GIA

PHẢ

TỘC

Trần
Phước
(陳

-
富霑)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: Trần Cảnh
Đời thứ: 5
Người trong gia đình
Tên Thái Tử Hoảng
Tên thường
Tên Tự Trần Hoảng
Là con thứ 1
Ngày sinh
Sự nghiệp, công đức, ghi chú
Tổ bá Trần Hoảng, hay còn gọi là Huyên, sinh năm 1240, là con của Tổ Trần Cảnh - Vua Trần Thái Tông, là em của Trần Quốc Khang (Trần Quốc Khang trên danh nghĩa là con của Trần Cảnh nhưng đúng ra là con của ông Trần Liễu vì bà Thuận Thiên vợ của ông Trần Liễu bị triều đình ép buộc phải đi lấy vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh khi Bà đang mang thai được 3 tháng, thai đó chính là Trần Quốc Khang); là anh ruột của Trần Quang Khải và là anh cùng cha khác mẹ với Trần Nhật Vĩnh, Trần Nhật Duật, Trần ích Tắc...

Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258) Thái Tử Hoảng được nối ngôi Vua cha Trần Thái Tông truyền cho, lấy hiệu là Trần Thánh Tông.

Trần Thánh Tông là một ông Vua nhân từ, trung hậu,... Vua thường nói với quần thần tả hữu:

“Thiên hạ là của Cha Ông để lại, nên cho anh em cùng hưởng phú quý”. Bởi vậy, trừ các buổi thiết triều mới phân biệt trên dưới, Vua-Tôi. Còn thường ngày, Vua cho các Hoàng Thân vào Điện ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, hoà hợp thân ái.

Đối nội, Vua dốc lòng xây dựng đất nước thái bình, thạnh trị. Vua quan tâm đến việc giáo hoá dân, khuyến khích học hành, mở mang khoa thi để tuyển chọn nhân tài và sử dụng họ. Do vậy, dưới Triều vua Trần Thánh Tông không chỉ có những ông Hoàng hay chữ mà còn có những trạng nguyên như Mạc Đỉnh Chi...; Bộ Đại Việt Sử, Bộ Quốc Sử đầu tiên của nước ta được Bảng nhãn Lê Văn Hưu biên soạn và hoàn thành năm Nhâm Thân (1272).

Vua còn quan tâm đến dân nghèo, bằng cách ra lệnh cho các Vương hầu, Phò mã chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc để tổ chức khai khẩn ruộng hoang lập nên trang hộ; trang điền mới có từ đó. Vì vậy, suốt 21 năm làm Vua của Trần Thánh Tông, nước Đại Việt được thanh bình, dân tình vui vẻ làm ăn.

Về đối ngoại, lúc này nhà Nguyên (Mông) đã thôn tính xong nhà Tống (Trung Quốc), nhưng chưa đủ sức mạnh để đánh bại Đại Việt. Khi Vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Trần Hoảng, Vua nhà Nguyên (Mông) sai sứ sang phong vương cho Trần Thánh Tông. Nhà Nguyên không còn bắt Đại Việt thay đổi sắc phục và rập theo thể chế nhà nước của chúng nữa. Nhưng lại bắt Vua Đại Việt cứ ba năm một lần cống nạp nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói toán tướng số và những nghệ nhân giỏi, mỗi loại 3 người cùng các sản vật quý khác như sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi... Bọn nhà Nguyên còn đòi đặt quan Chưởng ấp để dễ bề đi lại kiểm soát các Châu, Quận của Đại Việt với ý đồ dò xét nắm tình hình để khi có điều kiện sẽ thôn tính đất nước ta.

Vua Trần Thánh Tông thừa biết những dã tâm xâm lược của kẻ thù, nên tuy bề ngoài Vua tỏ ra thần phục, nhưng bên trong thì khẩn trương lo xây dựng quân đội, tuyển mộ và huấn luyện binh sĩ, tích trữ quân lương... sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Năm Bính Dần (1266) Vua nhà Nguyên (Mông) cho Sứ sang giục đòi cống nạp. Vua Trần Thánh Tông cho người sang xin miễn cống nạp người và bãi bỏ việc đặt quan Giám trị. Vua nhà Nguyên (Mông) đồng ý bãi bỏ việc cống người, nhưng lại bắt phải tuân thủ 6 điều khác như: Vua Trần phải sang chầu Vua Nguyên; phải cho con hay em của Vua Trần sang làm con tin; nạp sổ hộ khẩu; phải chịu việc binh dịch; phải nạp thuế; và giữ lệ đặt quan Giám trị.

Vua Trần Thánh Tông lần lữa, thoái thác không chịu, năm Tân Mùi (1271) Vua Nguyên (Mông) Hốt Tất Liệt nhân đổi Quốc Hiệu là Đại Nguyên lại đòi Vua nhà Trần sang chầu, vua Trần Thánh Tông cáo bệnh không đi; chúng lại cho Sứ sang tìm cột đồng của Mã Viện trồng thời Đông Hán (25-220 sau Công Nguyên) nhằm tìm cớ gây sự; Vua Trần Thánh Tông trả lời rằng: “Cột đồng lâu ngày, nay đã mất”.

Nhìn chung, vua Trần Thánh Tông thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, nhưng rất kiên quyết nhằm bảo vệ danh dự và lợi ích quốc gia, ngăn chặn từ xa mọi sự dòm ngó và tạo cớ xâm lăng của kẻ thù nhà Nguyên.

Về quân sự, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1257) Trần Hoảng mới ở tuổi 17, nhưng ông cùng vua cha Trần Thái Tông cầm quân ngược dòng Thiên Mạc (sông Hồng) tiến quân ào ạt vào khu vực Đông Bộ Đầu (Dốc hàng Than - đầu cầu Long Biên - Hà Nội ngày nay) đánh mạnh vào các trại quân giặc. Đang ở thế khốn quẫn lại bị đánh bất ngờ, nên quân giặc không sao chống đỡ nổi, phải tìm đường chạy thoát.

Cuộc kháng chiến chống quân nhà Nguyên (Mông) xâm lược lần thứ nhất kết thúc thắng lợi, quân ta thu phục thành Thăng Long và đuổi chúng ra khỏi biên cương đất nước ta.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288), với cương vị Thái Thượng Hoàng - Trần Thánh Tông - Trần Hoảng cùng con trai của mình, Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong bộ chỉ huy chiến đấu đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Tổ bá Trần Hoảng - Vua Trần Thánh Tông ở ngôi Vua được 21 năm từ năm Mậu Ngọ (1258) đến năm Kỷ Mùi (1278) và truyền ngôi cho con là Trần Khâm - Vua Trần Nhân Tông rồi làm Thái Thượng Hoàng 13 năm. Năm 1291 (Canh Dần), Thái Thượng Hoàng - Trần Hoảng qua đời ở phủ Thiên Trường, hưởng thọ 51 tuổi.

Sinh thời, Tổ Trần Hoảng kết hôn cùng bà Trần Thị Thiều, con gái ông Trần Liễu và là em ruột của Trần Quốc Tuấn, đã sinh hạ được 3 người con:
- Thiên Thuỵ Công chúa.
- Thái Tử Khâm, sau được Vua cha truyền ngôi lấy miếu hiệu Trần Nhân Tông;
- Tả Thiên Vương Trần Đức Hiệp (Việp), một viên tướng của nhà Trần, từng cầm quân chiến đấu chống Nguyên Mông ở mặt trận phía Nam (Thanh Hoá, Nghệ An) cùng với các tướng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Văn Túc Vương Trần Đạo Tái...

Nói đến thắng lợi vĩ đại của quân dân Đại Việt và công lao to lớn của các Vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII không thể không nói đến sự cống hiến to lớn của Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn.
Công lao sự nghiệp của Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn rất to lớn, dưới đây chỉ nêu lên một đôi điều vắn tắc:
Trần Quốc Tuấn (1230-1300) là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc, đồng thời là một danh nhân quân sự lỗi lạc cổ kim của thế giới( ). Lúc sinh thời, uy danh lừng lẫy của Trần Hưng Đạo đã vượt qua khỏi biên giới quốc gia, “tiếng vang sang cả giặc phương Bắc, khiến chúng phải thường gọi Ông là An Nam Hưng Đạo Vương, chứ không dám gọi tên Ông( ).

Trần Quốc Tuấn là con của tổ bá Trần Liễu; Trần Liễu vốn có hận thù với tổ Trần Cảnh – vua Trần Thái Tôn là em ruột của mình( ). Ngay từ nhỏ, ông Trần Liễu hy vọng và ký thác vào con mình hội đủ tài văn võ, mong trả mối thù sâu nặng năm nào.

Lớn lên, Trần Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh xuất chúng. Trong đời mình, Trần Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần quốc nạn. Nhưng Ông lại càng tỏ ra là người hiền tài, một vị anh hùng cứu nước, luôn biết đặt lợi ích đất nước lên trên mối thù nhà, vun trồng cho khối đoàn kết giữa dòng tộc họ Trần, tạo cho đất nước ở đỉnh cao ngàn trượng nhằm đủ sức đè bẹp mọi quân thù xâm lược. Trong lần quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai, Ông đã thấy rõ, nếu ngành trưởng và ngành thứ xung khắc, giữa Ông và Trần Quang Khải (con Trần Cảnh) không đồng tâm chung sức chung lòng chỉ làm hại cho đất nước và làm lợi cho kẻ thù xâm lược. Nên Ông đã chủ động giao hảo hoà hiếu với Trần Quang Khải, tạo nên sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh.

Sách xưa kể rằng, một lần ở biển Đông, Quốc Tuấn đã mời Trần Quang Khải sang thuyền mình chơi cờ, trò chuyện và sai người nấu nước thơm và tự mình tắm rửa cho Trần Quang Khải, từ đó xoá đi nỗi hiềm khích nghi ngờ giữa hai người đầu mối của hai chi nhánh họ Trần; Một lần khác, Trần Quốc Tuấn đem việc xích mích trước đây giữa hai nhánh họ Trần thăm dò ý kiến của các con mình. Trần Quốc Tảng (con trai thứ của Trần Quốc Tuấn) đã có ý nói khích Ông nên cướp ngôi Vua của chi thứ. Ông nổi giận rút gươm toan giết chết Quốc Tảng, may nhờ các người con khác và những người tâm phúc có mặt can ngăn, van xin tha tội cho Quốc Tảng nên Ông đã nguôi giận, dừng gươm và bảo rằng:

“Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt tên nghịch tử, phản thần này nữa” và dặn Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiển (con trai trưởng) rằng: “sau này, khi nào ta chết, phải đợi đến lúc đậy nắp quan tài lại rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng( ).

Trong vòng ba mươi năm (1257-1288) Đế quốc Mông Cổ khổng lồ đã ba lần ào ạt cho quân tràn xuống xâm lược đất nước ta. Lần sau, lực lượng to lớn hơn lần trước, chuẩn bị công phu hơn, và quyết tâm càng cao hơn, khiến cho thử thách lịch sử đối với quân dân Đại Việt càng trở nên quyết liệt hơn. Tính ra cứ khoảng 6 người dân Đại Việt (kể cả người già, con trẻ...) phải chống chọi với một tên giặc Nguyên Mông hung hãn, tàn bạo và thiện chiến; Lịch sử kim cổ đông tây, đây quả thật là cuộc đối đầu hiếm có sự không cân sức to lớn như vậy.

Trước và trong quá trình tiến hành ba cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, vấn đề bức thiết hàng đầu đặt ra đối với triều đình nhà Trần là không ngừng củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Đây vừa là cơ sở quyết định sự thành bại của sự nghiệp giữ nước, vừa là nhân tố quyết định thường xuyên sự tồn vong của chính bản thân triều đại nhà Trần cũng như sự tồn vong của đất nước Đại Việt. Nhưng cũng lúc bấy giờ, mọi hành vi và cử chỉ của Trần Hưng Đạo lại có ảnh hưởng to lớn nhất đối với khối đoàn kết chung đó.

Trước hết, Trần Hưng Đạo đã khôn khéo, chủ động hàn gắn những vết rạn nứt trong đội ngũ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp của triều đình nhà Trần. Mọi nghi ngờ và xích mích giữa nhánh trưởng và nhánh thứ, cháu nội của tổ Trần Thừa (tức giữa người con Trần Liễu và con Trần Cảnh) mọi quan hệ thân thiện dần dần được xác lập, quý tộc và tướng lĩnh cao cấp được hoan hỷ để có thể sát cánh cùng nhau bàn chuyện quốc gia đại sự. Tiếp theo đó, bằng tất cả trí tuệ, đức độ và uy tín của mình, Trần Quốc Tuấn đã tác động một cách tích cực và có hiệu quả đối với triều đình nhà Trần: Triệu tập và sự thành công của hội nghị Bình Than ( ) (năm 1282). Hội nghị Bình Than là hội nghị của những người năm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước và chỉ bàn hai vấn đề thiết yếu nhất: đó là xác định phương hướng chiến lược chống xâm lăng và tổ chức bộ máy chỉ huy chống xâm lăng, cũng có nghĩa là phát động và lãnh đạo một cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược; về bộ máy chỉ huy chống xâm lăng, tháng 10 năm Quý Mùi (1283) Vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã quyết định trao quyền Tổng chỉ huy quân đội cho Trần Quốc Tuấn: “tấn phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế, thống lĩnh quân sĩ cả nước( )... Thắng lợi của hội nghị Bình Than vừa có giá trị thực tiễn to lớn đối với sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lăng Mông Cổ thời Trần, vừa để lại cho hậu thế những bài học kinh nghiệm vô giá trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tiếp theo hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng được triệu tập vào cuối năm 1284 ở Kinh thành Thăng Long - đây là cuộc hội nghị của các bậc phụ lão, đại diện cho nhân dân trong cả nước. Hội nghị này không bàn đến chiến lược, chiến thuật chống xâm lăng mà chỉ bàn: nên đánh hay nên hoà với giặc. Ngoan cường và quyết tâm chiến đấu mới mong giữ được tôn miếu cho xã tắc, giữ được cơ nghiệp cho mọi nhà. Hoà cũng có nghĩa là đầu hàng quân xâm lược, chấp nhận để mặc cho chúng dày xéo quê hương đất nước, chịu cảnh nước mất nhà tan. Sử cũ chép lại rằng: “các cụ phụ lão đều hô quyết đánh, vạn người như một, tiếng vang như cùng bậc ra từ một cửa miệng vậy”( ). Chính hội nghị Diên Hồng là một sự kiện độc đáo và là đỉnh cao của nghệ thuật tập họp và đoàn kết mọi lực lượng trong cả nước để chống lại quân ngoại xâm.

Không những thế, Trần Hưng Đạo đã nhanh chóng tìm mọi cách kích động mạnh mẽ lòng yêu nước thiết tha và lòng căm thù giặc sâu sắc của tướng sĩ và của toàn dân, tạo ra khi thế quật cường tưng bừng khắp cả nước, đó là áng văn “Hịch Tướng Sĩ”; Chính Hịch Tướng Sĩ lúc bấy giờ khiến cho binh sĩ đã cảm kích trước lời đanh thép của Trần Hương Đạo và đã tự khắc vào cánh tay mình hai chữ “sát thác” (có nghĩa kiên quyết giết quân ngoại xâm của giặc Thác – tức là giặc Nguyên Mông). Hịch Tướng Sĩ văn không những là một văn kiện quân sự mà còn thật sự là một trong những áng thiên cổ hùng văn, có giá trị lịch sử văn học của nước nhà.

Trần Hưng Đạo – linh hồn của những chiến công hiển hách nhất thế kỷ thứ XIII: từ giữa năm Bính Thìn (1256) tình hình biên giới phía Bắc đã trở nên căng thẳng. Tháng 9 nhà Vua xuống chiếu lệnh cho các tướng tả hữu đem quân ra ngăn giữ ở biên giới đặt dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn( )... Khi nhận trọng trách này, Trần Quốc Tuấn chưa đầy 30 tuổi, nhưng vị tướng quân trẻ tuổi này đã hoàn thành hết sức xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của triều đình và của tất cả tướng sĩ đương thời. Trần Hưng Đạo là một trong những tướng dũng đã sát cánh chiến đấu bên cạnh vua Trần Thái Tông ở Bình Lệ Nguyên và các trận phản công sau đó.

Trần Hưng Đạo – người đứng đầu lực lượng vũ trang cả nước, người trực tiếp vạch kế hoạch chung, đồng thời cũng là một vị tướng chỉ huy những trận đánh quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống xâm lược lần thứ hai (1285). Trong đó có 3 trận quyết định: trận thứ nhất ở bờ bắc sông Hồng, Thoát Hoan tên tướng tổng chỉ huy của quân xâm lược Nguyên Mông phải rút chạy về sông Như Nguyệt (sông Cầu); trận thứ hai, Thoát Hoan lại phải bỏ vùng Bắc sông Như Nguyệt để chạy lên mạn sông Thương; trận thứ ba là trận khiếp đảm nhất đối với đội quân Thoát Hoan; Thoát Hoan chạy lên đến biên giới thì gặp phải trận mai phục của quân nhà Trần do người con lớn của Trần Hưng Đạo, tướng Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiển chờ sẵn; bộ tướng của Thoát Hoan là Lý Hằng tử trận, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới tránh được trận mưa tên thuốc độc, chạy thoát về nước.

Trần Hưng Đạo – nhà chiến lược xuất sắc, tướng tổng chỉ huy thiên tài của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (1287-1288), là người thắng trận chung kết tuyệt vời với quân đội Nguyên Mông ở Bạch Đằng Giang, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của Nguyên Mông đối với đất nước ta, một trận đánh để nhục muôn đời cho quân xâm lược.

Sau trận đánh thắng trên sông Bạch Đằng, nếu Thoát Hoan và một loạt các tên bại tướng Nguyên Mông phải chịu nhục nhã ê chề, thì ngược lại tên tuổi của Trần Hưng Đạo trở nên lừng lẫy hơn bao giờ hết.

Trước khi qua đời, Hưng Đạo Vương đã dặn các con của mình rằng: “nếu ta chết thì phải hoả tán, lấy hũ tròn đựng xương bí mật đem chôn trong vườn An Lạc, rồi san bằng đất và trồng cây như cũ để người đời không biết chỗ nào” (“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” Bản kỷ, quyển 6, tờ 10-b)( ), có lẽ vì thế, mà ngày nay, đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng lên rất nhiều nơi trên đất nước ta, nhưng ngôi mộ thực sự của Ngài thì chưa rõ ở vị trí cụ thể nào( ).

Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình

Các anh em, dâu rể:
   Trần Quang Khải
   Trần Ích Tắc
   Trần Nhật Duật
   Thiều Dương
   Thuỵ Bảo
   An Tư
   Trần Quốc Khang
Con cái:
       Thiên Thuỵ
       Thái Tử Khâm
       Trần Đức Hiệp
Gia Phả; Trần Phước (陳 福 - 富霑)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.