của ngành Hai...) hoặc theo cách lập Phả đồ 譜图 hay đơn giản hơn là lập Danh sách con cháu trong họ...Mỗi cách có điểm thuận, điểm khó cho người soạn và người đời sau bổ xung hay tìm đọc khác nhau. Để thống nhất với cuốn 1, tôi trình bày vừa theo Hệ thống Ngang (với những người trực hệ), có kết hợp với Hệ thống Dọc (những người không trực hệ với tôi).
Ứng dụng KHCN, tôi soạn trên máy Vi tính cho dễ bổ sung, sửa chữa, chỉnh sửa. Việc ứng dụng Tin học còn thuận tiện cả trong việc xếp Mục lục hay tìm kiếm mục từ hoặc lưu giữ cũng như tiện cho ai muốn sử dụng bản gốc này để soạn cho Gia phả nhà mình cũng như tiện cho tôi, con cháu tôi soạn, sửa, bổ sung tiếp sau. Để tiện thẩm cứu khi có điều kiện, tôi tự học thêm để những chỗ cần thiết chèn cả chữ Hán 漢 hay Nôm 喃. Mặt chữ tôi dựa vào Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Ngũ Thiên tự của Vũ Văn Kính, Khổng Đức và sách lịch sử. Để Insert vào đoạn đang soạn tôi dùng phần mềm ứng dụng Hanokey 2.0 hay Viet Han Nom 2.0 qua Fonts chữ Arial Unicode MS hoặc Simsun, Nomminh, 文中. Do đó nếu chuyển bản này qua MVT khác không đủ 2 điều kiện trên thì các chữ Hán, Nôm không xuất được ra Word để xem và sửa. Đồng thời học tập tiền nhân, tôi giữ nguyên một số cách gọi theo truyền thống (Từ đường 祠堂, Tộc 族, Đệ 第,đại 代) nhưng có cải tiến là dùng các chữ số La Mã để ghi số đời và chữ số Ả rập để ghi thứ tự; những từ thông dụng thì sẽ Việt hóa (như dùng từ “bà cả” thay cho “chính thất’’ 正室,“vợ lẽ” thay “Trắc thất” 側室...)
Soạn Gia phả cũng như làm sử phải trung thực. Những gì có tư liệu thành văn thì tuyệt đối tôn trọng các văn bản đó. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các văn bản tôi cố gắng đối chiếu với lịch sử nước nhà, lịch sử địa phương, chuyện về các Danh nhân liên quan và với Phạm tộc Gia phả (là dòng họ lớn cùng xã, lập nghiệp ở Cao Mật cùng thời với Lương tộc, là họ của mẹ tôi và còn giữ được Gia phả). Những tư liệu truyền ngôn, tôi cố gắng hỏi nhiều người, dựa vào kiến thức Lịch sử, phong tục tập quán, hiểu biết của mình mà sắp xếp lại cho có logic, khoa học. Trên tinh thần “gạn đục, khơi trong”, tôi ghi cả việc hay và điều chưa tốt của Gia tộc nhưng không “tô hồng” và cũng chẳng “bới lông tìm vết”, không tự tiện thêm bớt, chỉ cố gắng sắp xếp lại cho rõ ràng. Đồng thời với lòng kính trọng, biết ơn Tổ tiên, tôi chú trọng chép lại những công tích, việc làm hay của tiền nhân để đời sau học tập, phát huy. Riêng những thói xấu, vết nhơ chỉ việc nào thật lớn tôi mới chép lại để làm bài học răn đe cho hậu thế còn chỉ đề cập lướt qua. Nếu ai đọc thấy có gì chưa phải, xin được lượng thứ cho người soạn.
6- Soạn nên Gia phả có 6 phần :
Để tiện cho việc soạn và xem, tôi xếp cuốn Gia phả thành các phần:
Mở đầu: Lời tựa.
Phần 1: Sơ thuật đôi điều về Gia tộc.
Phần 2: Đời thứ VI, hay thế hệ thứ Nhất trên Lào Cai.
Phần 3: Đời thứ VII, hay Thế hệ thứ Hai trên đất Lào Cai.
Phần 4: Đời Thứ VIII, hay Thế hệ thứ Ba trên đất Lào Cai.
Lời tạm kết : Đôi điều nhắn nhủ.
Trong từng phần đều có Phụ lục, trong đó Phả đồ 世譜 (với tên từng người đặt trong các ô kèm các đường dẫn chỉ mối quan hệ). Điều này giúp người xem thấy rõ một cách tổng quát các chi lớn, nhỏ, xa, gần của một họ, biết sự phát triển của dòng họ hay từng ngành mà phân biệt rõ thế thứ, thân sơ.
Còn những bài thơ, sự việc tôi ghi là để cho gia đình, con cháu tôi tham khảo. Tiêu đề mỗi phần và đề mục được viết bằng một câu thơ, tập hợp lại sẽ thành một bài lục bát:
Mào đầu xin có đôi trang,
Phát nguồn, Gia tộc, Họ hàng, thân, sơ.
“Đất lành chim đậu” thành quê,
“Một con, một gánh” nên Chi, nên Ngành.
Rời quê lên với ngàn xanh,
Rạng danh tiên tổ mới thành con ngoan.
Xum xuê Cành Quế, Chồi Lan,
Giữ cho chữ “Đức Lưu Quang” truyền đời.
7- Mỗi phần chắt lọc từng tư liệu :
Phần 1: Sơ thuật đôi điều về Gia tộc.
Đây là phần Tục biên Gia phả Lương tộc 梁族家譜續編 từ Thượng Tổ tới Đời Thứ V. Khi soạn phần này tôi dựa vào cuốn Lược thuật về Lương tộc và Gia đình tôi soạn từ 3/1997-9/1999 và những tư liệu được nghe, được biết, được chứng kiến hay sưu tầm sau đó. Những gì đã ghi rõ ở Lược thuật...., cuốn này chỉ ghi tóm tắt hoặc bổ sung, biên tập lại để đảm bảo tính liên tục. Khác với Lược thuật..., cuốn này vì được viết dưới hình thức Gia phả nên không có Đại từ nhân xưng theo nghĩa vai vế. Mọi người nếu đã mất đều được gọi là “Tổ”, hoặc viết tên không, có khi ghi là “Cụ, Ông, Bà” như là một Đại từ thay thế tên của người đang nói đến. Mọi lưu ý cần thiết được ghi ở phần chú thích cuối trang.
Về quê hương: Thượng Tổ từ Tiên Lãng sang An Lão (Hải Phòng) lập nên dòng họ Lương ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng rồi từ đó, một số gia đình lại ra đi các nơi và sinh sôi ngày một đông. Do sự thăng trầm của lịch sử mà địa danh, địa giới các vùng đó luôn đổi thay nên việc truy nguyên gặp nhiều khó khăn. Tôi đã phải tra cứu nhiều để sắp xếp lại, đủ tư liệu để viết về địa danh, điều kiện kinh tế xã hội và hoàn cảnh lịch sử các địa phương này, đặc biệt là ở những bước ngoặt, giai đoạn liên quan nhiều đến việc sinh cơ, lập nghiệp, hình thành nên Gia tộc hay Chi, Ngành ở nơi đó. Có những vùng đất, sự kiện tôi được mục kích, có tư liệu chỉ là đọc được, nghe kể. Ghi lại những điều đó nhằm bản thân nhớ và cho con cháu hiểu thêm Dư Địa chí 輿地誌 nơi mình sinh ra, lớn lên cũng như cái thủa cha ông tay trắng rời quê đi mở đất để ghi nhớ công đức tiền nhân. 16 mục với mỗi tiểu mục là một câu mà tập hợp lại sẽ thành 4 khổ thơ thất ngôn:
Thau chua, rửa mặn miền Đông Bắc :
Lập làng, khai nghiệp cạnh sông Văn,
Chân núi Ông Voi, An Lão đến ,
Kiến An tỉnh cũ, Hải Phòng nay.
Đường lên mở đất xây quê mới:
Thời cơ, ý Đảng, hợp lòng dân,
Góp giữ vững vàng miền biên ải ,
Rời biển lên ngàn, học tiền nhân.
Biên viễn đất này vùng Tây Bắc:
Nơi nước Hồng Hà nhập Việt Nam,
Bảo Thắng đất xưa miền Thủy Vĩ ,
Phong Niên quê mới sáng bừng lên.
An Phong thủa ấy còn hoang hoá,
Tay trắng đi lên bởi chí bền.
Đổi thay muôn mặt nhờ trăm họ,
Con cháu mai ngày chớ lãng quên.
Về nguồn gốc gia tộc: mới tìm và được tính từ khi Tổ rời Tiên Lãng sang lập nghiệp ở Cao Mật. Còn Nguyên Tổ, Viễn Tổ là ai ? ở đâu ? đều chưa rõ.
Theo các bậc cao niên kể lại (có chép trong Gia phả họ Lương Tiên Lãng) thì Thuỷ tổ 始祖 của họ Lương Chiến Thắng là cụ Lương Đắc Bằng. Để tránh tuyệt diệt trong buổi loạn lạc thời Nam Bắc triều, vào thế kỷ XVI một người cháu cụ Bảng nhãn là Lương Đắc Cam từ Thanh Hóa ra nương nhờ cụ Trạng (học trò Lương Đắc Bằng, sau lại dạy con thầy là Lương Hữu Khánh 梁有慶).Cụ Trạng đưa sang lập nghiệp ở xã Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖, huyện Tân Minh 新縣, phủ Nam Sách 南策府, trấn Hải Dương 海陽鎭 (nay là thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Nhưng trong lúc chính sự rối ren (Lê-Mạc, Lê-Trịnh rồi Trịnh-Nguyễn), sợ bị đàn áp nên con cháu phải giấu gốc gác, không ghi trong Gia phả mà chỉ truyền miệng. Có người nói cụ Đắc Bằng có thời làm quan ở Hoà Bình và có thê tử tại đó nên những người Mường, Thái họ Lương hay Lường ở vùng này cũng là hậu duệ của Lương Đắc Bằng. Khi về quê hoặc đi công tác tới các vùng này tôi có hỏi nhưng người biết, người nói nghe láng máng nhưng không có bằng chứng, người bảo chưa từng nghe. Việc giám định ADN có tính chính xác cao, nhưng với điều kiện họ ta đó là điều không tưởng . Khó thay !Họ Lương ở Thanh Hóa gồm nhiều dòng. Ngay các dòng mà Thủy tổ là Lương Đắc Bằng thì những cuốn Gia phả lập lại hay mới dịch sau này cũng có nhiều điểm không thống nhất và chưa tìm thấy cuốn nào chép rõ việc 1 chi ra Tiên Lãng rồi tách nhánh sang An Lão ở Hải Phòng. Có điều là chưa rõ Tổ thượng Lương Đắc Cam quan hệ như thế nào với Bảng nhãn Lương Thế Vinh chưa rõ nên Lương tộc Cao Mật trực hệ với ai trong số các người cháu của Cụ?.
Nếu đủ căn cứ chắp nối các chi phái thì rõ ràng Lương tộc vùng Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương nay có chung Đức Nguyên Tổ 梁族原祖 là Bảng nhãn thượng thư Lương Đắc Bằng 榜眼尚書 梁得朋. Đây không phải là “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà là việc đi tìm nguồn cội để giáo dục con cháu phấn đấu noi gương. Việc minh chứng này đòi hỏi thời gian và công sức, tâm huyết của nhiều người, ở nhiều vùng .
Truyền rằng: Sau 5, 6 thế hệ họ Lương từ Thanh Hóa ra lập nghiệp ở Tiên Minh, một chi (Cụ Lương Công Trạch ở Phương Lai, Tiên Minh) gặp năm đói kém đã “bên nồi bên con” sang gây nghiệp ở tổng Cao Mật (Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng nay). Việc này diễn ra vào nửa đầu thế kỷ XVIII (đời Lê Hiển Tông-Trịnh Doanh 黎顯宗 - 鄭楹) và sinh ra dòng họ Lương ở đây.
Việc xác định chữ lót của dòng họ, cách tính Đời (Thế hệ) và về dòng Trưởng tôi đã viết trong cuốn Lược thuật...nay không nhắc lại, chi tiết nào cần nói rõ thêm sẽ được chú thích ở cuối mỗi trang .
Về hậu duệ các ngành: Tổ sinh 6 Nam nhưng chỉ có 4 ngành là còn hậu duệ cho đến nay. Tôi thuộc ngành thứ Ba (con cháu cụ thứ Tư tên Tú). Với mục đích viết cho con cháu tôi đã lên Lào Cai nên tôi chỉ thu thập tư liệu và tục biên về ngành này, nhất là những gia đình thuộc chi út và một số gia đình chi ngành khác nhưng có liên quan với gia đình tôi ở quê cũng như lên Lào Cai. Đối với một số gia đình tuy gần về mặt huyết thống nhưng ít liên quan, tôi chưa rõ hoặc các bác, các chú, các anh ấy chưa mặn mà lắm với việc chắp nối họ, tôi cũng không có điều kiện tìm hiểu để chép ra đây. Có lẽ chờ dịp khác.
Phần 2: Đời thứ VI, hay thế hệ thứ Nhất trên Lào Cai.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) và Nghi quyết 5 của BCHTW (khoá III), ngày 12/11/1961 Hội nghị Đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An, Lào Cai đã ra Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh, trong đó có việc vận động nhân dân Kiến An lên Lào Cai khai hoang. Thực hiện chủ trương đó đến năm 1963 đã thành lập được 25 HTX tập trung độc lập người Kiến An (sau đó là Hải Phòng) điển hình là Sơn Hải với mỗi Đội mang tên một huyện ở quê cũ. Rút kinh nghiệm các đợt đầu nên trong năm 1964 phong trào đi khai hoang phát triển KT, VH miền núi đã lan ra sâu rộng.
Chính từ phong trào đó, tháng 2/1964 gia đình tôi cùng với gia đình một số gia đình ở Chiến Thắng, An Thái, Đồng Tải (huyện An Lão) đi khai hoang ở Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai lập nên HTX An Phong ...Sau đó, năm 1970 anh Tâm, anh Thuế lên Trì Quang. Từ 7 gia đình Nam, 3 gia đình Nữ ban đầu đó, con cháu Lương Đức Cao Mật, do sinh kế và công tác, đã lập nghiệp ở Xuân Quang, Trì Quang, Phố Lu, Sơn Hải (thuộc huyện Bảo Thắng) và Thành phố Lào Cai ngày một đông. Do đó việc soạn Gia phả là cần thiết để truyền lại cho con cháu mai sau. Phần này là phần Chính biên Gia Phả Lương tộc chi út ngành thứ Ba 老街梁德家世譜正編, chủ yếu chép về Cha, Chú và các Cô của tôi. Đó là những sự việc tôi được chứng kiến, nghe kể trực tiếp, có tài liệu và đựơc thẩm tra xác minh. Nó hỗ trợ bổ xung cho những điểm thiếu, chưa chuẩn ghi trong Lược thuật...Khắc phục tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, “nữ nhân ngoại tộc” và rút kinh nghiệm của tiền nhân tôi chép cả các cô tôi và con cháu của họ. Trường hợp biết rõ, hoặc xét thấy cần tôi chép cả các ông bà thông gia với gia đình.
Phần 3: Đời thứ VII, hay Thế hệ thứ Hai trên đất Lào Cai.
Là phần chép về anh em tôi. Theo quan niệm: “Cái quan định mệnh”, việc đánh giá một con người chỉ tương đối chính xác khi đã “lấp ván thiên, vùi ván địa” nên chỉ chép vào Gia phả những người đã về chầu Tiên Tổ. ở đây tôi chép Biên niên sự kiện về anh em tôi và được cập nhật thường xuyên. Trong phần này, vì nhiều lí do, có những chi tiết được mã hoá. Những khoá đơn giản thì Huyền Thương có thể giải được. Còn những chi tiết quá “tế nhị” cần mã phức tạp thì phải đợi Hải Thương khi có đủ kiến thức về Toán, Tin cần thiết, với lời dặn ..., sẽ mở và hiểu được. Hơn nữa, khác với các thế hệ trước chỉ thuần nông ở quanh bên cha mẹ, thì anh em và sau này cả con cháu tôi mỗi người một việc, chỗ ở thường gần cơ quan cho tiện công tác do đó trải khắp nơi chứ không ở quanh nơi phát tích. Do đó các con, cháu tôi phải bổ xung, dần hoàn thiện sau.
Phần 4: Đời Thứ VIII, hay Thế hệ thứ Ba trên đất Lào Cai .
Vì chưa có lệ và chưa lập được Sổ họ để ghi tất cả họ, tên, ngày sinh, con ai của từng đứa trẻ trong họ vừa sinh ra để sau này chép vào Gia phả nên tôi thống kê luôn vào đây. Sau này hậu duệ của tôi sẽ viết tiếp.
Kèm theo Gia phả tôi còn soạn một số Thế phổ 世譜, như: Giản đồ phát triển dòng họ và các ngành cũng như Giản đồ phả hệ Phạm Chiến Thắng, Phạm Chính Lý (là họ mẹ và họ vợ của tôi) để mọi người và con cháu tôi tiện theo dõi, đối chiếu. Việc đối chiếu này sẽ biết rõ mối quan hệ, cách xưng hô trong họ tộc. Trong các Phả đồ này người hàng trên là Bác, Cha, Chú, Cô người hàng dưới; người cùng hàng là Anh, Em và người bên trái là anh người bên phải.
Phần 5: Những điều suy ngẫm, nhắn gửi lại.
Do sự cố gắng của bản thân, sự động viên, khích lệ và cung cấp tư liệu của nhiều người nên cuốn Gia phả này đã sưu tầm, ghi lại được những điều cơ bản về dòng tộc và gia đình. Ngoài việc ghi ngày họ tên, ngày mất, mộ phần, đóng góp của từng người trong Gia tộc còn ghi lại cả về phong tục, tập quán; về điều kiện tự nhiên, sự phát triển kinh tế và lịch sử, chính trị các địa phương liên quan. Từ Cụ Tổ chung, sinh ra các Chi, các Ngành. Vì nhiều lí do, từng người, từng gia đình hay cả một Tiểu chi sau thời kì sinh trưởng, quần tụ ở quê gốc lại ra đi mở đất và sinh ra Tiểu chi hay một Phái ở nơi quê mới. Do đó nếu không ghi lại thì đời sau không biết gốc gác Tổ tiên ở đâu, từ đâu đến, vì sao đến và từ bao giờ ?.
8- Con cháu mai ngày hãy tiếp thêm:
Tôi mong một ngày nào đó có người đứng ra dựng lại gia phả hoàn chỉnh của dòng tộc như một số họ đã và đang tiến hành. Phần tôi vừa là hậu sinh, ngành thứ lại không ở quê nên khó bề thực hiện.Với cuốn Gia phả này tôi muốn góp một phần nào về sưu tầm, ghi chép của mình theo ý tưởng đó. Nếu ở đây còn có điều gì chưa chuẩn xác, nhận xét nào chưa khách quan thì cũng dễ hiểu và tôi luôn mong có sự trao đổi, đính chính, bổ xung. Để mọi thành viên trong họ đều hiểu rõ gốc gác, lược sử dòng họ cần được phổ biết trong mỗi dịp cúng giỗ.
Ngày trước mỗi dòng họ, dù giầu hay nghèo cũng đều có phần ruộng, đất hương hoả (嗣田, Tự Điền) để Trưởng tộc có kinh phí lo hương khói và ghi chép Sổ họ. Nay ruộng đất là “Công thổ Quốc gia” 公土國家, kinh phí duy trì việc họ 族事 do đóng góp, hảo tâm, công đức của con cháu. Nhiều con cháu, gia đình, do sinh kế, do công tác đã định cư, sinh sống trải khắp nước. Trưởng Chi, Trưởng Tộc không thể tự duy trì Sổ họ và dựa vào đó để chép Gia phả được. Tôi nghiệm ra rằng họ ta tuy không phải thuộc loại thi thư hay quan trường nhưng cũng không hẳn là thấp hèn, yếu thế. Như thế việc sọan, lưu truyền Gia phả là rất cần để ghi lại công đức tiền nhân, truyền thống gia đình, giáo dục cho hậu thế.
Tôi có lợi thế là đi nhiều, được học hành khá cơ bản, tiếp thu được lời uỷ thác của thân phụ và có khả năng khai thác tư liệu ở Thư viện, trên Internet và sử dụng được máy vi tính lại khá rảnh về thời gian. Do vậy đã quyết tâm thu thập tư liệu và soạn thảo. Những ghi chép của tôi có ích cho con cháu tôi nơi Biên thuỳ và chắc rằng cũng sẽ là tư liệu tham khảo tốt cho các Chi, Ngành, Gia đình khác. Nếu mỗi người có ý thức tục biên và ghi chép lại lịch sử của gia đình, Chi, Ngành mình thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chắp nối và soạn lại được Gia phả Lương tộc Cao Mật một cách tương đối hoàn chỉnh.
Việc ghép nối Gia phả để kết, chắp tìm ra mối liên hệ giữa các chi phái cùng họ trong một vùng, một tỉnh đến toàn quốc là việc nên làm nhưng đòi hỏi tâm huyết, công sức, thời gian, tiền của và trí tuệ của nhiều người. Điều đó còn đang ở phía trước. Kèm theo cuốn này còn có cuốn “Một số nhân vật, địa danh, phong tục, thuật ngữ đã được và cần tìm hiểu khi soạn hay đọc Gia phả” do tôi sao lưu, biên tập lại các tư liệu mà mình tìm kiếm, khai thác được.
Trên đây là vài lời tâm huyết giãi bầy của tôi để anh em, con cháu hiểu cho và cùng chia sẻ. Tôi mong rằng con cháu tôi sẽ kế tục nhau viết tiếp, cứ sau 5 năm cần tục biên một lần, 25 năm cần tổng chỉnh rồi phổ biến để Gia Phả gia đình không có thời kì nào rơi vào tình trạng ngắt quãng.
Khởi thảo lần 1: Ngày Rằm tháng Chạp năm Kỉ Mão (21 /01/2000)
Hoàn thành lần 1: Ngày 12 tháng Chạp năm Bính Tuất (30/01/2007)
Soạn lại lần 2: Ngày 16 tháng Giêng năm Đinh Hợi (04/3/2007)
Hoàn thành lần 2: Ngày tháng năm ()
Dr Lương Đức Mến 梁德悗
(Hậu duệ Đời thứ VII Lương tộc Cao Mật, tức thế hệ thứ Hai trên Lào Cai)
Gia Phả LƯƠNG ĐỨC TẠI LÀO CAI 老街梁德家譜
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc LƯƠNG ĐỨC TẠI LÀO CAI 老街梁德家譜.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc LƯƠNG ĐỨC TẠI LÀO CAI 老街梁德家譜
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.