GIA

PHẢ

TỘC

Trần
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ

TỘC PHẢ HỌ TRẦN KIM SƠN NINH BÌNH

1, Những căn cứ - Căn cứ vào quan hệ giữa con người với con người - Con người với xã hội với cội nguồn - Căn cứ vào sự mong mỏi tìm lại nguồn cội của nhiều người có tâm huyết trong dòng tộc. - Căn cứ vào các bút tích, lời kể và quá trình phát triển của dòng tộc nói riêng, xã hội nói chung Do vậy cần có bộ tộc phả này.
2, Mục đích, ý nghĩa
Bộ tộc phả ra đời sẽ là một tài liệu giúp con cháu trong dòng họ biết mình là ai, nguồn gốc của mình ra sao. Là một tài để lại cho con cháu hậu thế biết được các thế hệ tiên tổ có những truyền thống tốt đẹp mà học tập và những tồn tại để khắc phục vươn lên.
3, Yêu cần
- Các con cháu anh em mọi người trong dòng tộc có trách nhiệm sao chép bảo vệ và lưu truyền tộc phả này. - Tộc phả này đã được thông qua dòng tộc vào ngày 15/2/2006. Tuy còn hạn chế về trình độ viết song tộc phả này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với những thông tin đầy đủ và chính xác hơn. - Đặc biệt những anh em, con cháu ở xa quê hương cần sao chép và quan tâm tới tộc phả này cũng như quan tâm hơn nữa tới cội nguồn, tiên tổ nơi đã sản sinh ra các các thế hệ con cháu chúng ta. Sự ra đời của tộc phả Theo lời kể, cụ Trần Nhượng đã viết một quyển gia phả bằng chữ hán không rõ vào thời gian nào nhưng do thời gian đã phôi phai nên không còn bút tích gì để lại. Ngày 21/1/1973 tức ngày 18/12 năm nhâm tý, cụ Trần Trữ có sao lại nhưng rồi cũng phôi phai, hơn nữa sự phát triển của dòng tộc đến nay đã phát triển với quy mô rộng lớn gấp nhiều lần cho nên mọi số liệu cũ không đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu mới của từng giai đoạn. Đến năm 1986 ông Trần Mấn có sưu tập qua số liệu của cụ Trần Trữ. Qua một thời gian tìm hiểu chắt lọc đến năm 1996 mới viết xong một quyển gia phả nhưng chưa đầy đủ và trọn vẹn. Năm 1998 ông Trần Kỳ cũng sưu tập qua số liệu của cụ Trần Trữ và lập ra một quyển gia phả nhưng cũng không đầy đủ và chính xác nhiều, mới đạt ở một góc độ hẹp trong một chi tộc nhỏ. Xuất phát từ những tình hình trên. Qua các buổi thanh minh, chạp tổ 15/2 năm 2004 – 2005, họ tộc đã quyết định thành lập ban sưu tập và viết bộ tộc phả này do ông Trần Văn Mấn làm chủ biên soạn. Các ông Trần Ngự, Trần Lựu, cùng trưởng tộc Trần Quyền làm cộng tác viên. Chủ biên soạn bắt đầu sưu tập và viết từ ngày 15/2/2005. Các số liệu được tổng hợp từ tộc phả của cụ Trần Trữ, Trần Kỳ, Trần Mấn là cơ bản. Ngoài ra còn căn cứ vào sự nhận biết, một vài bút tích và sự truyền kể.
4, Tìm hiểu về cội nguồn
Đời thứ nhất
Cụ : Trần Tước Lộc
Cụ bà: Nguyễn Thị Hạnh
Theo lời kể: Dòng tộc họ Trần chúng ta có nguồn gốc từ Trà Lũ sang từ những năm đầu thế kỷ 19. Nay thuộc huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định Những năm trước đây các ông Trần Hưng, Trần Trữ, Trần Chỉnh cũng đã có ý tưởng đi tìm nhưng việc tổ chức không thành. Có thể vì những lý do không quyết đáp.
Đến năm 2003 các ông Trần Dình, Trần Ngọc Lại, Trần Lư cùng trưởng tộc Trần Quyền đã tìm kiếm ở nhiều nhà thờ họ bên đó song không thấy dấu hiệu gì.
Qua việc tìm kiếm nói trên chúng tôi tạm thời kết luận: Các thế hệ thuỷ tổ của ta có thể không phải là họ Trần hoặc khi di chuyển sang đây đã thay tên đổi họ.
Đời thứ nhất trong bút tích của ta để lại là
cụ ông: Trần Tước Lộc
cụ bà: Nguyễn Thị Hạnh
Hai cụ hiện nay không rõ lịch sử, nguồn gốc xuất phát từ đâu, ai thân sinh ra các cụ, anh em ruột thịt là ai?
Chúng tôi trộm nghĩ: cụ Trần Tước Lộc, cụ Nguyễn Thị Hạnh. Đây là một tên tuổi có chữ nghĩa, có thể các cụ nằm trong hệ thống dòng họ quý phái từ xưa? Các cụ sinh ra ở đâu? Thuộc dòng quý phái nào? Những năm tháng hưởng thọ ra sao? Ngày huý kỵ? Mộ chí an táng nơi nào? Tất cả còn là những điều bí ẩn.
Đời thứ hai
cụ ông: Trần Kim Liên
cụ bà: Trần Thị Mầu
á thất: Trần Thị Thịnh
Truyện kể rằng: cụ Trần Kim Liên và hai cụ bà sinh ra trưởng thành và mất đi ở quê hương Trà Lũ – Nam Định.
Hiện nay mộ chí các cụ đang đặt tại thiên táng Tuy Định - Định Hoá – Kim Sơn – Ninh Bình.
Trước đây mộ chí các cụ được chuyển từ Nam Định sang do con trai của các cụ là Trần Huý Tuyển, cụ Tuyển đặt mộ các cụ trong Hoa Tốt - Thanh Hoá.
Sau đó đời các ông: Trần Hưng, Trần Trữ chuyển từ Hoa Tốt – Thanh Hoá về an táng tại thiên táng xứ Tuy Định vào khoảng các năm của thập kỷ 60.
Cụ Trần Kim Liên có hai người em là:
1- Cụ Trần Hào: Nguồn gốc hiện nay con cháu ở xã Văn Hải – Kim Sơn – Ninh Bình.
2- Cụ Trần Phú: Nguồn gốc hiện nay các con, cháu đang sống tại xã Tân Thành – Kim Sơn – Ninh Bình.
Do điều kiện xã hội nhất là ở các thập kỷ 40 – 60 của thế kỷ 20. Quan hệ ruột thịt giữa ba ngành trên có phần hạn chế. Một phần do nhận thức của thế hệ anh em, con cháu. Phần lớn do anh hưởng của chế độ phong kiến nên quan hệ ba ngành còn ở mức độ nhất định.
Ở thập kỷ 70 ngành cụ Trần Phú do cụ Trần Quỳnh đã tìm đến ngành cả nhưng rồi lại một thời gian lắng xuống.
Đến nửa cuối thập kỷ 90 đời các ông Trần Lư, Trần Ánh quan hệ anh em, dòng tộc trở lên khăng khít hơn.
Ngành cụ Hào con cháu đã nhận nhau nhưng quan hệ dòng tộc còn ở mức độ hạn chế.
5, Những điều cần biết
- Tổng kết trong các cuộc kháng chiến: chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới, trong dòng tộc có rất nhiều anh em, con cháu lần lượt đi chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. May nhờ phúc ấm của tổ tiên mọi người đều trở về một cách trọn vẹn, chỉ một vài người bị thương nhẹ.
- Từ thời thuỷ tổ đến liệt tổ đời thứ 4 có cụ Trần Bẳn tham gia đi lính cho chính phủ (không rõ thời gian tham gia, cấp bậc gì) khi cụ về nghỉ được cấp năm sào ruộng binh. Ngoài ra không có cụ nào tham gia hoạt động xã hội gì.
- Đến đời thứ 7 con cháu mới khởi đầu sự phát triển. Một số người đã tham gia công tác xã hội được bầu vào các cương vị lãnh đạo cấp xã hoặc tương đương như các ông: Trần Văn Mấn đảng uỷ viên, thương binh chủ nhiệm hợp tác xã mua bán và các cương vị khác. Ông Trần Tỳ đại uý, bí thư Đảng uỷ, phó giám đốc nông trường 19 Bộ quốc phòng và các cương vị khác. Ông Trần Dình thượng tá, đồn trưởng bộ đội biên phòng và nhiều cương vị lãnh đạo khác.
- Đời thứ 8: Con cháu dòng tộc có xu hướng phát triển tốt hơn có nhiều người đỗ đạt với học vị cao như Trần Quyền đại uý nghỉ hưu, Đảng uỷ viên chủ tịch MTTQ xã và nhiều cương vị lãnh đạo khác. Trần Văn Sớm, Đảng uỷ viên, phó bí thư Đảng bộ và nhiều cương vị lãnh đạo khác.
6, Những điều cần thấy
Truyện kể rằng, ở các đời cụ Tổng Hoà, cụ Giáp Cấn, tính tình rất nóng nảy, gan góc, cương trực và thẳng thắn. Một vài truyện dư âm đến hậu thế sau này như gan cụ Tổng Hoà, hay gan cụ Giáp Cấn. Tôi còn nhớ vì tôi được nghe bố tôi kể lại, khi đưa mộ các cụ từ Hoa Tốt về lúc đó cũng nhờ thầy địa lý để mộ mong con cháu đời sau đỡ nóng tính hơn, các cụ cho rằng con cháu nóng nảy cục cằn có thể do vị trí để mộ trước đây chưa được.
Quan điểm trên không biết có đúng hay không, qua nhận thức tôi thấy rằng con cháu hiện nay kể các ngành, các chi tộc trong dòng họ, tính nết nhiều người vẫn nóng nảy, cục cằn chỉ biết nói thật, không biết nói vui. Ở nhiều thế hệ cả trước đây cũng như hiện nay có thể do di truyền chăng. Thật thà, ngay thẳng là một điều rất đáng quý trọng. Cương trực, thẳng thắn cũng là một đức tính rất tốt đẹp. Song cũng cần có sự hài hoà ở mọi lúc mọi nơi để cho phù hợp với hoàn cảnh thực tại của xã hội.
Trong thực tế những cây yếu mềm thì lại chịu gió bão tốt. Còn những cây cứng rắn thì lại hay bị gẫy. Vì vậy các anh em, con cháu trong dòng tộc và mọi người cần lưu ý.
Những quan điểm trên, hay nhận thức trên có thể đúng hay không đúng còn tuỳ thuộc vào nhận thức của nhiều người. Song chúng ta không thể đổ tại vị trí của từng mồ mả được mà phải nhìn nhận sâu rộng hơn nữa. Muốn nhìn sâu rộng hơn đòi hỏi mỗi ngưoi chúng ta phải có hiểu biết. Muốn có hiểu biết chúng ta còn phải học tập rất nhiều. Không tự mãn, tự phụ. Học, học nữa, học mãi và luôn không ngừng học tập. Nếu được như thế thì con cháu chúng ta mới mở mày, mở mặt trước bàn dân thiên hạ được.
7, Tìm hiểu về làng Tuy Định
Năm giáp ngọ 1834 làng Tuy Định được thành lập do cụ Phạm Cương làng Yên Ninh tổng Bồng Hải phủ Yên khánh, người có quyền thế trong vùng cùng các cụ Phạm Thu bầy cách, cụ Phạm Ngạn bắt tay thực hiện. Được mấy năm vì già yếu con trai cụ là Phạm Khuê nguyên mộ thay. Đến đây cùng các cụ Trần Tàng, Vũ Thảng, Phạm Cẩn, Phạm Khoan tiến hành thăm dò, khảo sát, quy hoạch
Năm 1826 các cụ là sớ tâu lên triều đình cùng 17 hộ đinh điền ký kết. Được phủ Yên Khánh chuyển tấu (lúc đó chưa thành lập huyện Kim Sơn). Sau gần 10 năm chờ đến năm 1834 mới có chiếu chỉ của triều đình lập Tuy Định trại có phạm vi biên giới:
- Tây giáp núi Bầu Tiền, Càn giang Điền Hộ Thanh Hoá
- Đông giáp Nhật xuất (mặt trời mọc) Kim đài ngày nay
- Nam giáp Vũ Hải (xã văn hải ngày nay)
- Bắc giáp Tuy Lọc lý (xã Yên Lộc ngày nay)
Cụ Vũ Thảng người làng Phuợng Trĩ xã Yên Mạc huyện Yên Mô là nguyên mộ làm lý trưởng khai khoa. Vì không trực tiếp nên cụ giao cho em vợ là Trần Tàng nguyên mộ thay giải quyết mọi việc. Sau 3 năm đến năm 1837 cụ Trần Tàng chính thức làm lý trưởng, bắt tay đắp đê càn ngăn mặn, quân cấp công điền, ruộng biểu,thần tứ, phật tự, thánh thất, binh lính, đê điều, thiên táng…

Gia Phả Trần
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.