GIA

PHẢ

TỘC

HẬU
DUỆ
VUA
MINH
MẠNG
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: HỒNG CAI
Đời thứ: 14
Người trong gia đình
Tên ƯNG LỊCH Vua HÀM NGHI
Tên thường
Tên Tự
Là con thứ 3
Ngày sinh 22/7/1872
Thụy hiệu  
Hưởng thọ: 71  
Ngày mất 14/1/1943  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

Trị vì 1 năm (1884 - 1885

Vua Hàm Nghi, con Ngài Kiên Thái Vương là em Ngài Ưng Ký, tức Đức Vua Đồng Khánh sau này.

    Ngài lên ngôi tháng 8/1884 đặt niên hiệu Hàm Nghi với sự Phụ chính của 2 đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong cảnh nước mất nhà tan với quân xâm lược Pháp đặt nền thống trị lên xứ sở.

    Sau khi cuộc chính biến chống Pháp ngày 5/7/1885, do chủ mưu của Phụ chính Tôn Thất Thuyết thất bại, Ngài được quần thần rước xa giá ra Quảng Trị, sau đó lên Sơn Phòng Tân sở rồi về vùng Tuyên Hoá (Quảng Bình) lúc đó Ngài mới 14 tuổi. Tại Tân Sở Ngài tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập.

    Tại căn cứ địa lãnh đạo phong trào Cần Vương, Ngài được tướng thần Tôn Thất Thuyết cử con là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp hộ giá bảo vệ Ngài, cùng Đề Đốc Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân chia nhau phòng thủ và tấn công lực lượng Pháp trong vùng. Và sau đó tướng thần ra Bắc để đi cầu viện Trung Quốc.

    Tháng 9/1888, suất đội Nguyễn Đình Tình ra đầu thú với Pháp tại đồng Đồng Cá. Tên Tình lại dụ được Trương Quang Ngọc về đầu thú, rồi Ngọc và Tình tình nguyện với Pháp đem thủ hạ đi vây bắt Vua Hàm Nghi. Sau khi đã khép chặt vòng vây khu căn cứ, đêm khuya ngày 26/9/1888 chúng xông vào nơi Đức Vua Hàm Nghi đang nghỉ, ông Tôn Thất Thuyết đang ngủ nghe động, cầm gươm vùng dậy thì bị đâm chết, rồi chúng ập vào bắt Ngài. Đức Hàm Nghi chống Pháp được 3 năm. Lúc bị bắt Ngài mới 17 tuổi.

    Sau khi bắt được Ngài, quân Pháp đưa về đồn Thuận Bài (Quảng Bình) rồi đưa xuống tàu về Thuận An (Huế); về sau đem Ngài sang an trí tại Algérie thuộc địa của Pháp ở Châu Phi. Ngài mất năm 1943 thọ 71 tuổi.

Việc thờ phụng ba Hoàng Đế yêu nước bị thực dân Pháp phế truất:

    Trước Cánh mạng Tháng 8: tại Thế Miếu trong Đại Nội, thờ 7 Vua là Đức Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh và Khải Định.

    Từ năm 1954 trở lại đây: bài vị của Đức Vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đã được Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước Tộc rước vào Thế Miếu tôn thờ với các Đức Vua nêu trên.

(Trích Nguyễn Phước Tộc giản yếu)

 

ĐÁM CƯỚI VUA HÀM NGHI

(trích đăng từ Báo Người Lao Động số Xuân 2004 của Tác giả Nguyễn Đắc Xuân)

 

Ông hoàng An Nam với áo quần dài và khăn xếp đen bước xuống xe đến đón người yêu Marcelle từ tay thân phụ và rước người yêu lên xe để cùng đến nhà thờ Tổng Giám Mục Alger (L'Archevêché d' Alger) làm lễ cưới. Cảnh tượng một ông hoàng An Nam vận áo dài đen, đầu quấn khăn đen, cắp bên mình một cô đầm Pháp mặc áo cưới lộng lẫy, trắng muốt ngồi trên xe song mã đã làm xao động phố phường Alger. Hằng trăm khách mời và người hâm mộ đi theo đoàn nghinh hôn đến dự lễ cưới tại nhà thờ.

Mới đây, mấy ông bạn trung niên của tôi ở Paris gởi cho tôi một bộ bưu ảnh vua Hàm Nghi cưới bà đầm Marcelle Laloe với con tem ông đóng dấu từ năm 1904. Con tem dán trên tấm bưu ảnh cũ nhắc tôi sự kiện năm nay (2004) vừa đúng 100 năm (1904 - 2004) vua Hàm Nghi cưới vợ.

Nhà vua bị lưu đày

Như nhiều tài liệu đã ghi: Sau ba năm kháng chiến ở rừng sâu, đêm 2-11-1888, giữa lúc trời mưa lạnh, vua Hàm Nghi bị tên Trương Quang Ngọc phản bội bắt đem nộp cho Pháp và Pháp đày ông qua Algérie. Chiều chủ nhật , 13-1-1889, cựu hoàng Hàm Nghi đến thủ đô Alger. Mười ngày đầu, cựu hoàng tạm trú tại L'hôtel de la Régence (Toà nhiếp chính). Sau đó, ông được chuyển về ở Villa des Pins (Biết thự Rừng thông) cách Alger 5 cây số.

Ngày 24-1, Toàn quyền Tirman tiếp kiến và mời cựu hoàng ăn cơm gia đình. Ít ngày sau, qua Toàn quyền Tirman, cựu hoàng nhận được tin thân mẫu là Bà Phan Thị Nhàn (vợ thứ của Ngài Hồng Cai, Hoàng Tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) - đã từ trần vào ngày 21-1-1889 tại Huế. Thân phụ mất (1876) lúc cựu hoàng mới 5, 6 tuổi. Đến nay lại được tin thân mẫu qua đời, cựu hoàng đau khổ vô cùng.

Gần mười tháng tiếp đó, cựu hoàng không chịu học tiếng Pháp. Ông cho rằng tiếng Pháp là thứ tiếng của dân tộc đã cướp nước Việt Nam, không học làm gì. Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng dần dần ông thấy người Pháp ở Algérie không phải là loại người Pháp thực dân ở xứ An Nam, không những họ không thù hận ông mà trái lại họ còn quý mến và giúp đỡ ông. Đến tháng 11-1889, cựu hoàng chịu học tiếng Pháp với giáo sư Néopol.

Sau mấy năm học tập, cựu hoàng nói và viết tiếng Pháp giống như một người Pháp. Tuy nhiên, ông luôn nói tiếng Việt và ăn cơm Việt Nam do những người bên Việt Nam cử qua phục vụ. Cựu hoàng giao du quen thuộc với nhiều trí thức nổi tiếng Pháp. Năm 1899, cựu hoàng được qua thăm Pháp. Trong những ngày tham quan thủ đô Paris, cựu hoàng được xem triển lãm tranh của Gauguin (1848-1903), về sau vẽ tranh, cựu hoàng đã chịu ảnh hưởng của phong cách Gauguin.

Tưng bừng lễ cưới.

Không thể một mình sống mãi nơi đất khách quê người, năm 1904, cựu hoàng đính hôn với cô Marcelle Laloe (sinh năm 1884) - con gái của ông Laloe - chánh án toà Thượng Phẩm Alger.

Đám cưới của ông hoàng xứ An Nam và cô con gái cưng của Chánh Án Toà Thượng Phẩm là một sự kiện văn hoá chưa từng có ở thủ đô Alger.

Buổi sáng hôm ấy, từ Biệt thự Rừng Thông, ông hoàng An Nam lên xe song mã đi thẳng đến nhà ông Laloe ở ttrung tâm thủ đô. Theo giờ đã định, thấy xe đến đón, ông Laloe cầm tay con gái xúng xính trong trang phục cưới rời khỏi dinh thất đi về phía xe song mã. Ông hoàng An Nam với áo quần dài và khăn xếp đen bước xuống xe đến đón người yêu Marcelle từ tay thân phụ và rước người yêu lên xe để cùng đến nhà thờ Tổng Giám Mục Alger làm lễ cưới.

Mối tình ấm áp

Sau ngày cưới một năm (1905), cựu hoàng viết thưvề Huế báo tin vui cựu hoàng mới có con gái đầu lòng là Công Chúa Như Mai. Ba năm sau nữa (1908), cựu hoàng có thêm Công Chúa thứ hai là Như Lý, và qua năm 1910, thêm một con trai là Hoàng Tử Minh Đức.

Các con của cựu hoàng rất có hiếu với cha mẹ và đều thành đạt.

Đến năm 1944, vua Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày (cander de I'estomac) tại Biệt Thự Gia Long (Alger). Hạnh phúc của cựu hoàng với bà Marcelle Laloe được tròn 40 năm (1904-1944). Trong suốt 40 năm chung sống - theo lời kể của Công Chúa Như Lý - hai ông bà Hàm Nghi - Marcelle Laloe không hề mâu thuẫn nhau. Chuyện tình Việt-Pháp êm ấm ấy có tác dụng tích cực đến các con của ông bà. Dù phải sống xa quê, cách biệt với những tin tức từ Việt Nam, cựu hoàng Hàm Nghi vẫn giữ được tiếng thơm cho gia đình, dòng họ và đất nước.

Bộ bưu ảnh đám cưới cựu hoàng Hàm Nghi là một tư liệu quý về mối quan hệ Việt-Pháp tuyệt vời - giữa con người với con người - dù phải vượt lên trên lịch sử cay đắng.

Nguyễn Đắc Xuân


Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình
Tên Marcelle Laloe
Tên thường
Tên tự
Ngày sinh 1884
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

con gái của ông Laloe - chánh án toà Thượng Phẩm Alger

(Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 7/12/2003)

          Trong một chuyến trở lại Pháp mùa hè qua, tôi có dịp đi về miền trung nguyên nước Pháp, tìm những trang trại nuôi bò sữa và bò thịt để học hỏi; nhờ chiếc xe hơi có định vị, sẵn dịp tôi đi tìm làng Thoniac có ngôi mộ Vua Hàm Nghi cũng thuộc vùng đó.

          Từ Paris đến làng Thoniac , chiếc xe được máy định vị chỉ đường đi mất khoảng 6 giờ, chạy với vận tốc trung bình 140km/giờ trên xa lộ. Những khi vào đường hẹp và vào thành phố, xe chạy châm lại và đi theo tiếng nói được chỉ dẫn từ vệ tinh. Khi ở Châu Âu tôi phải di chuyển nhiều nên xe của tôi được gắn máy định vị, bởi đã nhiều lần tôi đi lòng vòng trong các thành phố và có đêm lạc đường phải nhờ cảnh sát hướng dẫn ra xa lộ để đi tiếp.

          Chúng tôi đến làng Thoniac lúc gần 19 giờ, trời vẫn cón sáng. Máy định vị lúc đó không còn tác dụng vì không có tên trong máy. Sợ đêm đến không đủ thời gian để tìm, chúng tôi đành ghé lại một căn nhà trên đường có cho thuê phòng tạm trú. Ở Pháp, vào bất kỳ làng nào cũng có khách sạn và nhà trọ. Nước Pháp có 75 triệu du khách mỗi năm, đi đến đâu cũng thấy hệ thống khách sạn, nhà hàng và nhà trọ. Chợt nghĩ nếu như ở nước Pháp thì cái xứ Bãi Xan của tôi, nơi có nhà thờ to nhất nhì miền Tây Nam Bộ, chắc cũng là một điểm du lịch hấp dẫn, huống hồ cạnh đó là cả dòng sông Cửu Long hùng vĩ, chiều ngang 3km, tấp nập tàu ghe. Lần tôi đến Morlaix, được ông chủ báo Télégrame của xứ Bretagne đưa đi xem cảnh biển Manche và mấy hòn đảo nhỏ của họ - cảnh quan thua Nha Trang xa lắm, nói gì đến Hạ Long, nhưng họ cứ khen nức nở và còn chỉ cho xem cảnh du khách tấp nập đến thăm. Thật ra họ biết cách đưa hồn cuộc sống vào thiên nhiên và biết cách mời gọi du khách. Làng Thoniac nhỏ bé, nơi gia đình vua Hàm Nghi đã đưa hài cốt Ông từ Alger về để chôn cất, có một vài toà lâu đài và đôi nét phong cảnh như Đà Lạt, với con sông nhỏ gần cạn nhưng du khách vẫn đông. Sự yên tĩnh của một vùng cao nguyên cũng có sức thu hút du khách, họ từ các nước lân cận lái xe đi quanh quẩn các miền nước Pháp để tìm sự thanh thản nhưng ít hao tốn.

          Người con gái cuối cùng của Vua Hàm Nghi, công chúa Như Ly, mang hai dòng máu Pháp Việt, tuổi đã trên 90, hiện sống trong một lâu đài ở tỉnh kế cận, còn những hoàng tử, công chúa khác đã qua đời, hài cốt đều nằm chung trong một ngôi mộ trong nghĩa trang làng Thoniac. Khi chúng tôi vào nghĩa trang, đi tìm từng hàng, để ý những mộ to, cứ nghĩ mộ vua phải rất đẹp và lớn. Tìm thật lâu lòng hơi lo, nghĩ mình đã tìm lầm nghĩa trang, bỗng dưng đứa cháu từ xa kêu lên báo tin đã tìm được mộ. Hoá ra mộ thật đơn giản, trên mộ có ghi tên 5 người : Vua Hàm Nghi (sinh 1871 tại Huế, mất 1940 tại Alger); các công chúa Như Mây, Sala, hoàng tử Minh Đức và bà Marie Jeanne Delorme (1952-1941), vợ vua Hàm Nghi, nhưng không ghi tước vị. Nghe kể lại bà thuộc dòng quý tộc, bố làm chánh án toà Alger.

          Vua Hàm Nghi đã từ bỏ ngai vàng để đi kháng chiến chống Pháp, bị Pháp bắt và lưu đày biệt xứ. Anh bạn Duy đi cùng thuật lại cho tôi nghe lời công chúa Như Ly kể: khi Bảo Đại qua Alger thăm vua Hàm Nghi có mang cho ông một số tiền. Nhưng vua Hàm Nghi khuyên nên đem tiền về cho dân nghèo. Ở xứ người xa xôi, vua Hàm Nghi vẫn giữ trọn vẹn với đất nước. Cho đến nay, những chuyện về hai vị vua yêu nước Hàm Nghi và Duy Tân còn được biết đến quá ít. Cả hai lại bị thực dân Pháp lưu đày và chết trên đất khách. Trong đó, mộ của vua Hàm Nghi thật khiêm nhường trong nghĩa trang của một làng nhỏ bé của nước Pháp. Khi chúng tôi về nhà trọ, nói chuyện với gia đình người Pháp, họ không hề biết trong nghĩa trang làng của họ có chôn cất một vị vua Việt Nam.

          Sáng sớm hôm sau, chưa đành ra đi chúng tôi trở lại nghĩa trang, lòng không khỏi ngậm ngùi như đang thăm viếng mộ người thân và sắp chia tay.

 

 

Bài của Tác Giả Hải Ly 

(Thời báo Kinh Tế Sàigòn Xuân Quý Mùi)

          LTS: Nghiên cứu và đánh giá về vai trò của Vua Hàm Nghi trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống lại thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ 19 là công việc của các nhà lịch sử. Trong bài viết dưới đây chúng tôi chỉ ghi nhận lại cuộc hành trình của những người Việt và Pháp đi tìm mộ Vua Hàm Nghi nhằm góp thêm thông tin và tư liệu cho các nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử nước nhà.

Những người mê lịch sử

        Theo lời chỉ dẫn cũa ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại UNECO, tôi tìm đến quận 18, Paris, gặp ông Trần Long Minh. Ông Minh khoảng 40 tuổi, có nước da và dáng dấp như người Việt Nam, nhưng khuôn mặt lại mang nét của người Châu Âu. Ông tự giới thiệu bố là người Việt, mẹ là người Pháp, sinh ra và lớn lên tại một làng quê vùng Dordogne, miền Trung nước Pháp, nhưng không nói được tiếng Việt. Ông hiện là giám đốc một công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông có tên Cross Roads và Chủ tịch tổ chức Asiephonie, thiết lập quan hệ với các nước nói tiếng Pháp ở châu Á. Ông cho biết Asiephonie đang chuẩn bị cho Festival Pháp ngữ vào cuối năm 2003.

        Ông Minh kể, khi còn nhỏ ở Dordogne, trong một lần đi du lịch với cha mẹ ở một địa điểm gần nhà, ông đã nhìn thấy mộ Vua Hàm Nghi. Mà dân địa phương thường gọi là Empereur d'Annam (Hoàng đế nước An Nam). Lớn lên, giống như nhiều thanh niên cùng lứa tuổi, ông Minh thực hiện nghĩa vụ quân sự, đi lính và thuộc biên chế của đoàn quân Lê dương. Ông quen biết Hoàng tử Minh Đức, con Vua Hàm Nghi. " Hoàng tử Minh Đức lớn tuổi hơn tôi rất nhiều. Ông là sĩ quan chuyên nghiệp trong đoàn quân Lê dương, đã từng tốt nghiệp học viện quân sự Saint Cyr nổi tiếng của Pháp", ông Minh nhớ lại. Sau khi Hoàng tử Minh Đức qua đời năm 1990, ông Minh và cậu ruột, ông Bernard Vedry, bắt đầu sưu tập những thông tin, tư liệu về gia đình Vua Hàm Nghi. Ông Minh cho biết: "Cậu tôi là kỹ sư công trình đô thị, nhưng rất mê sử học, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Ông đã nghiên cứu và viết xong cuốn sách về Hoàng Hoa Thám. Tôi giúp cậu xây dựng một trang web về Hoàng Hoa Thám trên mạng Internet và chúng tôi vừa viết xong dự án Lễ tưởng niệm bên mộ Vua Hàm Nghi.

Đi tìm mộ Vua.

        Tháng 7-2002, Đại sứ Phạm Sanh Châu và gia đình là những người Việt Nam đầu tiên tìm đến viếng Vua Hàm Nghi. Theo lời chỉ dẫn của Ông Minh, Đại sứ Phạm Sanh Châu và gia đình khởi hành từ Paris từ rất sớm. Họ phải vượt quãng đường hơn 500 km bằng xe hơi. Đến Dordogne, họ hỏi mộ Vua nhưng không ai biết. Bà Nguyễn Thị Tố Quyên, mẹ Ông Châu, cho biết sau hàng giờ lần tìm, không dò ra đường, họ đã tưởng rằng phải trở về Paris. Tiện đường, họ ghé tham quan lâu đài Losse trong vùng. Đó là một lâu đài cổ với khu vườn rộng mênh mông, xây dựng xong vào năm 1576. Không ngờ lâu đài này trước đây thuộc quyền sở hữu của gia đình Vua Hàm Nghi. Vua đã mua lâu đài Losse từ khi còn ở Alger (thủ đô Algérie). Sau khi Vua băng hà, lâu đài thuộc quyền cai quản của người con gái lớn. Khi bà mất, một người thân của bà được thừa kế lâu đài, nhưng ông không có đủ khả năng tài chính để tu bổ, gìn giữ, nên đã bán nó. Những chủ nhân mới của lâu đài bỏ tiền đầu tư, biến nó thành một điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan, nhất là vào mùa hè (có bán vé vào cửa).

        Tuy nhiên, ngay cả những người chủ lâu đài cũng không biết các hậu duệ của Vua Hàm Nghi bây giờ ra sao. Cuộc hành trình đi tìm mộ Vua của gia đình ông Châu bắt đầu dấy lên hy vọng khi họ lần ra địa chỉ của vợ chồng ông Bernard Vedry. Nhờ hai vợ chồng người Pháp dẫn đường, họ tìm được tới nghĩa trang Thonac, cách Dordogne hơn 70 km. "Đó là một làng nhỏ, chắc chỉ có vài ngàn dân. Đường vào làng rất khó đi, ngoằn ngoèo. Nghĩa trang Thonac nhỏ bé, nằm trên một khoảng đất rộng, xung quanh là rừng. Mộ Vua Hàm Nghi rất đơn sơ, có vẻ thấp hơn các mộ bên cạnh", bà Quyên vừa nói vừa rút khăn lau nước mắt. "Tôi không ngờ mộ Vua mà lại khiêm dường như vậy. Không mang theo hương hoa, tôi chỉ còn biết quỳ lạy bên mộ Vua. Bất chợt tôi quay đầu nhìn xung quanh nghĩa trang. Hoa nở khá nhiều cạnh những ngôi mộ khác, chứng tỏ người thân, bạn bè tới viếng người đã khuất thường xuyên. Mộ Vua Hàm Nghi không có hoa, không có bia dựng, chỉ có hàng chữ sơ xài: Hàm Nghi, Hoàng Đế An Nam, sinh năm 1871 tại Huế, mất năm 1944 tại Alger. Tất cả những người đi cùng với chúng tôi không ai cầm được nước mắt".

Những người kể lại.

        Theo ông Trần Long Minh, Vua Hàm Nghi kết hôn với con gái một gia đình danh gia vọng tộc Pháp và có ba người con, hai gái một trai. Ông mất ở Alger nhưng hài cốt của ông được đưa về quê hương vợ ở làng Thonac. Người con gái đầu của Vua, công chúa Như Mây, là nữ kỹ sư đầu tiên về nông học của Pháp. Khi còn sống, bà tham gia tích cực công tác chính quyền địa phương, là phó thị trưởng Thonac. Công chúa Như Mây không lấy chồng, không có con. Bà mất năm 1999, hưởng thọ 94 tuổi. Người con gái thứ hai là công chúa Như Ý, lấy chồng người Pháp, có ba người con và hiện còn sống. Hoàng Tử Minh Đức mất năm 1990, hưởng thọ 80 tuổi. Người vợ của ông vẫn còn sống và ở tại Paris.

        Những người Việt Nam đầu tiên đã đến viếng mộ Vua Hàm Nghi 58 năm sau khi Vua qua đời. Nếu như ông Trần Long Minh không tình cờ nhìn thấy mộ Vua khi còn nhỏ, nếu ông Bernard Vedry không say mê nghiên cứu lịch sử... có thể nhiều người vẫn nghĩ rằng Vua Hàm Nghi đang yên nghỉ tại Alger. Những người con của Vua, sinh ra, lớn lên và mất tại Pháp đã im lặng suốt bấy nhiêu năm trời. Ông Minh nói rằng công chúa Như Ý, hiện đã ngoài 90 tuổi, không có ý định đưa hài cốt Vua cha về Việt Nam. "Ở Pháp ý nguyện của gia đình là quan trọng nhất. Chính quyền chỉ có thể can thiệp khi có sự đồng ý của gia đình", ông Minh nhấn mạnh.

        Tuy nhiên, cuộc đời Vua Hàm Nghi gắn với lịch sử Việt Nam và bia mộ của Ông cần được giữ gìn. Nếu để lại Pháp, ít nhất mộ Vua cũng được tu bổ để những người Việt có thể đến thăm viếng. Những con người yêu Việt Nam và nặng lòng với Việt Nam như ông Trần Long Minh, như ông Bernard Vedry chỉ có thể trình dự án của họ lên Bộ Văn Hoá - Thông Tin Việt Nam cũng như chính quyền Pháp và đợi trả lời. Khi tôi viết những dòng này, ông Minh đang chuẩn bị trở lại Việt Nam và ông hy vọng dự án Lễ tưởng niệm bên mộ Vua Hàm Nghi sẽ được Bộ Văn Hoá - Thông Tin xem xét.


Các anh em, dâu rể:
   ƯNG KỲ VUA ĐỒNG KHÁNH
   ƯNG ĐĂNG VUA KIẾN PHƯỚC
Con cái:
       CÔNG CHÚA NHƯ MAI
       MINH ĐỨC
       CÔNG CHÚA NHƯ LÝ
Gia Phả; HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.