Dòng họ Lê Đình - Đôn thư chúng ta là dòng họ chi được tách ra từ dòng họ Lê Đình - Phương Trung. Cho đến nay (2009) dòng họ Lê Đình - Đôn thư chúng ta đã có con cháu đến đời thứ 9.
Nguồn gốc dòng họ Lê Đình - Phương Trung và Đôn Thư
Theo Văn bia tại chợ Chuông do GS.TS Đinh Khá thuật dịch và GS-TS Bùi Xuân hiệu đính có ghi như sau: “Tại ấp Thanh Mộc, xã Từ Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, phủ Hà Trung có vị Dương Vũ uy dũng Vân Tán tự công thần, Tây Quân Đô đốc phủ, Tả Đô Đốc Thiếu Úy, Thủy Quận công Lê Cự, lấy người vợ là bà họ Phạm”. Văn bia này được lập năm thứ nhất đời vua Lê Huyền Tông (niên hiệu Cảnh Trị) năm 1663 (cách đây khoảng gần 350 năm) cùng các chức sắc của làng xây nên để tưởng nhớ công ơn Cụ Lê Cự đã có công phát tâm xây dựng chợ Chuông và phát triển xây dựng làng tổng.
Cụ Lê Cự có con trai làm quan tới chức Hữu Trung Thủy Đô đốc Đồng Trị là con rể của nhà vua.
Có thể giả thiết rằng: Do công trạng với đất nước, cụ Lê Cự đã được nhà Hậu Lê và Chúa Trịnh phong đất ở Phương Trung. Chắc hẳn cụ mang đã mang theo các gia nhân là con cháu trong họ Lê của cụ về đây lập nghiệp. Và có thể mỗi giai nhân của sau này trở thành một ông tổ dòng họ Lê. Có lẽ vì vậy, ở Phương Trung hiện nay có rất nhiều dòng họ Lê khác nhau.
Dòng họ Lê Đình - Phương Trung chúng ta cho đến nay đã trải qua khoảng 16 đời nên (trải qua khoảng 400 năm - 500 năm), có lẽ cũng vào thời kỳ Cụ Lê Cự về nhận đất phong ở làng Phương Trung ngày nay.
Ngày xưa các cụ trong họ ta cũng hay nói một cách tự hào rằng: Họ mình là dòng họ Lê Lợi, Lê Lai.
Nên có thể cho rằng dòng họ Lê Đình - Phương Trung có thể bắt nguồn từ vùng Hoằng Hóa - Thanh hóa. Và cụ tổ của dòng họ Lê Đình - Phương Trung là con cháu của của cụ Thủy Quận Công Lê Cự hoặc là con cháu của gia nhân của cụ Lê Cự.
Rất tiếc, hiện nay chưa có tài liệu chứng minh về nguồn gốc của họ Lê Đình - Phương Trung, nhưng giả thiết về dòng họ Lê Đình - Phương Trung xuất xứ từ con cháu của dòng họ Lê Đình vùng Thanh hóa là có cơ sở.
Theo gia phả, họ Lê Đình - Phương Trung đến đời là cụ Lê Quý Công tự Phúc Vạn sinh được 7 người con trai và 4 cụ con gái. Từ đây họ Lê Đình - Phương trung chúng ta phân thành 7 chi. Nhưng trong 7 chi thì các chi: chi 1, chi 2, chi 3, chi 6, chi 7 bị phạt tự nên chỉ còn lại chi 4, chi 5. Nên ngày nay chi 4, chi 5 trở thành Đại Chi 1 và Đại Chi 2 (xem thêm phần sơ đồ thế tự họ Lê Đình -Phương Trung).
Dòng họ Lê Đình - Đôn Thư là con cháu của cụ chi thứ 4 (nay là Đại Chi 1)- là cụ Lê Đình Kiên
Cụ Lê Đình Nghiễm là Cụ Tổ của dòng họ Lê Đình - Đôn Thư chúng ta là cháu nội của Cụ Lê Đình Kiên.
Cụ Lê Đình Nghiễm là đời thứ mấy ở Họ Lê Đình - Phương Trung
Theo gia phả bằng chữ Hán - Nôm do các cụ để lại dưới dạng văn tế lễ thì đứng sau Cụ Tổ “ Đệ nhất Đại tổ khảo Lê Quý Công - Hiệu Phúc An là cụ Dưỡng tổ (con nuôi) Lê Quý Công- Hiệu Pháp Hải, sau đó đến cụ “ Đệ nhị Đại tổ khảo Lê Quý Công tự Phúc Hiền”, sau nữa đến cụ: “ Đệ tam đại tổ khảo Lê Quý Công - Hiệu Phúc Vạn”.
Giả thiết thứ nhất
Theo các thứ tự ghi trong Gia phả : “ Đệ nhất Đại Tổ khảo, Dưỡng tổ, Đệ nhị Đại Tổ khảo, Đệ tam Đại Tổ khảo” chúng tôi nghiêng về giả thiết cụ Dưỡng tổ Lê Quý Công- Hiệu Pháp Hải là anh em của cụ Đệ Nhị đại tổ khảo, chứ không phải là cụ thân sinh ra cụ Đệ nhị Đại Tổ Khảo. Có thể do hiếm muộn Cụ Đệ Nhất Đại Tổ Khảo của chúng ta đã nhận Cụ Dưỡng Tổ làm con nuôi, sau đó mới sinh ra Cụ Đệ Nhị Đại Tổ Khảo, nên trong gia phả ghi Cụ Đệ Nhị Đại Tổ khảo đứng sau Cụ Dưỡng Tổ (Theo gia phả họ Lê Đình - Phương Trung ghi vào năm Thành Thái thứ 19 -năm 1907- không rõ ai biên soạn)
Như vậy theo giả thiết này thì cụ Lê Đình Nghiễm là đời thứ 6 của dòng họ Lê Đình - Phương Trung.
Giả thiết thứ hai
Giả thiết cụ Dưỡng tổ Lê Quý Công- Hiệu Pháp Hải là là cụ thân sinh ra cụ Đệ Nhị Đại tổ khảo, chứ không phải là anh em với Cụ Đệ Nhị Đại Tổ Khảo thì cụ Lê Đình Nghiễm là đời thứ 7 của dòng họ Lê Đình - Phương Trung. Và như vậy, họ thật của chúng ta không phải là họ Lê, bởi cụ Dưỡng tổ chỉ là con nuôi cụ Đại Tổ của Họ Lê - Phương Trung mà thôi.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghiêng về giả thiết thứ nhất, vì phân tích thấy có lý hơn. Và như vậy cụ Lê Đình Nghiễm phải là đời thứ 6 của dòng họ Lê Đình - Phương Trung.
Lịch sử hình thành dòng họ Lê Đình - Đôn Thư
Cụ Lê Đình Cung thân sinh ra cụ Lê Đình Nghiễm có hai vợ. Cụ vợ cả là cụ bà Phạm Thị Bủng Cụ vợ hai là cụ Nguyễn Thị Cao
Cụ Tổ Lê Đình Nghiễm là con trai của cụ bà Nguyễn Thị Cao.
Cụ Phạm Nguyễn Thị Cao có hai con, ngoài cụ Nghiễm ra còn có một cụ con gái mất từ nhỏ là cô tổ Lê Thị Nuôi ( có bản dịch là Lê Thị Nở).
Khi cụ Nghiễm làm rể ở Đôn thư, Cụ đã đón mẹ đẻ là cụ Nguyễn Thị Cao về Đôn thư phụng dưỡng. Mộ cụ Nguyễn Thị Cao hiện nay ở Đôn thư, do ông Lê Đình Cường tìm thấy năm 2007.
Theo các cụ trong họ kể lại: Cụ Nghiễm thủa sinh thời rất hiếu học. Cụ đã lên Đôn Thư để theo học thày đồ là cụ Phạm Đình Dư (tên thường gọi là cụ Cát). (Họ Phạm - xóm 5).
Cụ Nghiễm thông minh, học giỏi, sống đạo nghĩa nên cụ Phạm Đình Dư đã nể phục, cảm mến. Cụ Phạm Đình Dư đã gả con gái là Cụ Phạm Thị Bảo cho cụ Lê Đình Nghiễm.
Cụ Lê Đình Nghiễm đã có vợ cả dưới Phương Trung là cụ bà Phạm Quý Thị - Hiệu Thục Hành. Cụ Phạm Thị Bảo là vợ thứ của cụ Lê Đình Nghiễm.
Cụ Phạm Thị Bảo sau khi lấy cụ Lê Đình Nghiễm vẫn ở lại Đôn Thư mà không về Phương Trung. Chính vì vậy, từ đây cụ Lê Đình Nghiễm và cụ Phạm Thị Bảo đã sinh ra một dòng con cháu họ Lê Đình ở Đôn Thư. Sau này con cháu của hai cụ ngày càng đông đảo và hình thành một dòng họ Lê Đình mới : Dòng họ Lê Đình - Đôn Thư.
Dòng họ Lê Đình- Đôn Thư đã có từ bao lâu
Theo tương truyền thì cụ Lê Đình Nghiễm đỗ Sinh Đồ thời Hậu Lê. Theo lịch sử, nhà Hậu Lê kết thúc vào thời vua Lê Mẫn Đế -vua Lê Chiêu Thống (1766 - 1788) là năm 1788, sau đó là được thay thế bởi Nhà Tây Sơn. Khoa thi Hương cuối cùng của thời Hậu Lê là vào năm 1787.
Gỉa thiết rằng ít nhất là cụ Lê Đình Nghiễm đã thi Hương vào khóa cuối cùng của nhà Hậu Lê thì khoa thi này cũng cách chúng ta đến 2009 -1787 = 232 năm; khi cụ Nghiễm đi thi chắc cũng trên hai mươi tuổi, nên có thể nói dòng Họ Lê Đình - Đôn thư đã có lịch sử khoảng 250 năm.
Dòng họ Lê Đình là một dòng họ “ Khoa danh tế thế”
Có thể nói dòng họ Lê Đình - Đôn Thư là một dòng họ nho học có truyền thống hiếu học, là một dòng họ “khoa danh tế thế”, nhiều cụ đỗ đạt cao, giữ nhiều chức vụ trong làng, trong tổng và cả trong bộ máy chính quyền của nhà nước phong kiến.
Đời thứ nhất, cụ Lê Đình Nghiễm đã đỗ Sinh đồ. Đến đời thứ hai, cụ Lê Đình Hữu đã đỗ Cử nhân, đến đời thứ 3 các cụ Lê Đình Nghi lại đỗ Cử Nhân, cụ Lê Đình Lễ đỗ Nhất Tràng, cụ Lê Đình Cẩn đỗ Tam Tràng ...
Tham gia làm quan có thể kể đến: Cụ Lê Đình Hữu (đời 2) làm đến chức “Hương Trung Trùm trưởng”, cụ Lê Đình Nghi ( đời 3) làm đến chức Huấn đạo Huyện Đông Anh, cụ Lê Đình Lễ ( đời 3) đã vào làm thư lại tại triều đình Huế (có thể làm thư lại tại Hàn Lâm Viện)
Trong làng,các cụ nhà ta luôn giữ nhiều chức vụ quan trọng. Có thể kể đến các cụ Lê Đình Thành (đời 5) làm chức Lý trưởng, còn các chức Hương lý, Phó lý hay Trương Tuần thì có nhiều.
Chức Phó lý: Cụ Lê Đình Du ( đời 5)...
Chức Hương Lý: Cụ Lê Đình Tuyên (đời 5)...
Chức Trương Tuần: Cụ Lê Đình Đương (đời 6) ...
Họ Lê Đình - Đôn Thư là một họ có vai vế nhất trong làng ta thời xưa. Có nhiều cụ là con rể của nhiều bậc nho sĩ, quan tước trong làng, trong tổng như cụ Lê Đình Nghiễm ( cụ tổ) là con rể nhà nho Phạm Đình Dư, cụ Lê Vũ Hy (đời 3) là con rể Quan Tế Tửu Phạm Vũ Phác. Cụ Phạm Vũ Phác đã làm quan đến chức Tế Tửu trong triều đình Huế. Cụ Tế Phác trước khi mất đã được nhà Vua Tự Đức (1847 - 1883) gửi viếng 10 chữ “ Sự nghiệp tam triều vọng, văn chương nhất quốc sư” có nghĩa là: Sự nghiệp cả ba triều đều biết, văn chương cả đất nước đều hay. Họ ta còn có những con rể nổi tiếng như cụ Thám Hoa Vũ Phạm Hàm. Cụ Thám Hoa là con rể cụ Lê Vũ Hy. Cụ Thám Hoa đã vượt qua các kỳ thi Hương, thi Hội và đỗ Thám Hoa trong kỳ thi Đình.
Các cụ trong dòng họ ta nổi tiếng với nghề dậy chữ nho. Nhiều đời, nhiều cụ đã mở lớp dậy học như Cụ Tổ Lê Đình Nghiễm, Cụ Lê Đình Hữu (đời 2), cụ Lê Đình Nghi (đời 3), cụ Lê Đình Cẩn (đời 3), cụ Lê Đình Tấn (đời 3), cụ Lê Đình Tuyên (đời 4) .... học trò của các cụ nhiều người đỗ đạt cao như cụ Thám Hoa Vũ Phạm Hàm. Cụ Thám Hoa sau này là con rể của cụ Lê Đình Nghi (Cụ Huấn hay Cụ Vũ Hy) - như đã nói ở trên.
Các cụ tiền bối của họ ta rất mộ đạo phật. Cụ Lê Đình Túc (đời 4) là con trai thứ 2 của cụ Lê Đình Lễ ( đời 3) rất mộ đạo phật nên cụ đã xuất gia và tu đắc đạo. Cụ đã có nhiều đóng góp xây dựng phật pháp và chùa chiền. Cụ đã có công sáng lập ra ngôi chùa .....ở xã ......Thanh oai - Hà Tây (ngôi chùa này ngày xưa còn được gọi với cái tên của cụ là Chùa Túc) . Cụ đã trở thành vị sư tổ của chùa. Ngoài cụ Lê Đình Túc còn có cụ Lê Đình Định là cháu của cụ Sư Túc cũng đi theo con đường tu hành. Cụ Định đã tu ở của ngôi chùa .....xã .....
Các cụ nhà ta còn rất giỏi về thiên văn, địa lý, nghề thuốc và thuật âm dương. Ngày xưa cụ Lê Đình Du (đời thứ 5 - chi thứ 4), còn gọi là Cụ Phó Du, là một thầy âm dương rất giỏi, ngoài ra cụ còn là một thầy thuốc cứu nhân độ thế nổi tiếng khắp một vùng. Tương truyền rằng cụ còn biết trước cả ngày giờ mất của mình. Khi sắp đến giờ về với tiên tổ, cụ đã làm lễ tạ trời đất, rồi nằm lên sập, hai tay phất hai lá cờ hiệu rồi thăng. Đến đời sau Cụ Lê Đình Đệ (đời 6) cũng theo nghiệp cha làm nghề thầy thuốc và thuật âm dương. Các cụ có một gian thờ điện rất lớn, nhưng do chính sách về tín ngưỡng nên khoảng những năm 60 của thế kỷ 20 ông Lê Đình Đệ đã phải phá bỏ ngôi thờ điện này.
Còn một điều phải nói là con cháu của dòng họ ta được phúc của tiên tổ để lại rất lớn. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Tầu vô cùng ác liệt nhưng các con cháu của các cụ hầu như không có ai nằm lại nơi chiến trường. Duy nhất chỉ có ông ........đi chống Pháp và hy sinh ở vùng Thanh ba - Phú Thọ.
Lịch sử Từ Đường Họ Lê Đình - Đôn Thư
Từ Đường Họ Lê Đình - Đôn Thư được xây dựng trên đất của cụ Lê Đình Thảo (đời 6 - chi trưởng) cung tiến cho họ. Cụ Lê Đình Thảo là cháu nội của Cụ Huấn.
Từ đường trước đây là một ngôi nhà lá gồm ...gian. Được xây dựng vào lần đầu vào khoảng năm ..... Do sự chủ xướng của các cụ......
Lần thứ nhất được trùng tu vào năm .....Do sự khởi xướng của các cụ..........lần trùng tu này đã sửa ......
Lần trùng tu thứ hai vào năm ......Do sự khởi xướng của các cụ Lê Đình Mại, Lê Đình Khả, Lê Đình Lập và các ông Lê Đình Cường, Lê Đình Đường... Việc trùng tu này được thiết kế và chỉ đạo xây dựng, bài trí dưới sự chỉ đạo của cụ Lê Đình Lập. Kinh phí trùng tu do các con cháu đóng góp và cung tiến. Đây là lần trùng tu cơ bản với một kinh phí đóng góp rất lớn so với năng lực của con cháu và xã hội. Điều này cho thấy tâm huyết hướng về cội nguồn của của con cháu dòng họ ta thật đáng tự hào.
Các ngày giỗ chạp lớn trong họ
Ngày tảo mộ đầu năm 4/1: Là ngày các cụ trong họ tổ chức cả họ đi tảo mộ đầu năm. Ngày này các cụ dẫn con cháu đi thăm mộ tổ và các ngôi mộ của họ và các chi.
Ngày góp giỗ 1/3: Giỗ tổ dưới Phương Trung. Các cụ cử người mang lễ về Chuông góp Giỗ
Ngày Xuân Tế 6/3: Họ Lê Đình - Đôn Thư trước đây lấy ngày 6 tháng 3 hàng năm làm ngày Xuân Tế. Ngày Xuân Tế là ngày tế lễ quan trọng nhất trong năm. Những ngày này con cháu xa gần đều về dự đông đủ để lễ tạ tiên tổ.
Sau này, do hoàn cảnh đất nước khó khăn, khoảng năm ....các cụ trong họ quyết định ghép ngày Xuân tế vào ngày giỗ của Cụ Tổ bà Phạm Thị Bảo - ngày mùng 6 tháng 4. Năm 2007, cả họ đã quyết định trở lại ngày Xuân Tế vào mùng 6 tháng 3.
Ngày Giỗ Cụ Tổ Phạm Thị Bảo 6/4: Trước đây ngày giỗ của Cụ được tiến hành chung với ngày Xuân Tế như đã nói ở trên. Nay ngày giỗ này vẫn được các cụ tổ chức chu đáo.
Ngày giỗ cụ Đệ Nhị Thế Tổ Lê Đình Hữu 10/5: Trước đây ngày giỗ này các cụ trong họ chỉ thắp hương, nhưng hiện nay các cụ đã tổ chức giỗ. Ngày kị nhất của Cụ Hữu là 9/5 còn của Cụ Hữu bà là ngày 11/5, nên các cụ chọn ngày 10/5 để giỗ cho cả hai cụ và 2 cụ bà của Cụ Hữu hiện không còn ngày giỗ.
Ngày Giỗ Cụ Tổ Lê Đình Nghiễm 25/5: Trước đây, việc giỗ cụ Tổ Lê Đình Nghiễm do các cụ Họ Lê Đình - Phương Trung đảm nhiệm, còn các cụ họ Lê Đình - Đôn Thư chịu giỗ Cụ Tổ Bà Phạm Thị Bảo. Gần đây, hai họ đã thỏa thuận việc tổ chức giỗ Cụ Tổ Ông ngày 25/5 luân lưu giữa hai họ. Họ Lê Đình Phương Trung tổ chức giỗ năm chẵn, họ Lê Đình Đôn Thư tổ chức giỗ năm lẻ.