Dòng họ Nguyễn ở Việt Nam nói chung và dòng họ Nguyễn Xuân nói riêng có hầu hết ở các tỉnh thành trong cả nước và ở nước ngoài.
Nước có quốc sử để ghi chép việc chung của quốc gia. Họ tộc có gia phả để: Một là, biết về nguồn gốc, truyền thống và sự phát triển của dòng họ. Hai là, ghi chép thành tích, công lao, nhân nghĩa của các đời đối với quê hương, đất nước, đối nhân xử thế của con cháu các đời mà tích luỹ nên. Ba là, để biết rõ những ngày giỗ, Tết, biết phần mộ của các cụ đã quá cố, biết phân biệt thứ bậc trong dòng họ để xưng hô, cư xử cho phải đạo gia phong, gia tộc.
Họ Nguyễn Xuân trước đây đã có gia phả bằng chữ Hán. Nhưng do thiên tai, binh hoả chiến tranh cộng với thời gian làm hư hỏng, thất lạc.
Với ý nguyện của các thế hệ hậu duệ, họ Đại tôn Nguyễn Xuân ở làng Thuận Lễ, xã Cẩm Sơn tổ chức sưu tầm, biên soạn lại cuốn gia phả, tộc phả của dòng họ mình.
Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến truyền lại của các vị cao niên đã quá cố và còn thượng tại, đồng thời qua ý kiến góp ý của những người có hiểu biết về dòng họ Nguyễn Xuân qua lịch sử địa phương, cũng như sự cung cấp tư liệu của các chi, các thế hệ hậu duệ nội ngoại mà xây dựng nên cuốn gia phả này.
Từ khi cụ thuỷ tổ từ núi Hai Vai (hay núi Yên Ngựa) xứ Đông Thành, tỉnh Nghệ An vào khai sinh lập ấp cho tới nay đã 10 đời, vào khoảng 270 năm thời Hậu Lê, đầu Nguyễn, tức vào khoảng năm 1759.
Trong văn tế để lại có câu:
"Đông Thành cổ thụ phong thanh.
Nguyện viện lưu truyền Lệ địa".
Vùng đất này lúc bấy giờ còn hoang vu, núi đồi vượn hót, chim kêu (theo bài thơ "Phượng Hoàng thượng lộ tảo hành" của Đại thi hào Nguyễn Du lúc bấy giờ).
Do mảnh đất nên thơ, trên có núi Phượng Lĩnh, dưới có núi Thiên Cầm và Biển Đông, giữa là con sông Quèn uốn khúc có dòng nước ngọt chảy qua. Ngài đã dừng chân tại đây khai phá đất đai, sinh con đẻ cháu thành một dòng họ phát triển như bây giờ. Trãi qua bao biến cố lịch sử, trãi qua bao thời đại, bao chế độ. Điều đáng trân trọng là các thế hệ con cháu, dâu rể trong dòng họ đều có đức hạnh, trọng nghĩa tình, biết dạy dỗ con cháu điều hay lẽ phải, chăm lo phụng sự ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Cần cù trong lao động sản xuất, luôn phấn đấu vươn lên, đoàn kết đùm bọc trong họ tộc và xóm làng, học hành tiến bộ.
Từ xưa tới nay, con cháu luôn thi thư nối nghiệp, trung hậu gia truyền, các học vị Hương cống, Văn nho, Đồ học cho đến Kỹ sư, Tiến sĩ đều có. Những bậc cao tuổi, những người giàu sang càng sống hiền hoà, trung hậu, hay cứu giúp những người bần hàn hoặc bị nạn do thiên tai, địch hoạ. Những lời ca ngợi ân đức từ xưa đã trở thành điển ngữ để người đời ca ngợi tổ tiên ta.
Gia đình hoà mục thì "Tương hỗ vi huynh", khó thành danh thì "Thanh thiên giữ đạo". Làm quan liêm cần, cư xử tốt với muôn dân còn lưu giữ mãi. Người hiền tài có học, có danh vọng luôn làm rạng rỡ bản thân, gia đình và họ tộc. Con cháu cày ruộng mà biết đọc sách là nối tiếp truyền thống cha ông, tiên tổ.
Đó là những truyền thống quí báu của dòng họ để các thế hệ hậu duệ sau này lấy đó làm gương, giữ gìn và phát huy.
Với truyền thống và phong tục Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong giữ gìn gia lễ, gia phong, gia tộc và tôn trọng lời dạy của tổ tiên, tiền bối "Tôn tộc đại qui, tôn tài đại thịnh" các thế hệ hậu duệ của dòng họ Đại tôn Nguyễn Xuân làng Thuận Lễ luôn tôn vinh, gìn giữ, phát huy.
Năm Kỷ Sửu (2009), Hội đồng soạn thảo gia phả họ Đại tôn Nguyễn Xuân trân trọng giới thiệu để các thế hệ hậu duệ họ Nguyễn Xuân cũng như bà con trong họ, ngoài làng biết, đồng thời đóng góp ý kiến bổ sung, chỉnh lý để cuốn gia phả ngày càng đầy đủ, chính xác, tin cậy, làm cơ sở để các thế hệ mai sau duy trì và phát triển.
Đây là cuốn gia phả bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của dòng họ Nguyễn Xuân Đại tôn.
Hội đồng biên soạn gia phả:
1- Ông Nguyễn Xuân Kháng, Tộc trưởng.
2- Ông Nguyễn Xuân Kiềm, Trưởng chi thứ hai.
3- Ông Nguyễn Xuân Thại, Trường chi thứ ba.
4- Ông Nguyễn Xuân Quế, Trưởng chi thứ tư.
5- Ông Nguyễn Xuân Ngưỡng, Cao niên chi thứ nhất.
6- Ông Nguyễn Xuân Nguyệt, Cao niên chi thứ ba.
7- Ông Nguyễn Xuân Nghiệu, Cao niên chi thứ ba.
8- Ông Nguyễn Xuân Cầu, Cao niên chi thứ ba.
9- Ông Nguyễn Xuân Thanh, Cao niên chi thứ nhất.
Tháng 11 năm 2009