GIA

PHẢ

TỘC

Trần
Phước
(陳

-
富霑)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: Trần Thừa
Đời thứ: 4
Người trong gia đình
Tên Trần Cảnh
Tên thường Cự, Bố
Tên Tự
Là con thứ 3
Ngày sinh
Sự nghiệp, công đức, ghi chú
Tổ Trần Cảnh, sinh năm Mậu Dần (1218), là cháu nội của tổ Trần Lý. con trai thứ của tổ Trần Thừa, em ruột của tổ bá Trần Liễu, là anh ruột của tổ thúc Trần Nhật Hiệu, Trần Di ái…
Dòng dõi họ Trần, từ tổ Trần Lý, trở về trước sống chuyên nghề chài lưới trên sông nước. Từ xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, lần hồi chuyển dần về làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường tỉnh Nam Định. Trên đường làm ăn từ Tức Mạc, phủ Thiên Trường…đã lần đến vùng làng Hải ấp - Lữ Gia thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình là vùng đất trù phú, rồi định cư tại đó.
Khởi đầu từ cuộc hôn nhân giữa bà Trần Thi Dung với Hoàng tử Lý Hạo Sảm, con trai vua Cao Tông nhà Lý, nên được thái tử Sảm phong tặng cho ông Trần Lý nhạc phụ của mình tước “Minh Tự” vào năm 1209. Từ đấy, gia đình ông Trần Lý giàu có ở Hải ấp bắt đầu tham gia công việc triều chính…(Trích trang 82 “Các Triều đại Việt Nam”)
Năm Canh Ngọ (1210), Ông Trần Lý với các người con, cháu là Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ… đã tập họp hương binh đi đánh dẹp bọn phản loạn Quách Bốc và tháng ba năm ấy, ông Trần Lý chết trong trận chiến đấu này. Người con trai trưởng của ông Trần Lý là Trần Tự Khánh thay cha cầm quân chiến đấu, phò tá Hoàng tử Sảm trở về khôi phục Kinh thành và đi rước vua Lý Cao Tông cũng đang chạy loạn ở vùng Tam Nông - Phú Thọ về cung. Nên Trần Tự Khánh được Triều đình nhà Lý phong cho làm Lưu Thuận Bá. Một năm sau, năm Tân Mùi (1211) Trần Tự Khánh được Triều đình gia phong làm “Chương Thành Hầu” (“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” - bản kỷ, quyển 4, tờ 26a – “Danh Tướng Việt Nam” tập I của Nguyễn Khắc Thuần trang 69 trích dẫn).
Tháng chạp năm Bính Tý (1216) đến lượt ông Trần Thừa, con trai thứ ông Trần Lý được Triều đình nhà Lý phong làm Nội Thi Phán Thủ; tháng chạp năm Quý Mùi (1223) được gia phong làm Phụ Quốc Thái úy. Em họ của Hoàng hậu Trần Thị Dung là Trần Thủ Độ được giao làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, cầm đầu tất cả quân cấm vệ của triều đình, một chức vụ có nhiều quyền uy mạnh mẻ hơn cả. Thế là mọi công việc trong Triều đình nhà Lý đều do người của dòng họ Trần nắm giữ và lần lượt đem con cháu của mình vào cung nắm giữ các chức vụ lớn nhỏ, trong đó có Trần Cảnh, lúc này Trần Cảnh mới 7 tuổi vào làm chức chánh thủ (đội trưởng hậu cần trong Hoàng cung). (“Đại Việt sử ký toàn thư” - bản kỷ, quyển 4, tờ 32b và tờ 33a-b “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 70 và 71 trích dẫn).
Cũng trong thời gian ấy, Triều đình nhà Lý đang sa sút nghiêm trọng, Vua Lý Huệ Tông ham mê chơi bời, bỏ bê công việc triều chính và bắt đầu mắc bệnh tâm thần (bệnh điên), kinh tế đất nước suy thoái, thiên tai mất mùa, dân tình đói khổ; lợi dụng cơ hội đó, các thế lực phản loạn nổi lên chống đối Triều đình, đánh giết lẫn nhau, hãm hại dân lành…; ngoài biên thùy, đế quốc Mông Cổ đang tung hoành đánh nước Kim, diệt Tây Hạ, chiếm Triều Tiên, sửa soạn đại binh nhằm xâm lăng nước Tống (Trung Quốc) và uy hiếp Đại Việt …
Trước tình cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy, thì Vua Lý Huệ Tông tỏ ra vô trách nhiệm; tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Công chúa Chiêu Thánh, rồi vào chùa Chân Giáo đi tu. Lúc bấy giờ Công chúa mới 6 tuổi và được quần thần tôn miếu hiệu: Lý Chiêu Hoàng; đây là đời Vua cuối cùng của triều đại nhà Lý. (Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư … nhà xuất bản thanh niên – Hà Nội - 1995 trang 84 và trang 91).
Khi Lý Chiêu Hoàng làm Vua, Trần Thủ Độ đã nghĩ ngay đến việc truyền ngôi cho Trần Cảnh, người con trai thứ của ông Trần Thừa. Thủ Độ bèn đem ý nghĩ ấy thưa với ông Trần Thừa - Ông Trần Thừa ngần ngại nói:
“Chúng ta với Thái Hậu (Trần Thi Dung) và Lý Chiêu Hoàng là chỗ họ ngoại chí thân, nay ta làm cái việc tranh đoạt ấy, tôi e chẳng tránh khỏi mang tiếng với hậu thế !”

Trần Thủ Độ phân trần rằng:
“Tôi xem diện mạo của Trần Bố (Cảnh) mũi cao, hai gò má trội, đúng là dung nhan Long Chuẩn, tính tình lại rộng rãi, biết thương người, có khí độ của vị Thái bình thiên tử. Vả chăng, thời thế lúc này, chỉ có họ Trần thay ngôi nhà Lý mới cứu được vận nước suy vi. Trời cho mà không lấy ắt phải chịu tai ương. Xin đại huynh nên nghĩ kỹ lại”.
Trần Thừa bảo Trần Thủ Độ :
- Mọi việc tùy chú định liệu, làm sao cho thành sự thì làm. Hóa nhà làm nước hay đến phải diệt tộc, cũng ở một chuyện này đó. (“Các Triều đại Việt Nam” trang 95).
Cuối năm giáp thân (1225) Trần Thủ Độ đã khôn khéo bố trí để người con thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh kết hôn với Lý Chiêu Thánh, lúc bấy giờ Công chúa đã là Vua Lý Chiêu Hoàng. Đó là cuộc tảo hôn lần thứ hai giữa hai họ Lý và Trần; cuộc tảo hôn lần thứ nhất giữa hai họ Lý và Trần là cuộc hôn nhân giữa Trần Liễu (con cả của Trần Thừa) với Công chúa Lý Thuận Thiên. Chính cuộc hôn nhân lần sau này đã góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi hoàn toàn ngôi Vua ở Đại Việt.

Các sử gia xưa đã mô tả đại lược về cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh như sau:
Trần Cảnh lúc bấy giờ mới lên 7 tuổi, lo đứng ngoài cửa Cung để chầu hầu nhà Vua. Một hôm, Trần Cảnh bưng nước cho Vua rửa, nhân đấy mới được vào cung; Vua Lý Chiêu Hoàng vừa trông thấy đã lấy làm ưa. Cho nên khi dạo chơi vào ban đêm, Vua Bà vẫn cho gọi Trần Cảnh đi cùng; thấy Trần Cảnh đứng chỗ tối thì Vua thân đến nô đùa, nắm tóc hoặc đứng chèn lên bóng…
Một hôm, Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu Chiêu Hoàng rửa mặt, Vua Bà lấy tay vốc nước tát ướt hết cả mặt Trần Cảnh, rồi cười và chọc ghẹo…Khi Trần Cảnh bưng khăn lau thì Vua Bà lấy khăn ném cho Cảnh. Trần Cảnh không dám nói năng gì cả, chỉ về ngầm thưa với Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ nói rằng:
- Nếu thực như thế thì họ ta sẽ trở thành Hoàng tộc hay là sẽ bị diệt hết đây?

Lại một hôm, Vua Lý Chiêu Hoàng lấy khăn ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lạy và thưa rằng:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Có thế thần mới dám xin vâng mệnh!
Lý Chiêu Hoàng vừa cười vừa nói:
- Tha tội cho ngươi ư? Thế ra, nay nhà ngươi đã biết nói khôn ra đấy!…
Ngày 21 tháng 10 năm ất Dậu (1224), Vua Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu rằng:
“Nước Nam Việt ta, từ xưa đã có Đế Vương trị vì. Triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có được bốn biển, các bậc tiên thánh nối nhau giữ ngôi hơn hai trăm năm. Nay, Thượng Hoàng (ý chỉ Vua Lý Huệ Tông) có bệnh, không có con trai nối dõi, khiến cho thế nước nghiêng ngửa, nguy nan. Trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, thực là việc từ xưa chưa từng có! Khốn thay, Trẫm là Nữ Hoàng tài đức đều thiếu, không ai giúp đỡ, trong khi đó thì giặc cướp nổi lên như ong, không sao giữ nổi ngôi báu nặng nề được. Trẫm từng dậy sớm thức khuya, nhưng lo không cáng đáng nổi, nên vẫn tìm người hiền lương quân tử để cùng điều khiển chính sự, khẩn khoản đã đến mức tận cùng. Kinh thi có câu: “Quân tử tìm bạn, tìm mãi chẳng ra, thức ngủ trăn trở, lâu thay, lâu thay!”, nay Trẫm một mình suy đi tính lại, thấy duy chỉ có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thật đúng là hiền nhân quân tử, uy nghi rất đàng hoàng, văn võ gồm tài như thần như thánh, dù là Hán Cao tổ hay Đường Thái Tông (hai vị Vua sáng nghiệp của nhà Hán và nhà Đường ở Trung Quốc) cũng không thể hơn được. Trẫm từ lâu đã nghĩ kỹ, xét việc nên nhường ngôi báu để thoả lòng trời, cũng là để thoả lòng riêng của Trẫm, mong sao được Người đồng tâm hiệp lực, cùng lo việc nước và hưởng phúc thái bình. Vậy, bố cáo khắp thiên hạ để mọi người cùng biết”.
Thế rồi, ngày Mậu Dần, 11 tháng chạp năm ất Dậu (tháng giêng 1225), Vua Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở Điện Thiên An, Vua ngự trên sạp báu, các quan văn võ mặc triều phục vào chầu dưới sân. Vua Lý Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự và mời Trấn Cảnh là chồng mình lên ngôi Hoàng Đế; Kể từ đấy, là ngày chấm dứt Triều đại nhà Lý.
Trần Cảnh lên ngôi, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng; bầy tôi dâng tôn miếu hiệu là Khải Thiên Lập Cục Chi Nhân Chương Hầu Hoàng Đế. Trần Thủ Độ được phong làm Quốc Thượng Phụ, nắm giữ việc cai trị trong nước. (“Đại Việt sử ký toàn thư” - bản kỷ, quyển 4, tờ 33a-b và tờ 34 a-b; Sách “Danh tướng Việt Nam” tập một của Nguyễn Khắc Thuần - Nhà xuất bản giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh – 1998 trang 71 - 73 trích dẫn).
Ngay sau khi Trần Cảnh lên ngôi Vua, Trần Thủ Độ đã nhanh chống tiến hành một loạt các biện pháp nhằm củng cố địa vị của họ Trần trên vũ đài chính trị. Thân phụ của Trần Cảnh là ông Trần Thừa được tôn lên làm Thượng Hoàng và bà chánh thất của ông Trần Thừa (Mẹ của ông Trần Cảnh) là bà Lê Thuận Thiên được tôn làm Quốc Thánh Hoàng hậu. Thượng Hoàng Trần Thừa được giao trọng trách điều hành các công việc trong triều, còn Trần Thủ Độ đích thân cầm quân đi đánh dẹp các thế lực chống đối.
(Lúc bấy giờ, tướng Đoàn Thượng chiếm cứ đất Hồng Châu (tỉnh Hải Dương) tự xưng Vương và chống triều đình nhà Lý từ những năm 1212- Nguyễn Nộn, năm 1209 cũng nổi lên chống nhà Lý từ đất Bắc Ninh. Khi triều Trần thay nhà Lý, bọn Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn vẫn tiếp tục chống đối nhà Trần. Ngoài ra, triều Trần còn vấp phải sự chống đối của các thế lực khác, đặc biệt là sự chống đối của quý tộc họ Lý dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau).
Nhờ Trần Thủ Độ đã áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết nên đã chấm dứt được mọi mầm mống của họa loạn và nhanh chóng ổn định tình hình chính trị của đất nước, đồng thời nâng cao được quyền lực của triều đình nhà Trần.

Về CÔNG LAO Sự NGHIệP - ĐạO ĐứC. . . của tổ Trấn Cảnh - Vua Trần Thái Tông đã được sử sách chính thống xưa và nay… tiếp tục ca ngợi:
Với dã tâm muốn làm bá chủ thế giới, sau khi đã dẫm nát cả Châu Âu, quân đội Mông Cổ quay về Châu á, chúng đánh nhà Tống, thôn tính toàn bộ đất đai rộng lớn của Trung Quốc; Đồng thời, nhiều lần chúng phái sứ giả đến Đại Việt, dùng lời lễ ngạo mạn, hù dọa để hòng cướp đất nước ta mà không cần dùng đến binh đao. Vua Trần Thái Tông chẳng những không nao núng mà còn lập tức hạ lệnh bắt giam những tên sứ giả ngạo mạn ấy, và lập tức điều động quân sĩ đến đóng giữ những nơi hiểm yếu nhất.
Chờ mải không thấy sứ giả trở về, tháng 12 năm Đinh tỵ (1257) Mông Cổ đã huy động một đội quân khổng lồ và thiện chiến từ đất Tống mà chúng mới vừa cướp được, men dọc theo bờ sông Hồng tràn xuống xâm lược đất nước ta. Đây quả thật một cuộc đối đầu có một không hai trong lịch sử Đại Việt. Thành bại trong cuộc đối đầu này, chẳng những tác động trực tiếp đến sự tồn vong của nhà Trần mà còn ảnh hưởng đến sự an nguy của xã tắc Đại Việt.
Lúc bấy giờ, đế quốc Mông Cổ chẳng khác gì một con ác thú khổng lồ, mình phủ kín bởi cả một vùng đất đai rộng lớn từ bờ biển Hắc Hải đến bờ Thái Bình Dương. Dân số và tiềm lực kinh tế của chúng to lớn gấp hàng trăm lần so với Đại Việt
Cũng lúc bấy giờ, đất đai của Đại Việt mới chỉ từ phía bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay trở ra (phía nam tỉnh Quảng Trị trở vào thuộc vương quốc Chiêm Thành); dân số Đại Việt chỉ ước khoảng ba triệu người. Đã thế, Đại Việt mới vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng trong những năm cuối triều Lý, quá trình nâng cao uy danh Triều Trần cũng chỉ mới tiến hành với một thời gian không nhiều.
Khi nghe tin quân giặc Mông Cổ đã tràn vào đất nước ta, Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) lập tức tự mình cầm quân cùng với Hoàng tử Hoảng ra nghênh chiến, sẵn sàng và quyết đánh một trận sống chết với quân thù xâm lược.
Ngày 17 tháng giêng năm 1258, một cuộc ác chiến đã xảy ra tại vùng Bình Lê Nguyên (thuộc tỉnh Phú Thọ và Yên Bái ngày nay). Đó là một cuộc đọ sức quyết liệt, thể hiện khí phách rất ngoan cường và ý chí quyết tâm bảo vệ tổ quốc của Vua Trần Thái Tông và Triều đình nhà Trần. Nhưng Bình Lệ Nguyên là vùng trung du đồi núi, nơi mà kỵ binh thiện chiến của quân giặc Mông Cổ dễ có thể phát huy sở trường chiến đấu; ngược lại, đối với bộ binh của quân ta rất dễ bị lúng túng, bị động, dễ bị quân thù bao vây, chia cắt … Sử cũ chép lai rằng:
…Vua tự mình ra đốc chiến, xông pha giữa chốn tên đạn, nhưng quan quân thì có phần nao núng, chỉ có Lê Tần một mình một ngựa ra vào trận giặc mà vẫn bình tĩnh như không. Lúc bấy giờ có người khuyên Vua nên bám giữ Bình Lệ Nguyên… nhưng Lê Tần lại can Vua và nói rằng: “nếu bệ hạ làm như vậy (tức là tiếp tục bám giữ Bình Lệ Nguyên) thì có khác gì đốc hết túi tiền cho một canh bạc mà chưa biết rõ được thua. Thần nghĩ, là hãy tạm lánh chúng để bảo toàn lực lượng, chớ có làm sao lại dễ dàng tin lời người ta như vậy”. (“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” bản kỷ, quyển 5, tờ 22a, “Danh Tướng Việt Nam” tập I nhà Xuất bản Giáo dục – thành phố Hồ Chí Minh, trang 93 trích dẫn).
Vua Trần nghe theo lời khuyên của tướng Lê Tần và cho quân lui xuống đóng ở sông Lô (sông Hồng đoạn từ Bạch Hạt trở xuống), từ đó, lui dần về Thăng Long. Tên tướng tổng chỉ huy quân đội xâm lược của Nguyên Mông vô cùng tức tối, vì đã vồ hụt Vua, quân nhà Trần, nên ra sức đuổi theo. Khi chúng tiến quân đến Thăng Long, thì Kinh thành đã bị bỏ trống. Vua Trần và quan quân Đai Việt đã lui về sông Thiên Mạc (đoạn sông Hồng chảy qua huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay).
Đoạn ghi chép ngắn ngủi trên đây của sử cũ, tự nó đã nói toát lên hai điều đáng suy nghĩ: một là Lê Tần đúng là một bậc tướng có dũng khí hơn người, nhưng đáng kính trọng nhất là Ông đã dám can gián nhà Vua... Quân pháp xưa cho phép chủ tướng chém đầu kẻ nào dưới quyền làm trái mệnh lệnh... huống chi trong trận ác chiến này, chủ tướng cũng chính là nhà Vua, người có quyền hành cực lớn trong tay...; hai là, Lê Tần đã dám nói, thì đáng kính thay, Vua Trần Thái Tông cũng là người dám nghe. Khi ở ngôi cao, quyền cả, nhất vào lúc hiểm nghèo, thói thường người ta sẽ khó chấp nhận những ý kiến trái ngược với mình. Nhưng may mắn thay và cảm động thay, Vua Trần Thái Tông đã kịp thời nhận ra và vui vẻ làm theo lời khuyên của Lê Tần nhằm bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu giành thắng lợi về sau. Lời đề nghị của Lê Tần cũng được các tướng lĩnh, kể cả Trần Thủ Độ nhiệt thành ủng hộ. Chỗ Vua-Tôi trùng hợp là ở đây. Lê Tần thật xứng đáng với biệt danh “Lê phụ Trần” mà nhà Vua đã ban tặng cho. Và cũng chính vì vậy, sau khi chiến thắng trở về, năm 1258, Vua Trần Thái Tông đã đem người vợ cũ của mình bị giáng chức Hoàng hậu - Công chúa Lý Chiêu Thánh gả cho Lê Tần, lúc này nàng đang ở tuổi 40 và nàng đã sinh cho Lê Tần hai người con, một trai một gái, đem lại nguồn hạnh phúc cho nàng.
Khác với lần rút lui khỏi Bình-Lệ-Nguyên do áp lực tấn công của quân Nguyên Mông, việc rút lui khỏi Kinh thành Thăng Long càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Nhưng Triều đình nhà Trần đã tổ chức rút lui trong trật tự và an toàn; không những chỉ có quân sĩ mà còn cả Hoàng gia, Tôn thất, nhân dân, vũ khí, quân nhu, lương thảo... đều được di chuyển ra khỏi Kinh thành một cách trọn vẹn, chỉ còn để lại mấy tên sứ giả hống hách ngạo mạn của Mông Cổ đến trước đó, đã bị Vua Trần hạ lệnh tống giam trong ngục tối.
Thắng lợi này không thể quên công lao to lớn của bà Trần Thị Dung; và với thắng lợi này đã đẩy quân xâm lược Mông Cổ vào tình trạng khối quẫn. Đó là ta đã buộc chúng phải đóng quân nơi không có một bóng người, không một chút lương thảo nào, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Quân giặc bị lâm vào tình thế vô cùng gay go, đó là vừa thiếu lương thực, lại vừa bị quân ta bao vây chặt bốn phía.
Ngày 24 tháng chạp năm Mậu Ngọ, tức là ngày 29-1-1258, cuộc phản công của quân nhà Trần bắt đầu. Đích thân Vua Trần Thái Tông cùng Hoàng Thái tử Hoảng cầm quân ngược dòng Thiên Mạc, bất ngờ tấn công ào ạt vào quân giặc Mông Cổ đóng tại Đông Bộ Đầu (Vùng dốc Hàng Than, đầu cầu Long biên – Hà Nội ngày này). Đang ở thế khối quẫn, lại bị đánh bất ngờ, quân giặc Mông không sao có thể chống đỡ nổi đành phải tìm đường tháo chạy. Nhân đà thắng lợi ấy, quân ta nhanh chóng thu phục Kinh thành Thăng Long và ráo riết truy kích quân giặc, khiến chúng vốn trước đó rất hùng hổ và tàn bạo bao nhiêu thì bây giờ hoảng hốt bấy nhiêu, chỉ biết chạy để tháo thân mà không còn nghĩ đến việc cướp bóc lương thực để ăn, mặc dù bụng đang đói...!
Trong trận chiến đấu và chiến thắng này, Trần Thái Tông (Trần Cảnh) là một ông Vua và cũng là một vị tướng thống lĩnh toàn quân, xông pha nơi trận mạc giữa đường tên mũi đạn, trực tiếp chỉ huy ba quân đánh thắng một đạo quân từng làm mưa làm gió, dẫm nát và tàn phá cả châu Âu, đến sát biên giới nước ý; khi quay về châu á, đánh bại cả nước Tống (Trung Quốc) đông dân, đất đai rộng mênh mông. Ngày 5-2-1258 Vua Trần Thái Tông cùng toàn thể bá quân văn võ của triều đình đã có mặt tại Kinh thành Thăng Long và long trong tổ chức lễ triều yết đầu tiên sau một thời gian tạm vắng. (Trích “Danh Tướng Việt Nam” tập I của Nguyễn Khắc Thuần từ trang 79 đến trang 83)
Không những thế, sách “Các Triều đại Việt Nam” của Quỳnh Cư và Đổ Đức Hùng – nhà xuất bản Thanh niên – Hà Nội từ trang 98 đến trang 100 đã viết:
“... Trần Thái Tông đã trở thành một ông Vua anh hùng cứu nước. Nhưng Trần Thái Tông được sử sách lưu truyền, bởi Ông còn là một nhà Thiền học, một Triết gia có những tư tưởng sâu sắc độc đáo, là tác giả “Khoá Hư Lục” một cuốn sách xưa nhất, hiện còn được lưu giữ trong kho thư tịch cổ của nước ta”.
Trần Cảnh – vua Trần Thái Tông lấy Lý Chiêu Thánh đã 12 năm mà không có con. Quần thần trong triều đình đều mong muốn nhà Vua có Hoàng tử để nối ngôi. Bởi vậy, Trần Thủ Độ đã ép Vua bỏ Chiêu Thánh, giáng bà từ Hoàng hậu xuống làm Công chúa, rồi đem người chị của Lý Chiêu Thánh đang là vợ của Trần Liễu là người anh ruột của Vua Trần Thái Tông đang có thai 3 tháng vào làm Hoàng Hậu. Trần Liễu tức giận, đem quân làm phản chống lại triều đình; còn Vua Trần Thái Tông cũng tỏ ý phản đối, nên đang đêm Vua bỏ trốn lên chùa Phù Vân trên đỉnh núi Yên Tử thuộc vùng núi huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Trần Thủ Độ đem quần thần đến đón Vua trở về; Vua Trần Thái Tông từ chối và nói rằng: “Trẫm còn nhỏ dại, không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho khỏi nhục xã tắc”.
Trong một văn bản “Khoá Hư Lục” có bài “Tự thiền tông chỉ nam” Trần Thái Tông viết kể về một sự việc xảy ra năm 1236, đang đêm bỏ cung điện nhà Vua vào núi và lý do trở về - ấy là, khi thái sư Trần Thủ Độ thống thiết nói:
“Bệ Hạ ở tu cho riêng mình thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Vì để lời nói suông mà răn bảo đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đường cho thiên hạ! Do đấy, Trẫm đã cùng các vị Quốc lão trở về Kinh, gắn lại lên ngôi”.
Có lẽ ít thấy ai trong lịch sử Phật Giáo nước nào lại nêu vấn đề “Quốc gia xã tắc” lên trên hết, trước hết như thế. Thái độ đối với “Quốc gia xã tắc” là thước đo giá trị của mỗi con người, bất kể họ ở vào cương vị nào. Nghe theo lời kêu gọi của “Quốc gia Xã tắc”, Trần Thái Tông trở về Triều để 22 năm sau đó đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh tan đội quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ được chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc. Trần Thái Tông quả là con người có tính cách đặc biệt: lúc làm Vua thì thân ra làm Tướng cầm quân đi đánh giặc, xông pha vào giữa mũi tên hòn đạn; làm Vua nhưng xem thường vinh hoa phú quý, có thể từ bỏ ngai vàng bất cứ lúc nào không một chút luyến tiếc. Ông là gương mặt văn hoá đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam.
Theo “Các Triều đại Việt Nam” trang 101 của Quỳnh Cư có viết:
Trần Thái Tông (Trần Cảnh), có 6 người con:
- Thái Tử Hoảng (về sau nối ngôi Vua miếu hiệu là Trần Thánh Tông),
- Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải,
- Trần Nhật Vĩnh
- Trần ích Tắc
- Văn Vương Trần Nhật Duật
- và các Công chúa Thiều Dương, Thuỵ Bảo, An Tư
(Trang 112 – “Các Triều đại Việt Nam” và cả trong “Danh tướng Việt Nam”tập I trang 185 của Nguyễn Khắc Thuần).
Trần Quốc Khang về danh nghĩa là con trưởng của Trần Cảnh, nhưng thực chất là con của ông Trần Liễu, vì Công chúa Lý Thuận Thiên vốn là vợ của ông Trần Liễu đang có thai được 3 tháng thì bị triều đình ép buộc đi lấy Trần Cảnh (“Danh Tướng Việt Nam” trang 75 và trang 146)
Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258), Trần Thái Tông nhường ngôi Vua cho Thái tử Trần Hoảng, một cách tập sự cho Thái Tử quen việc trị nước. Triều đình tôn Trần Thái Tông làm Thái Thượng Hoàng để cùng trông coi việc nước.
Trần Thái Tông làm Vua trị vì đất nước được 33 năm và ở ngôi Thượng Hoàng 19 năm.
Tổ Trần Cảnh – Vua Trần Thái Tông mất năm Đinh Sửu (1277) ở xã Tức Mạc phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, thọ 60 tuổi (“Các Triều đại Việt Nam” trang 100).
CÔNG LAO, Sự NGHIệP CủA Tổ TRầN CảNH - VUA TRầN_THáI_TÔNG KHÔNG THể TáCH RờI CÔNG LAO Sự NGHIệP CủA THáI SƯ TRầN_THủ_Độ ĐốI VớI CƠ NGHIệP BAN ĐầU CủA TRIềU đạI NHà_TRầN.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” bản kỷ, quyển 5, tờ 29-a do Nguyễn Khác Thuần trích dẫn trong “Danh tướng Việt Nam” nhà Xuất bản Thanh niên – Hà nội - 1995, tập I trang 68 nói:
“Trần Thủ Độ tuy chỉ là tể tướng, nhưng mọi việc trong triều đình, không có việc gì mà Ông không để mắt chú ý tới. Vì thế, Ông đã có công giúp nên Vương Nghiệp nhà Trần và để lại tiếng tốt cho đến tận lúc qua đời. Vua Trần Thái Tông có làm bài văn bia đặt ở nơi thờ Ông, ngay khi Ông còn sống để tỏ lòng đặc biệt quý mến”.
Theo “Các Triều đại Việt Nam” trang 91: Trần Thủ Độ người có công khởi dựng cơ nghiệp triều Trần, sinh năm Giáp Dần (1194) ở làng Lưu Xá, nay là xã Canh Tân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; thời trai trẻ, Trần Thủ Độ sống bằng nghề chài lưới! Ông lớn lên đúng vào lúc cơ đồ của nhà Lý đang trên đà đổ nát ngày một nhanh chóng, nội chiến xảy ra triền miên, Vua nhà Lý không còn khả năng điều hành đất nước, thậm chí không còn khả năng điều khiển hoạt động của Triều đình, Hoàng tộc hoang mang... Năm Kỷ Tỵ (1209), Lý Hạo Sảm - Hoàng tử nhà Lý bỏ Kinh thành chạy về thôn Lưu Gia - Hải ấp và lấy Trần Thị Dung con gái của ông Trần Lý làm vợ. Trần Thủ Độ đã cùng cha con ông Trần Lý tụ họp hương binh đi đánh dẹp loạn Quách Bốc, giúp cho thái tử Sảm trở về khôi phục Kinh thành...
Tháng 11 năm Canh Ngọ (1210) Hoàng tử Sảm lên ngôi Vua lấy hiệu là Lý Huệ Tông, bà Trần Thị Dung được lập làm Nguyên Phi. Đến giữa năm Đinh Tý (1216) bà Dung được Lý Huệ Tông phong làm Hoàng hậu. Vốn không yêu Huệ Tông, lại thấy Huệ Tông đam mê sắc dục, không chăm lo triều chính, nên bà Trần Thị Dung lại càng mến Trần Thủ Độ, lúc đó đang là Thái sư (Trang 90 “Các Triều đại Việt Nam”).
Tháng chạp năm Quý Mùi (1223), Vua Lý Huệ Tông cho Trần Thừa làm Phụ Quốc Thái Uý và năm sau (1224) giao cho em họ Hoàng hậu Trần Thị Dung là Trần Thủ Độ làm Điện Tiền chỉ huy Sứ, cầm đầu tất cả quân cấm vệ của triều đình, một chức vụ có nhiều quyền uy mạnh mẽ hơn cả. Từ đó mọi việc trong Triều đình nhà Lý đều do vị tướng trẻ Trần Thủ Độ định đoạt (Trang 84 “Các Triều đại Việt Nam” và trang 70 “Danh Tướng Việt Nam” tập I nhà Xuất bản Giáo dục – thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn).
Ông Trần Thủ Độ ít được học hành, nhưng có bản lĩnh, thẳng thắn và quyết đoán. Ông đã nổi lên là người có tài xuất chúng trong số những người con ưu tú khác của họ Trần; không những đã có công góp phần đánh dẹp các thế lực phản loạn cát cứ, khôi phục cơ nghiệp nhà Lý, Ông cũng là người có công khởi dựng cơ nghiệp nhà Trần...(“Các Triều đại Việt Nam” trang 91).
Trong khi Vua Lý Huệ Tông sa sút, chơi bời và bắt đầu bị bệnh tâm thần (điên), tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Vua Lý Huệ Tông đã nhường ngôi cho Công chúa Chiêu Thánh lúc Công chúa mới 6 tuổi. Ngay từ đấy, ông Trần Thủ Độ đã có ý nghĩ và hành động tiến hành từng bước giành lấy ngôi báu từ tay nhà Lý về cho nhà Trần, như:
- Lập tức ào ạt đưa người của họ Trần vào nắm giữ các chức vụ lớn nhỏ trong triều đình, trong đó có Trần Cảnh vào giữ chức Chánh thủ (đội trưởng đội hậu cần) trong Hoàng cung;
- Gấp rút thực hiện kế hoạch lợi dụng hôn nhân giữa nhà Lý và nhà Trần: bố trí cho con trai trưởng của ông Trần Thừa là Trần Liễu kết hôn với Công chúa Thuận Thiên, con gái lớn của Vua Lý Huệ Tông, khi Công chúa này mới 8 tuổi; Cuối năm Giáp Dần (1225), một lần nữa Trần Thủ Độ lại khôn khéo sắp xếp để người con trai thứ của ông Trần Thừa kết hôn cùng với Công chúa Chiêu Thánh. Bấy giờ Chiêu Thánh đã là vua Lý Chiêu Hoàng, lúc này Bà vừa tròn 7 tuổi. Chính từ hai cuộc tảo hôn ấy, nhất là cuộc tảo hôn lần thứ hai giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng đã góp phần quyết định làm thay đổi hoàn toàn ngôi báu từ tay nhà Lý sang tay nhà Trần.
Trong bối cảnh đất nước Đại Việt của những năm tháng cuối triều Lý như đã trình bày trên đây, thì việc ông Trần Thủ Độ có kế hoạch từng bước chuẩn bị và cuối cùng đã thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi Vua cho Trần Cảnh, chồng mình là hợp lẽ. Làm một cuộc đảo chính thay đổi triều đại mà không xảy ra đổ máu và không đảo lộn tình hình trong nước, chứng tỏ ông Trần Thủ Độ là một nhà chính trị sáng suốt, khôn ngoan (“Các Triều đại Việt Nam” trang 91).
Sau khi lên ngôi Vua, Trần Thái Tông giao cho ông Trần Thủ Độ nắm giữ mọi quyền bính trong Triều. Trong một thời gian ngắn, Trần Thủ Độ đã thu phục được các thế lực đối địch, đồng thời nhanh chóng tiến hành một loạt các biện pháp nhằm củng cố vị thế của Họ Trần trên vũ đài chính trị, tổ chức lại bộ máy hành chính từ trung ương xuống đến cấp xã... Không những thế, khi đất nước Đại Việt gặp hoạ xâm lăng từ bên ngoài (Mông Cổ) vào và trong cơn thách thức quyết liệt này, dù là những năm tháng ấy, ông Trần Thủ Độ đã ngoài tuổi 60 nhưng cơ thể vẫn cường tráng, đầu óc vẫn minh mẫn, nhất là chí khí vẫn kiên cường... Ông là chỗ dựa của triều đình và của quân dân cả nước, Ông cũng luôn luôn tỏ ra là người xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao đó. Tiếng nói dày dặn kinh nghiệm của lão tướng Trần Thủ Độ là tiếng nói kết tinh khí phách quật cường của cả dân tộc. Ông là người vạch kế hoạch, đồng thời là người trực tiếp chỉ huy. Khi vạch kế hoạch, ông Trần Thủ Độ tỏ rõ là người dày mưu lược và khi chỉ huy chiến đấu Ông tỏ ra sắc sảo và kiên quyết lạ thường... (Trang 83 “Danh tướng Việt Nam” tập I).
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1258) Trần Thủ Độ đóng vai trò vô cùng quan trọng; Tháng Chạp năm Đinh Tỵ (tháng 01 năm 1258), lúc mà thế lực quân giặc xâm lược đang rất mạnh, ào ạt tiến quân vào đất nước ta, để bảo toàn lực lượng, Vua Trần Thái Tông đã cho lui quân từ Bình Lệ Nguyên (Vùng đất Phú Thọ - Yên Bái ngày nay) xuống sông Lô sau đó lui tiếp về Thăng Long, rồi tiếp xuôi theo dòng sông Hồng về phía Nam. Trong tình thế bức bách như vậy, trong hàng ngũ tướng sĩ không phải không có người nao núng giao động... Vua Trần Thái Tông bèn đi hỏi ý kiến Trần Thủ Độ và được ông Trần Thủ Độ trả lời:
“Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo” (“Đại Việt Sử ký Toàn Thư” bản kỷ, quyển 5, tờ 22-b, sách “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 82 trích dẫn)
Vào lúc tình hình gay go nhất của cuộc chiến đấu, câu trả lời đanh thép trên đây của Trần Thủ Độ đã củng cố và giữ vững tinh thần chiến đấu, quyết đánh và quyết thắng của quân dân Đại Việt. Ông thật sự trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến và là một trong những người lãnh đạo cuộc phản công quyết liệt đánh vào Đông Bộ Đầu (Dốc hàng Than đầu cầu Long Biên ngày nay). buộc quân giặc phải rút chạy về nước. Cũng như trong cuộc chiến đấu ở Bình Lệ Nguyên ngày 17-01-1258, Trần Thủ Độ là một lão tướng dày dặn kinh nghiệm, là người trực tiếp cầm quân, tả xung hữu đột nơi trận mạc bên cạnh Vua Trần Thái Tông. Ông thật sự xứng đáng là bậc đại diện tiêu biểu cho khí phách quật cường của dân tộc, là chỗ dựa tin cậy của triều đình và Xã tắc...(“Các Triều đại Việt Nam”, trang 93).

Trần Thủ Độ mất tháng giêng năm Giáp Tý (1264), thọ 70 tuổi.
ở buổi đầu thời đại nhà Trần, ông Trần Thủ Độ là người duy nhất được chính Vua Trần Thái Tông lập đền thờ Ông ngay khi Ông đang còn sống. Khi mất, Ông được triều đình truy tặng hàm “Thượng Phụ Thái Sư” tước “Trung Vũ Đại Vương”. Điều này thể hiện Vua Trần đánh giá rất cao tài năng và sự cống hiến của Ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. (trang 78 và trang 84 Sách “Danh tướng Việt Nam” tập I).

Cũng có một số sử sách trước đây chê trách, phê phán Trần Thủ Độ là:
Có công với nhà Trần, nhưng lại có tội với nhà Lý... Mọi người hãy suy nghĩ kỹ trên bình diện và bối cảnh lịch sử quốc gia Đại Việt trong những năm tháng cuối Triều đại nhà Lý: Vua Lý Huệ Tông suy đồi nghiêm trọng, các thế lực chống đối Triều đình nổi lên khắp nơi... Vua bất lực, lại nhường ngôi cho Công chúa khi nàng mới 6 tuổi. Trước tình hình như vậy, nếu Trần Thủ Độ không nhanh chóng và khôn khéo làm cuộc đảo chính chuyển quyền điều hành đất nước từ tay triều đình nhà Lý sang tay nhà Trần một cách hoà bình, không có đổ máu; và nếu Trần Thủ Độ không có những biện pháp kiên quyết và kịp thời để trấn áp mọi thế lực chống đối nhằm sớm ổn định tình hình đất nước, trong khi bọn phong kiến Mông Cổ đang sửa soạn binh đao nhằm đánh xuống Đông Nam Châu á... thì giang sơn xã tắc Đại Việt lúc bấy giờ sẽ ra sao?
Điều mà không ai có thể nói khác được, đó là Trần Thủ Độ đã thành công. Xưa cũng như nay, có người chê Trần Thủ Độ có học vấn thấp; đó là điều thật không công bằng. Thời ấy, người học đỗ đại khoa tuy nhiều, nhưng đủ năng lực và ý chí để làm được những việc lớn như Trần Thủ Độ đã làm, nào đã có mấy ai? (sách “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 78).
Nếu nói Trần Thủ Độ là người có chủ trương cho con em trong họ Trần lấy nhau. Hãy xem xét về xuất phát điểm, đây chỉ là chủ trương nhằm để đề phòng người khác họ, lợi dụng việc hôn nhân để cướp ngôi Vua. ở một chừng mực nào đó, sự cẩn trọng để giữ ngôi Vua là cần thiết; chỉ tiếc là Ông Trần thủ Độ và những người đương thời không thấy hết tác hại to lớn (về mặt đạo lý) của chủ trương này (trang 75 “Danh Tướng Việt Nam”). Một điều cần nói thêm là đến gần cuối triều đại nhà Trần, một số vị Vua không những kém tài, đức lại mất cảnh giác nên bị Hồ Quý Ly lợi dụng việc hôn nhân dẫn đến họ Hồ cướp ngôi của họ Trần! Nói lên điều đó để thấy rằng ông Trần Thủ Độ đã có tầm mắt nhìn và lo xa như thế nào?

Nhiều sử sách và báo chí xưa và nay có nhiều bài viết nói về Trần Thủ Độ:
“...Trần Thủ Độ, một danh thần có công hay có tội ?
- Danh thần Trần Thủ Độ, một Đại thần “Trung quân ái quốc”, ngoài ra Ông còn có những đức tính thật quý báu là lòng ngay thẳng, bao dung, chí công vô tư... từng được chứng tỏ:
* Một lần, bà Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Phu nhân của Ông, ngồi kiệu đi qua thành cấm, bị người lính gác cản lại. Phu nhân giận lắm, về khóc kể lại với chồng. Ông Trần Thủ Độ lập tức đòi ngay người lính đến hỏi. Người lính ấy lo sợ là mình sẽ bị chết; khi đến nơi liền bị Ông vặn hỏi ngay trước mặt bà Phu nhân, người lính thực tình trình bày trung thực. Trần Thủ Độ nghe xong liền nói: “Ngươi ở cấp thấp mà biết giữ được phép nước như thế, thật đáng khen... Nói xong, Ông bèn lấy vàng và lụa ban thưởng cho người lính và cho người ấy về. (“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” bản kỷ, quyển 5, tờ 28b do sách “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 77 trích dẫn).
* Một lần khác, Trần Thủ Độ xét tuyển người làm chức vụ nhà nước, Phu nhân hay chuyện bèn xin cho một người trong họ vào làm chức “Câu Đương” (một chức phục vụ trong làng). Trần Thủ Độ bằng lòng và cho gọi người đó đến bảo: “Ngươi nhờ Phu nhân ta xin hộ để được vào làm chức Câu đương. Không giống như những Câu đương khác, nên phải chặt một ngón chân của ngươi để người ta dễ phân biệt”. Người ấy hoảng sợ, lạy xin không dám nhận chức “Câu đương” nữa. Cũng từ đó, không ai dám vào nhờ cậy Phu nhân để mưu cầu lợi ích riêng tư nữa.
* Do công lao to lớn trong việc khởi dựng cơ nghiệp nhà Trần cũng như năng lực cống hiến của Ông đối với đất nước, Ông được Vua Trần tin cậy giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng. Nên có người thấy Ông có nhiều quyền hành, bèn ngầm vào tâu với Vua: “Bệ hạ còn trẻ mà Thái Sư quyền hành quá lớn, nếu Ông ấy có lòng nào thì biết tính làm sao?”. Vua nghe xong, lập tức đưa người ấy theo ngự giá tới phủ Trần Thủ Độ, kể lại câu chuyện của người vừa tâu bẩm. Nghe xong, Trần Thủ Độ thẳng thắn đáp: “Người này nói vậy là phải! Đây là một bề tôi trung! Kính xin Bệ hạ hãy ban thưởng để nêu gương tốt cho người đời làm theo. Thế mới biết một trăm người vâng dạ không bằng một người nói thẳng; Người này bạo dạng dám nói ra những điều mà người khác chỉ dám nghĩ”; và xin phép nhà Vua được lấy mấy tấm lụa và mấy quan tiền để thưởng cho viên quan nọ. Đồng thời xin nhà Vua được chia xẻ bớt quyền hành của mình cho người khác.
* Lại một lần khác, nhà Vua muốn cất nhắc người Anh của Trần Thủ Độ là Trần An Quốc giữ chức Tể Tướng. Trần Thủ Độ biết Anh mình không đủ tài năng để đảm đương nhiệm vụ mới đó, bèn can Vua: “An Quốc là Anh của Thần, nhưng Thần biết Anh không thể đảm đương nổi chức vụ đó. Kính xin Bệ hạ miễn cho An Quốc” Nhà Vua nghe vậy bèn thôi (“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” – bản kỷ, quyển 5, tờ 29a- Sách “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 76 trích dẫn).
* Việc Trần Thủ Độ nằng nặc đòi Vua Trần Thái Tông giết An Sinh Vương Trần Liễu để diệt hậu hoạ, nhưng lại trọng dụng tài năng và tin tưởng giao những trọng trách trong quân đội cho Trần Quốc Tuấn. Điều đó cho thấy Trần Thủ Độ không vì hiềm khích riêng mà hành xử vì lợi ích quốc gia. Có lẽ vì hiểu rỏ điều đó, nên Trần Quốc Tuấn đã không thù hận Trần Thủ Độ. Quả là, chỉ có Anh hùng mới hiểu được Anh hùng.
Một người có phẩm cách lớn như thế, thiết tưởng người đời sau nên noi gương để học tập thì có phải lợi ích hơn không? (Trích trong “Danh Tướng Việt Nam” tập 1 của nguyễn Khác Thuần – Nhà xuất bản giáo dục – 1998 - từ trang 75 đến trang 77 và báo Đà Nẵng cuối tuần số 120 ra ngày 17-08-1998 bài của Lê Văn Huân).

Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình

Các anh em, dâu rể:
   Trần Liễu
   Thúy Ba
   Trần Nhật Hiệu
   Trần Di Ái
   Ngoạn Thiên
   Thiên Thành
   Trần Bá Liệt
Con cái:
       Thái Tử Hoảng
       Trần Quang Khải
       Trần Ích Tắc
       Trần Nhật Duật
       Thiều Dương
       Thuỵ Bảo
       An Tư
       Trần Quốc Khang
Gia Phả; Trần Phước (陳 福 - 富霑)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.